Học thật, thi thật để có "nhân tài thật" là từ khóa và cũng là bài toán mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trong buổi làm việc vào đầu tháng 5.
Cũng không ngạc nhiên khi “Học thật, thi thật, nhân tài thật” là chủ đề được bàn luận nhiều trong thời gian qua khi người đứng đầu ngành Giáo dục đã có những phát biểu thể hiện quan điểm cho thấy tới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm việc quyết liệt nhằm chấn hưng giáo dục, hạn chế những bất cập tồn tại trong nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch COVID- 19 còn nhiều chuyển biến phức tạp, chất lượng nguồn nhân lực đào tạo ra sẽ là chìa khóa để các trường đại học vượt qua thời kỳ thách thức.
Nằm ở phía Đông Bắc, dù xa những trung tâm đào tạo lớn của cả nước nhưng Trường Đại học Sao Đỏ (Chí Linh - Hải Dương) vẫn được biết đến là ngôi trường đào tạo chất lượng cao, gắn với nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tế, nhà trường gắn liền với doanh nghiệp, sinh viên ra trường có việc làm ổn định, thu nhập cao và cơ hội thăng tiến.
Để tìm hiểu về thực tế học thật, thi thật để có nhân tài thật tại Trường Đại học Sao Đỏ, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Nguyên – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sao Đỏ:
Phóng viên: Vào tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính Phủ đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặt ra yêu cầu "học thật, thi thật, nhân tài thật". Theo cô, làm thế nào để đạt được yêu cầu này?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Nguyên: Bất cứ trường đại học nào khi thực hiện nhiệm vụ chính trị đều xác định tầm nhìn, sứ mạng, những giá trị cốt lõi, triết lý giáo dục của mình.
Vậy nên khi đã xác định cần thiết phải bám vào những cái đó xây dựng chiến lược, kế hoạch, tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, khoa học. Và để "học thật, thi thật, nhân tài thật" thì trước hết đội ngũ những người làm công tác quản trị, đội ngũ thầy cô phải thay đổi tư duy và cách làm việc theo hướng chủ động và tích cực, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, với cái tâm của người làm giáo dục.
Tất cả các việc từ thiết kế, phát triển chương trình đào tạo, xây dựng mục tiêu, chuẩn đầu ra đến lựa chọn nội dung các học phần, phương pháp dạy học phải nghiên cứu, thực hiện sao phù hợp với đối tượng, với thực tế.
Phải tạo môi trường học tập kích thích sự tư duy sáng tạo, sự say mê của người học. Và khâu kiểm tra đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của người học cũng phải xem xét, đổi mới, hướng người học tới những giá trị thực tế chứ không phải là điểm số.
Để thực hiện những việc trên mỗi cơ sở giáo dục đại học cần có các chính sách đãi ngộ, trọng dụng đội ngũ đảm bảo cho họ tâm huyết với công việc của mình, đầu tư cơ sở vật chất… đáp ứng yêu cầu đào tạo, tạo động lực để đội ngũ giảng viên sáng tạo, lôi cuốn người học tham gia vào quá trình đào tạo một cách tự giác.
Cùng với đó, Nhà nước cần có sự đầu tư cho giáo dục đào tạo nhiều hơn nữa. Xác định vấn đề mấu chốt, nội dung quan trọng để nâng cao chất lượng thực sự, ưu tiên đầu tư, kiểm tra, kiểm soát việc đầu tư đảm bảo tính hiệu quả và tránh lãng phí.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Nguyên – Phó hiệu trưởng trường Đại học Sao Đỏ |
Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp đã đánh giá cao trình độ và năng lực của nhân lực đối với các trường gắn liền giữa đào tạo và thực tiễn. Vấn đề này ở Trường Đại học Sao đỏ được áp dụng như thế nào?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Nguyên: Trong những năm qua chúng tôi đã rất cố gắng thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Khi giáo dục đại học có sự phân khúc đối tượng đào tạo, Trường Đại học Sao Đỏ là trường ở địa phương nên gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh nhất là tuyển học sinh có tố chất tốt.
Chúng tôi đã xác định trình độ, năng lực đối tượng đào tạo của mình ngay từ đầu vào để có chiến lược đào tạo cho phù hợp. Chúng tôi thực hiện xây dựng, hiệu chỉnh chương trình đào tạo, xác định mục tiêu, chuẩn đầu ra, áp dụng các phương pháp giáo dục, giảng dạy cho phù hợp đối tượng.
Chúng tôi xác định mục tiêu để tạo sự khác biệt của sinh viên Trường Đại học Sao Đỏ.
