Đại học Việt - Nhật là một ví dụ tốt cho sự hợp tác đào tạo nguồn nhân lực

21/10/2020 06:00
Linh Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đó là phát biểu của Thủ tướng Suga Yoshihide khi đến thăm và thuyết trình trước cán bộ, giảng viên, sinh viên và học viên Trường Đại học Việt Nhật ngày 19/10.

Ngày 19/10, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Suga Yoshihide và đoàn quan chức cấp cao Nhật Bản đã đến thăm và thuyết trình trước cán bộ, giảng viên, sinh viên và học viên Trường Đại học Việt - Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội về chủ đề “Nhật Bản và ASEAN - Cùng xây dựng tương lai của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cùng dự buổi làm việc.

Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho rằng, Trường Đại học Việt - Nhật được thành lập trên cơ sở sự đồng thuận giữa các lãnh đạo cấp cao của Nhật Bản và Việt Nam, là biểu tượng cho sự hợp tác Nhật Bản - ASEAN, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực toàn cầu cho thế hệ tiếp theo.

Thủ tướng Suga Yoshihide phát biểu (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Thủ tướng Suga Yoshihide phát biểu (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Trong bài trình bày với chủ đề “Nhật Bản và ASEAN - Cùng xây dựng tương lai của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, Thủ tướng Suga Yoshihide nhấn mạnh “ASEAN và Nhật Bản là đối tác bình đẳng và cũng là những người bạn. Chúng ta cùng nhau nỗ lực hướng đến sự phát triển, cùng trau dồi, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau. Đây chính là mối quan hệ thấu hiểu và gắn kết “từ trái tim đến trái tim”.

Một trong những minh chứng điển hình cho tình hữu nghị giữa Nhật Bản và ASEAN được Thủ tướng Suga Yoshihide nhắc đến đó là hợp tác chặt chẽ trong phòng chống COVID-19.

Thủ tướng Nhật Bản đặc biệt ấn tượng với việc Việt Nam đã gửi tặng hàng triệu chiếc khẩu trang. Về phần mình, Nhật Bản đang tiến hành cung cấp viện trợ không hoàn lại các trang thiết bị, vật tư y tế cũng như hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, góp phần tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe y tế và cải thiện vệ sinh công cộng tại các nước ASEAN.

Thủ tướng Suga Yoshihide nhận định, sự kết nối giữa ASEAN và Nhật Bản được hỗ trợ bởi nguồn nhân lực của ASEAN. “Được nuôi dưỡng trong một môi trường giàu tính đa dạng và tính quốc tế, ASEAN là một kho báu nguồn nhân lực mà thế giới phải ghen tị”, Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh.

Để đóng góp nhiều nhất có thể cho sự phát triển, Nhật Bản đã và sẽ cùng ASEAN thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực thông qua tiếp xúc trực tiếp như phái cử chuyên gia và tình nguyện viên của JICA, tổ chức tập huấn tại Nhật Bản, cấp học bổng cho du học sinh,…

Trường Đại học Việt - Nhật là một ví dụ tốt cho sự hợp tác đào tạo nguồn nhân lực đó bằng việc bắt đầu khai giảng khóa đào tạo cử nhân từ năm nay bên cạnh khoá đào tạo thạc sĩ. Đồng thời, nguồn nhân lực trẻ từ các nước ASEAN đến Nhật Bản như thực tập sinh kỹ năng đang trở nên vô cùng cần thiết đối với cuộc sống của người Nhật và nền kinh tế của Nhật Bản hiện nay.

Phát biểu đáp từ, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn khẳng định, Trường Đại học Việt - Nhật ra đời trên cơ sở mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng chung của châu Á, được nhiều thế hệ lãnh đạo hai nước Việt Nam và Nhật Bản dày công xây dựng, vun đắp.

