Hiện nay, dạy học online đang được áp dụng rộng rãi sau khi học sinh cả nước nghỉ học vì dịch Covid -19. Cách học này đã phát huy được nhiều hiệu quả khi các em có thể ở nhà vẫn theo dõi được bài giảng, hoặc chủ động học tập khi truy cập vào các trang dạy học trực tuyến.
Đến nay, đã có nhiều phần mềm hỗ trợ dạy học trực tuyến. Đặc biệt, có nhiều ứng dụng cho phép thầy trò có thể tương tác học tập không kém gì việc học trực tiếp tại nhà trường.
Đã có những chương trình cung cấp khá toàn diện đáp ứng toàn bộ các nhu cầu học của học sinh, từ trang bị, ôn luyên kiến thức tới các chương trình luyện thi chuyển cấp hoặc nâng cao kiến thức.
Việc học online đang trở thành xu hướng giáo dục mới (ảnh minh họa - nguồn giaoduc.net.vn). |
Người học cũng đã lựa chọn cách học online ngày một nhiều, đơn cử như trang Hocmai.vn sau 13 năm cung cấp dịch vụ đã có tới gần 4 triệu học sinh cả nước đã tham gia, mỗi ngày đều có hơn 200 nghìn lượt học sinh tham gia các hoạt động học tập.
Trong thời gian dịch Covid – 19 có gần đến 800 nghìn học sinh tham gia khóa học miễn phí ở trang này.
Cũng trong dịch Covid -19, đã có hàng nghìn trường phổ thông trong cả nước tổ chức dạy học online. Nhiều trường phổ thông như hệ thống trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, Hà Nội bắt tay xây dựng chiến lược dạy học trực tuyến.
Chính vì vậy, vấn đề được đặt ra lúc này là có nên xem các tiết học online như các tiết học chính khóa không?
Thủ tướng: Bộ Giáo dục thảo luận với các địa phương về việc đi học của học sinhNội dung |
Thực tế hiện nay tại Việt Nam, học sinh có thể theo học chương trình Tú tài Mỹ bằng cách học online và các em được cấp bằng Tú tài Mỹ. Trong khi ở Việt Nam, nếu học chương trình phổ thông mà bằng hình thức online lại chưa được thừa nhận.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khi chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã cho rằng, ở bậc phổ thông các em phải đến trường vì dạy học ngoài kiến thức còn phải dạy người.
Tuy nhiên, cũng có người băn khoăn có nhất thiết 100% chương trình phổ thông đòi hỏi học sinh phải đến trường để học hay không?
Hay cần hành lang pháp lý khuyến khích việc dạy học online song song với cách dạy học truyền thống.
Trong thời đại số thì việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học là xu thế tất yếu. Chính vì lẽ đó, cần thiết phải có những điều chỉnh cho phù hợp mà đầu tiên chính là sự thay đổi trong các quy định về giáo dục phổ thông hiện nay.
Liên quan vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, cần khuyến khích học sinh học các chương trình online.
Ngay cả việc các em học các chương trình Tú tài quốc tế thì cũng nên công nhận văn bằng này cho các em.
Trong xu thế phát triển công nghệ hiện nay, theo thầy Phạm Tất Dong nước ta cần xây dựng chương trình phổ thông để dạy online của riêng Việt Nam. Hiện, Việt Nam hoàn toàn làm được và nên có chương trình như vậy.
Thầy Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam (ảnh Thùy Linh). |
Thầy Dong nhấn mạnh: “Nếu các cháu có điều kiện học online ở Việt Nam bằng chương trình Mỹ thì cũng nên công nhận cho các cháu. Vì điều này sẽ tạo điều kiện cho học sinh học tập, tiếp cận nền giáo dục của thế giới”.
Một trong những vấn đề mà nhiều chuyên gia giáo dục quan tâm chính là việc nhiều nội dung học chính khóa của chương trình phổ thông hiện nay có thể tổ chức dạy trên online. Do đó, cần thiết công nhận tiết học online như các tiết học chính khóa.
Bản thân thầy Dong cũng cho rằng, hiện thế giới học theo tích lũy. Cứ tìm trên online có tín chỉ nào thì học, đến khi học đủ thì được cấp bằng.
Cuối cùng, thầy Dong góp ý, Việt Nam nên thống nhất với một số nước hợp tác để nhập các chương trình online của họ. Vì các chương trình của họ giáo viên rất giỏi nên học sinh Việt Nam tiếp cận được là điều rất tốt.
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An từng nêu quan điểm với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, việc học online đáng ra phải áp dụng lâu rồi để tận dụng tất cả điều kiện có thể.
Bởi cách học này là tiết kiệm thời gian mà vẫn cung cấp được kiến thức cho mọi người.
Bà An cho rằng: “Cái quan trọng nhất là đánh giá kiến thức học sinh, thu lượm từ nhiều nguồn không chỉ trên ghế nhà trường.
Không kể học bằng hình thức nào, cái quan trọng nhất là đánh giá kiến thức nên Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu để đưa ra phương pháp đánh giá.
Bộ Giáo dục cần nghiên cứu để kiến nghị với Chính phủ có thể có điều chỉnh, thay đổi để cấp bằng được cho những người học online.
“Trong trình độ công nghệ thông tin đã phát triển thì có thể áp dụng cách dạy học này do đó cần có giải pháp để khuyến khích phát triển. Đáng lẽ chúng ta đã tạo điều kiện hành lang pháp lý cho học sinh có điều kiện học online từ lâu”.
Cuối cùng bà Bùi Thị An đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có giải pháp để đánh giá được thực chất kiến thức học qua online và đề nghị Chính phủ cấp bằng cho những học sinh đạt chuẩn khi theo học chương trình này.