Dạy học online tại sao không được thu phí?

18/03/2020 06:36
Trinh Phúc
(GDVN) - Ông Lê Như Tiến cho rằng, đã có hình thức dịch vụ giáo dục online thì chắc chắn có phí dịch vụ. Tôi ủng hộ việc thu học phí online.

Trong thời gian nghỉ dịch Covid -19, tại Hà Nội, nhiều nhà trường chủ động dạy online để nỗ lực duy trì việc học tập thường xuyên, liên tục của học sinh.

Tuy nhiên, vì thời gian nghỉ dịch kéo dài, việc dạy học online vì thế cần đòi hỏi đầu tư thời gian, công sức nhiều. Chính vì vậy nảy sinh ra một vấn đề là có được thu tiền dạy học hình thức này hay không?

Vốn đây là một vấn đề tế nhị, bởi trong dịch bệnh, ai cũng khó khăn nên việc thu tiền gây nên sự tranh luận rất lớn.

Đã có những ngôi trường tư thục đặt ra vấn đề này thì ngay lập tức có những ý kiến phản đối một cách gắt gao.

Để đầu tư một tiết dạy học online thầy cô phải dành nhiều thời gian, trí tuệ và tâm huyết (ảnh Thùy Linh).
Để đầu tư một tiết dạy học online thầy cô phải dành nhiều thời gian, trí tuệ và tâm huyết (ảnh Thùy Linh).

Rõ ràng, nếu thu tiền thì gánh nặng trên vai phụ huynh sẽ nhiều lên. Nhưng không thu tiền thì các nhà trường tư thục lấy đâu ra nguồn thu để trả lương và các chi phí khác cho các thầy cô.

Dịch bệnh đang đặt trường tư vào cảnh khó khăn, vừa gánh vác nhiệm vụ giáo dục học sinh nhưng không thu được bất cứ nguồn nào nên nếu dịch còn kéo dài thì nhiều trường sẽ lâm nguy.

Thực tế, đến lúc này các trường tư chưa hề thu tiền từ phụ huynh. Trong khi, việc dạy học online nhiều trường vẫn đang cố gắng duy trì thường xuyên.

Họ hy vọng, với sự cố gắng của mình sẽ nhận được sự đồng cảm của phụ huynh để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng mở đường cho các trường tư thục thu tiền học online cụ thể trên báo Nhân dân, Vụ Kế hoạch - Tài chính của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu quan điểm: "Đối với các dịch vụ hỗ trợ học online và hướng dẫn học trong thời gian nghỉ dịch, đây là dịch vụ phát sinh ngoài chương trình học chính khóa.

Do đó việc này do phụ huynh học sinh và nhà trường tự thỏa thuận với nhau không tính bù vào chương trình học và thu học phí thêm [1]. 

Bằng sự cố gắng của mình trong dạy học online các trường tư thục và sự cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều trường tư  hy vọng sẽ thu được tiền của phụ huynh để chi trả kinh phí dạy học online.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chờ đợi các chính sách hỗ trợ từ nhà nước và một phần đóng góp của phụ huynh thì họ tỏ ra hụt hẫng khi biết Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có văn bản 769/SGDĐT-GDPT chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo, hiệu trưởng các trường trung học phổ thông về việc quản lý dạy học trong thời gian học sinh nghỉ học phòng dịch Covid-19 nhằm tăng cường chất lượng việc dạy học online và trên truyền hình.

Thầy cô trường tư không có hỗ trợ tiền lương như các giáo viên trường công vì thế sống phụ thuộc vào nguồn thu từ tiền học phí (ảnh minh họa - chụp màm hình từ tiết học online của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội).
Thầy cô trường tư không có hỗ trợ tiền lương như các giáo viên trường công vì thế sống phụ thuộc vào nguồn thu từ tiền học phí (ảnh minh họa - chụp màm hình từ tiết học online của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội).

Trong đó, yêu cầu rất cao nhưng lại không cho phép các nhà trường thu tiền, cụ thể: "Quá trình tổ chức dạy online của nhà trường, của giáo viên phải đảm bảo tính khoa học, sư phạm, chất lượng và không được thu bất kỳ khoản tiền nào đối với phụ huynh, học sinh (kể cả việc Ban đại diện cha mẹ học sinh huy động sự đóng góp của phụ huynh để hỗ trợ nhà trường, giáo viên).

Các nhà trường, giáo viên duy trì liên lạc với gia đình học sinh, học sinh để hướng dẫn ôn tập, tự học qua các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với thực tế địa phương.

Hướng dẫn học sinh học tập hiệu quả trên hệ thống học tập trực tuyến Hanoi Study cho học sinh lớp 8,9 và lớp 11,12.

Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn cho học sinh lớp 9 và lớp 12 học tập trên truyền hình đảm bảo nề nếp, chất lượng".

Sở Giáo dục Hà Nội yêu cầu không thu tiền học trực tuyến, kể cả hỗ trợ tự nguyện
Sở Giáo dục Hà Nội yêu cầu không thu tiền học trực tuyến, kể cả hỗ trợ tự nguyện

Với hệ thống trường tư hiện nay để đáp ứng dạy online theo yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo nhưng không được thu tiền thì thực sự là một thử thách rất lớn.

