Dạy tích hợp: Giáo viên đã khó, phải tự học, SGK kiến thức còn không đồng nhất

23/04/2023 06:57
Bài và ảnh: Thiên Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nhu cầu học sinh quá lớn, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học không đủ đáp ứng, một trường khó khăn trong việc kiếm nguồn tuyển giáo viên.

Giáo viên gặp khó khi tự nghiên cứu kiến thức dạy tích hợp

Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thách thức lớn nhất đối với một số trường trung học cơ sở trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 chính là thiếu giáo viên và cơ sở vật chất không đáp ứng.

Theo cô Nguyễn Thị Kim Thoa - giáo viên tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân (Trường Trung học cơ sở Bình Chuẩn 2, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) việc dạy môn tích hợp cũng có những điểm tích cực: “Trước đây, khi chưa có các môn tích hợp, giáo viên vẫn có thể triển khai dạy học liên môn, tuy nhiên, chỉ áp dụng với một số bài nên thường bị hạn chế về mặt thời gian. Còn hiện tại, giáo viên dạy tích hợp nắm được cả hai phần kiến thức nên chủ động, linh hoạt hơn trong giảng dạy. Chẳng hạn, giáo viên đang dạy kiến thức về lịch sử, có thể vận dụng lồng ghép thêm kiến thức địa lý vào...

Khó khăn lớn nhất đối với chính là khi dạy kiến thức không thuộc chuyên môn chính của mình, thì thường mất nhiều thời gian chuẩn bị bài hơn, và các phần kiến thức chi tiết, cần đi sâu hơn thì lại không bằng được các giáo viên có chuyên môn chính”.

Một giờ học môn tích hợp tại Trường Trung học cơ sở Bình Chuẩn 2 (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương).

Một giờ học môn tích hợp tại Trường Trung học cơ sở Bình Chuẩn 2 (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương).

Đối với môn Khoa học tự nhiên, cô giáo Nguyễn Thị Thu Ngân - giáo viên thuộc tổ Lý - Hóa - Sinh - Công nghệ (Trường Trung học cơ sở Bình Chuẩn 2) cũng chia sẻ: “Năm học này, tôi đảm nhiệm môn Khoa học tự nhiên lớp 6, thuận lợi nhất của nhà trường chính là có bảng tương tác điện tử, phục vụ rất nhiều trong hoạt động của giáo dục phổ thông mới, áp dụng nhiều phương pháp dạy học mới, đồng thời lãnh đạo nhà trường cũng rất ủng hộ sự sáng tạo, đổi mới của giáo viên.

Tuy nhiên, có một khó khăn lớn, do khuôn viên trường nhỏ, diện tích phòng học cũng nhỏ với sĩ số học sinh đông nên ảnh hưởng đến một số hoạt động của học sinh, chẳng hạn như hoạt động nhóm. Ngoài ra, các dụng cụ, thiết bị dạy học theo chương trình mới chưa được đáp ứng kịp thời cũng gây khó khăn đến các hoạt động.

Một khó khăn nữa đối với giáo viên trong việc cập nhật kiến thức, chẳng hạn, đối với tôi trước đây là giáo viên dạy Sinh học nhưng khi tôi dạy phần kiến thức về Vật lý, thì phải tự tìm hiểu, nghiên cứu rất kỹ, nhưng do không được học chuyên sâu, nên khi tìm hiểu như thế, cũng có những sách viết không đồng nhất với nhau, lại gây ra mâu thuẫn giữa các kiến thức.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Thu Ngân - giáo viên môn Khoa học tự nhiên (Trường Trung học cơ sở Bình Chuẩn 2), khi giáo viên tự tìm hiểu kiến thức, có những sách viết không đồng nhất với nhau, gây ra mâu thuẫn giữa các kiến thức.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Thu Ngân - giáo viên môn Khoa học tự nhiên (Trường Trung học cơ sở Bình Chuẩn 2), khi giáo viên tự tìm hiểu kiến thức, có những sách viết không đồng nhất với nhau, gây ra mâu thuẫn giữa các kiến thức.

