Đại biểu Quốc hội trăn trở khi GV mới ra trường thu nhập chỉ 3 - 4 triệu/tháng

19/11/2022 06:30
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa mong các nhà giáo luôn tìm được niềm vui, hạnh phúc trên hành trình thực hiện “ước mơ xanh” trong sự nghiệp trồng người.

“Lương không đủ sống”, cùng hàng loạt áp lực từ điều kiện và môi trường làm việc, lại đứng trước nhiều yêu cầu đổi mới để đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đã khiến nhiều giáo viên nghỉ việc, các địa phương lâm vào cảnh khó càng thêm khó, “đỏ mắt” tìm giáo viên.

Để tìm ra những “chìa khóa” giúp đội ngũ cán bộ, giáo viên phát huy tốt nhất năng lực, phẩm chất, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới giáo dục, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi cùng Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội để lắng nghe những chia sẻ của bà về nội dung này.

Cần thống nhất cơ sở dữ liệu quốc gia về đội ngũ nhà giáo

Phóng viên: Thưa Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, trải qua hơn hai năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cũng là lúc ngành giáo dục bước qua những thách thức lớn của hai năm dịch bệnh COVID-19. Bà có thể chia sẻ về những ấn tượng của mình đối với kết quả và thách thức của ngành giáo dục trong bối cảnh này?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Tôi cho rằng, hai năm qua là khoảng thời gian đầy khó khăn, thách thức đối với tất cả các lĩnh vực, không chỉ riêng ngành giáo dục; có điều, tác động đối với ngành giáo dục bao giờ cũng ở diện rộng, không chỉ ở khoảng 20 triệu học sinh, sinh viên và hơn 1 triệu giáo viên, giảng viên, mà còn ảnh hưởng tới đông đảo phụ huynh, thậm chí tới mỗi gia đình.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. (Ảnh: Ngân Chi).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. (Ảnh: Ngân Chi).

Điều đáng trân trọng là ngành giáo dục đã vượt qua khó khăn, đạt được nhiều mục tiêu: Vừa giữ an toàn cho giáo viên và học sinh trong phòng chống dịch; vừa hoàn thành nhiệm vụ năm học theo đúng tiến độ, kế hoạch; đồng thời vừa bảo đảm chất lượng giáo dục.

Dường như đại dịch COVID-19 là một “phép thử”, buộc ngành giáo dục phải điều chỉnh chính mình: Đổi mới trong tư duy quản lý ngành và quản trị trường học; sáng tạo trong khả năng thích ứng hoàn cảnh, hạn chế rủi ro; linh hoạt trong hình thức, phương pháp dạy học; quyết liệt trong chuyển đổi số...

Ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, tôi cho rằng phải kể tới sự nỗ lực, tận tâm của các thầy, cô giáo. Cùng lúc phải thực hiện nhiều mục tiêu, vừa giữ an toàn cho trò, vừa bảo đảm chất lượng giáo dục, tôi được biết, các thầy cô phải cùng lúc duy trì nhiều hình thức dạy học, tương ứng là nhiều loại giáo án, nhiều kiểu bù đắp kiến thức cho trò... Tôi nghĩ, đó không chỉ là vấn đề thời gian, công sức, mà còn là tâm huyết, là trách nhiệm của nhà giáo, rất đáng ghi nhận, trân trọng.

Có nơi, trường học chưa có nước sinh hoạt, thầy trò phải cùng nhau đi xách nước sau mỗi buổi học. (Ảnh: Ngân Chi).

Có nơi, trường học chưa có nước sinh hoạt, thầy trò phải cùng nhau đi xách nước sau mỗi buổi học. (Ảnh: Ngân Chi).

Tuy nhiên, chất lượng giáo dục khó tránh khỏi hạn chế do các điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin, thiết bị, năng lực dạy học trực tuyến giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu; việc kéo dài hình thức dạy học trực tuyến đã tác động tiêu cực tới sức khỏe thể chất, tinh thần của cả người dạy, người học.

