LTS: Phong trào “Kế hoạch nhỏ” là một phong trào của thiếu nhi Việt Nam ra đời năm 1958, do Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh tổ chức theo sáng kiến của thiếu nhi tỉnh Sơn Tây và Hải Phòng, lấy kinh phí thu được để xây nhà máy nhựa Thiếu niên Tiền phong tại Hải Phòng.
Ngày 2/12/1958, Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá 2 - Tôn Đức Thắng đã viết thư cho phép mở rộng phong trào trên toàn miền Bắc.
Đây là một trong các phong trào lớn của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc tinh thần tiết kiệm, giữ gìn vệ sinh môi trường,..
Được phát động trong tổ chức Đội, đội viên, thiếu nhi phong trào đã thu gom giấy phế liệu thông qua Ngày hội “Kế hoạch nhỏ” để gây quỹ phục vụ các hoạt động Đội.
Tuy nhiên, là một giáo viên Tiểu học, thầy Hoàng Nam nhận thấy tình hình thực hiện phong trào này ở một số trường học hiện nay đang có nhiều bất cập.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả ý kiến của thầy.
“Vui tung tăng hớn hở, em làm kế hoạch nhỏ…” là lời bài hát được các trường mở cho học sinh nghe để nhắc nhở và giáo dục học sinh về ý nghĩa của phong trào “Kế hoạch nhỏ”.
Tham gia phong trào “Kế hoạch nhỏ” chính là giáo dục cho học sinh biết tiết kiệm những phế phẩm như giấy vụn, vỏ hộp sữa,… với mong muốn từ những việc nhỏ bé hàng ngày sẽ giúp học sinh thực hiện nhiều việc có ích cho các bạn mình, cho trường mình, cho địa phương và lớn hơn là cho thành phố, cho đất nước.
Mục đích của phong trào “Kế hoạch nhỏ” không chỉ dừng lại ở những công trình mà chính là rèn cho các em ý thức và thực hành tiết kiệm từ nhỏ, không phung phí, góp phần giáo dục ý thức lao động, thực hành tiết kiệm cho những mầm non, những công dân tương lai.
Danh hiệu “Dũng sĩ nhỏ”, “Chiến sĩ nhỏ” giá bao nhiêu? (Ảnh: Báo Đảng cộng sản) |
Nhưng hiện nay, tại một số trường học, “Kế hoạch nhỏ” đã biến tướng trở thành một khoản tiền phải nộp đối với từng học sinh trong khi mục tiêu của phong trào này chưa bao giờ mang ý nghĩa bắt buộc.
Tôi biết, hiện nhiều trường ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và trên cả nước nói chung, “Kế hoạch nhỏ” đã trở thành một đầu mục để thu tiền, trong “danh mục” mang tính vừa vận động vừa bắt buộc phải nộp đối với từng học sinh khi đến trường.
Cụ thể, cùng với hàng loạt khoản thu như: Nụ cười hồng, Giúp bạn nghèo vui Tết Trung thu,… thì tiền “Kế hoạch nhỏ” cũng thuộc diện "phải nộp”.
“Kế hoạch nhỏ” mà chỉ tiêu, thành tích thì nên bỏ sớm |
Mức thu tùy theo độ “hăng hái tham gia quy định” của từng trường.
Để tiện lợi cho việc hội thu, Ban giám hiệu đã quy định chuyển đổi từ số giấy vụn thành số tiền, khoảng 3.000 - 5.000 đồng/học sinh cho một đợt hội thu (mỗi năm học chỉ có một đợt hội thu vào khoảng tháng 3 hoặc tháng 4).
Một trường tiểu học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã quy định về hai danh hiệu cao quý nhất được trao cho học sinh tham gia tốt phong trào “Kế hoạch nhỏ” đó là “Chiến sĩ nhỏ cần kiệm” và “Dũng sĩ nhỏ cần kiệm”.
Muốn đạt được một trong hai danh hiệu trên, mỗi học sinh phải đóng 60.000 đồng cho danh hiệu Chiến sĩ nhỏ (từ 20kg giấy đến dưới 40 kg giấy) và 80.000 đồng cho danh hiệu Dũng sĩ nhỏ (từ 40 kg giấy trở lên) cho một đợt hội thu.
Thử hỏi, đối với học sinh Tiểu học thì liệu các em có thể để dành số tiền lớn như vậy để nộp cho giáo viên chủ nhiệm hay không?
Và các em sẽ làm gì để có được số tiền 60.000 đồng hay 80.000 đồng?
Chính vì cái “danh ảo” có thể mua được bằng tiền ấy khiến nhiều em sẽ tìm mọi cách như xin bố mẹ, ông bà, hoặc tệ hơn là ăn cắp tiền,… để có đủ số tiền nộp cho giáo viên.
Trong khi mục đích của phong trào là để xây dựng tính cách tốt ngay từ khi còn là học trò thì “danh ảo” lại tác động không tốt tới sự hình thành nhân cách của các em ngay từ nhỏ và vô hình chung đã giáo dục cho các em hiểu rằng: “Thứ gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền”.
Dù không mang tính bắt buộc nhưng thiết nghĩ chính việc giao chỉ tiêu và yêu cầu học sinh đóng góp với số tiền kể trên là một việc làm sai, phản tác dụng giáo dục.
Trong khi phong trào phát động kêu gọi sự tự nguyện, tự giác của học sinh mà lại quy đổi thành tiền để học sinh đóng góp, thầy cô giáo vào lớp chỉ lo vận động cho đủ chỉ tiêu, không còn chú trọng khía cạnh giáo dục thì hoạt động đó nên được xem lại về cách thức tổ chức.
Thậm chí đặt ra vấn đề có còn phù hợp để tiếp tục duy trì nữa hay không?