“Dạy học tích hợp” trong chương trình mới, giáo viên hiểu thế nào mới đúng?

05/08/2017 07:23
Nguyễn Quốc Vương
(GDVN) - Chương trình, sách giáo khoa sắp tới sẽ viết như thế nào để thể hiện được sự “tích hợp” trong môn “Lịch sử-Địa lý” hay là giữa chúng chỉ là sự gán ghép cơ học.

LTS: Ngày 28/7 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức thông qua chương trình phổ thông tổng thể. Khi so sánh chương trình này với bản dự thảo được công bố vào tháng 4 năm 2017, chúng ta sẽ thấy có một vài nét khác biệt. 

Hôm nay, trong bài viết gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương (nghiên cứu sinh giáo dục Lịch sử tại Nhật Bản) – hiện đang là giáo viên dạy Lịch sử tại Việt Nam đã đưa ra một vài nhận xét về "dạy học tích hợp" trong chương trình mới. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Khi so sánh bản dự thảo công bố ngày 12/4 và bản chính thức được thông qua của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chúng ta sẽ nhận ra những người biên soạn chương trình đã sửa nhiều đoạn, nhiều câu trong chương trình để nhấn mạnh thêm những ý mà công chúng và các chuyên gia đặt câu hỏi nghi ngờ hoặc yêu cầu phải làm rõ. 

Còn nhớ khi dự thảo chương trình mới công bố, những người có trách nhiệm với chương trình mới rất hồ hởi với hai điểm nhấn của dự thảo chương trình là “dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực” và “dạy học tích hợp”. 

Ý tưởng của những người làm chương trình khi đó là sẽ thực hiện “dạy học tích hợp” thông qua các hoạt động giáo dục mới như “hoạt động trải nghiệm sáng tạo” và các môn học mới như “Cuộc sống quanh ta”, “Tìm hiểu tự nhiên”, “Tìm hiểu xã hội”, “Khoa học xã hội”… 

“Dạy học tích hợp” trong chương trình mới, giáo viên hiểu thế nào mới đúng? (Ảnh minh họa: Nguồn Đại học Vinh)
“Dạy học tích hợp” trong chương trình mới, giáo viên hiểu thế nào mới đúng? (Ảnh minh họa: Nguồn Đại học Vinh)

Một ý tưởng hợp lý về mặt học thuật và hoàn toàn không mâu thuẫn với thực tiễn giáo dục thế giới. Tuy nhiên, nhìn vào chương trình mới thông qua người ta dễ dàng nhận ra sự thoái lui toàn diện của lý luận này. 

Trước hết là sự thoái lui về tên gọi và cơ cấu của các môn học. Ở tiểu học các môn học như “Cuộc sống quanh ta”, “Giáo dục lối sống”, “Tìm hiểu tự nhiên”, “Tìm hiểu xã hội” biến mất thay vào đó là các môn “Đạo đức”, “Tự nhiên và xã hội”, “Lịch sử-địa lý”. 

Như vậy, nếu như trước đó, khi vấp phải sự phản đối dữ dội của giáo viên và giới sử học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải bỏ không tích hợp Lịch sử vào môn “Công dân với tổ quốc” rồi tiến tới bỏ hẳn môn này ở Trung học phổ thông. 

Rồi đổi tên môn “Khoa học xã hội” ở bậc Trung học cơ sở thành “Lịch sử-Địa lý”. 

“Dạy học tích hợp” trong chương trình mới, giáo viên hiểu thế nào mới đúng? ảnh 2

Chính thức thông qua Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Giờ đây, khi thông qua chương trình mới, các môn học có tính “tích hợp” ở tiểu học cũng biến mất hoặc trở về tên gọi truyền thống.

Có người sẽ giải thích việc thay tên không quan trọng lắm, nó vừa tránh được sự phản ứng thái quá của dư luận nhất là từ phía các giáo viên đang dạy các môn này ở phổ thông vừa có thể vẫn thực hiện được cải cách. 

