- Cảm giác của anh sau khi quyên góp được 300 triệu cho diễn viên Hoàng Lan như thế nào?
Lúc đó, trong đầu tôi không có một suy nghĩ gì khác là nghĩ tới người được nhận sự trợ giúp, họ mừng rỡ ra sao thì chúng tôi cũng mừng y như thế. Miệng ai cũng cười tíu tít giống như những đứa trẻ vừa mới được bố mẹ khen là học giỏi hoặc vừa làm xong một việc tốt nào đó.
Tôi nghĩ những người nào đã từng làm qua công tác từ thiện sẽ đều có chung một cảm giác: sung sướng và hãnh diện. Nhất là khi nhìn thấy người khác hạnh phúc, lại là đàn chị, đồng nghiệp của mình.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng |
- Hành động của anh đã nhận được nhiều sự đồng cảm của dư luận và xã hội bởi con người Việt Nam ở khía cạnh nào đó vẫn luôn yêu thương nhau trong mọi hoàn cảnh. Nhưng anh nghĩ sao khi gần đây có một du học sinh người Nhật đã nhận xét về người Việt Nam là chỉ biết giữ sạch trong nhà, nhìn đâu cũng lừa lọc, manh mún, không biết tự hào về nhau...?
Tôi nghĩ trong bức thư đó có cái đúng và cũng có cái sai. Cái đúng thì chúng ta đủ trí khôn để nhận ra rồi. Tôi sẽ nói về cái sai của bạn nhỏ đó như sau:
- Tôi dám tự hào nói với bạn đó rằng không phải cha mẹ nào cũng xui, ép con mình học ngành này, ngành nọ để có phong bì, bao thư đút lót.
- Bạn có thể lên tiếng về những cái bạn không vừa ý nhưng bạn không được phép đem quá trình 4000 năm văn hiến của đất nước chúng tôi ra để mở đầu cho những điều như bạn đã nói. Đất nước nào không có tệ nạn? Đất nước nào không có tiêu cực?.
- Người Việt Nam chúng tôi ở Nhật cũng nhiều lắm chứ nhưng chúng tôi có lòng tự trọng và biết tôn trọng chủ nhà khi mình chỉ là ‘khách’. Bạn bao nhiêu tuổi và có được bao nhiêu thời gian để tìm hiểu về đất nước chúng tôi?.
- Tổ tiên nòi giống đất nước Việt Nam phải đi qua biết bao thăng trầm chỉ để bạn, một đứa con nít dám hỗn xược mang quá trình đó ra để phê bình, làm tiền đề cho những điều bức xúc của thời buổi hiện tại mà bạn đã gặp phải?.
- Bạn không nghiên cứu kỹ về một nơi mà bạn sắp đến để học trước khi bạn đến đây hay sao? Bạn tự hào và khen ngợi nước mình thì lý do gì bạn đến đây để tìm ‘học’ vậy bạn nhỏ?
- Bạn đã đi hết chiều dài của đất nước này chưa? Bạn có nhìn thấy những con người tốt đẹp khác của chúng tôi vẫn đang âm thầm hoạt động để phục vụ quê hương đất nước và cả những du khách trong đó có bạn chưa?
Tôi tin là chưa…
Mỗi một gia đình đều có cách giáo dục và phương hướng phát triển tương lai riêng, đất nước tôi cũng thế, không làm ảnh hướng đến chén cơm và giấc ngủ của các quốc gia khác thì xin bạn hãy cẩn thận hơn cho những tâm thư lần sau nhé!.
- Nhưng ở khía cạnh 'Người Việt Nam không biết tự hào về người Việt Nam' có vẻ đúng với trường hợp của anh vì nếu ‘soi’ kĩ lại thì chính anh cũng từng là 'nạn nhân' khi bị các đồng nghiệp khác tìm đủ mọi yếu điểm để 'dìm' anh xuống trước công chúng?
Về điểm này thì tôi thừa nhận mình thua người ta xa lắc xa lơ. Ví dụ nhỏ mà chúng ta thường hay gặp là nếu anh này mở một quán bán đắt hàng thì sẽ có một quán cũng bán như thế gần đó vài mét sẽ mọc lên.
