Chuyện thừa thầy thiếu thợ thì đã được bàn luận rất kỹ từ lâu. Các chuyên gia cũng đã đưa ra được cách khắc phục, nhưng chưa có nơi nào làm đúng, làm được.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với GS. TSKH Nguyễn Xuân Hãn (Đại học Quốc gia Hà Nội) về vấn đề trên để làm rõ hơn về nguyên nhân chúng ta mãi lúng túng trong bài toán này.
Không có xã hội nào cần thầy nhiều hơn thợ
Vừa qua, xã hội lại giật mình khi nghe tới con số vài chục nghìn người tốt nghiệp đại học, cao đẳng thất nghiệp, Giáo sư nghĩ gì về con số này?
GS. TSKH. Nguyễn Xuân Hãn: Theo con số thông báo chính thức, một năm đã tăng thêm 72.000 người có bằng đại học trở lên thất nghiệp, tính đến nay tổng số là hơn 158.000 người, đây sẽ là hệ lụy gây bất ổn xã hội. Nguyên nhân nằm ở chỗ không chú trọng bài toán chất lượng có từ ngày xưa. Hiểu đơn giản tức là việc mở rộng đại học là đúng nhưng không có nghĩa là học đại học tương tự như “bán bằng” cho họ mà phải dạy/học nghiêm túc để có chất lượng.
Bất kỳ đường lối chính sách nào của nhà nước đều phải xuất phát từ thực tiễn, trong khi đó giáo dục sính ngoại, lúc đầu “sao chép” chương trình giáo dục của đại học, sao chép mô hình Đại học Quốc gia và Đại học vùng–từ Thái Lan gộp các trường đại học thành các đại học lớn- mô hình vừa đội nón vừa che ô, vênh với hệ thống tổ chức Nhà nước ta.
GS. TSKH Nguyễn Xuân Hãn cho rằng, chúng ta đào tạo ra chủ yếu chất lượng thấp - đại học là học đại, tương tự như "bán bằng", trong khi chúng ta đi sửa điểm sàn để ra các điểm tuyển khác nhau như vậy, thực chất là cốt sao để các trường tuyển được nhiều hơn thì đương nhiên lượng người thất nghiệp sẽ còn tăng. |
Lưu ý, nhận thấy sai lầm Thái Lan đã bỏ mô hình ghép thành đại học lớn - chỉ còn ta vẫn còn duy trì mô hình sai trái này. Việc tăng quy mô tuyển sinh đại học cũng sao chép của các nước giàu bên ngoài?
Lấy ví dụ cho dễ hiểu, hiện trên thế giới tồn tại hai tiêu chí, một là lấy độ tuổi từ 18 – 22 tuổi (đây là tiêu chí của những nước giàu – dưới 15% sinh viên trong số đó được đi học đại học thì gọi là giáo dục đại học tinh hoa, từ 15-50% là đại chúng, từ 50% trở lên là phổ cập). Lưu ý, chữ “tinh hoa” không phải là chất lượng đào tạo đại học, còn chữ “đại chúng” không có quan hệ gì với cơ sở lý luận chủ yếu của nền giáo dục nước ta “khoa học, dân tộc và đại chúng” (1943).
Và tiêu chí thứ hai, kinh tế sẽ quyết định quy mô phát triển giáo dục. Với tiêu chí này chúng ta đào tạo nhiều để làm gì? Vấn đề này trong mấy chục năm qua Bộ GD&ĐT không xem xét?
Năm 2005 trong một dự án của Bộ GD&ĐT có nói phát triển quy mô đại học đến năm 2020 sẽ có khoảng 900 trường đại học, cao đẳng với tổng kinh phí 20 tỷ USD. Sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã gọi tôi lên tư vấn và làm rõ đề án này, sau đồng chí đã viết thư góp ý (trả lời về việc này?) tới Bộ GD&ĐT.
