Ngày 13/3, tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội diễn ra ngày hội Tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2016 đã thu hút hàng nghìn học sinh, sinh viên tham gia.
Ngày hội với nhiều hoạt động tư vấn nhằm góp phần giúp học sinh định hướng nghề nghiệp, chọn ngành, chọn trường phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân.
Đặc biệt năm nay, đây sẽ là kênh chính thức của Bộ Giáo dục & Đào tạo về kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 và tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Ngày hội Tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2016 (Ảnh: Thùy Linh) |
Ngày hội có sự góp mặt của trên 70 trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trường nghề và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tổ chức tư vấn hướng nghiệp, cung cấp thông tin và giải đáp thắc mắc về quy chế thi, cũng như thông tin xét tuyển của trường mình…cùng hàng nghìn học sinh, phụ huynh đến để được tư vấn, trao đổi trực tiếp với đại diện các trường mà mình quan tâm.
Tại ngày hội, có ba khu vực tư vấn chuyên sâu để tư vấn và giải đáp thắc mắc của các thí sinh. Thí sinh và phụ huynh quan tâm đến nhóm ngành nào thì sẽ dự nghe tư vấn ở nhóm ngành đó.
Ban tư vấn là đại diện Bộ GD&ĐT, đại diện các trường Đại học lớn. Sau phần tư vấn, các thí sinh và phụ huynh có thể gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các thầy cô ban tư vấn.
Đến tham dự ngày hội, em Nguyễn Thanh Tâm (Ba Đình) chia sẻ: “Đây là một hoạt động bổ ích, có ý nghĩa đối với chúng em. Em có dự định thi vào khoa Toán của trường Đại học Sư phạm Hà Nội qua tìm hiểu em còn nhiều băn khoăn nhưng khi đến đây được thầy cô giải đáp, tư vấn giúp em hiểu rõ và có động lực hơn”.
Ba khu vực tư vấn chuyên sâu và giải đáp các thắc mắc của thí sinh. Đó là, nhóm ngành Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật, Y dược, Công nghệ, Nông lâm; nhóm ngành Kinh tế, Báo chí, Khoa học xã hội-nhân văn, Luật, Ngoại ngữ, Công an, Quân đội; Khu vực tư vấn tâm lý - gỡ rối lựa chọn nghề nghiệp.
Sau phần tư vấn, thí sinh và phụ huynh có thể gặp gỡ, trao đổi với các thầy cô trong Ban cố vấn.
Ở khu vực tư vấn tâm lý-gỡ rối lựa chọn nghề nghiệp, TS. Phạm Mạnh Hà (Phó trưởng khoa Công tác thanh niên của Học viện thanh thiếu niên Việt Nam) hỗ trợ các em chuẩn bị kỹ năng sống, tâm sinh lý để chọn ngành nghề phù hợp và thông minh nhất.
TS. Phạm Mạnh Hà (đứng) - Phó trưởng khoa Công tác thanh niên của Học viện thanh thiếu niên Việt Nam (Ảnh: Thùy Linh) |
Một học sinh đặt câu hỏi: “Để là một bác sỹ cần có tính cách và phẩm chất gì?”.
TS. Phạm Mạnh Hà cho rằng: Câu hỏi này chưa cụ thể bởi trong lĩnh vực y học có rất nhiều chuyên môn khác nhau như bác sỹ đa khoa, bác sỹ nội khoa, bác sỹ ngoại khoa, bác sỹ nhi, bác sỹ trong lĩnh vực chẩn đoán…cho nên tính cách và phẩm chất ở từng chuyên môn sẽ khác nhau.
Nếu là bác sỹ nhi khoa thì buộc bác sỹ phải có kỹ năng giao tiếp thật tốt vì bệnh nhân là những trẻ em còn sợ hãi, non nớt nên để chẩn đoán, dỗ dành trẻ thì bác sỹ cần phải kiểm soát cảm xúc, nhẫn nại, chịu được áp lực công việc…
Nếu là bác sỹ ngoại khoa thì cần phải có kỹ năng mổ xẻ, buộc phải có khả năng tinh tường, tư duy tốt, tiết chế cảm xúc để tập trung vào công việc với khoảng thời gian 5-6 tiếng đồng hồ thậm chí 9-10 tiếng trong một ca mổ...
Cho nên muốn lựa chọn ngành nghề thì buộc thí sinh cần phải biết chuyên môn ngành nghề đó như thế nào?
