Thuở xưa, khi loài người xuất hiện thì đồng thời giáo dục cũng xuất hiện. Và giáo dục đã đi suốt với chiều dài lịch sử nhân loại, góp phần quan trọng nhất để cho loài người được như hôm nay.
Thuở xa xưa ban đầu ấy, giáo dục có trước nhà nước và nhà thờ, nó là của cộng đồng, của thế hệ trước truyền dạy lại cho thế hệ sau, hoàn toàn tự chủ, để tạo ra những con người nhờ sự hiểu biết mà trở nên tự do hơn (tương đối) trước tự nhiên và xã hội.
Đến khi nhà thờ và nhà nước xuất hiện, xét thấy giáo dục vô cùng quan trọng, nhà nước và nhà thờ không thể đứng ngoài. Mặt khác, nhà thờ cũng cần truyền đạo, còn nhà nước thì cần đào tạo công chức.
Từ đó, nhà nước đã giúp đỡ, tạo điều kiện và trực tiếp tham gia đầu tư cho phát triển giáo dục. Điều đó tốt cho xã hội. Nhà thờ, các tổ chức xã hội và tư nhân cũng đầu tư và làm chủ sở hữu cơ sở giáo dục.
Đồng thời với quá trình đó, các cơ quan nhà nước, nhà thờ và các chủ sở hữu lại làm quá giới hạn cần thiết, thực hiện áp đặt, muốn giáo dục tạo ra những con người theo ý muốn chủ quan của mình và thi hành sự quản trị theo những mô hình cứng.
Tình trạng đó thường là không tốt vì các cơ quan hành chính và chủ sở hữu ấy không có chuyên môn sâu về đào tạo như nhà trường.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam |
Sự áp đặt từ bên ngoài làm cho nhà trường trở nên thụ động, không có sáng tạo để nâng cao chất lượng. Từ đó đặt ra vấn đề thế tục hóa nhà trường và thực hiện tự chủ, trước nhất là ở đại học - học theo kiểu người lớn.
Tại Việt Nam cho đến nay, Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã có chủ trương khá mạnh mẽ về thực hiện tự chủ đại học. Đó là chủ trương cần thiết và đúng đắn.
Tuy nhiên, việc thực hiện tự chủ đại học chỉ mới bắt đầu, còn rất nhiều vấn đề vướng mắc cần phải tháo gỡ.
Để giải quyết đúng vấn đề tự chủ đại học phải bắt đầu từ tư duy. Tư duy không đúng sẽ thực hiện không đúng. Tự chủ không có mục đích tự thân, không phải để mà tự chủ. Tư duy về tự chủ là tư duy phát triển. Cho phát triển. Để phát triển. Vì sự phát triển.
Mục đích của tự chủ đại học
Có tự chủ, độc lập về tư duy mới có phản biện khoa học. Có phản biện khoa học mới có con đường tiếp cận chân lý khách quan. Tự chủ sẽ phát triển tư duy độc lập và nâng cao trách nhiệm, do đó mà trưởng thành.
Theo nghĩa đó, tự chủ-bản thân nó đã mang ý nghĩa giáo dục và văn hóa, vì nó thúc đẩy phát triển tư duy và hình thành nhân cách. Mục đích của tự chủ là để trưởng thành và có chất lượng cao hơn. Trưởng thành đối với nhà trường và thầy giáo.
Chất lượng cao đối với học sinh - sản phẩm của giáo dục đào tạo. Nếu trong một xã hội mà nhiều người không có tư duy độc lập ghép lại với nhau thì thành cả một cộng đồng thụ động, lệ thuộc, mất tự chủ, mất nguồn lực nội sinh.
Rời khỏi mục đích phát triển hoặc gây cản trở cho mục đích đó thì tự chủ ấy sẽ là vô nghĩa. Nên nhớ, tự chủ cũng có hai mặt. Mặt tích cực là chủ yếu. Nhưng mặt tiêu cực cũng không nhỏ và thường song hành không thể chủ quan.
Những trở lực trong quá trình giải quyết vấn đề tự chủ là gì? Nếu nói tự chủ là thay đổi phương thức quản lý thì cũng đúng. Nhưng nói gì thì nói, giải quyết vấn đề tự chủ thực chất cũng là phân chia quyền lực.
Cơ chế tự chủ đã giúp Trường Đại học Tôn Đức Thắng bứt phá ngoạn mục, đang trên đà phát triển thành một đại học tinh hoa |
Cấp trên và chủ quản thường không muốn giải quyết cho cấp dưới tự chủ nhiều là vì không muốn giảm quyền hành trực tiếp của mình và sợ khó kiểm soát.
Cấp dưới thường muốn cấp trên giao quyền nhiều nhất là vì muốn có nhiều quyền hơn. Con người luôn có tâm lý muốn có nhiều quyền lực, kể cả chưa cần biết và chưa cần nghĩ kỹ rằng có quyền lực để làm gì và sử dụng nó như thế nào.