Do vậy, tôi tìm hiểu xem căn cứ vào đâu để đưa ra con số phát triển 900 trường đại học, cao đẳng? Thì thấy, xuất hiện một lý luận rằng đến năm 2020 dân số Việt Nam sẽ bằng dân số Nhật Bản lúc đó, Nhật Bản có 900 trường đại học, cao đẳng thì mình cũng phải bằng họ. Tuy nhiên, nhìn nhận kinh tế Nhật Bản lúc đó thu nhập quốc dân đã 6.000 tỷ USD, trong khi ta chỉ có 40 tỷ USD (thấp hơn bạn 150 lần).
Tiêu chí cao nhất để đánh giá trình độ khoa học kỹ thuật của một nước là giải Nobel. Nhật nhận giải Nobel đầu tiên năm 1949, ngày nay có năm người Nhật nhận 2 giải Nobel. Bao giờ Việt Nam có Nobel? 50 năm hay 100 năm nữa?
Sau thư góp ý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, năm 2007 thấy kế hoạch của Việt Nam sẽ có khoảng 576 trường đại học, cao đẳng vào năm 2020! Hiện tại số lượng trường đại học, cao đẳng theo điều tra là 471 trường, bình quân mỗi một quận, huyện đã có gần một trường đại học, hay cao đẳng.
Mở rộng quy mô nhưng chúng ta không xuất phát từ trình độ phát triển kinh tế và thực tiễn đất nước mình. Đơn giản như sản xuất ô tô, bao nhiêu năm nay chúng ta chỉ lắp ráp chứ chưa tự nghĩ ra được một thứ gì, trong khi đó nhìn sang Campuchia họ sản xuất ô tô chỉ có giá 300 triệu VNĐ, phải nhìn thẳng vào sự thật này.
Chúng ta lấy tiêu chí của nước giàu để áp vào nước ta trong khi thu nhập đầu người của ta chỉ có hơn 1.000 USD, các nước giàu cỡ khoảng 30.000 – 40.000 USD/năm. Nếu vận dụng máy móc như vậy vào hoàn cảnh nước ta thì sự hỏng là điều báo trước.
Trên thế giới từ xưa đến nay càng lên cao chất lượng càng phải giỏi, trong khi đó chúng ta để phát triển ồ ạt trong điều kiện không đảm bảo chất lượng. Trên thế giới ở tầm vĩ mô như Cộng đồng chung Châu Âu cần hàng chục triệu người có trình độ công nghệ cao để phục vụ cho phát triển xã hội. Ai đáp ứng nhu cầu họ sẽ cấp Visa, nhưng chỉ lấy được lao động của Trung Quốc và Ấn Độ, còn Việt Nam vì trình độ thấp, nên chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi làm việc với Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã từng chỉ đạo chúng ta đào tạo làm sao phải đạt chuẩn quốc tế, để có công ăn việc làm không những ở trong nước mà còn ở ngoài nước.
Hiện nay, cơ cấu nguồn nhân lực chúng ta đang có vấn đề. Trong vòng 10 năm đã tụt xuống gấp 2 lần. Thông thường 1 đại học, 4 trung cấp và 10 công nhân, năm 2006 tỷ lệ của chúng ta tương ứng là 1 đại học, 1,17 trung cấp và 0,9 công nhân, đến 2012 là 1 đại học, 0,43 trung cấp và 0,56 công nhân. Không có xã hội nào cần thầy nhiều hơn thợ.
Chúng ta hiện nay đào tạo nhưng không chú trọng vào chất lượng tương ứng, do đó cơ cấu đang là một thách thức rất lớn.
Thứ nữa, vấn đề tuyển sinh. Hệ thống giáo dục quốc dân ở ta hầu như không có dạy nghề, nếu như các nước hết lớp 9 có sự phân luồng rất mạnh, có thể rẽ sang nhánh đi học nghề theo năng lực, nguyện vọng, sở thích. Ví dụ như Trung Quốc số này có thể 50-60%.