Chẳng hạn, một tuần dạy 4 tiết, nhưng để soạn giảng làm sao để đưa được kiến thức cho học sinh thì phải tốn gần 3-4 lần thời gian soạn với riêng kiến thức chuyên môn mình được đào tạo trước đây. Bản thân giáo viên phải sinh hoạt chuyên môn thường xuyên, mặc dù thời gian cũng rất hạn chế…”.

Trao đổi với phóng viên, cô Dương Thị Hào - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Cừ (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) chia sẻ về điều kiện thực tế của nhà trường: “Hiện tại, nhà trường vẫn đang tận dụng tối đa cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học để đáp ứng vừa dạy chương trình cũ vừa dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hiện, tổng số đội ngũ có 52 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 39 giáo viên đứng lớp.

Trong năm đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh phải học online nên gặp nhiều khó khăn hơn, mặc dù đã chủ động phương án từ sớm. Đến nay, việc triển khai đã gặp nhiều thuận lợi hơn.

Đối với môn Khoa học tự nhiên, thầy cô nhà trường đã thống nhất dạy theo tuyến tính ngay từ đầu năm học. Do đội ngũ không được đào tạo tích hợp, nhà trường thống nhất cho thầy cô dạy theo đúng chuyên môn, vừa dạy vừa nghiên cứu để thuận lợi hơn, các thầy cô khác sẽ dự giờ “chéo môn” để nắm được nội dung. Nhà trường tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày, nên đã sắp xếp đa số các môn tích hợp vào buổi 2 để thầy cô có thể thay nhau dạy và dự giờ để tiếp cận với môn tích hợp một cách đầy đủ nhất.

Năm nay là năm thứ hai triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, thực hiện đến lớp 7, hiện tại, qua một năm vừa dạy vừa trao đổi chuyên môn và nghiên cứu, thầy cô cơ bản đã có thể dạy tích hợp ở lớp 6. Riêng với chương trình lớp 7, vẫn phải dạy theo hướng mỗi thầy cô dạy một phân môn. Đến năm học 2023-2024, có khả năng có thầy cô sẽ dạy được tích hợp Khoa học tự nhiên với kiến thức lớp 7, nhưng cũng có thầy cô có thể chưa đủ tự tin, vì kiến thức ngày càng sâu và khó hơn”.

Đối với kiểm tra, đánh giá, các thầy cô cùng phụ trách bộ môn sẽ thảo luận, thống nhất với nhau để xây dựng đề và sau khi có kết quả thì cùng vào điểm, đánh giá học sinh, phối hợp nhuần nhuyễn với nhau.

Cũng theo nữ Hiệu trưởng, đối với học sinh, kiến thức chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở một số môn có vẻ đang bị “nặng” đối với các em. “Thêm một nỗi lo của các thầy cô chính là việc học sinh học tuần tự theo chủ đề từ phân môn này sang phân môn khác, có thể khiến các em quên một phần nào đó khi một thời gian không nhắc lại kiến thức. Chẳng hạn, ban đầu các em học kiến thức Hóa, sau đó đến kiến thức Lý, rồi đến kiến thức Sinh thì lại quên kiến thức Hóa…” - cô Hào lý giải.

Cô Dương Thị Hào - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Cừ (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

Cô Dương Thị Hào - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Cừ (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

Nữ Hiệu trưởng cũng cho biết thêm: “Có một số ý kiến cho rằng, với kiến thức ở lớp 6, lớp 7, thầy cô còn có thể cố gắng dạy tích hợp, nhưng với kiến thức ở lớp 8, lớp 9, chuyên sâu hơn thì dù tập huấn cũng khó dạy được. Đây cũng là những tâm tư của chính các thầy cô và nhà trường. Phần lớn thầy cô chia sẻ, có thể chỉ triển khai được theo hướng dạy đúng chuyên môn, thì mới có thể đào sâu kiến thức cho học sinh. Tuy nhiên, dạy như vậy thì lại khó khăn trong việc sắp xếp thời khóa biểu cho học sinh và chưa đúng tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông 2018…”.

