Phát triển năng lượng hạt nhân là vấn đề được cả thế giới quan tâm. Dù vậy, làm thế nào để thu hút được người học lựa chọn theo đuổi ngành học liên quan đến lĩnh vực hạt nhân vẫn là bài toán khó.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Cao Đông Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân bày tỏ quan điểm, ngành Kỹ thuật hạt nhân Việt Nam chỉ “nóng” khi đang có dự án phát triển điện hạt nhân ở nước ta, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2011-2016, khi Nga và Nhật Bản đồng ý xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Ninh Thuận vào năm 2011. Nhưng vào tháng 11/2016, Quốc hội quyết định dừng thực hiện Nghị quyết số 41/2009/QH12 ngày 25 tháng 11 năm 2009 của Quốc hội khóa XII về chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
"Từ sau năm 2017, ngành Kỹ thuật hạt nhân không còn "nóng" nữa, thậm chí một số cơ sở đào tạo được phép đào tạo Kỹ thuật hạt nhân cũng đã phải dừng đào tạo ngành này hoặc ghép vào với các khoa, ngành khác; sinh viên được đào tạo trong nước và nước ngoài cũng phải chuyển sang công tác ở các ngành nghề khác, chỉ có một ít sinh viên là được vào làm việc trong ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam như: Viện Nghiên cứu hạt nhân ở Đà Lạt, Viện Khoa học Kỹ thuật hạt nhân Hà Nội, Viện Công nghệ xạ hiếm, Trung tâm Kỹ thuật hạt nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số đơn vị khác trong ngành, nhưng cũng không đáng kể.
Trong bối cảnh như thế đã dẫn tới lĩnh vực kỹ thuật hạt nhân không còn hấp dẫn với các em học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông. Chưa nói đến xu thế hiện nay, nhiều em học sinh giỏi lại không thích thi vào ngành khoa học cơ bản như kỹ thuật hạt nhân mà chọn thi vào các khối ngành liên quan đến kinh tế, công nghệ.
Hơn thế nữa, nhiều sinh viên còn cho rằng lĩnh vực hạt nhân có nhiều nguy hiểm, độc hại... Trong khi đó, những ngành liên quan đến kinh tế, kỹ thuật, công nghệ thông tin, dịch vụ có nhu cầu tuyển dụng lớn, môi trường làm việc thuận lợi, phù hợp với trình độ của nhiều đối tượng nên nhiều em đã đăng ký theo học", Tiến sĩ Cao Đông Vũ chia sẻ.
Tiến sĩ Cao Đông Vũ cũng cho rằng, đào tạo ngành học liên quan đến lĩnh vực hạt nhân đòi hỏi cao về cơ sở vật chất, đội ngũ. Để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị liên quan đến ngành Kỹ thuật hạt nhân thì cần nguồn vốn lớn hơn nhiều so với các ngành nghề khác. Đặc biệt ở Việt Nam lại chỉ có một lò phản ứng hạt nhân duy nhất thuộc Viện Nghiên cứu hạt nhân ở Đà Lạt. Về mặt địa lý, các trường đại học ở miền Bắc có khoảng cách khá xa với Viện Nghiên cứu hạt nhân dẫn đến những khó khăn nhất định trong công tác thực hành nghề nghiệp. Về phía Viện, Tiến sĩ Vũ khẳng định luôn sẵn sàng hỗ trợ cho sinh viên của các trường đại học đến đơn vị thực tập.
Tiến sĩ Vũ nhìn nhận thêm, hiện nay, giáo trình và bài giảng ở nhiều trường còn nặng về lý thuyết, chủ yếu dạy nguyên lý, cách giải quyết bài toán tổng quát, kỹ năng thực hành, năng lực ứng dụng còn rất hạn chế, đặc biệt là chưa được tiếp cận với công nghệ mới đang diễn ra ở các nước tiên tiến trên thế giới.
Chưa kể, quy mô đào tạo còn mang tính tràn lan, nặng về số lượng, chưa đáp ứng thực chất theo nhu cầu; mô hình đào tạo theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ của các đơn vị sử dụng lao động còn ít...dẫn đến tình trạng đầu ra đào tạo nguồn nhân lực thiếu cân đối với nhu cầu thực tế.
"Những nguyên nhân đó khiến công tác tuyển sinh ngành Kỹ thuật hạt nhân gặp khó khăn", Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân nhận định.
