Việt Nam phấn đấu thành một trong quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số giáo dục

10/12/2020 06:02
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một nhiệm vụ ngành giáo dục rất quan tâm là làm sao tạo ra những công dân Việt Nam có kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số để trở thành những công dân toàn cầu.

Ngày 9/12, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì hội thảo “Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo”.

Tham dự Hội thảo có bà Rana Flowers – Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam; ông Michael Croft – Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội, đại diện UNESCO Việt Nam; ông Dilip Parajuli – chuyên gia kinh tế giáo dục cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Cùng với đó là đại diện lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội, các đại học vùng và một số trường đào tạo công nghệ thông tin và truyền thông; đại diện một số Sở Giáo dục và Đào tạo; đại diện các tập đoàn doanh nghiệp: Viettel, VNPT, FPT, AIC, MISA, Microsoft Việt Nam và các chuyên gia có uy tín về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra trên toàn thế giới với những đột phá về công nghệ sẽ làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất và kinh doanh, kéo theo hàng loạt những thay đổi về mô hình tổ chức, quản lý và dịch vụ, cơ cấu ngành nghề lao động.

Cũng theo tư lệnh ngành giáo dục, trong tất cả chủ trương, văn bản của Đảng, Chính phủ đã nêu đều rất nhấn manh đến vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong thời đại mới.

Năm 2019, Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, trong đó giáo dục là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên triển khai.

Với quy mô hơn 53.000 cơ sở Giáo dục và Đào tạo, 24 triệu học sinh sinh viên và 1,4 triệu giáo viên, ngành Giáo dục và Đào tạo xác định Chuyển đổi số có vai trò rất quan trọng để triển khai đổi mới căn bản toàn diện Giáo dục và Đào tạo, nâng cao hiệu lực hiệu quả các hoạt động giáo và nâng cao chất lượng giáo dục; thực hiện tốt chuyển đổi số ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ góp phần triển khai thành công Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, đóng góp cho nền kinh tế số, xã hội số và hình thành quốc gia số, đây là cơ hội để Việt nam có thể đuổi kịp, thu hẹp khoảng cách với những nước phát triển trên thế giới.

Một nhiệm vụ ngành giáo dục rất quan tâm là làm sao tạo ra những công dân Việt Nam có kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số để trở thành những công dân toàn cầu.

Chính vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thống nhất rất cao với Bộ Thông tin và truyền thông và các Bộ ngành liên quan cũng như các tập đoàn công nghệ lời cam kết quan trọng để đảm bảo mục tiêu của ngành giáo dục là cố gắng phấn đấu để Việt Nam sẽ trở thành một trong quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong Giáo dục và Đào tạo.

“Chúng ta làm tốt nhiệm vụ này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo mà quan trọng hơn là góp phần nâng cao năng suất lao động; tạo cơ hội lớn để hội nhâp quốc tế. Đây là nhiệm vụ được Bộ Giáo dục và Đào tạo coi là đột phá trong những năm tới đây”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, không phải bây giờ mới ban hành nhiệm vụ này mà trước đó ngành giáo dục đã cùng ngành thông tin và truyền thông và các tập đoàn công nghệ thực hiện chuyển đổi số rất tích cực trong nhiều lĩnh vực khác nhau và đạt những kết quả tích cực.

“Dịch Covid-19 tạo áp lực nhưng cũng đồng thời tạo động lực để chuyển đổi số trở nên mạnh mẽ hơn, tạo cơ hội và động lực để giáo viên, học sinh thích ứng, áp dụng phương thức dạy học trực tuyến. Kết quả của việc dạy học trực tuyến trong dịp Covid-19 được đánh giá tốt. Tuy nhiên chúng ta cần tổ chức lại, làm bài bản để hiệu quả cao hơn”, người đứng đầu ngành giáo dục nói.

Do đó, trước hết là phải có nền tảng công nghệ quốc gia thống nhất để các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, các giáo viên, học sinh… đều tham gia nền tảng thống nhất đó để hoạt động được nhanh, hiệu quả. Trên cơ sở nền tảng thống nhất đó, ngành giáo dục rất cần cơ sở dữ liệu.

