Đào tạo lĩnh vực kinh tế ra sao để có thế hệ doanh nhân vững mạnh?

13/10/2024 07:12
Lưu Diễm

GDVN - Công tác đào tạo ngành Kinh tế gắn với doanh nghiệp tại các trường đại học dần trở thành xu hướng tất yếu, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Kể từ năm 2004, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 13/10 hằng năm trở thành Ngày Doanh nhân Việt Nam với mục đích nhằm khuyến khích và tôn vinh vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân vì những cống hiến, đóng góp cho phát triển đất nước.

Đồng thời, đây cũng là dịp để biểu dương khen thưởng bằng các hình thức thích hợp đối với các doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh giỏi, thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp hiện nay.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường tài chính, của các tập đoàn kinh tế, nhu cầu nguồn nhân lực về lĩnh vực Tài chính - Kinh doanh đang rất lớn và đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của mỗi doanh nghiệp. Điều này càng đòi hỏi sự đổi mới trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hơn bao giờ hết.

A9 No.1.png
Ảnh minh họa. Nguồn: C.V.

Cột mốc ghi dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển đất nước

Ngày 20/9/2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg về việc lấy ngày 13 tháng 10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam; quy định việc tổ chức Ngày Doanh nhân Việt Nam hàng năm phải thiết thực, tiết kiệm, có hiệu quả, tránh hình thức, bảo đảm các yêu cầu: giáo dục truyền thống yêu nước, tự cường, chủ động sáng tạo, động viên phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, nâng cao kỷ luật, đạo đức, văn hóa kinh doanh của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân.

Ý nghĩa của Ngày Doanh nhân Việt Nam xuất phát từ bài học về sự đoàn kết và đóng góp của toàn bộ dân tộc trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc độc lập, thể theo đường lối chỉ đạo, chủ trương và chính sách khuyến khích phát triển, phát huy vai trò doanh nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cụ thể, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã ghi dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Việt Nam, chuyển đổi nước ta từ một nước thuộc địa sang một quốc gia độc lập. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách, đặc biệt là những khó khăn về kinh tế, tài chính.

Tình hình đó đòi hỏi chính quyền cần nhanh chóng đưa ra những biện pháp bảo đảm tài chính, tạo cơ sở vững chắc để có thể tiến hành các nhiệm vụ cách mạng quan trọng tiếp theo.

Trong thời điểm đó, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra chủ trương tổ chức “Tuần lễ vàng” động viên nhân dân ủng hộ để xây dựng “Quỹ Độc lập”. Hưởng ứng chủ trương của Bác và Chính phủ mới, các doanh nhân, nhà tư sản dân tộc đã đóng góp vào quỹ này hơn 20 triệu đồng Đông Dương và khoảng 370kg vàng.

Theo đó, tiêu biểu là vợ chồng doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ (1914-2017) và Trịnh Văn Bô (1914-1988) đã đóng góp hơn 5.000 lượng vàng. Đặc biệt, một bộ phận của giới Công Thương đã tập hợp lại thành “Công - Thương cứu quốc đoàn” và gia nhập Việt Minh.

Bà Hoàng Thị Minh Hồ (1914-2017) có thể coi là một hình mẫu doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, một lòng phụng sự nền độc lập, tự do của dân tộc. Ảnh: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.
Bà Hoàng Thị Minh Hồ (1914-2017) có thể coi là một hình mẫu doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, một lòng phụng sự nền độc lập, tự do của dân tộc. Ảnh: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.

