Đề án "thí điểm đào tạo song bằng" tại 7 trường trung học cơ sở công lập ở Hà Nội do Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai đang tồn tại nhiều bất cập, mâu thuẫn chính sách.
Để có cái nhìn đa chiều về đề án thí điểm này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với thầy Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chu Văn An, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Xin thầy vui lòng cho biết, đến thời điểm này trường Chu Văn An đã chuẩn bị như thế nào để thực hiện "thí điểm” đào tạo song bằng?
Thầy Đặng Việt Hà: Năm nay trường Trung học cơ sở Chu Văn An được quận Tây Hồ đầu tư xây, cải tạo toàn bộ hệ thống trường, cho nên cùng với việc đầu tư như vậy, trường cũng xin xây dựng đồng bộ các phòng thí nghiệm để phục vụ đào tạo Cambridge.
Thầy và trò Trường Trung học cơ sở Chu Văn An, Tây Hồ, Hà Nội trong lễ khai giảng năm học 2017-2018, ảnh: c2chuvanan.edu.vn. |
Trường Trung học cơ sở Chu Văn An cũng có thuận lợi là xây mới nên có thể điều chỉnh theo tất cả những gì mà Cambridge yêu cầu.
Việc này cũng được lãnh đạo quận, lãnh đạo Phòng Giáo dục quận Tây Hồ rất sát sao trong việc giám sát cũng thư tham gia góp ý vào việc thiết kế, chuẩn bị cho đầu tư.
Cũng có những khó khăn, bởi là năm đầu tiên thực hiện chương trình mới lẫn việc thực hiện di chuyển đến cơ sở mới ở 130 Thụy Khuê.
Nhà trường cũng đã dành các lớp học để phục vụ cho Cambridge.
Hiện nhà trường cũng đã dành đủ mỗi lớp một phòng học để phục vụ học bán trú cho các con.
Các trang thiết bị trong phòng học cũng đã đảm bảo đủ chuẩn để học chương trình Cambridge.
Việc trang thiết bị phục vụ thí nghiệm thì hiện tại những trang thiết bị của nhà trường cũng có thể đáp ứng được vì chương trình cho học sinh lớp 6 cũng chưa có nhiều tiết học thực hành.
Thầy có thể cho biết nhân sự giáo viên cho chương trình Cambridge được nhà trường chuẩn bị như thế nào?
Thầy Đặng Việt Hà: Chương trình phục vụ Cambridge (song bằng) 2 nửa, thứ nhất là chương trình giáo dục Việt Nam thứ 2 là chương trình nước ngoài.
Trưởng phòng Giáo dục Tây Hồ lên tiếng về "thí điểm song bằng" |
Về phần giáo dục Việt Nam thì quan điểm của lãnh đạo Sở, lãnh đạo Phòng cũng như quan điểm của nhà trường là phải đảm bảo chương trình chuẩn kiến thức 4 năm;
Để sau khi các con tốt nghiệp lớp 9 sẽ đạt được chuẩn kiến thức của chương trình Việt Nam, các học sinh này vẫn có thể tham gia thi vào được những trường trung học phổ thông ở mức độ khá.
Chính vì vậy nhà trường cũng phải lựa chọn những thầy cô giáo có năng lực, đồng thời có tinh thần tự cập nhật để dạy theo tinh thần đổi mới, giúp cho các con học tập và nắm bắt tốt các chương trình (môn học) Việt Nam ở trên lớp.
Về phần giáo viên nước ngoài, riêng về phần Cambrigde, thì theo quan điểm chỉ đạo hiện tại toàn bộ việc giảng dạy phần này sẽ do giáo viên nước ngoài đảm nhận.
Chính vị vậy nhà trường chưa tuyển lựa được giáo viên nước ngoài nên cần phải lựa chọn một đối tác.
Đối tác sẽ có vai trò giúp nhà trường quảng bá, tìm nguồn giáo viên và sau đó sẽ tuyển chọn giáo viên.
Việc tuyển chọn giáo viên sẽ có sự tham gia của nhà trường cũng như Phòng giáo dục. Số lượng sẽ có 4 giáo viên nước ngoài đảm trách riêng phần Cambride.