Theo Tiến sĩ Cao Đông Vũ, ngành Kỹ thuật hạt nhân có ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: Y học, sinh học, nông nghiệp, công nghiệp, môi trường... Do đó, để ngành khoa học cơ bản như Kỹ thuật hạt nhân thu hút nhiều người giỏi theo đuổi thì đầu tiên là phải làm tốt công tác hướng nghiệp; cần có sự vào cuộc của Nhà nước, có chính sách quan tâm, chế độ đãi ngộ hợp lý, bố trí tuyển dụng khi sinh viên ra trường, hoặc đào tạo theo các chương trình cử tuyển lúc đó mới có cơ hội để tuyển chọn người giỏi vào làm việc cho ngành này thuận lợi hơn.
Về cơ hội việc làm, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân, hiện nay, đa số các Viện, Trung tâm trong ngành năng lượng nguyên tử có tổng nhân lực khoảng gần 800 người. Con số này không nhiều so với các ngành khác, nhưng hàng năm vẫn có tuyển vào làm việc khoảng 50-60 người, vừa tạo cơ hội cho những nhân lực giỏi, trẻ đồng thời bù lấp vào các cán bộ nghỉ hưu theo chế độ.
"Đặc biệt, trong tương lai gần (trong khoảng 10 năm tới), một Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân với Lò phản ứng có công suất gấp hơn 20 lần Lò Phản ứng hạt nhân Đà Lạt được xây dựng ở Đồng Nai sẽ là nơi thu hút khá nhiều lực lượng sinh viên tốt nghiệp, cán bộ trẻ có trình độ vào làm việc tại đây (trước mắt là cho đi đào tạo ở nước ngoài - ước tính khoảng 300-400 người). Thế nên sẽ tạo cơ hội việc làm tốt cho sinh viên mới ra trường của các ngành khoa học cơ bản chủ yếu là vật lý, hoá học, đặc biệt là Kỹ thuật hạt nhân", Tiến sĩ Cao Đông Vũ nhấn mạnh.
Còn về yêu cầu đối với ứng viên muốn tham gia dự tuyển viên chức vào các vị trí việc làm của Viện Nghiên cứu hạt nhân, Tiến sĩ Cao Đông Vũ chia sẻ: Tùy thuộc vào yêu cầu của từng vị trí việc làm cụ thể mà Viện có nhu cầu tuyển dụng hàng năm. Những tiêu chí cơ bản có thể kể ra là: Tốt nghiệp đại học loại khá trở lên các chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng; có trình độ ngoại ngữ phù hợp (bậc 3/6 hoặc B1 khung Châu Âu trở lên); có sức khỏe, nhân thân tốt, có điều kiện, hoàn cảnh gia đình phù hợp để làm việc lâu dài tại Viện.
Đại biểu Quốc hội nêu đề xuất liên quan đến lĩnh vực hạt nhân
Cùng trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng, ngành hạt nhân nguyên tử của Việt Nam được hình thành từ Viện Nghiên cứu hạt nhân với lò phản ứng Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) từ năm 1976 và phát triển lớn mạnh, có sự đóng góp tích cực cho khoa học công nghệ và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh kiến nghị, Đảng, Quốc hội và Chính phủ có định hướng và chủ trương để phát triển một ngành hạt nhân nguyên tử mạnh góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, chúng ta cần có chính sách đặc thù để đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân, đặc biệt là đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành cho lĩnh vực hạt nhân.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh bày tỏ thêm: "Cần nghiên cứu xây dựng một trung tâm y học hạt nhân của khu vực Đông Nam Á sau khi có lò hạt phản ứng hạt nhân nghiên cứu mới. Theo thông tin của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, trong 11 quốc gia Đông Nam Á, có 5 quốc gia đứng đầu về sản xuất ứng dụng đồng vị phóng xạ trong chẩn đoán và điều trị ung thư là Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Thailand và Singapore, các quốc gia còn lại hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn dược chất phóng xạ nhập khẩu và kỹ thuật chữa trị. Trong đó, Việt Nam đứng đầu về trình độ và sản lượng sản xuất đồng vị phóng xạ, trong khi về mặt thiết bị, nước ta chỉ đứng thứ 3 (sau Thái Lan và Indonesia). Việc thành lập trung tâm y học hạt nhân của khu vực Đông Nam Á là có ý nghĩa và có tính khả thi cao.
Chúng ta cũng cần nghiên cứu phát triển máy gia tốc lớn tại phía Bắc để tập hợp đội ngũ các nhà khoa học của các viện nghiên cứu lớn như Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện Vật lý, các trường đại học, công ty lớn tại miền Bắc. Máy gia tốc có thể đặt tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, khi đó, phía Nam có lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu mới, phía Bắc có máy gia tốc lớn là cơ cấu tối ưu cho ngành hạt nhân của Việt Nam phát triển lên tầm cao mới".