Vậy là vấn đề phân cấp và tự chủ có liên quan đến chuyện quyền lực, mà việc mong muốn sở hữu nhiều quyền lực cũng là chuyện có tính chất bản năng của con người.
Chính vì vậy, để giải quyết tốt vấn đề tự chủ thì cần phải có đồng thời 4 điều kiện:
- Thứ 1, cấp trên đủ độ chín về tư duy, văn hóa, nhân cách, biết chăm lo cho sự trưởng thành của con người hơn là có quyền lực của bản thân mình.
- Thứ 2, cấp dưới đủ phẩm chất và trách nhiệm, với động cơ trong sáng vì sự nghiệp vinh quang là phát triển con người, không có ý định lợi dụng việc phân cấp để tìm kiếm lợi ích cá nhân.
- Thứ 3, xã hội đủ nhận thức để tác động bằng dư luận, phê phán các cách làm bảo thủ không chịu phân cấp, không cho tự chủ, hoặc lợi dụng tự chủ để trục lợi.
- Thứ 4, có cơ chế kiểm soát quyền lực tại chỗ và minh bạch thông tin, thực hiện trách nhiệm giải trình.
Trở lại vấn đề tự chủ là gì? Tự chủ là nhà trường tự mình làm chủ mọi công việc, là chủ thể cao nhất của các hoạt động đào tạo, tự mình quyết định các công việc mà không phải chờ đợi xin ý kiến của cấp trên, đồng thời chịu trách nhiệm cao trước người học, phụ huynh và xã hội về các quyết định của mình.
Nhà trường tự cân đối nguồn lực về con người, tài chính và vật chất để thực hiện. Trong tự chủ về chương trình thường gắn một phần với tự do học thuật.
Tự chủ đại học gắn liền với hội nhập quốc tế là những gì đã và đang diễn ra mạnh mẽ tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng |
Tại sao đại học phải có tự chủ và ý nghĩa của vấn đề này?
Các nước có nền giáo dục đại học tiên tiến luôn quan tâm đến việc tự chủ đại học và tự do học thuật, coi đó là việc đương nhiên, tạo điều kiện cho người học thành người độc lập tự chủ về tư duy và trong công việc, đó là những con người tự do trong nhận thức và tự lựa chọn các khả năng để sống, làm việc, ứng xử.
Tự chủ là biểu hiện của sự trưởng thành. Đại học là đào tạo bước tiếp theo đối với những con người đã bắt đầu trưởng thành, đã biết “tự mình”. Nhà trường không thể tạo ra những con người tự chủ khi bản thân nhà trường không được tự chủ trong công việc.
Cơ sở đào tạo ở đây là một trung tâm trí thức bậc cao. Tại đó có một tập thể thầy giáo và các nhà khoa học. Lao động của họ là lao động sáng tạo, vừa là khoa học vừa là nghệ thuật.
Nếu họ không được tự chủ còn cơ quan áp đặt cho họ lại không có trình độ chuyên môn bằng họ thì sẽ hỏng việc và hạn chế năng lực sáng tạo của cơ sở.
Những người thầy tham gia trực tiếp tạo ra sản phẩm là con người, mà phải là con người tự chủ và sáng tạo, vậy mà người thầy lại không được chủ động và sáng tạo thì làm sao tạo được sản phẩm tốt.
Nếu không được tự chủ thì áp đặt cho cơ sở đào tạo sẽ là ai? Một cơ quan không phải sự nghiệp giáo dục mà là hành chính hoặc tổ chức xã hội nào đó. Hành chính và đoàn thể tuy cũng rất quan trọng nhưng sẽ tạo ra thứ khác chứ không phải làm chức năng của giáo dục đào tạo.
Không được hoặc không biết tự chủ thì đó là hệ thống đại học chưa trưởng thành, là “phổ thông cấp 4”, thực chất chưa phải là đại học và do vậy trong cộng đồng xã hội cũng sẽ không có sản phẩm ra trường tương xứng với trình độ đại học, chất lượng nguồn nhân lực giảm sút.
Chuẩn đầu ra của sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng luôn bám sát các yêu cầu, đòi hỏi của nhà sử dụng lao động |
Tự chủ cái gì và như thế nào?
Thường thì người ta hay nói tự chủ về chương trình đào tạo, nhân sự và tài chính. Nói vậy không sai nhưng chưa đủ. Thực ra là tự chủ tất cả, chẳng có cái gì là không được tự chủ, trong đó có tự chủ về quản trị nữa.
Nhưng mặt khác, đồng thời phải hiểu tự chủ là một quá trình và không có tự chủ tuyệt đối, mà phải tuân theo các quy định của pháp luật, vì nhà trường là bộ phận hợp thành của xã hội, mà xã hội thì phải có những quy tắc ứng xử chung và tinh thần thượng tôn pháp luật.