Không ít cơ sở giáo dục mầm non tư thục phải đóng cửa; một số thầy cô (kể cả khu vực công lập) đã rời ngành để mưu sinh trong bối cảnh giáo viên nhiều địa phương luôn trong tình trạng thiếu, khó có nguồn tuyển... Đây là những trăn trở, băn khoăn, cần có lời giải.

Phóng viên:Trước những bất cập trong quản lý, sử dụng giáo viên thời gian qua, đặc biệt là “bài toán” thừa - thiếu giáo viên đang làm khó các địa phương, ở góc độ chính sách, theo bà, cần có những giải pháp như thế nào để khắc phục tình trạng trên?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Đầu năm 2022, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về“Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông”, đồng thời, cũng tiến hành nhiều hoạt động giám sát, khảo sát ở các địa phương.

Vấn đề giải quyết câu chuyện thừa - thiếu giáo viên quả thực là bài toán khó, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng và các địa phương.

Về giải pháp, tôi cho rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo việc xác định biên chế nhà giáo bảo đảm phù hợp với địa bàn, vùng miền cũng như xu thế tăng, giảm dân số cơ học tại một số địa phương, khu vực.

Giáo viên dạy lớp ghép tại điểm trường Nậm Hà - Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Toong số 1 (Điện Biên). (Ảnh: Ngân Chi).

Giáo viên dạy lớp ghép tại điểm trường Nậm Hà - Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Toong số 1 (Điện Biên). (Ảnh: Ngân Chi).

Khẩn trương hoàn thiện chính sách tiền lương, thực hiện tinh giản biên chế gắn với cải cách tiền lương đối với đội ngũ giáo viên công lập, quan tâm chính sách đối với giáo viên tư thục; có cơ chế tuyển dụng phù hợp, khuyến khích người giỏi vào ngành giáo dục, thu hút giáo viên về công tác tại các địa phương vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới.

Đặc biệt, về lâu dài, cần thống nhất cơ sở dữ liệu quốc gia về đội ngũ nhà giáo làm cơ sở hoạch định chính sách, xây dựng mục tiêu, chiến lược phát triển đội ngũ, từng bước giải quyết tình trạng thừa - thiếu giáo viên, bảo đảm đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và có chất lượng tốt.

Băn khoăn giáo viên mới ra trường thu nhập chỉ 3 - 4 triệu đồng

Phóng viên:Thời gian qua, nhiều địa phương gặp tình trạng giáo viên nghỉ việc với lý do đưa ra là “lương không đủ sống”, chưa kể thầy cô phải “gồng gánh” quá nhiều áp lực. Bà có ý kiến gì về nguyên nhân giáo viên bỏ việc? Ở góc độ chính sách, theo bà cần có những giải pháp như thế nào?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Câu chuyện giáo viên bỏ nghề không phải vấn đề mới, và tình trạng xin nghỉ việc cũng không phải vấn đề chỉ xảy ra ở giáo viên, mà còn có cả nhân viên y tế, cán bộ công chức, viên chức... Chỉ có điều, trong giai đoạn “hậu COVID-19” này, tỉ lệ nhân lực dịch chuyển ra khỏi khu vực công có phần gia tăng, trong đó, đa số là giáo viên và bác sỹ; điều này đang dấy lên mối băn khoăn cho xã hội, nhất là khi nhiều địa phương đang trong tình trạng thiếu giáo viên và thiếu nguồn tuyển giáo viên để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Xét về nguyên nhân, có thể các thầy cô nghỉ việc xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, nhưng tôi cho rằng, chủ yếu vẫn là câu chuyện tiền lương và môi trường, điều kiện làm việc.

Ủy ban Văn hoá, Giáo dục hiện đang tiến hành giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Chúng tôi thực sự băn khoăn khi giáo viên mới ra trường thu nhập chỉ khoảng 3 đến 4 triệu đồng, và người có thâm niên công tác lâu nhất ở trường cũng chỉ hơn 9,5 triệu đồng và hầu như không có nguồn thu tăng thêm, không có tiền thưởng dịp lễ, Tết. Trong khi, lương công nhân, người lao động chân tay trên cùng địa bàn vào khoảng trên dưới 10 triệu đồng, có vị trí lên tới 15 triệu đồng, thậm chí trên dưới 20 triệu đồng.