Để khen ngợi hành động này, Bác Hồ đã viết “Thư gửi các giới Công Thương Việt Nam” đăng trên báo Cứu quốc ngày 13/10/1945, nhấn mạnh: “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng…” nhằm khẳng định vai trò quan trọng của lực lượng này trong việc kiến thiết nền kinh tế nước nhà. Hoạt động kinh doanh sản xuất không nên tách rời khỏi nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ nền độc lập của dân tộc.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trịnh Lương - con trai cả của nhà tư sản Trịnh Văn Bô (người từng hiến tặng Nhà nước hơn 5.000 lượng vàng) bồi hồi kể lại:

"Người đầu tiên nhận ra sức mạnh của giới Công - Thương Việt Nam hồi đó là Hồ Chủ tịch. Bằng sự chân thành, Người đã phát huy nguồn lực trong dân để xây dựng một đất nước độc lập. Khi tiêu tiền cho bản thân, bố mẹ tôi dạy phải tiết kiệm từng đồng. Nhưng đến lúc Cách mạng, Hồ Chủ tịch cần thì bố mẹ tôi sẵn sàng mang tài sản vất vả cả đời của gia đình để ủng hộ mà không cầu danh vọng”.

Khi còn trẻ tuổi, bản thân ông Trịnh Lương cũng là một nhà giáo cách mạng, ông càng nhận thức sâu sắc công tác giáo dục và đào tạo con người đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia.

Sau khi được cử sang Trung Quốc cùng đoàn cán bộ viên chức để học tập cách thức xây dựng nhân sự lập quốc của các ngành nghề, ông Trịnh Lương noi gương bố mẹ sẵn sàng đi giảng dạy ở những nơi được phân công.

Trải qua bao nhiêu thăng trầm cùng sự phát triển của đất nước, ông Trịnh Lương cho rằng, hiện nay, nước ta bước vào công cuộc hội nhập đổi mới và ngày càng khẳng định vai trò sâu rộng với thế giới. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đóng góp vào nền kinh tế nước nhà.

Do vậy, với những vai trò to lớn đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực Tài chính - Kinh doanh giúp lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp nhận thức đúng đắn, ngày càng hăng hái trong việc sản xuất, quản trị, điều hành và giao thương; đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển hơn nữa và hòa nhập với thế giới.

Vợ chồng ông bà Trịnh Lương - Đỗ Giao Cầm. Ảnh: Lưu Diễm.
Vợ chồng ông bà Trịnh Lương - Đỗ Giao Cầm. Ảnh: Lưu Diễm.

Lĩnh vực đào tạo mang nhiều tiềm năng phát triển cho xã hội

Có thể nói, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường tài chính, của các tập đoàn kinh tế hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực về lĩnh vực Tài chính - Kinh doanh rất lớn và đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi doanh nghiệp.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Trí - Trưởng Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, qua kết quả tuyển sinh những năm gần đây, Kinh tế quốc tế cùng với Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng đang là những ngành học nhận được nhiều sự quan tâm từ học sinh và phụ huynh với tỷ lệ chọi vào tăng cao.

Có thể nói, người làm các ngành nghề thiên về kỹ năng dần dần bị thay thế bởi máy móc hay những phương thức khác, tuy nhiên, những ngành thiên về hướng suy luận như lĩnh vực Tài chính - Kinh doanh lại không như vậy. Bởi lẽ, nhân lực phải sử dụng những kỹ năng, kiến thức đã học dựa trên việc thăm dò, khảo sát thị trường,... để phân tích, đưa ra các chính sách giúp cho doanh nghiệp, đơn vị, quỹ đầu tư,... tham gia vào lĩnh vực có xu hướng trong tương lai, những thị trường có tính khả thi, mang lại lợi nhuận.

Chính vì vậy, đây là bộ phận nhân lực quan trọng đối với nền kinh tế đất nước nói chung và các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp, tập đoàn nói riêng trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Huyền Anh - Phó trưởng Khoa Kinh tế, Học viện Ngân hàng cho biết: Khi nhu cầu đầu tư ngày càng tăng cao thì việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng là vô cùng cần thiết.

Nhờ những chuyên gia kinh tế đầu tư, doanh nghiệp sẽ có những dự án đầu tư hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

Học viện Ngân hàng xác định bảo đảm kiểm định chất lượng giáo dục là nhiệm vụ quan trọng trong Chiến lược phát triển nhân lực chất lượng cao lĩnh vực Tài chính - Kinh doanh. Ảnh: NTCC.
Học viện Ngân hàng xác định bảo đảm kiểm định chất lượng giáo dục là nhiệm vụ quan trọng trong Chiến lược phát triển nhân lực chất lượng cao lĩnh vực Tài chính - Kinh doanh. Ảnh: NTCC.