Nếu pháp luật không đủ mở thì làm sao có tự chủ của đại học? Đúng vậy, nếu pháp luật không mở thì không thể có tự chủ và đó là pháp luật kìm hãm sự phát triển, cần phải có kiến nghị sửa đổi để bảo đảm cho tự chủ đại học.
Ai tự chủ hoặc nói cách khác là giao quyền tự chủ cho ai? Nhà trường đương nhiên là chủ thể tự chủ. Nói nhà trường ở đây được hiểu là Tập thể Hội đồng trường và cá nhân hiệu trưởng.
Cái gì Hội đồng trường quyết định còn cái gì hiệu trưởng quyết định là do Hội đồng trường quy định.
Khi Đại học Hải Phòng tự chủ, Nhà nước có cấp kinh phí cho trường thực hành? |
Hiệu phó quyết định công việc gì là theo ủy quyền của hiệu trưởng và chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng và trước pháp luật, còn hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm với hội đồng trường về các quyết định của mình và kể cả đối với các quyết định của hiệu phó.
Tự chủ ở trường công và trường tư có gì khác nhau? Hiện tại thì còn khác nhau nhiều. Nhưng tốt nhất là không nên khác nhau mà cần phải giống nhau để có một sân chơi chung bình đẳng.
Giống nhau trong tự chủ về chương trình và nhân sự thì có thể được, nhưng làm sao để có thể giống nhau về cơ chế tài chính giữa hai loại trường này?
Hoàn toàn có thể có cách giải quyết để 2 loại trường này bình đẳng với nhau kể cả về cơ chế tài chính. Đó là:
- Ngân sách nhà nước tiến dần tới không cấp phát tiền chi thường xuyên cho các trường công lập nữa mà cấp phát tiền hỗ trợ cho người học để họ nộp học phí vào trường công hoặc trường tư là nơi họ đang học.
- Tiền thuê đất thì thực hiện miễn giảm và tiền đầu tư hạ tầng thì cho các trường vay với lãi suất ưu đãi không phân biệt trường công hay trường tư (chỉ có sự khác nhau giữa trường không vì lợi nhuận và trường có phân chia lợi nhuận).
- Đối với các trường công trước đây đã được nhà nước đầu tư thì nay các trường ấy cần trích nộp khấu hao về cho quỹ đầu tư giáo dục của nhà nước. Thực hiện các nội dung đó thì tự nhiên sẽ tạo ra một cơ chế bình đẳng giữa trường công và trường tư không vì lợi nhuận.
Hiện nay ở khu vực đại học không ít trường công (nhất là các trường thuộc các tỉnh) gặp nhiều khó khăn, tuyển được quá ít sinh viên, chỉ đạt khoảng 20-30%, không đủ điều kiện để tồn tại lâu dài nếu không thay đổi, chủ yếu là do chất lượng đào tạo yếu, chưa có thương hiệu, thiếu quyền tự chủ của cơ sở đào tạo và trách nhiệm không thật rõ ràng giữa tỉnh và bộ. Nếu tiếp tục như hiện nay thì rất khó vượt qua các khó khăn, không có lối ra.
Trường Đại học Tôn Đức Thắng |
Để tạo ra một mô hình mới và để khắc phục các khó khăn hiện tại, có đề xuất là, trên nguyên tắc bảo vệ và duy trì sở hữu nhà nước về tài sản-cơ sở vật chất hạ tầng, chuyển các trường này sang cách quản trị phát triển theo mô hình trường tư không vì lợi nhuận.
Nói cách khác là giữ sở hữu công về cơ sở vật chất đã có và thực hiện quản trị tư về hoạt động đào tạo theo nguyên tắc không vì lợi nhuận.
Tôi nghĩ nên làm theo cách ấy, còn chờ các cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương.
Trong tự chủ về chương trình điều gì đáng lưu ý?
Đối với các môn chính trị thì nên tùy theo ngành nghề mà để cho nhà trường quyết định học cái gì với số lượng tín chỉ bao nhiêu cho phù hợp, cấp trên không nên quy định cứng nhắc bắt buộc phải thế này hay thế kia.
Đồng thời tạo điều kiện cho học sinh được tiếp cận đa chiều những quan điểm khác nhau về các vấn đề cụ thể để người học nâng sức đề kháng và tăng khả năng tư duy độc lập.
Cần làm rõ những giá trị cốt lõi về khoa học và nhân văn của các môn học, các trường phái khác nhau trong mối quan hệ bình đẳng về khoa học.
Tự chủ về chương trình và tự do học thuật hiểu khác hay giống nhau? Tất nhiên là khác nhau. Và có quan hệ mật thiết với nhau. Tự chủ chương trình là học cái gì, thời lượng bao nhiêu sẽ do nhà trường quyết định.