Ngược lại chúng ta ngay từ những năm 1987 lại xóa bỏ dạy nghề: Dạy nghề, đại học, phổ thông như kiềng ba chân. Bỏ dạy nghề hệ thống giáo dục quốc dân chỉ còn cái kiềng hai chân, chênh vênh, và một hệ thống giống như một hình trụ - đầu vào phổ thông, đầu ra đại học, không chỉ rất lãng phí mà chắc chắn hỏng từ cơ cấu nguồn nhân lực.
Thụy Sỹ là nước giàu có như vậy nhưng số lượng học lên đại học chỉ có 20%, còn lại vào nhánh nghề và các nước cũng vậy.
Năm 2001 – 2002 số lượng tốt nghiệp phổ thông là 78.000 người (trong đó vào đại học là 16.000 người). Đến năm 2013 số lượng tốt nghiệp phổ thông là 90.000 người (vào đại học là 614.000 người), nhìn đã biết thừa. Nếu chúng ta đào tạo tốt để xuất khẩu nhân lực trình độ cao như đất nước Ucraen thì không vấn đề gì? Hàng năm chúng ta chỉ xuất khẩu được 80.000 công nhân, chưa có đại học mà đã đóng góp cho nhà nước rất lớn.
Tư tưởng chủ đạo ở đây phải xuất phát từ thực tiễn, đào tạo phải theo chuẩn quốc tế như chỉ đạo của Thủ tướng.
Hai công cụ cho chất lượng đại học
Vậy, theo Giáo sư làm thế nào chúng ta có được chất lượng đại học tốt?
GS. TSKH Nguyễn Xuân Hãn: Trong đại học quan trọng nhất là vẫn là chương trình giáo dục và sách. Xuất phát từ tư duy “sao chép” và “nhập khẩu” từ bên ngoài nên từ năm 1987 đến nay chúng ta đã không làm được chương trình giáo dục đại học của riêng mình.
Với sách, không có bất cứ một ông hiệu trưởng nào nói mỗi môn học có được một giáo trình chất lượng, trong khi thế giới mỗi môn học trung bình phải có 10 đầu sách trở lên.
So với chuẩn mực chung tỷ lệ sinh viên/giảng viên chúng ta còn thiếu khoảng 2 đên 3 vạn giáo viên, đặc biệt các thầy giáo đầu ngành. Thiếu chương trình giáo dục chính thức của riêng mình, sách thiếu trầm trọng, thầy cũng thiếu trầm trọng, thì không thể nào đào tạo có chất lượng được.
Gần đây chúng ta lại có chủ trương sửa điểm sàn để thay bằng các điểm tuyển khác nhau, tôi cho rằng đây chỉ là “múa gậy trong bị”, phải nhìn tổng thể một bài toán lớn, vì các trường công lập và ngoài công lập gần đây được mở ồ ạt để đạt mục tiêu 450 sinh viên/vạn dân vào năm 2020, tưởng là tốt, nhưng thực sự khó khăn, thiếu sinh viên theo học, sinh viên ra không đáp ứng trình độ lao động cho xã hội.
GS. TSKH Nguyễn Xuân Hãn kêu gọi, tất cả người có bằng cấp, có học hàm học vị đã về hưu mà còn sức khỏe hãy quay lại giảng đường đại học theo đúng tinh thần “thầy già con hát trẻ” hay “mèo trắng mèo đen miễn là bắt được chuột” như nhiều nước kể cả nước tiên tiến vẫn làm. |
Đáng lẽ chúng ta nên dừng mở tất cả các loại trường đại học, cao đẳng để chuyển sang hướng các trường nghề thì hiện nay vẫn tiếp tục mở, với đà này đương nhiên nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp, vì xã hội không cần!
Chúng ta thiếu sách cho sinh viên học, đây có phải nguyên nhân sự thiếu hụt kiến thức so với chuẩn mực quốc tế?