Cơ sở giáo dục cần đào tạo người học biết cách nghiên cứu cách thức sử dụng nguồn vốn một cách thông minh để phát triển kinh tế; nghiên cứu việc sử dụng tiền cùng các nguồn lực khác vào đâu và như thế nào để tiền có lợi nhuận và các giá trị mong muốn.

Theo đó, người học sẽ phân tích các dự án và cơ hội đầu tư, đánh giá tiềm năng sinh lời và đưa ra quyết định đầu tư tối ưu ở cả cấp độ doanh nghiệp và quốc gia. Đầu tư là hoạt động kinh tế khởi nguồn cho việc tạo ra lợi nhuận và giá trị để phát triển các ngành nghề, tạo ra việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống. Do đó, lĩnh vực này đóng vai trò vô cùng quan trọng, là yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chị Nguyễn Phương Thủy - cựu sinh viên khóa K61, lớp EBDB1, ngành Kinh doanh số, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - hiện là chuyên viên của một công ty cung cấp giải pháp cho nền tảng quản trị doanh nghiệp tại Hà Nội nhận định: Ngày nay, với xu hướng mở rộng thị trường ra toàn thế giới cùng với mục tiêu tiến đến thị trường chung trên toàn cầu, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời đại kinh doanh đã quan trọng, thì nguồn lực lượng phục vụ cho kinh doanh số cũng đòi hỏi rất lớn.

Kinh doanh ngày này được xây dựng và vận hành bằng nhiều phương thức thông minh khác nhau, tổ chức dự án phong phú, đa dạng; yêu cầu doanh nhân phải nắm bắt được xu hướng kịp thời; đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải cập nhật chương trình đào tạo nhanh chóng, tiệm cận những giá trị tiên tiến trên thế giới. Theo đó, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã thực hiện giảng dạy chương trình đào tạo chuyên sâu ngành Kinh doanh số của Trường Đại học Waikato, New Zealand,... nhằm chuyển dần trọng tâm của doanh nghiệp sang các kênh kỹ thuật số cũng như đào tạo đội ngũ doanh nhân chất lượng cao để vận hành doanh nghiệp chuyển đổi số trong thời kỳ 4.0.

Cần đổi mới, đột phá trong công tác đào tạo lĩnh vực Kinh tế - Tài chính hiện nay

Bàn về giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực trong lĩnh vực Tài chính - Kinh doanh, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Trí cho hay, để thu hút người học và giúp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường thích ứng được yêu cầu thực tế của doanh nghiệp, nhà trường và Khoa luôn chú trọng đến việc xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, kịp thời điều chỉnh nội dung của một số học phần qua những đợt đánh giá.

Hơn nữa, sinh viên của Trường Đại học An Giang cũng được cung cấp kiến thức nhằm nắm vững về những vấn đề cốt lõi của kinh tế học; các kỹ năng về kinh doanh, kỹ năng đàm phán, quản trị học, marketing; các kiến thức về thương mại, giao thương quốc tế, xuất nhập khẩu, luật và chính sách liên quan đến kinh tế quốc tế.

Các học phần đều được Khoa và nhà trường thiết kế có phần thực hành từ những phần mềm thực tế ảo khi học tập tại trường đến đi học tập, tham quan trực tiếp các doanh nghiệp. Vì vậy, các đơn vị sử dụng lao động khi tiếp nhận sinh viên của khoa hầu như không phải đào tạo lại.

Sinh viên Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong giờ học. Ảnh: NTCC.
Sinh viên Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong giờ học. Ảnh: NTCC.