Còn tự do học thuật là nói về phương pháp tiếp cận vấn đề một cách đa chiều, đa văn hóa, nhiều nguồn khác nhau, nhiều quan điểm không giống nhau mà thậm chí còn trái ngược nhau, do người thầy và học sinh quyết định sự lựa chọn, với tinh thần tự do tư tưởng và tự do thể hiện chính kiến trong học thuật.
Tự do học thuật là con đường để phát triển tư duy độc lập và phản biện khoa học. Tư duy độc lập và phản biện khoa học lại là con đường để tiếp cận các chân lý khách quan.
Tự do học thuật gắn với quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận của con người, như quyền sống và mưu cầu hạnh phúc.
Ở những quốc gia có nền chính trị tiên tiến các quyền này được nhà nước bảo đảm cho mọi công dân đều được hưởng, không ai bị quy chụp về quan điểm.
Nước ta từ lâu đã thừa nhận tự do tư tưởng và tự do ngôn luận, nhưng thực hiện thì nhiều nơi chưa tốt và không nhất quán.
Những nước có nền giáo dục mở tiên tiến (không phải giáo dục khép kín, áp đặt) và có tự chủ đại học đều thực hiện tự do học thuật, không chỉ đối với giáo dục đại học mà kể cả ở giáo dục phổ thông trung học cũng đã bắt đầu tập dượt.
Tất nhiên tự do học thuật và tự do ngôn luận không đồng nghĩa với tự do tuyên truyền kích động bạo lực (việc đó cần cấm để bảo đảm an toàn, an ninh cho cộng đồng).
Trường tự chủ, giảng viên nhận thưởng Tết 65 triệu đồng |
Một số vấn đề cụ thể đáng lưu ý hiện nay về tự do học thuật là gì?
Các môn lý luận chính trị Marx-Lenin nên phân biệt giữa cách học khoa học và cách học chính trị, giới thiệu các giá trị khoa học và giá trị nhân văn của từng môn học trong tổng thể lịch sử phát triển tư duy khoa học của các trường phái khác nhau về lĩnh vực này (ví dụ triết học Marx trong tổng thể triết học nói chung của nhân loại, kinh tế chính trị Marx trong tổng thể các học thuyết về kinh tế, chủ nghĩa cộng sản khoa học trong tổng thể lý thuyết về khoa học chính trị...).
Theo đó, các học thuyết sẽ tự sống lâu dài bằng các giá trị tự có của mình một cách khách quan và không cần một sự ưu tiên chủ quan nào.
Trong khoa học chính trị cần bổ sung phần nói về kiểm soát quyền lực, nghiên cứu có phê phán về mặt ưu và mặt nhược của các mô hình phân chia quyền lực và vai trò của các tổ chức dân sự.
Về khoa học lịch sử: Thầy giáo và học sinh được tiếp cận các quan điểm khác nhau về nhìn nhận lịch sử (tất nhiên người thầy có thể nói rõ quan điểm của cá nhân mình về vấn đề đó).
Đồng thời cần bổ sung nội dung về các giai đoạn hưng thịnh và suy vong trong lịch sử các triều đại và nguyên nhân của sự hưng thịnh, suy vong ấy. Phân biệt lịch sử dân tộc và lịch sử Đảng. Trong lịch sử dân tộc có thể nêu thời kỳ trước và sau khi có sự lãnh đạo của Đảng.
Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, để thực hiện thành công tự chủ đại học và tự do học thuật cần phải làm gì?
Đầu tiên là phải có tư duy mở từ các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở cấp vĩ mô. Từ đó cho mở khung pháp lý về vai trò tự chủ của các cơ sở đại học và cao đẳng.
Để quản lý chất lượng đầu ra, cần hình thành các tổ chức kiểm định do hiệp hội đại học và các hiệp hội chuyên ngành lập ra theo quy định của luật pháp.
Còn tổ chức quản lý nhà nước thì kiểm tra đánh giá và cấp phép (hoặc thu giấy phép) hoạt động cho (của) các tổ chức kiểm định này.
Nâng cao vai trò của Hội đồng trường, của tổ chức giám sát hoạt động trong từng trường, đổi mới công tác quản trị nhà trường theo tinh thần tự chủ đại học.
Nên bỏ cơ chế chủ quản bên trên của các trường (trừ các trường chuyên ngành của công an và quân đội).
Tạo lập môi trường bình đẳng giữa các loại trường, không phân biệt công lập hay tư thục, cũng không phân biệt quốc tế hay nội địa (chỉ có sự khác nhau về chính sách thuế giữa trường tư không vì lợi nhuận và trường tư không phi lợi nhuận).
Tạo lập môi trường minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo và các cơ quan khác có liên quan trực tiếp đối với công việc của các trường.