“Xét về nguyên nhân, có thể các thầy cô nghỉ việc xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, nhưng tôi cho rằng, chủ yếu vẫn là câu chuyện tiền lương và môi trường, điều kiện làm việc” - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết. (Ảnh minh họa: Ngân Chi).

“Xét về nguyên nhân, có thể các thầy cô nghỉ việc xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, nhưng tôi cho rằng, chủ yếu vẫn là câu chuyện tiền lương và môi trường, điều kiện làm việc” - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết. (Ảnh minh họa: Ngân Chi).

Mọi sự so sánh là khập khiễng, nhưng thực tế đang diễn ra là một bộ phận giáo viên mầm non tạm nghỉ dạy, chuyển sang làm công việc lao động khác, đã không quay trở lại nghề.

Cùng với đó là câu chuyện điều kiện và môi trường làm việc: Giáo viên mầm non thì thời gian làm việc căng thẳng, rủi ro nghề nghiệp nhiều. Giáo viên phổ thông thì đối diện với đủ các loại áp lực: Yêu cầu đổi mới chương trình và sách giáo khoa; việc ứng dụng công nghệ số; vấn đề duy trì sĩ số, chỉ tiêu học sinh giỏi và các cuộc thi, hội thi; các quy định về bằng cấp, chứng chỉ, giáo án và hệ thống hồ sơ sổ sách; kỳ vọng và sự can thiệp thái quá của phụ huynh; sự bất lực của nhà giáo trong xử lý học sinh “cá biệt” khi thiếu các công cụ kỷ luật trong nhà trường; câu chuyện “lạm thu” và việc các thầy cô “thu tiền giúp Hội phụ huynh” làm tổn thương tới hình ảnh, danh dự nhà giáo…

Môi trường và điều kiện làm việc đầy áp lực như vậy, rất khó để nhà giáo có thể toàn tâm, toàn ý gắn bó với nghề.

Về giải pháp từ góc độ chính sách, điều cần làm ngay chính là tập trung cải cách tiền lương có tính đến yếu tố đặc thù nghề giáo để bảo đảm nhà giáo có nguồn thu nhập ổn định.

Cùng với đó, cần mạnh dạn rà soát, loại bỏ bớt các thủ tục, quy định đang cản trở sự sáng tạo của nhà giáo; trao quyền tự chủ cho nhà giáo để nhà giáo chủ động trong việc tổ chức hoạt động dạy học của mình. Và hơn hết, cần tôn vinh nghề giáo, nâng cao vị thế xã hội của nhà giáo và nghề dạy học như một nghề cao quý nhất trong xã hội; tạo động lực để thầy cô giáo chuyên tâm với nghề dạy học.

Phóng viên: Được biết, trước đây, bà từng là nhà giáo. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, bà có điều gì muốn nhắn nhủ đến đội ngũ nhà giáo?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Từng là nhà giáo, tôi xin được chia sẻ với các đồng nghiệp của mình về muôn vàn khó khăn mà các nhà giáo đã, đang và sẽ phải vượt qua; bởi nghề giáo cao cả và vinh quang, vì thế mà cũng đầy gian nan, thử thách.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa mong các nhà giáo luôn tìm được niềm vui và hạnh phúc trên hành trình thực hiện “ước mơ xanh” trong sự nghiệp trồng người. (Ảnh minh họa: Ngân Chi).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa mong các nhà giáo luôn tìm được niềm vui và hạnh phúc trên hành trình thực hiện “ước mơ xanh” trong sự nghiệp trồng người. (Ảnh minh họa: Ngân Chi).

Từng là học sinh, là phụ huynh, tôi xin được trân trọng gửi lời tri ân tới bao thế hệ thầy cô giáo vì tất cả những công lao to lớn mà các thầy cô đã thầm lặng hiến dâng cho cuộc đời này.

Và nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, xin được chúc các Nhà Giáo luôn tìm được niềm vui và hạnh phúc trên hành trình thực hiện “ước mơ xanh” trong sự nghiệp trồng người!

Phóng viên:Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Ngân Chi