Đã đến lúc phải đong đếm lại độ “nhiệt tình” của những người có chức trách như trong dự án nạo vét sông Sào Khê làm đội vốn hàng chục lần hay đại lễ đón mừng danh xưng “Thanh Hóa” tròn 990 năm tiêu tốn cả trăm tỷ đồng…
Động cơ là gì?
Vì nhận thấy phải có trách nhiệm với lối vào “nơi vua ở” hay cần thiết phải làm cho ra nhẽ cái danh xưng địa phương từ đâu mà có, do ai đặt, đặt từ khi nào… mà quên mất ngân sách năm nào cũng “giật gấu vá vai”.
Phong trào dựng tượng, xây quảng trường, bảo tàng chùng xuống khi vấp phải sự chỉ trích dữ dội. Nhưng có điều, những địa phương càng nghèo càng thích sự hoành tráng. Vì sao đó không phải là ước mơ có cái bệnh viện hoành tráng, ngôi trường đồ sộ…?
Dân còn đói, khát mà bỏ trăm tỷ làm lễ kỷ niệm thì các cụ sẽ không vui đâu! |
Để kỷ niệm 990 năm từ khi có tên gọi “Thanh Hóa”, tỉnh này dự kiến chi trên 100 tỷ đồng làm một chương trình hoành tráng.
Thoạt nghe cứ tưởng Thanh Hóa là một trong những địa phương giàu có nhất nước.
Nhưng không phải, năm 2017 Thanh Hóa thu ngân sách 13 ngàn tỷ đồng nhưng chi đến 23 ngàn tỷ đồng, thiếu hụt 10 ngàn tỷ đồng phải chờ Trung ương cấp xuống.
Mặc dù, địa phương có tiềm lực dân số, tài nguyên nhưng đến nay vẫn nằm trong nhóm 50 tỉnh chưa đủ tiền nộp về Trung ương.
Mỗi mùa mưa lũ quét qua, Thanh Hóa luôn đứng đầu bảng về số lượng gạo phải trợ cấp cứu đói - hàng trăm ngàn tấn.
Một trăm tỷ so với mấy mươi ngàn tỷ không là gì nhưng cha ông ta nói “tích tiểu thành đại”.
Có hay không bội chi ngân sách năm này qua năm khác được “bồi đắp” từ việc chi sai, chi khống, chi kém hiệu quả? Mà đại lễ mừng danh xưng “tám ký tự” trị giá 104 tỷ đồng là một ví dụ điển hình.
Một logic so sánh cứ nói hoài nói mãi, xứ Thanh bây giờ có nhiều chỗ hoa lệ, mang dáng dấp công nghiệp đô thị. Nhưng nhìn vào đời sống vùng cao Thanh Hóa, nơi có 27 dân tộc thiểu số, hầu hết có mức sống rất thấp.
Và chỉ cần gõ cụm từ “cứu trợ vùng cao Thanh Hóa” trên Google sẽ xuất hiện 31,5 triệu kết quả.
Một thống kê bằng thuật toán chưa thể nói là chính xác nhưng không phải không nói lên điều gì đó.
Thanh Hóa đề xuất chi 104 tỷ đồng để tổ chức lễ kỷ niệm 990 danh xưng Thanh Hóa trong khi tỉnh này còn nhiều lớp học vách nứa cheo leo ở sườn núi (Ảnh minh họa: nld.com.vn). |
Không thể nói những đại lễ mang tính lịch sử là không quan trọng, không thể quy mọi thứ về hệ quy chiếu “lỗ hay lãi”. Nhưng một chương trình chỉ để kỷ niệm “tên khai sinh” tiêu mất trăm tỷ có ai thấy xót?
Sao đó không phải là một buổi tọa đàm, một hội thảo khoa học tầm cỡ về mảnh đất và con người Thanh Hóa nhân dịp này?
Người ta sẽ làm gì với khối tiền lớn như thế, hiệu quả thu lại là gì trong khi tỉnh này còn 1.000 phòng học tranh tre nứa lá, nhiều nơi trẻ em đu dây qua suối đến trường.
Thật sự cũng không ai rỗi để cãi nhau tên Thanh Hóa có từ bao giờ, do ai đặt, hoàn toàn không mang lại hiệu quả gì.
Thanh Hóa là một tỉnh của nước Việt Nam và nước Việt Nam ta đủ đầy bằng chứng lịch sử 4.000 năm. Thế là đủ!
Vì sao lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa muốn có công trình nghìn tỷ, mang tầm thế kỷ? |
Thành phố đáng sống - Đà Nẵng từng nổi lên như một hình mẫu đâu phải vì cái danh xưng “Đà Nẵng”, nó cũng chỉ đơn giản là lược trích từ cái tên Quảng Đà.
Đến đây thì ai cũng rõ đổ hàng trăm tỷ vào cái danh xưng trống rỗng mới kệch cỡm làm sao.
Cái danh xưng suy cùng cũng chỉ để phân biệt, giống như tên người mà thôi, nên gốc tích của nó không quan trọng bằng sự đói no của người dân.
Nhà nước đang đau đầu với bộ chi ngân sách, con số được công bố là trên 200 ngàn tỷ đồng từ năm 2015 trở lại đây.
Cách nhanh nhất để hết bộ chi là giảm chi, trong danh mục phải giảm chi, tượng đài, quảng trường, bảo tàng, đại lễ kỷ niệm đi “hàng đầu”.
Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khá giả đã giảm bớt pháo hoa chào Tết nguyên đán, công cán nước ngoài của các Bộ, ngành đã đến lúc xem lại tính hiệu quả thì một đại lễ chi tiêu số tiền quá lớn cũng phải toan tính thiệt hơn.