Còn đối với Học viện Ngân hàng, Phó Giáo sư Đặng Thị Huyền Anh chia sẻ, để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, nhà trường định hướng trang bị cho sinh viên hành trang từ kiến thức, kỹ năng đến thái độ. Theo đó, sinh viên sẽ được tiếp cận kiến thức toàn diện đối với các chương trình, dự án đầu tư phát triển từ cả góc độ Nhà nước, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Sinh viên được chú trọng phát triển từ nền tảng các học phần cơ sở ngành. Nhờ đó, người học có kiến thức kinh tế chắc chắn, có sự am hiểu sâu rộng liên quan tới công tác quản lý hoạt động đầu tư dự án phát triển ở tầm vĩ mô và vi mô. Qua đó, hình thành và phát triển tư duy hệ thống trong quản lý cho người học.

Khi nhu cầu của thị trường lao động không ngừng thay đổi theo xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi chương trình đào tạo phải cải tiến không ngừng để người học có thể đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Trên cơ sở đó, nhà trường tăng cường học phần thực hành, trải nghiệm cho sinh viên, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức trong lĩnh vực đầu tư để tạo điều kiện cho sinh viên tham gia thực tập, thực tế, giúp sinh viên phát triển các kỹ năng và hiểu biết thực tế cần thiết cho nghề nghiệp.

Trong xu hướng hội nhập quốc tế, trường chủ trương cập nhật vào chương trình học các nội dung hướng tới các chứng chỉ nghề nghiệp trong nước và quốc tế về quản lý dự án như chứng chỉ hành nghề đấu thầu, chứng chỉ quốc tế về quản lý tiệm cận thế giới,...

Với cách tiếp cận như vậy, sinh viên hoàn toàn có cơ hội đạt được những chứng chỉ này sau khi ra trường, từ đó nâng cao tiềm năng cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp.

Mặt khác, khi mạng lưới của nhà trường với các doanh nghiệp, tổ chức lớn, đặc biệt là hệ thống các tổ chức tín dụng trải dài trên phạm vi cả nước chính là điều kiện giúp sinh viên thuộc lĩnh vực Tài chính - Kinh doanh dễ dàng tiếp cận thông tin thực tiễn thông qua các buổi hướng nghiệp, chia sẻ thực tế, thông tin về việc làm.

Chị Nguyễn Phương Thủy cũng chia sẻ, ngoài công việc chính, tôi cũng đang hỗ trợ gia đình kinh doanh trực tuyến một số mặt hàng, ngành học ở bậc đại học đã giúp cho bản thân tôi có thêm cơ hội được độc lập khởi nghiệp khi nảy ra ý tưởng độc đáo và phù hợp.

Chị Nguyễn Phương Thủy - cựu sinh viên khóa K61 ngành Kinh doanh số, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - hiện là chuyên viên công ty cung cấp giải pháp cho nền tảng quản trị doanh nghiệp. Ảnh: NVCC.
Chị Nguyễn Phương Thủy - cựu sinh viên khóa K61 ngành Kinh doanh số, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - hiện là chuyên viên công ty cung cấp giải pháp cho nền tảng quản trị doanh nghiệp. Ảnh: NVCC.

Để học tập và làm việc tốt ở lĩnh vực Tài chính - Kinh doanh, sinh viên cần tiếp thu một khối lượng kiến thức lớn và phức tạp như các môn Tài chính doanh nghiệp, Phân tích tài chính, Kế toán tài chính, Tiếng Anh chuyên ngành,… Điều này yêu cầu sự tập trung cao độ và quyết tâm rèn luyện cao.

Chúng ta cũng nên cân bằng giữa việc học và tham gia các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ và dự án nghiên cứu khoa học. Trong quá trình còn ngồi trên ghế nhà trường, các em nên lập ra một lịch trình chi tiết, phân chia thời gian hợp lý giữa học tập và các hoạt động khác. Các doanh nhân tương lai có thể đặt ra mục tiêu ngắn hạn và dài hạn để tập trung vào những gì cần hoàn thành trước mắt, giúp giảm bớt áp lực và căng thẳng. Từ đó góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường nhiều thành phần hiện nay ở nước ta.

Lưu Diễm