Ngày 27/3, tại Đại học Đà Nẵng, Học viện Drone miền Trung đã tổ chức hội thảo: “ứng dụng máy bay không người lái trong chuyển đổi số và lễ ra mắt Học viện Drone Miền Trung”.
Đại học Học viện Drone miền Trung giới thiệu về các thiết bị bay không người lái. Ảnh: AN |
Học viện Drone miền Trung ra đời là kết quả của sự hợp tác giữa Trung tâm phát triển phần mềm Đại học Đà Nẵng (SDC) và AGS Technologies (trực thuộc Công ty cổ phần Sao Tháng Tám Việt Nam).
Đây là một sự kiện mang tính đột phá trong khoa học - công nghệ - kỹ thuật tại Việt Nam nói chung, và khu vực miền Trung nói riêng, mở đường tiên phong trong việc đào tạo đội ngũ nhân lực ứng dụng máy bay không người lái trong chuyển đổi số.
Tiến sĩ Trịnh Công Duy – Giám đốc Trung tâm phát triển phần mềm Đại học Đà Nẵng (SDC) cho biết, đây là học viện giáo dục và đào tạo nguồn lực ứng dụng máy bay không người lái đầu tiên tại miền Trung trong thời kỳ chuyển đổi số.
Đây cũng là học viện đầu tiên tại Việt Nam đào tạo ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR - VR360.
“Học viện Drone miền Trung là bước khởi đầu cho việc ứng dụng rộng rãi máy bay không người lái trong nhiều lĩnh vực.
Không chỉ dừng lại ở việc ghi lại hình ảnh, video ở những nơi cách xa đến hàng chục kilomet, máy bay không người lái và các ứng dụng liên quan còn được dùng trong các hoạt động như:
Kiểm tra hệ thống lưới điện, pin mặt trời, giám sát hoạt động của các công trình xây dựng lớn, cứu trợ - cứu nạn, lập bản đồ…”.
Theo các chuyên gia, việc ứng dụng những tiến bộ của Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật đã giúp tất cả mọi người nâng cao hiệu quả và chất lượng công việc, bên cạnh đó, cũng giảm thiểu các nguy cơ, rủi ro trong quá trình lao động.
“Thiên tai, bão lũ thường xuyên xảy ra tại khu vực miền Trung, gây thiệt hại nặng nề cả về người và của.
Năm 2020 được xem là năm đặc biệt thách thức với đồng bào miền Trung khi đồng thời phải chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và thiên tai liên tiếp.
Trong tình hình đó, các cơ quan, đơn vị cả nước đã hỗ trợ các thiết bị máy bay không người lái để giúp chính quyền tại địa phương tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Tuy nhiên, thời gian di chuyển và mang các thiết bị bay từ Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh về với miền Trung lại rất lâu, cho nên việc cứu hộ, cứu nạn phần nào bị chậm trễ.
Trước tình hình đó, việc hình thành đội ngũ cơ động, sử dụng thành thạo máy bay không người lái ngay tại miền Trung chính là giải pháp tối ưu và được tán thành nhất”, đại diện học viện Dorone miền Trung chia sẻ.
Về hướng phát triển thì học viện này sẽ là đơn vị chuyên phát triển, cung cấp các chương trình giáo dục về máy bay không người lái ứng dụng vào thực tiễn dành cho các cá nhân và doanh nghiệp trên khắp mọi miền đất nước.