Tuy nhiên, theo tôi, khi cái tên không thông nhất với nội dung thì tất yếu sẽ không thể tiến hành tốt trong thực tế vì cái tên phản ánh tập trung nhất, rõ nhất mục tiêu-triết lý, cách làm của môn học đó.

Nhìn vào tên gọi các môn học trong chương trình đã được thông qua chúng ta cũng sẽ hình dung ra khó khăn và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các giáo viên trực tiếp giảng dạy sẽ đối mặt trong những ngày tới. 

Chương trình, sách giáo khoa sẽ viết như thế nào để thể hiện được sự “tích hợp” trong môn “Lịch sử-Địa lý” hay là giữa chúng chỉ là sự gán ghép cơ học như đã từng diễn ra. 

Giáo viên nào sẽ dạy môn học này hay phần Lịch sử thì giáo viên Lịch sử dạy, phần Địa lý thì giáo viên Địa lý dạy còn các chuyên đề “tích hợp” giữa hai môn thì chia nhau ra dạy. 

Tích hợp không đơn giản là chuyện ghép hai đơn vị kiến thức hay kiếm lấy một chủ đề nào đó trong đó có thể trình bày cả kiến thức của địa lý và lịch sử rồi đem dạy cho học sinh. Nếu làm thế sẽ lại rơi vào vũng lầy của việc dạy học minh họa, truyền đạt tri thức làm cho học sinh đang chán nản.

Bản chất của học tập tích hợp phải là chọn lấy những chủ đề nóng bỏng, quan trọng có tính vấn đề (thường là những vấn đề mà học sinh hay xã hội đang đối mặt) để làm điểm xuất phát của việc học tập. 

Các chủ đề-vấn đề đó sẽ giống như ngã tư đường hay là vòng tròn bùng binh nơi gặp gỡ của rất nhiều ngành khoa học khác nhau.

Để giải quyết “vật cản” là vấn đề đó, học sinh sẽ phải sử dụng thành tựu và phương pháp của rất nhiều ngành khoa học khác nhau bao gồm cả Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội cũng như các kinh nghiệm trong đời sống. 

Chính vì vậy mà việc trên thế giới việc tồn tại của những môn học tích hợp (tổng hợp) như “Khoa học”, “Nghiên cứu xã hội” không hề mâu thuẫn với những môn học độc lập như Lịch sử, Địa lý, Vật Lý, Hóa học, Sinh học… Hai dạng môn giáo khoa này sẽ có vai trò riêng. 

Xin lấy ví dụ cụ thể trong giáo dục lịch sử. Trong giáo dục lịch sử trên thế giới sẽ tồn tại hai dạng thức: Dạng thức thứ nhất là giáo dục lịch sử kiểu nghiên cứu xã hội và dạng thức thứ hai là giáo dục lịch sử kiểu thông sử. 

Giáo dục lịch sử kiểu nghiên cứu xã hội thường lấy các vấn đề trong xã hội đương đại làm điểm xuất phát để học sinh dùng phương pháp và thành tựu sử học lý giải xã hội các em đang sống. 

Nó được thực hiện chủ yếu thông qua môn “Nghiên cứu xã hội”. Giáo dục lịch sử ở đây cũng tập trung nhiều vào lịch sử xã hội. Trong kiểu giáo dục lịch sử này sẽ có ba hình thái là “thông sử”, “lịch sử theo chuyên đề” và “lịch sử lội ngược dòng”. 

Kiểu giáo dục lịch sử trong môn lịch sử sẽ được thực hiện qua môn Lịch sử. Môn học này chú trọng huấn luyện các em học sinh tư duy và phương pháp sử học cũng như trang bị cho các em một hệ thống kiến thức có tính chất nền tảng.

Ở Nhật Bản, các môn học này trong chương trình hiện tại vẫn tồn tại song song và bổ trợ cho nhau. 

Nguyễn Quốc Vương