Vừa qua ngành giáo dục đã xây dựng được cơ sở dữ liệu mã số định danh tất cả cơ sở giáo dục, học sinh, sinh viên… đây có thể coi là bước tiến, nhưng cơ sở dữ liệu này vẫn cần được xây dựng trên nền tảng công nghệ chung của quốc gia để hiệu quả tăng cao.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ký kết hợp tác triển khai chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo (ảnh: Bộ giáo dục và đào tạo)

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ký kết hợp tác triển khai chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo (ảnh: Bộ giáo dục và đào tạo)

Theo Bộ trưởng Nhạ, việc xây dựng tài nguyên số, học thuật số cũng cần thực hiện trên nền tảng công nghệ thống nhất thì công cuộc học tập nghiên cứu, giảng dạy và chia sẻ tri thức, đặc biệt là học tập từ xa, học tập suốt đời mọi người sẽ hiệu quả thiết thực, mang lại giá trị gia tăng lớn.

Để thực hiện các nhiệm vụ để thực hiện chuyển đổi số, tư lệnh ngành Giáo dục đào tạo khẳng định, ngành rất ý thức việc phải xây dựng một đội ngũ nhân lực để thực hiện chuyển đổi số trực tiếp và gián tiếp.

“Các trường đại học rà soát để mở mã ngành chưa có trong truyền thống, để phục vụ ứng dụng tiến bộ công nghệ thông tin, đào tạo ra các kỹ sư chuyên nghiệp trong lĩnh vực này. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm với một số đại học Việt Nam và nước ngoài để phát triển đội ngũ này...

Mục tiêu của ngành Giáo dục và Đào tạo là cố gắng phấn đấu để trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong Giáo dục và Đào tạo, qua đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

Ký kết hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các tập đoàn Viettel, VNPT, FPT, AIC, MISA, Microsoft Việt Nam và với Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa (ảnh: Bộ giáo dục và đào tạo)

Ký kết hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các tập đoàn Viettel, VNPT, FPT, AIC, MISA, Microsoft Việt Nam và với Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa (ảnh: Bộ giáo dục và đào tạo)

Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cam kết đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong hành trình đầy thách thức và vinh quang bởi vì chuyển đổi số, đầu tiên là nhắm vào giới trẻ để từ đó thúc đẩy toàn xã hội.

Thông tin về công cuộc chuyển đổi số của ngành Giáo dục, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ, từ một số ít trường năm 2007, đến nay hầu hết các trường đại học đã triển khai đào tạo tín chỉ. Hàng chục ngàn sinh viên, hàng ngàn lớp học và mỗi sinh viên một kế hoạch học tập, thời khóa biểu, một lịch thi…

Việc đăng ký học tập, xem xét kết quả học tập, đăng ký tốt nghiệp, đóng học phí… nay chỉ cần qua một thiết bị di động. Ngay như thời điểm dịch Covid-19, với phương châm “tạm dừng đến trường, không ngừng học” đã có 80% trường phổ thông, 240 cơ sở đào tạo tổ chức dạy học – trực tuyến; trong đó có 79 cơ sở tổ chức quản lý dạy - học hoàn toàn qua mạng. Ngành giáo dục đã hoàn thành nhiệm vụ năm học 2019 – 2020 và đảm bảo sức khỏe cho học sinh, giáo viên trước đại dịch Covid-19.

Cục trưởng Cục công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trao giấy giấy xác nhận đáp ứng quy định kỹ thuật về dữ liệu và kết nối với cơ sở dữ liệu ngành giáo dục cho một số tập đoàn, công ty như Viettel, VNPT, Công ty phần mềm Quảng Ích... (ảnh: Thùy Linh)

Cục trưởng Cục công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trao giấy giấy xác nhận đáp ứng quy định kỹ thuật về dữ liệu và kết nối với cơ sở dữ liệu ngành giáo dục cho một số tập đoàn, công ty như Viettel, VNPT, Công ty phần mềm Quảng Ích... (ảnh: Thùy Linh)

Đặc biệt, thời gian qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hợp tác với Đề án Tri thức Việt số hóa xây dựng và phát triển kho học hiệu số dùng chung (bao gồm cả học liệu mở) gồm: Bài giảng e-learning (gần 5.000 bài giảng), bài giảng dạy trên truyền hình (hơn 2,000 video bài giảng), 200 thí nghiệm ảo, 35,000 câu hỏi trắc nghiệm, gần 200 đầu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông, đề án tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng; trên 7.500 luận án tiến sĩ.

Trong khuôn khổ Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ký kết hợp tác triển khai chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; ký kết hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với một số tập đoàn, doanh nghiệp và với Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa.

Tại Hội thảo cũng diễn ra lễ trao giấy xác nhận đáp ứng quy định kỹ thuật về dữ liệu và kết nối với cơ sở dữ liệu ngành giáo dục theo Quyết định số 1904/QĐ-BGDĐT ngày 4/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thùy Linh