Hoặc một số những người tổ chức biểu diễn ở nước ngoài và trong nước cũng thế, vẫn hay thích làm show cùng ngày, cùng tháng…mang ca sĩ ra để chặt chém nhau theo kiểu ‘tao chết thì mày cũng phải bị thương’…Tôi đã chứng kiến cảnh đó quá nhiều rồi nên phải thừa nhận điều đó là thực tế (cười).
Tuy nhiên, xin không nói về tôi nhé, vì tôi tin vào quả báo, những người đã từng hại tôi họ tưởng tôi là trẻ con như họ chắc. Thật ra không một thông tin nào mà tôi không biết cả, có điều là tôi không làm như họ vì tôi thấy mình ‘cao’ hơn họ và tôi không cho phép ân oán cứ kéo dài hết hận thù này tiếp nối hận thù kia.
- Theo giáo sư Trần Ngọc Thêm thì xã hội Việt Nam đang xuống dốc trầm trọng là do xã hội ngày càng vụ lợi, con người chỉ cần thấy tiền là sẵn sàng bất chấp mọi giá trị đạo đức...thế nên trộm cắp, cướp giật ngày càng hoành hoành. Anh thấy nhận định này có đang 'vơ đũa cả nắm' không và bản thân anh có bao giờ cảm thấy bất an khi sống trong một xã hội như vậy?
Tôi xin lỗi giáo sư nhưng có lẽ tôi lại có cái nhìn khác một tí xíu. Tôi không cho rằng xã hội xuống cấp mà là tinh thần đạo đức thuần túy, cao đẹp của chúng ta đang bị xuống cấp. Chúng ta đang tiếp cận quá nhiều những thông tin mới mẻ nhất, những gì hiện đại nhất đều được copy từ phim ảnh, các tệ nạn trên thế giới được cập nhật liên tục hàng ngày trên các trang mạng…
Trong khi đó, đa số phụ huynh lao vào công việc kiếm thật nhiều tiền nên mệt mỏi, không có thời gian để kiếm soát và ‘hung dữ’ với con mình để bọn trẻ khiếp sợ như cách dạy ngày xưa của cha ông chúng ta nữa.
Vì thế, những đứa trẻ bắt đầu tiếp cận với internet và chúng tự trang bị cho mình nhiều sự phản kháng, phản ứng giống như các đứa trẻ cùng trang lứa ở nước ngoài. Ví dụ là những thanh niên 18 tuổi ở Mỹ thường phải dọn ra ở riêng và nếu bị bố mẹ đánh, chúng nó có thể nhấc điện thoại lên báo cảnh sát và bố mẹ gặp phiền toái ngay. Hoặc là những chuyện bí mật của người lớn, con nít bây giờ có thể tụm năm tụm ba lại rồi chui vào phòng mở laptop lên gõ một vài cụm từ là có đầy đủ.
Thế nên tôi thật sự là bất an chứ, cháu tôi cũng đang ở tuổi trưởng thành nên tôi quản lý khá kỹ, nói chuyện với nó thường xuyên để phân tích cái đúng, cái sai, cái nên và không nên.
Không riêng gì tôi mà các nghệ sỹ từ bao đời nay đều là mục tiêu trong tầm ngắm của những thành phần xấu. Tôi phải lắp đặt camera bao rộng khắp mọi vị trí trong nhà, ngoài sân, bảo vệ túc trực 24/24 mà vẫn chưa an tâm. Đi ra đường lúc nào cũng có người đi cùng. Nhưng có vẻ tôi là người cũng được lòng và nhận tình cảm của giới đặc biệt đó (cười).
- Không nói đến toàn xã hội Việt Nam nhưng là một người từng trải và đã từng đến nhiều quốc gia trên thế giới, có bao giờ anh muốn xây dựng một thế giới showbiz không còn những trò như 'Tố' nhau nợ tiền, những hành động 'hạ thấp' người khác để nâng bản thân mình lên…?
Chuyện đó là một giấc mơ đẹp. Thật ra ở đâu cũng có kiểu đó hết, tại vì mình không tiếp cận showbiz của những quốc gia khác nên mình không thấy được thôi.
Tuy nhiên để có được một bầu trời thanh thiên và trong sạch, để khán giả nhìn nghệ sỹ như những vì sao lung linh thì ai ai cũng mong được như thế (cười).