Nỗi lo “quá tải” học sinh, “quá tải” phòng học

Trao đổi với phóng viên về điều kiện thực tế, cô Đặng Thị Thanh Lam - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Bình Chuẩn 2 (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) cho biết, hiện tại, sĩ số học sinh trên lớp rất đông, bình quân khoảng 45 học sinh/lớp với diện tích phòng cũng không quá thoải mái, nhà trường cố gắng trồng thêm cây xanh để không gian cho học sinh dễ chịu hơn.

Cô Lam chia sẻ: “Về đội ngũ giáo viên và nhân viên thiết bị tại nhà trường hiện đang thiếu rất nhiều, nên Ban Giám hiệu phải “gánh vác” thêm những nhiệm vụ này.

Không chỉ vấn đề biên chế gặp khó khăn, mà đến giáo viên hợp đồng, nhiều khi nhà trường cũng phải tìm “mỏi mắt”, thậm chí là phải “năn nỉ” giáo viên vào làm việc, nhất là với môn tích hợp. Dự kiến năm học tới, số lớp tăng, theo biên chế, nhà trường thiếu khoảng 39 giáo viên.

Tới đây, khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai đến lớp 8, lại trở thành nỗi lo lớn của nhà trường. Hiện tại, trang thiết bị dạy học cho học sinh khối 6,7 còn chưa đáp ứng đủ, thì đến khối 8, không biết phải cho học sinh học như thế nào. Mặc dù giáo viên đã hết sức cố gắng, và cũng có kinh nghiệm nhiều năm, nhưng vẫn không cáng đáng được hết.

Cô Đặng Thị Thanh Lam - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Bình Chuẩn 2 chia sẻ về những nỗi lo của nhà trường khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cô Đặng Thị Thanh Lam - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Bình Chuẩn 2 chia sẻ về những nỗi lo của nhà trường khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên phải sử dụng giáo án điện tử rất nhiều, không thể nào dạy “chay” mãi, vì học sinh phải học thực tế, nên những thiết bị như bảng tương tác điện tử, máy chiếu… là rất cần thiết. Đối với môn Tiếng Anh, càng thiếu hơn, những thiết bị cũ đều đã hỏng, cần phải khắc phục sớm để đảm bảo việc học và thi cho học sinh. Tin học cũng là một môn học quan trọng, nhà trường hiện tại chỉ có một phòng Tin học còn sử dụng được cho học sinh toàn trường”.

“Trường Trung học cơ sở Bình Chuẩn 2 nghe tên thì mới, nhưng thực chất cơ sở vật chất lại là cũ, được bàn giao lại từ Trường Trung học cơ sở Bình Chuẩn trước đây. Năm học 2020-2021, Trường Trung học cơ sở Bình Chuẩn trên nền cơ sở vật chất này có 98 lớp. Sau khi được xây dựng một cơ sở vật chất mới, tách Trường Trung học cơ sở Bình Chuẩn ra với 58 lớp, trên cơ sở cũ này thành Trường Trung học cơ sở Bình Chuẩn 2 với 57 lớp. Tuy nhiên, theo tính toán sơ bộ đến năm học 2023-2024, trường sẽ tăng thêm 10 lớp, tức là có tổng số 67 lớp. Mà với cơ sở vật chất như hiện tại, chúng tôi không biết phải đáp ứng như thế nào…” - vị Phó Hiệu trưởng giãi bày những lo lắng.

Từ những băn khoăn, trăn trở đó, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Bình Chuẩn 2 bày tỏ: “Chúng tôi mong được quan tâm đầu tư hơn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; đồng thời bổ sung đội ngũ để phần nào giảm áp lực đối với năm học tới”.

Bài và ảnh: Thiên Hương