Trong ngày hội, nhiều thí sinh lo lắng về vấn đề việc làm sau khi ra trường, TS. Phạm Mạnh Hà tư vấn: Nếu muốn biết trên thị trường lao động hiện nay lĩnh vực nào đang thu hút nguồn nhân lực thì cần vào các trang đăng tin tuyển dụng theo dõi trong các lĩnh vực nghề nghiệp, nghề nào có số lượng đăng tuyển nhiều nhất thì đó chính là nghề đang cần nhân lực.
Chứ đừng nhìn vào số lượng hồ sơ nộp vào trường hay tỷ lệ chọi và đừng bao giờ nghĩ rằng: “Các trường lấy điểm đầu vào 28, 29 điểm thì khi ra trường sẽ dễ xin việc”. Đây là một sai lầm.
Đặc biệt, khi đọc các thông tin tuyển dụng buộc thí sinh phải nắm rõ về yêu cầu, kỹ năng, phẩm chất, thái độ mà công việc đó yêu cầu kết hợp với việc hỏi anh chị đi trước để lựa chọn nghề nghiệp cho phù hợp nhất, đừng bao giờ chọn nghề theo tên nghề.
Ngoài ra, khi lựa chọn nghề nghiệp thì thí sinh cần phải nhớ rằng, không bao giờ được chọn nghề theo sở thích sinh lý ví như: chọn trường A. vì có nhiều bạn xinh, chọn trường B. vì có đồ ăn ở căng tin ngon…
Và thí sinh cũng đừng bao giờ chọn nghề dựa trên sở thích giải trí, ví như vì thích chơi game nên chọn học công nghệ thông tin, vì thích đi chơi nên chọn nghề du lịch….bởi sở thích và công việc là hai điều hoàn toàn khác nhau.
Công việc không cho phép có cảm xúc yêu hay ghét mà khi làm việc là dựa trên tinh thần trách nhiệm, đóng góp.
TS. Phạm Mạnh Hà hướng dẫn thí sinh cách lựa chọn nghề nghiệp thông minh nhất:
- Thứ nhất, thí sinh cần chọn lĩnh vực nghề nghiệp mà bản thân muốn làm như kỹ thuật công nghệ, xã hội nhân văn, dịch vụ xã hội, quản lý xã hội, an ninh quốc phòng, y – dược, sư phạm…
- Thứ hai, sau khi chọn được lĩnh vực nghề nghiệp thì tiếp tục tìm hiểu các ngành có trong lĩnh vực nghề nghiệp đó.
Ví dụ, trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn bao gồm nhiều ngành khác nhau như: Lịch sử, báo chí, tâm lý, quản lý, xã hội học, triết học…
- Thứ ba, dựa vào các ngành khác nhau đó, thí sinh lựa chọn cho mình một ngành mà bản thân yêu thích.
- Thứ tư, khi chọn được ngành rồi thì tiếp tục tìm hiểu xem ngành đó có những lĩnh vực nghề nghiệp nào, lĩnh vực nào thích hợp nhất với bản thân.
Ví dụ, thí sinh chọn ngành Tâm lý trong đó có các lĩnh vực nghề nghiệp: tư vấn tâm lý, trị liệu tâm lý, quản trị nhân lực, nghiên cứu tâm lý…
Chia sẻ với phóng viên, thầy Hà cho biết: “Hiện nay, trong quá trình học tập, học sinh mới chỉ tập trung nhiều đến việc học để cố gắng đạt điểm số để vượt qua các kỳ thi, các em ít khi nghĩ đến việc mình chọn nghề gì để sau này phát triển được, chọn trường nào cho phù hợp nên đến giai đoạn những tháng cuối cùng này gây khó khăn cho các em rất nhiều.
Qua chương trình tư vấn hướng nghiệp này sẽ giúp cho các em có được định hướng trong việc chọn nghề nghiệp tương lai để ra quyết định mang tính chính xác.
Thực tế, học sinh mơ hồ trong việc lựa chọn nghề nghiệp, các em mới chỉ căn cứ vào cái tên, sự hấp dẫn bề ngoài của nghề mà ít khi chú ý rằng mình có phù hợp với công việc đó, nó có đáp ứng giá trị của bản thân mình, có đáp ứng được cá tính của mình hay không?...
Học sinh nên lập cho mình kế hoạch lựa chọn. Trước tiên cần hiểu cá tính, tính cách của mình. Thứ hai, cần hiểu về thị trường lao động hiện nay đang cần gì, thiếu gì?
Hiểu mình, hiểu nghề thì sẽ chọn lựa được công việc phù hợp. Đó là cách lựa chọn nghề nghiệp thông minh nhất”.