Đằng sau vụ thử tên lửa tầm cao rất mập mờ của Trung Quốc

18/05/2013 09:00
Việt Dũng
(GDVN) - Trung Quốc vừa phóng tên lửa lên không gian vũ trụ đạt độ cao 10.000 km, bị Mỹ nghi ngờ là dùng để thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh.
Hình ảnh này do dân mạng chụp được và được cho là Trung Quốc vừa phóng tên lửa lên vũ trụ đạt độ cao 10.000 km.
Hình ảnh này do dân mạng chụp được và được cho là Trung Quốc vừa phóng tên lửa lên vũ trụ đạt độ cao 10.000 km.

Ngày 15/5, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, ngày 13/5/2013, Trung Quốc đã phóng một tên lửa lên vũ trụ, nhưng hoàn toàn không đưa bất cứ vật thể nào lên quỹ đạo, vật thể mang theo ở tên lửa đã đi vào bầu khí quyển trên bầu trời Ấn Độ Dương.

Ngày 16/5, hãng Reuters dẫn lời một quan chức Lầu Năm Góc giấu tên cho biết, Mỹ cho rằng, "tên lửa thám không tầm cao" mà Trung Quốc phóng ngày 13 thực ra là thử nghiệm hệ thống đánh chặn vệ tinh lần đầu tiên, quả tên lửa này trong tương lai có thể dùng để mang theo vũ khí chống vệ tinh, tiêu diệt bất cứ vệ tinh nào trên quỹ đạo.

Về sự suy đoán này, ngày 16/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi bề ngoài nói rằng, "Trung Quốc luôn chủ trương sử dụng hòa bình không gian vũ trụ, phản đối vũ khí hóa vũ trụ và chạy đua vũ trang trong vũ trụ".

Trong khi đó, học giả Đại học Harvard Mỹ cho rằng, độ cao của tên lửa Trung Quốc phóng ngày 13 lên tới 10.000 km, cao nhất kể từ khi trên thế giới phóng tên lửa đi vào quỹ đạo của Trái đất vào năm 1976 đến nay.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Matos ngày 15 tuyên bố: "Chúng tôi đã theo dõi được nhiều vật thể mang theo trong quá trình phóng của tên lửa Trung Quốc, nhưng không quan sát được bất cứ vật thể nào đi vào quỹ đạo. Có thể nói, trong vũ trụ không lưu lại bất cứ vật thể nào có liên quan đến vụ phóng lần này".

Ngày 14/5, trang mạng Viện Khoa học Trung Quốc công bố, khoảng 21 giờ ngày 13/5, Trung Quốc đã tiến hành thành công thử nghiệm khoa học trên không tầm cao. Cuộc thử nghiệm lần này sử dụng tên lửa thám không tầm cao thực hiện nhiệm vụ khám phá khoa học, đã tiến hành thăm dò tại chỗ đối với tầng điện ly, kết cấu và cường độ từ trường, hạt năng lượng cao ở không gian gần Trái đất.

Ngày 16/5, hãng Reuters cho rằng, một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho hay, tin tình báo nhận được của Mỹ cho biết, quả tên lửa này trong tương lai có thể dùng để mang theo vũ khí chống vệ tinh, đưa vào quỹ đạo tương tự, "chúng tôi cho rằng, quả tên lửa này mang theo 1 tên lửa mặt đất, đây là lần đầu tiên Trung Quốc thử nghiệm thiết bị đánh chặn, loại thiết bị này có thể theo dõi vệ tinh trên quỹ đạo và sẽ tiêu diệt nó". Bài báo cho rằng, Lầu Năm Góc và quan chức này đều không tiết lộ chi tiết "thiết bị khám phá khoa học" mà tên lửa Trung Quốc mang theo.

Nhưng học giả Mỹ đã đưa ra những lời giải thích khác nhau. Hãng Reuters dẫn lời Jonathan McDowell, học giả Trung tâm vật lý thiên văn Smithsonia (Smithsonian Center for Astrophysics, CfA), Đại học Harvard phân tích cho rằng, tên lửa do Trung Quốc phóng tương lai sẽ có khả năng trang bị vũ khí chống vệ tinh ở quỹ đạo tương tự, nhưng không có bằng chứng cho thấy, hoạt động phóng ngày 13 đang thử nghiệm khả năng này.

