Sáng ngày 13/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022 – 2023.
Báo cáo tại hội nghị này, ông Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, tính đến tháng 2/2022, Bộ đã hoàn thành phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương dành cho học sinh lớp 2,6 để tổ chức dạy học, còn với lớp 7 và 10 thì hiện một số địa phương tỉnh, thành phố vẫn chưa đề nghị Bộ phê duyệt, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thực hiện chương trình mới ở các nhà trường.
Nguyên nhân được ông Thành đưa ra, là do một số địa phương chưa có kinh nghiệm trong việc biên soạn, thẩm định tài liệu, trình hội đồng cấp tỉnh, thành phố xin ý kiến, có nhiều ý kiến trái chiều, nên dẫn đến việc thời gian hoàn thành chậm hơn so với dự kiến.
Ngoài ra, việc chuẩn bị kinh phí dành cho việc biên soạn và thẩm định tài liệu giáo dục địa phương theo như quy định của Bộ Tài chính hiện cũng vẫn còn thấp, một số nội dung còn thiếu, không có quy định mức chi, nên cũng rất khó mời được tác giả có trình độ chuyên môn tốt tham gia viết sách, thậm chí là có người còn muốn rút lui, gây khó khăn cho các địa phương.
Phát biểu trực tiếp tại buổi thảo luận, ông Châu Tuấn Hồng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng nói rằng, ở địa phương này thì hiện đang vướng ở khâu in và đấu thầu.
Do chưa thể đi in, nên tỉnh buộc phải sử dụng biện pháp là đưa file tài liệu giáo dục địa phương xuống trường giảng dạy.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại phiên thảo luận (Ảnh: P.L) |
Là một trong số ít các địa phương có học sinh đông nhất trong cả nước, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, do tỷ lệ học sinh hàng năm tăng cao, nên việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh đang gặp khó khăn lớn.
Có những quận, huyện có số học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày rất thấp. Do có số học sinh đông, nên đã có sự mâu thuẫn trong việc dạy học 2 buổi/ngày.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, đó là do trước đây thì giáo viên dạy học 2 buổi/ngày từ chương trình cũ vẫn được hưởng kinh phí từ việc dạy học vào buổi 2, còn với lớp 1,2,3 dạy theo chương trình mới, là chương trình dạy học 2 buổi/ngày, thì không được bồi dưỡng thêm.
Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, chính ông đã từng kiến nghị Vụ Giáo dục tiểu học phải xác định buổi thêm là bao nhiêu buổi tối thiểu. Nếu 2 buổi/ngày xác định tối thiểu là 7 buổi, thì những buổi học còn lại có thể xã hội hóa các hoạt động khác trong nhà trường, để có thêm nguồn thu cho giáo viên, học sinh tăng cường các hoạt động để đáp ứng theo nhu cầu của phụ huynh.
“Nếu chúng ta không có quy định rõ ràng bao nhiêu buổi trong tuần, thì sẽ rất khó tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố ban hành định mức ngoài học phí có thể thu thêm, đáp ứng nhu cầu học đa dạng ngoài giờ học chính khóa” – ông Nguyễn Văn Hiếu nói thêm.
Dự kiến, trong chiều nay, ngay sau khi nghe phát biểu thì Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có phát biểu kết luận hội nghị này.