Với định hướng phát triển nhà trường theo định hướng đại học ứng dụng, chúng tôi thực hiện phương châm dạy học "lấy kiến thức cơ bản làm nền tảng, kiến thức mở rộng là cần thiết, kiến thức ứng dụng là quan trọng" trong giảng dạy để giúp sinh viên có kiến thức sâu rộng, thực tế về ngành mình học và các kỹ năng thực hành, thực nghiệm tốt.
Mặt khác, chúng tôi chú trọng việc giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật, rèn luyện các kỹ năng mềm cho sinh viên. Kết quả sinh viên của chúng tôi luôn được các doanh nghiệp đánh giá cao về các mặt này.
Nhiều sinh viên được doanh nghiệp đón nhận từ năm thứ 3 và hỗ trợ toàn bộ chi phí học tập những năm còn lại. Các em có thể về doanh nghiệp thực tập, trải nghiệm trong quá trình học và làm việc ngay sau khi tốt nghiệp.
Cùng với các biện pháp trên chúng tôi đã đầu tư về cơ sở vật chất, thu hút sự hỗ trợ từ doanh nghiệp các trang thiết bị dạy và học… Xây dựng môi trường, cảnh quan thân thiện tạo động lực cho sinh viên học tập, rèn luyện.
Nhìn chung, sinh viên đều đánh giá cao về sự quan tâm của nhà trường, của thầy cô. Doanh nghiệp cũng đã rất ghi nhận về ý thức tổ chức kỷ luật của sinh viên và sự quan tâm đến sinh viên, sự phối hợp chặt chẽ của nhà trường với doanh nghiệp nên luôn có sự ưu tiên khi tiếp nhận sinh viên của nhà trường về thực tập, trải nghiệm hay làm việc.
Được biết, nhà trường vừa bế mạc đợt khảo sát chính thức phục vụ đánh giá ngoài chương trình đào tạo trình độ đại học Trường Đại học Sao Đỏ. Cô có thể cho biết một số kết quả nổi bật trong đợt khảo sát chính thức vừa qua?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Nguyên: Ngày 17/07 chúng tôi tổ chức bế mạc đợt khảo sát chính thức phục vụ đánh giá ngoài 3 chương trình đào tạo trình độ đại học: Công nghệ kỹ thuật Điện- Điện tử, Công nghệ kỹ thuật Cơ khí, Công nghệ Kỹ thuật ô tô.
Chúng tôi xác định việc đánh giá ngoài các chương trình đào tạo sẽ giúp cho nhà trường việc đảm bảo, nâng cao chất lượng chương trình đào tạo.
Thông qua đây nhà trường xác nhận được mức độ đáp ứng mục tiêu đào tạo đề ra trong từng giai đoạn nhất định.
Đó là cơ sở cho người học lựa chọn chương trình đào tạo và các doanh nghiệp tuyển dụng nhân lực đáp ứng được yêu cầu của họ.
Đồng thời đây cũng là căn cứ để chúng tôi giải trình với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội về thực trạng chất lượng chương trình đào tạo của mình.
Nhìn chung chất lượng các chương trình đào tạo cũng đã được thực tế chứng minh bằng sự tiếp nhận, đón chào sinh viên đến làm việc của các doanh nghiệp.
Thông qua đánh giá chương trình chúng tôi sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm trong công tác quản trị nhà trường nói chung cũng như trong công tác đào tạo nói riêng.
Sinh viên Khoa Ô tô trong giờ thực hành tại Trung tâm Đào tạo Kỹ thuật Toyota - Trường Đại học Sao Đỏ. Ảnh: Trường Đại học Sao Đỏ |
Phóng viên: Trường Đại học Sao đỏ vừa trải qua một năm học với nhiều biến động, có thời gian là một trường đại học nằm trong khu vực điểm nóng về COVID -19. Cô có thể cho biết năm học vừa qua, Nhà trường đã đạt “mục tiêu kép” như thế nào?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Nguyên: Như chúng ta đã biết từ cuối năm 2019, đầu năm 2020 dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới. Đến nay dịch bệnh này vẫn tiếp tục lan rộng và gây hậu quả rất lớn cho các quốc gia.
Ở Việt Nam hiện nay nguy cơ dịch Covid -19 ngày càng phức tạp nên sẽ càng khó khăn hơn trong phát triển kinh tế- xã hội nói chung và phát triển giáo dục nói riêng .