McDowell cho rằng, tên lửa do Trung Quốc phóng lần này tương tự như tên lửa do Không quân Mỹ phóng vào thập niên 1960 để nghiên cứu quyển từ Trái đất. Ông đồng thời nhấn mạnh, hầu hết độ cao phóng của quỹ đạo tên lửa đều vào khoảng 1.500 km, tuy Trung Quốc từng phóng các thiết bị bay trên quỹ đạo như vệ tinh thám hiểm mặt trăng Hằng Nga, nhưng trong các cuộc thử nghiệm tên lửa trước đây của Trung Quốc, độ cao đều không vượt 2.000 km.

Tên lửa phóng lần này của Trung Quốc đã đạt độ cao 10.000 km, còn trước đó độ cao vượt 10.000 km đều do Mỹ tiến hành. Năm 1976, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ đã phóng một đồng hồ nguyên tử lên quỹ đạo cách mặt đất 10.280 km.

Trang mạng "Vũ trụ" Mỹ cho rằng, "căn cứ vào thông tin trên báo chí, tên lửa Trung Quốc phóng lên lần này rõ ràng là vì mục đích khoa học". Năm 2007 và 2010, Trung Quốc từng 2 lần tiến hành thử nghiệm chống vệ tinh, công nghệ này đe dọa to lớn đối với vệ tinh của Mỹ, vì vậy bất cứ sự tiến triển nào của Trung Quốc về khả năng chống vệ tinh đều bị các nước như Mỹ theo dõi chặt chẽ.

Theo bài báo, "sự theo dõi này, cộng với những chi tiết phóng ngày 13/5, làm cho các chuyên gia nghi ngờ về việc Trung Quốc tiến hành thử nghiệm chống vệ tinh".

Bài viết dẫn lời Gubailude (âm), nghiên cứu viên sau tiến sĩ của chương trình an ninh toàn cầu và khoa học, Đại học Princeton cho rằng: "Dưới sự theo dõi chặt chẽ của Mỹ, Trung Quốc muốn sử dụng một lượng lớn thiết bị khoa học để che đậy kỹ thuật thử nghiệm chống vệ tinh là rất ngu xuẩn, cũng không phải là phương pháp đúng dắn thử nghiệm loại vũ khí mới này. Nếu Trung Quốc muốn thử nghiệm phá hủy vệ  tinh, cần tiến hành thử nghiệm 'phòng thủ tên lửa' ở quỹ đạo thấp, căn bản không có lý do tiến hành phóng ở độ cao như vậy, trừ phi là để thử nghiệm tính hoàn chỉnh của hệ thống".

Theo hãng Reuters, Mỹ luôn tỏ ra lo ngại về sự phát triển năng lực vũ trụ của Trung Quốc. Mike Rogers, Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ ngày 15/5 đã từ chối bình luận về vụ phóng tên lửa này, nhưng cho biết Trung Quốc rất rõ ràng là đang "có tư thế mang tính tấn công hơn" trên vũ trụ, "bất cứ lúc nào khi bạn nhìn thấy một quốc gia dân tộc phô diễn tư thế mang tính tấn công hơn trên vũ trụ, đều làm cho người khác rất quan ngại".

Bài báo cho rằng, trước khi Trung Quốc phóng tên lửa lần này chưa đến 1 tuần, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter kêu gọi bảo vệ vệ tinh an ninh quốc gia của Mỹ, phát triển khả năng ngăn chặn đối thủ vũ trụ tiềm tàng, đồng thời cho biết, những nỗ lực này đã tiến hành quá chậm.

Tuần trước, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã công bố một bản báo cáo về phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc, bày tỏ quan ngại về năng lực vũ trụ liên tục tăng lên của Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc đang triển khai nhiều hành động ngăn chặn kẻ thù sử dụng thiết bị vũ trụ trong các cuộc khủng hoảng.

Những hình ảnh này được cho là Trung Quốc phóng tên lửa lên vũ trụ ngày 13/5/2013
Những hình ảnh này được cho là Trung Quốc phóng tên lửa lên vũ trụ ngày 13/5/2013
Việt Dũng