LTS: Hiện việc xét công nhận các danh hiệu thi đua trong trường học mà tác giả Trần Vũ thấy được đang còn nhiều khoản bất cập so với nguyên tắc thi đua, khen thưởng hiện hành.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết.
Theo nguyên tắc thi đua, khen thưởng trong Luật Thi đua, Khen thưởng số: 15/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003, đó là: “Tự nguyện, tự giác, công khai; đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển; chính xác, công khai, công bằng, kịp thời”.
Ấy vậy, mà trong văn bản Quy định về thi đua, khen thưởng ở trường bạn tôi đang dạy lại đánh đồng mọi sai phạm của cán bộ, giáo viên.
Đó là cứ trừ 5 điểm cho một lần vi phạm mà không phân biệt lỗi vi phạm đó nặng hay nhẹ, lần đầu hay tái phạm, mức độ thông thường hay nghiêm trọng và nội dung thi đua của nhà trường chủ yếu chỉ tính vào ngày, giờ công của cán bộ, giáo viên và lỗi sai sót khi giáo viên chấm bài kiểm tra.
Cần công tâm khi xét công nhận các danh hiệu thi đua trong trường học (Ảnh minh họa: noivu.danang.gov.vn) |
Bạn tôi minh họa những mẫu chuyện về thi đua của nhà trường như sau:
“Trong Tổ chuyên môn trường em, có một nữ giáo viên, một hôm con bị bệnh. Mặc dù đã cố gắng đến trường nhưng vẫn bị muộn (chưa tới 5 phút), cuối tháng bị trừ 5 điểm thi đua”.
Trong khi đó, có thầy đi muộn trên 5 phút, có thầy vắng họp Hội đồng sư phạm nhà trường, vắng họp Tổ chuyên môn cũng trừ 5 điểm; nhưng có những thầy cô không dự Lễ chào cờ hoặc hút thuốc trong trường lại không bị trừ điểm thi đua.
Việc theo dõi ngày, giờ công của cán bộ, giáo viên thì Hiệu trưởng giao cho Giám thị nhà trường ghi nhận. Điều đáng nói ở đây là với những thầy, cô “thân quen” thì Giám thị cho qua những sai sót; còn ngược lại thì không bỏ sót.
Ngành giáo dục nên xem lại Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi(GDVN) - Hiện còn nhiều cơ sở giáo dục chưa mặn mà trong việc triển khai, thực hiện Điều lệ Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi. |
Thế nên mới có chuyện hết sức “khôi hài” trong thi đua rằng: Có thầy, có lịch dạy 2 tiết đầu nhưng do bận việc riêng nên thầy nghỉ dạy mà không xin phép Ban giám hiệu. Tuy nhiên, thầy dặn học trò chỉ đến trường vào 2 tiết cuối.
Do không có tiếng ồn nên giám thị khi đi điểm danh học sinh mặc dù biết nhưng không ghi nhận thầy giáo đó vắng tiết (thường thì tiết học vắng giáo viên, học sinh hay ồn ào, ảnh hưởng đến thầy, cô lớp bên cạnh).
Xong việc, có giáo viên trong trường phát hiện và báo cáo với Hội đồng thi đua về sai phạm của thầy giáo đó.
Trong phiên họp Hội đồng Nhà trường, Hiệu trưởng thay mặt Hội đồng thi đua Nhà trường cho rằng, sự việc đã quá “thời hiệu” nên không truy xét nữa. Ấy vậy là giáo viên trong Hội đồng chỉ biết im lặng nhìn nhau, còn giáo viên đó thì không bị trừ điểm thi đua.
Rồi có thầy cho điểm không đủ số lần kiểm tra (theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT), có thầy dạy không đủ tiết theo phân phối chương trình của Bộ GD&ĐT họ vi phạm: “Các hành vi giáo viên không được làm” theo Thông tư số: 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Đến cuối năm học, tình cờ cũng có giáo viên trong trường phát hiện ra và báo cáo việc vi phạm quy chế chuyên môn của những thầy nói trên đến Hội đồng thi đua nhà trường.
Đọc xong báo cáo, Hiệu trưởng “ra lệnh” cho những giáo viên có sai sót đó được điều chỉnh lại, có lớp được tổ chức kiểm tra thêm cho đủ cột điểm, có học sinh kiểm tra không kịp vì cuối năm khi điểm trung bình các môn đã tổng kết xong nên học sinh không đến trường để bổ sung điểm.
Nhưng cũng có những sai sót không thể “điều chỉnh” được vì không còn có chỗ trống để thêm vào trong sổ đầu bài, nhưng không có ai trong số họ bị trừ điểm thi đua cuối năm.
Có nên vì thành tích mà đẩy học sinh cá biệt đi…nơi khác(GDVN) - Thầy cô đùn đẩy trách nhiệm cho xã hội, cho người khác, trường khác. Vậy, “Nhà trường thân thiện, học sinh tích cực” ở chỗ nào? |
Cũng có thầy dạy thêm ở nhà, có thư phản ánh của phụ huynh học sinh gửi lên Sở GD&ĐT(do người gửi không cụ thể tên giáo viên, mà chỉ nêu là giáo viên môn Toán của trường), khi nhận được thông tin, Hiệu trưởng không tổ chức kiểm tra và xác minh làm rõ; sai phạm đó chắc chắn là có và rõ ràng là họ vi phạm Quy định “Về đạo đức nhà giáo”(Ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16 tháng 4 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Hay có thầy vi phạm an toàn giao thông nhưng Cảnh sát giao thông Huyện không có thông báo đến trường, mặc dù thầy cô ai cũng biết, nhưng họ cũng không bị trừ điểm thi đua, bởi Hiệu trưởng cho rằng không có “chứng cứ pháp lý” để trừ điểm.
Cuối năm học tất cả họ đều được xét đạt danh hiệu thi đua “Lao động tiên tiến”, có người còn đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” và được khen thưởng trong lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam.
Nghe bạn kể đến đây, tôi chỉ biết thở dài và ngao ngán quá, bởi lẽ thi đua ở trường của bạn tôi rõ ràng là không công bằng và cũng không được công tâm; còn những thầy mà bạn tôi kể là không xứng đáng được nhận các danh hiệu thi đua, nhưng sao họ lại được khen thưởng?
Tôi nhớ danh hiệu thi đua "Lao động tiên tiến" chỉ được xét tặng cho những cán bộ, công chức, công nhân, viên chức đạt các tiêu chuẩn sau:
“Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt năng suất và chất lượng cao; chấp hành tốt nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị và chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…; có đạo đức tốt, lối sống lành mạnh; thực hiện nghiêm túc quy định về soạn bài, kiểm tra đánh giá học sinh, lên lớp…được đánh giá loại khá trở lên theo chuẩn nghề nghiệp hoặc loại khá trở lên theo chuẩn hiệu trưởng.” (Thông tư Số: 12/2012/TT-BGDĐT ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong Ngành Giáo dục.
Không biết “Quy định về thi đua của giáo viên và nhân viên” ở trường của bạn tôi có phải là cá biệt hay không?
Riêng tôi, chỉ mong sao Hội đồng thi đua, khen thưởng ngành GD&ĐT khi xét công nhận các danh hiệu thi đua cho các cơ sở trường học cần có được sự công bằng, để cán bộ, giáo viên, nhân viên ở trường học an tâm thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”.