GS. TSKH Nguyễn Xuân Hãn: Ảnh hưởng rất lớn, sách được ví như người thầy thứ hai trong nhà trường. Đầu thế kỷ 21 đã có sự so sánh kiến thức và trình độ - đại học của ta bằng sinh viên năm thứ 2 đại học quốc tế, thạc sỹ bằng đại học, còn tiến sỹ bằng thạc sỹ, theo dõi sự so sánh này ít thấy cải thiện!
Có sự đối nghịch khi nhiều ngành nghề đang cần việc làm, trong khi chúng ta vẫn có một lượng người tốt nghiệp đại học chưa có việc làm. Giáo sư suy nghĩ gì về hiện tượng này?
GS. TSKH Nguyễn Xuân Hãn: Theo số liệu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội gần đây nhất là trên 158.000 người thất nghiệp. Chúng ta đào tạo ra chủ yếu chất lượng thấp - đại học là học đại, tương tự như "bán bằng", trong khi chúng ta đi sửa điểm sàn để ra các điểm tuyển khác nhau như vậy, thực chất là cốt sao để các trường tuyển được nhiều hơn thì đương nhiên lượng người thất nghiệp sẽ còn tăng.
Sau lớp 9 có 50% đi theo học nghề
Theo Giáo sư, cứ để tình trạng thất nghiệp diễn ra sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp của chúng ta như thế nào?
GS. TSKH Nguyễn Xuân Hãn: Đến năm 2020, chắc chắn nước ta chưa thể thành nước công nghiệp được. Cho đến nay qua mười mấy năm chúng ta làm cái ốc vít cho ô tô còn chưa xong, so với đất nước Campuchia chiếc ô tô họ sản xuất chỉ có giá khoảng 300 triệu VNĐ, còn chúng ta chủ yếu lắp rắp, gia công bên ngoài. Do đó cách chỉ huy có vấn đề, không có chiến lược phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước một cách cụ thể.
Chúng ta cũng chưa có tiêu chí rõ ràng. Trung Quốc trong 10 năm đặt ra tiêu chí thu nhập quốc dân phải tăng gấp đôi, ít ra đó còn là tư tưởng chỉ đạo cho tất cả các ngành trong 10 năm có được sản phẩm tốt cho xã hội.
Giáo sư có cảnh báo gì về tình trạng thừa lao động đại học, cao đẳng?
GS. TSKH Nguyễn Xuân Hãn: Đào tạo ra mà không dùng được là một sự lãng phí nhất trong tất cả các lãng phí, lãng phí từ nguồn lực, từ con người. Không phục vụ được cho xã hội hiện tại, làm sao mà phục vụ được cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Giải pháp ở đây theo tôi là phải dừng phát triển tất cả các trường đại học, cả công lập và ngoài công lập. Phát huy nội lực để làm bộ chương trình sách cho hoàn chỉnh, vấn đề này làm được và không cần dựa vào bên ngoài, chỉ cần dám sử dụng con người và biết tổ chức.
Hội Vật lý gần hai thập kỷ từ những năm 90 của thế kỷ 20 đã trăn trở vấn đề này, khác với chương trình và sách ở bậc phô thông, chỉ cần tổ chức mới theo tư duy truyền thống mà cố GS. Tạ Quang Bửu đã làm, không tiền vẫn có thể làm được. Cách nghĩ cách làm sẽ sinh ra tiền. Nếu tính mỗi sinh viên chi khoảng 300 ngàn cho photocopy, với 2,2 triệu sinh viên, mỗi năm đã tốn khoảng 700 tỷ đồng!
Vấn đề thiếu giáo viên, yêu cầu tất cả người có bằng cấp, có học hàm học vị đã về hưu mà còn sức khỏe hãy quay lại giảng đường đại học theo đúng tinh thần “thầy già con hát trẻ” hay “mèo trắng mèo đen miễn là bắt được chuột” như nhiều nước kể cả nước tiên tiến vẫn làm.
Để đảm bảo cân đối cơ cấu ngành nghề, cần phân loại sau lớp 9 có 50% học sinh chuyển sang nhánh nghề.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư.