Hiện nay, nhiều trường tiểu học trong cả nước đang lấy ý kiến góp ý rộng rãi của giáo viên đối với Thông tư 27/2020TT-BGDĐT ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học.
Ảnh minh họa: Phan Tuyết. |
Trên cơ sở kế thừa và phát huy những điểm tích cực, khắc phục hạn chế điểm tồn tại của Thông tư 22 (sửa đổi Thông tư 30) nên Thông tư 27 được xem là khá hoàn thiện. Tuy nhiên, phần ghi học bạ lại quá rườm rà, rắc rối (giống y chang việc ghi học bạ thời gian đầu Thông tư 30 vừa ban hành).
Cụ thể: Mục 2. “Những phẩm chất chủ yếu” và mục 3. “Những năng lực cốt lõi”.
Tất thảy có 5 phẩm chất chủ yếu: Yêu nước; Nhân ái; Chăm chỉ; Trung thực; Trách nhiệm. Ngoài việc ghi mức đạt được T (Tốt); Đ (Đạt); C (Cần cố gắng); giáo viên buộc phải ghi nhận xét cho từng phẩm chất ấy.
Trong “Năng lực cốt lõi” có Năng lực chung và Năng lực đặc thù. Năng lực chung có 3 biểu hiện: Tự chủ và tự học; Giao tiếp và hợp tác; Giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Năng lực đặc thù có 7 biểu hiện: Ngôn ngữ; Tính toán; Khoa học; Công nghệ; Tin học; Thẩm mĩ; Thể chất.
Từng biểu hiện ngoài việc đánh giá ở các mức như phẩm chất cũng phải ghi rõ nhận xét từng biểu hiện.
Kiểu bắt ghi nhận xét từng năng lực, phẩm chất sau khi đã đánh giá bằng các mức lại quay về kiểu ghi học bạ thời gian đầu khi Thông tư 30 vừa ban hành.
Có nhất thiết quy định phải ghi lời nhận xét đủ 5 phẩm chất? Chỉ cần một nhận xét chung là quá đủ (trong khi giáo viên đã đánh giá theo mức). Việc ghi nhận xét từng phẩm chất vừa dài vừa rắc rối.
Đó là chưa nói học bạ chỉ có giáo viên chủ nhiệm ghi và chính giáo viên chủ nhiệm đọc, học sinh, phụ huynh phải 5 năm sau mới được đọc những lời phê ấy, liệu có ích gì?
Việc dùng một số từ ngữ (theo nhận xét của nhiều giáo viên) là quá cao siêu gây cảm giác khó hiểu có nên chăng?
Học sinh tiểu học mà nói “Năng lực cốt lõi” rồi “Năng lực chung” và “Năng lực đặc thù” nghe cứ cao siêu thế nào? Tại sao không phải là phẩm chất và năng lực thôi? Thêm từ cốt lõi với đặc thù người lớn còn chẳng hiểu nói gì đến trẻ con?