Đến nay hầu như các trường tư đã cắt lương, giảm lương đối với giáo viên. Hy hữu, chỉ có một vài trường còn đủ kinh phí trả lương cho giáo viên. Chính vì lẽ đó, nếu tiếp tục không có nguồn thu thì đa số giáo viên trường tư không có tiền để sống và đây là bài toán mà các nhà quản lý cần phải tính đến.

Phàn nàn về quy định cấm thu tiền dạy online với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một hiệu trưởng của trường tư (đề nghị không nêu tên) chia sẻ rằng: "Quy định này của Sở đang xâm phạm quyền tự chủ tài chính của trường tư. Xâm phạm đến quyền có chương trình nhà trường: học từ xa, học trực tuyến, học online, trải nghiệm,....

Trong khi các hình thức học này đều mang nét riêng của mỗi trường và thuộc chương trình nhà trường miễn là đảm bảo chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng thi cử, chất lượng, thương hiệu nhà trường".

Vị này nhấn mạnh: "Hơn một tháng kể từ ngày học sinh nghỉ học thì Bộ Giáo dục và Đào tạo mới dạy trên truyền hình.

Bộ Giáo dục có trả tiền cho một bài giảng trên truyền hình hay không? Trong khi trường tôi đã làm gần 2.000 bài giảng trong tháng 2.

Các nhà trường ngoài chi phí lương cho giáo viên thì còn phí ngoài lương, thưởng cho giáo viên để vừa làm bài giảng, vừa quản lý sát sao học sinh".

Qua trao đổi có thể thấy, việc dạy học online cần thiết phải đầu tư công phu về thời gian, tri thức, tâm huyết, trách nhiệm nên cần thiết phải được ghi công một cách xứng đáng.

Ông Lê Như Tiến ủng hộ việc cho phép các trường tư thục thu học phí dạy học trực tuyến (ảnh nguồn quochoi.vn).
Ông Lê Như Tiến ủng hộ việc cho phép các trường tư thục thu học phí dạy học trực tuyến (ảnh nguồn quochoi.vn).

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội.

Ông Lê Như Tiến cho rằng, trường tư phải được quyền thu học phí dạy online thì mới khuyến khích được dịch vụ giáo dục này phát triển.

Theo ông Lê Như Tiến, việc dạy học trực tuyến cũng như bán hàng trực tuyến và đều nằm trong chủ trương của Chính phủ.

Đặc biệt trong thời gian nghỉ vì dịch Covid -19 thì việc học online, dạy trực tuyến, bán hàng online, các giao dịch online càng được khuyến khích.

Dạy online cho thấy ưu điểm như vừa chống được dịch, vừa không tập trung đông người, vừa không ảnh hưởng đến việc học của học sinh, ở nhà vẫn học được.

Đây là phương pháp khoa học, nhiều nơi trên thế giới đã áp dụng và dành thời gian khá nhiều để học trực tuyến, ra bài tập online, sửa bài và trả bài qua mạng internet… Rất nhiều chương trình của nước ngoài ở Việt Nam học hoàn toàn trên máy tình, điện thoại, máy tính bảng ở nhà.

Do đó, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Cần phát triển hình thức dạy học online nhất là trong tình hình hiện nay. Đã có hình thức dịch vụ giáo dục online thì chắc chắn có phí dịch vụ.

Nếu cứng nhắc không cho thu phí học online thì rất khó cho thầy cô trường tư vì người ta không có sự đầu tư của nhà nước, đầu tư ban đầu và đầu tư cơ sở vật chất …

Trường tư tự lập thì họ phải có kinh phí để duy trì hoạt động của trường.

Tôi ủng hộ việc thu phí học phí online với điều kiện thu phí phải phù hợp, không được thu cao quá phụ huynh học sinh không chịu được. Còn thu phù hợp thì phải khuyến khích và tạo điều kiện”.

Cuối cùng vị này khẳng định: “Đã hình thành một dịch vụ nào đó thì phải có phí dịch vụ để tồn tại và phát triển. Trong giáo dục cũng thế thôi và mọi hoạt động khác cũng thế”.

Trường Tư phải được thu dịch vụ để trả lương cho giáo viên

Theo bà Bùi Thị An đại hiểu Quốc hội khóa 13, dù sao giáo viên trường tư không được hưởng lương từ ngân sách nên phải có nguồn thu để chi trả.

Trong khi càng lúc này càng cần thiết phải dạy học online cần phải cung cấp kiến thức thường xuyên, liên tiếp để cho học sinh tham gia kỳ thi quốc gia theo quy định.

Cần nên phân biệt dạy online của các trường công lập và tư thục ra.

Giáo viên tư thục không có nguồn ngân sách nhà nước chi trả nên cần phải được tính toán phù hợp.


Tài liệu tham khảo:

1: https://nhandan.com.vn/giaoduc/dien-dan/item/43510202-hoc-phi-phu-phi-duoc-thu-the-nao-khi-hoc-sinh-nghi-phong-dich.html?

Trinh Phúc