Nhà trường cũng thành lập riêng một ban điều hành trong đó Hiệu trưởng là trưởng ban, Phó hiệu trưởng, cô Hạnh Nguyên là phó ban thường trực và đồng thời là phụ trách phần khảo thí.
Một cô giáo làm điều phối viên có khả năng ngoại ngữ tốt và đồng thời dạy Toán trong lớp tiếng Việt. Có 2 cô giáo là trợ giảng, hỗ trợ.
Những ngộ nhận và rủi ro khi cho con học "song bằng" phổ thông tại Hà Nội |
Thời gian tới, nhà trường cũng đã xin quận cho 4 chỉ tiêu các cô giáo làm trợ giảng cho các bộ môn là Toán, Tiếng Anh, Khoa học.
Các cô giáo này sẽ giúp nhà trường dự giờ và đánh giá chất lượng giáo viên người nước ngoài và giúp cho học sinh Việt Nam tiếp cận tốt nhất chương trình của nước ngoài.
Đồng thời cũng là đào tạo giáo viên đến một lúc nào đó đạt chuẩn có thể trở thành giáo viên giảng dạy chính.
Ngoài ra nhà trường cũng đã bố trí phần bán trú, mời ban phụ huynh và trường cử 2 cô giáo tham gia chăm lo việc bán trú cho học sinh nghỉ trưa.
Nhà trường cũng đã tiến hành 1 cuộc họp với tất cả các phụ huynh học sinh có con học chương trình Cambridge để nêu những khó khăn của việc học chương trình này.
Nhà trường cũng đề nghị phụ huynh cộng tác vì đã nhìn thấy rõ những khó khăn của năm đầu tiên thực hiện và lắng nghe ý kiến, tháo gỡ những khó khăn với nhà trường để làm tốt nhất việc này.
Đề nghị thầy cho biết, đối tác mà nhà trường liên kết là đơn vị nào?
Thầy Đặng Việt Hà: Đối tác nhà trường hợp tác là công ty EPC, nhà trường chọn EPC vì công ty có kinh nghiệm trong việc lựa chọn, tuyển dụng giáo viên là người nước ngoài.
Đối tác cũng giúp nhà trường chương trình sách giáo khoa.
Khi giáo viên (ứng viên?) mà đối tác tìm đã thành giáo viên rồi thì nhà trường sẽ đứng ra quản lý.
Nếu không đạt yêu cầu thì nhà trường sẽ yêu cầu tuyển lựa thay thế.
Trong 4 giáo viên nhà trường tuyển về sẽ có 1 giáo viên cơ hữu coi như là chủ nhiệm lớp đó luôn. Các giáo viên còn lại họ sẽ phải dạy ít nhất 2 trường mới đủ giờ cho họ dạy.
Thưa thầy, đến nay việc thu chi học phí các lớp “thí điểm đào tạo song bằng” diễn ra theo cơ chế nào? Có văn bản nào hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và / hoặc của Ủy ban nhân dân thành phố về việc này không?
Thầy Đặng Việt Hà: Về mặt thu chi trong đề án cũng đưa ra các phương án cụ thể đảm bảo việc thu chi, việc này đã được Hội đồng nhân dân thành phố phê duyệt căn cứ vào tình thình thực tế của trường Trung học cơ sở Chu Văn An.
Chi tiết thì khi nào Sở có quyết định chính thức sẽ cũng cấp cho Báo sau.
Nhà trường có thể cung cấp cho Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam một bản sao đề án “Thí điểm đào tạo chương trình song bằng Trung học cơ sở Việt Nam và chứng chỉ IGCSE Cambridge tại trường Trung học cơ sở Chu Văn An”?
Thầy Đặng Việt Hà: Hiện bản cứng mình không có ở đây, bản mềm lưu ở đâu cũng mình cũng không rõ lắm. Nhà trường đang tiến hành chuyển địa điểm, khi nào tìm thấy sẽ cung cấp cho Báo sau.
Trân trọng cảm ơn thầy!