Đối với Trường Đại học Sao Đỏ, từ khi dịch covid- 19 bùng phát cũng đã bị ảnh hưởng không nhỏ, đặc biệt thời gian chúng ta chuẩn bị đón tết Nguyên đán Tân Sửu, địa bàn Thành phố Chí Linh của chúng tôi lại ở trong tâm dịch.
Khi dịch bệnh xảy ra, thời gian đầu chúng tôi cũng rất lo lắng. Như nhiều trường khác, vừa chống dịch, vừa loay hoay nghiên cứu các phần mềm để dạy học trực tuyến.
Nhiều công ty phần mềm mời chào nhưng sau đó các thầy Khoa Công nghệ thông tin và Phòng Quản lý đào tạo cũng phối hợp xây dựng cổng học tập trực tuyến và tích hợp phần mềm Zoom trên đó để giảng dạy và kiểm soát hoạt động đào tạo.
Lãnh đạo nhà trường đã chỉ đạo các khoa, đội ngũ thầy cô chuẩn bị kĩ các điều kiện cần thiết như tài liệu học tập, bài giảng cho sinh viên, chỉ đạo cán bộ phòng chức năng hỗ trợ thầy cô và sinh viên giảng dạy và học tập bằng phương thức mới.
Cùng với việc tổ chức duy trì các hoạt động đào tạo, nhà trường đã phát động các thầy cô vừa ủng hộ, vừa kêu gọi sự hỗ trợ từ các cá nhân, tổ chức bên ngoài trường tham gia cùng nhà trường giúp nhân dân Chí Linh, nhân dân Hải Dương chống dịch.
Kết quả: Nhà trường đã nhận được sự ủng hộ hàng trăm triệu đồng cùng các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ công tác chống dịch của nhà trường và địa phương.
Khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát chúng tôi đã có kinh nghiệm nên việc thực hiện mục tiêu kép được chủ động triển khai và đến nay chúng tôi cho các em sinh viên đến trường học tập các học phần thực hành còn lại. Dự kiến sang tháng 8 chúng tôi sẽ kết thúc năm học 2020- 2021, chuẩn bị bước vào năm học 2021- 2022.
Xin Phó Hiệu trưởng cho biết một số nội dung chính trong chiến lược phát triển Trường Đại học Đại học Sao Đỏ trong thời gian tới?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Nguyên: Mục tiêu của chúng tôi là đào tạo nguồn nhân lực có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có kiến thức, kỹ năng thực hành, thực nghiệm, năng lực nghiên cứu, sáng tạo và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ; có sức khỏe; tốt nghiệp có việc làm ổn định, thu nhập phù hợp với năng lực công tác; có trách nhiệm nghề nghiệp, thích nghi với mọi môi trường làm việc; sống có chí hướng, lý tưởng, có khát vọng, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội.
Chúng tôi xác định thời gian tới cần phải phát triển chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn về chất lượng nguồn nhân lực trong nước và quốc tế; gắn hoạt động đào tạo với nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ để tiếp tục phát triển Trường Đại học Sao Đỏ theo định hướng đại học ứng dụng.
Tiếp tục đổi mới, ứng dụng công nghệ thông minh vào hoạt động thanh, kiểm tra hoạt động đào tạo, trong quản trị đại học; Tiếp tục kiểm định chất lượng giáo dục, chất lượng chương trình đào tạo, tiếp cận chuẩn chương trình đào tạo khu vực, quốc tế.
Xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, chuyên viên, nhân viên đảm bảo về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu của giáo dục đào tạo. Quan tâm xây dựng các chế độ, chính sách để nâng cao đời sống cho đội ngũ, đảm bảo các điều kiện cho đội ngũ gắn bó, tâm huyết xây dựng, phát triển nhà trường.
Mở rộng quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế trong hoạt động khoa học, công nghệ, gắn nghiên cứu khoa học với chuyển giao công nghệ nhằm từng bước tự chủ trong hoạt động khoa học và công nghệ.
Hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, cơ cấu đảm bảo theo yêu cầu phát triển nhà trường.
Xây dựng và tổ chức kế hoạch bồi dưỡng, tự bồi dưỡng, tự rèn luyện nâng cao năng lực quản lý. Nghiên cứu xây dựng và áp dụng mô hình quản trị đại học tiên tiến phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường.
Xây dựng cơ sở vật chất nhà trường khang trang, hiện đại, đảm bảo môi trường đào tạo, làm việc và sinh hoạt sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh. Xây dựng các kế hoạch đầu tư trung hạn, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các phòng học, các trung tâm thực hành, thực nghiệm với trang thiết bị tiên tiến hiện đại phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Trân trọng cảm ơn cô!