“Sự kết hợp giữa trình độ công nghệ cao và chương trình đào tạo tiên tiến của các trường đại học Nhật Bản với trình độ khoa học cao của các nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội và các trường đại học trên thế giới, cùng khả năng sáng tạo, thích ứng nhanh và chăm chỉ của các thanh niên Việt Nam, hứa hẹn sẽ tạo ra nguồn nhân lực ưu tú, góp phần gắn kết chặt chẽ và không ngừng phát triển tình hữu nghị giữa hai Việt Nam và Nhật Bản”, Giám đốc Nguyễn Kim Sơn bày tỏ.

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội tin tưởng, tầm nhìn của các nhà lãnh đạo cũng như sự ủng hộ hiệu quả của các bộ, ban, ngành, đại học của hai nước sẽ thúc đẩy Trường Đại học Việt - Nhật nhanh chóng vươn lên tầm các đại học hàng đầu châu Á, tạo nên kỳ tích trong tương lai không xa, xứng đáng với kỳ vọng của Chính phủ và nhân dân hai nước.

82.266 lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại Nhật Bản

Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Việt Nam - Nhật Bản đã ký kết nhiều văn bản hợp tác giáo dục quan trọng, như Chương trình chiến lược về hợp tác giáo dục giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (tháng 3/2014); Bản thỏa thuận khung về giảng dạy tiếng Nhật ở trường phổ thông Việt Nam giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam (tháng 02/2016); Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Tổng Cục Cảnh sát Nhật Bản về du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản (tháng 10/2018);…

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã có trao đổi, trò chuyện trực tiếp với đại diện các sinh viên, học viên của Trường Đại học Việt Nhật (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã có trao đổi, trò chuyện trực tiếp với đại diện các sinh viên, học viên của Trường Đại học Việt Nhật (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Số liệu thống kê của Bộ Tư pháp Nhật Bản cho thấy, đến tháng 6/2019 có 82.266 lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản. Có nhiều chương trình học bổng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, bao gồm học bổng Ngân sách nhà nước và học bổng của phía Nhật Bản.

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạochú trọng công tác quản lý tư vấn du học thông qua ban hành các văn bản quy phạm, tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền, kiểm tra và phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.

Trong đó, năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu triển khai Phần mềm quản lý các tổ chức tư vấn du học tại địa chỉ http://tuvanduhoc.icd.edu.vn/, đến nay đã có thông tin của 10.900 du học sinh đang học tập ở nước ngoài và 2.269 cá nhân đang chờ xin cấp visa du học Nhật Bản.

Gần 20 trường đại học Việt Nam đang có khoa/bộ môn tiếng Nhật hoặc Nhật Bản học: Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Ngoại Thương, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế), Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh;

Một số trường ngoài công lập như: Trường Đại học Phương Đông, Trường Đại học Thăng Long, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Hồng Bàng, Trường Đại học Văn Hiến, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH), Trường Đại học Kinh tế – Tài chính Hồ Chí Minh… Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, Trường Quy Nhơn bắt đầu giảng dạy từ tháng 7/2018.

Tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn hai bên cam kết thực hiện các thỏa thuận hợp tác giáo dục đã ký kết. Phía Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; đàm phán tiến tới ký kết Thỏa thuận hợp tác về tương đương văn bằng và chương trình đào tạo để thúc đẩy dịch chuyển học sinh, sinh viên giữa hai nước.

Đẩy mạnh hợp tác song phương giữa các cơ sở giáo dục của hai nước, khuyến khích các chương trình liên kết đào tạo giữa các trường đại học; thúc đẩy phát triển hợp tác nghiên cứu khoa học giữa hai nước.

Tăng cường tổ chức giao lưu văn hóa, học thuật, trao đổi học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ giữa hai nước. Tăng cường hỗ trợ giảng dạy tiếng Nhật tại các cơ sở giáo dục Việt Nam; tăng cường công tác quản lý tư vấn du học; đẩy mạnh công tác phối hợp, giúp cơ quan đại diện Việt Nam làm tốt công tác chủ trì hỗ trợ và quản lý lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ và ủng hộ sự phát triển của Trường Đại học Việt - Nhật như một biểu tượng về sự hợp tác Nhật - Việt trong lĩnh vực giáo dục.

Linh Hương