Cán bộ phải trong sạch, không giàu lên nhanh chóng
Vấn đề lớn nhất hiện nay nhân dân quan tâm theo dõi là tại Đại hội Đảng 12 đặt ra thách thức kỳ vọng gì về thế hệ lãnh đạo mới?
Ông Nguyễn Thế Kỷ cho biết, qua thảo luận nhân sự của của các kỳ hội nghị Trung ương gần đây, đặc biệt là từ hội nghị 11 đã đặt ra một yêu cầu, không chỉ trong Đảng mà trong dân cũng mong muốn, đó là những người được bầu phải có đức có tài, phải gương mẫu, tận tụy. Có quyết tâm đổi mới và phải có tư duy năng lực đổi mới chứ không chỉ có quyết tâm là đủ.
Sự lãnh đạo của Đảng trong thời gian tới cần phải được nâng tầm, bằng nghị quyết của Đảng, nhưng sau đó phải thể chế thể hóa thành các chính sách pháp luật, làm sao để đưa nghị quyết 12 đi vào cuộc sống.
“Phải trăn trở ghê gớm, không chỉ tầm quốc gia mà từng ngành, lĩnh vực, cơ quan doanh nghiệp. Mỗi người đều trăn trở đổi mới thì chắc chắn đất nước sẽ đổi mới mạnh mẽ”, ông Kỷ nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. |
Tuy nhiên, để đổi mới thành công thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người, mà cụ thể là tiêu chuẩn đối với từng ủy viên Trung ương.
Theo ông Nguyễn Thế Kỷ, những người trong danh sách để đưa ra đại hội bầu thì đã được chuẩn bị qua các vòng làm nhân sự kỹ lưỡng. Có thể nói đó là những phương án gần như là thống nhất ở từng địa phương, từng ngành.
Ông Kỷ cho hay: “Người dân còn mong muốn quyết tâm đổi mới và tư duy đổi mới, có tài, đức ở đây trước hết là phải trong sạch, không giàu lên nhanh chóng, không có biểu hiện nhóm lợi ích. Không có những biểu hiện xa rời nhân dân, đặc biệt là không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tư lợi.
Người cán bộ trong điều kiện mới, tất nhiên không ai bắt anh phải sống kham khổ nhưng mà rõ ràng phải luôn nhìn mức sống bên cạnh anh thế nào, đồng bào vùng sâu vùng xa thế nào để anh sống và anh làm việc.
Nếu như làm cán bộ mà để đặc quyền đặc lợi thì Đảng ta không bao giờ chấp nhận, người dân không bao giờ chấp nhận”.
Trăn trở với độc lập chủ quyền dân tộc
Trải qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, trong tình hình mới, đang có một vấn đề lớn khác mà nhân dân cả nước ngày đêm đang trăn trở, đó là bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Đây cũng là một nội dung quan trọng được đề cập tại văn kiện Đại hội Đảng 12.
Ông Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ: “Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực liên tục có những thay đổi rất mau chóng. Có những thay đổi mà chúng ta phải chủ động nắm bắt tình hình để mà có những sự chủ động.
Ông Vũ Quốc Hùng: “Dân chỉ tin khi Đảng thực sự vì quyền lợi của dân” |
Thí dụ chủ quyền của chúng ta trên biển Đông đang bị thách thức nghiêm trọng, nước ngoài đã xây những đảo nhân tạo, sân bay, đưa cả máy bay dân dụng ra, thế thì tới đây chắc chắn sẽ từng bước quân sự hóa những đảo chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa của chúng ta.
Rõ ràng là trong Đảng và toàn dân đều thấy để giải quyết vấn đề này không hề dễ.
Chúng ta liên tục thể hiện quan điểm thẳng thắn phản đối những hành vi sai trái ấy, nhưng cũng không thể dùng những biện pháp bức xúc, mà phải bằng các giải pháp ngoại giao, giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế đặc biệt là công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển 1982 và thỏa thuận về nguyên tắc ứng xử các bên ở biển Đông DOC.
Thời gian qua, chúng ta đã làm rất tốt, tới đây tiếp tục kiên trì theo hướng này”.
Cũng theo ông Nguyễn Thế Kỷ, Việt Nam cần phải tiếp tục tranh thủ sự vào cuộc mạnh mẽ của dư luận quốc tế, để có đối sách hợp lý và tạo một áp lực để những nước vi phạm luật quốc tế phải điều chỉnh.
Ông Kỷ nêu quan điểm: “Chúng ta phải làm sao mà vừa đấu tranh với những hành động sai trái, nhưng cũng phải đoàn kết quốc tế, ngay cả đoàn kết với nhân Trung Quốc. Đoàn kết để đấu tranh với hành động sai trái. Trong nước cũng phải tuyên truyền làm sao để người dân hiểu đối sách của Đảng.
Quan điểm của chúng ta là giải quyết tất cả việc đó bằng luật pháp quốc tế. Việt Nam kiên quyết phản đối giải quyết tranh chấp bằng biện pháp quân sự, đó là điều chúng ta không bao giờ mong muốn.
Những vấn đề trên biển là rất phức tạp, ví dụ tàu ngư dân bị đâm thì tàu đâm là tàu nào, xác định rất phức tạp, không thể ngay một lúc mà nói là tàu của nước nào. Không thể là tàu nước này đâm mà thông tin lại nói tàu của nước kia. Điều đấy ảnh hưởng ghê gớm đến ngoại giao.
Vì vậy, chúng ta không thể nghe người này, người kia nói mà phải là thông tin của các cơ quan chức năng có trách nhiệm, có thẩm quyền như Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Cảnh sát biển...”.