Chia sẻ trên báo chí của đại diện một nhà mạng lớn trong nước mới đây liên quan đến công tác dạy học trực tuyến khiến đang khiến dư luận xôn xao. Cụ thể, vị này cho rằng phần mềm học trực tuyến có nguồn gốc nước ngoài đang được các trường sử dụng hiện nay đang không đáp ứng tiêu chuẩn học trực tuyến.
Vị này cũng dẫn thống kê, trong đợt dịch vừa rồi người dùng Việt Nam đa số sử dụng phần mềm dạy học có xuất xứ nước ngoài và đánh giá rằng, nhìn chung, các phần mềm nước ngoài có yếu tố trải nghiệm người dùng tốt. Tuy nhiên, đa phần các phần mềm này có máy chủ đặt ở nước ngoài và bị ảnh hưởng nhiều yếu tố về đường truyền, phạm vi địa lý nên không đáp ứng được yêu cầu của việc học trực tuyến.
Đặc biệt, khi phần mềm đó kinh doanh trên nền tảng cloud với mục đích chính là hội thảo trực tuyến. Trong khi nhu cầu của các cơ sở giáo dục là tổ chức các hoạt động quản lý, dạy, học và kiểm tra, đánh giá trực tuyến nên xảy ra nhiều bất cập trong việc sử dụng với những bất cập như nghẽn mạng, khó truy cập phần mềm hoặc đang học thì mất kết nối [1].
Ông Võ Đỗ Thắng – Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị mạng và An ninh mạng quốc tế Athena. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Sau phát ngôn này, trong dư luận dấy lên nhiều luồng ý kiến khác nhau, một số ý kiến tỏ ra băn khoăn, liệu việc nghẽn mạng, khó truy cập vào các phần mềm học trực tuyến liệu có phải thực sự do yếu tố sử dụng phần mềm ngoại nhập hay không?
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Võ Đỗ Thắng – Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị mạng và An ninh mạng quốc tế Athena để có thêm góc nhìn khách quan.
Ông Thắng cho rằng: “Riêng các phần mềm để phục vụ cho công việc hội họp hay dạy học trực tuyến thì hiện tại ở trong nước chúng ta có rất nhiều sự lựa chọn. Tuy nhiên, với những phần mềm được đánh giá cao và nhiều đơn vị sử dụng thì cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Để có thể nhận định thật chuẩn xác nhất thì buộc người dùng phải trải nghiệm hết các ứng dụng đó, mà điều này thì ít người làm. Với bản thân tôi cũng thế, cũng không có nhiều thời gian và điều kiện để sử dụng được hết các ứng dụng đó để có thể đưa ra các nhận xét và đánh giá khách quan được.
Nhưng có thể hình dung theo cách đơn giản là với người dùng một sản phẩm công nghệ thông tin nào đó thì thường là theo yếu tố tâm lý đám đông, nếu ứng dụng nào dùng ổn định, dễ thao tác và mang nhiều yếu tố tiện lợi được nhiều phản hồi tốt thì chắc chắn nó sẽ được nhiều người sử dụng.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắng nhìn nhận một điều rằng, số lượng các phần mềm dạy học trực tuyến do các đơn vị trong nước sản xuất và phát hành không nhiều. Chính cái sự thiếu phổ biến và phổ cập của các phần mềm trong nước đưa người dùng vào tình cảnh ít sự lựa chọn. Rõ ràng, khi không có nhiều sự lựa chọn để ưu tiên cho những sản phẩm trong nước thì người dùng sẽ theo phương án là có gì dùng nấy.
Nói là “có gì dùng nấy” nhưng thực chất chúng ta không thể phủ nhận một điều là hiện các ứng dụng hội họp hoặc học hành trực tuyến của nước ngoài mà nhiều địa phương đang sử dụng hiện nay vẫn đang đáp ứng tốt nhu cầu của người dùng. Như cơ quan tôi cũng đang sử dụng các ứng dụng họp trực tuyến của nước ngoài và thấy rằng nó vẫn đang sử dụng tốt và đáp ứng hết các yêu cầu mình đặt ra, chúng tôi vẫn sử dụng thường xuyên các ứng dụng đó.
Còn để nói hết câu chuyện về một phần mềm nước ngoài sản xuất nhưng các tổ chức hoặc cá nhân ở Việt Nam sử dụng nó có phù hợp hay không là cả một câu chuyện dài, vì nó còn yếu tố bản quyền, rồi việc sử dụng ứng dụng đó có bị vi phạm pháp luật hay không..v.v.
Nhưng tôi có thể đúc kết lại rằng, trong thời điểm bệnh dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp như hiện nay thì những phần mềm đào tạo trực tuyến của nước ngoài như Zoom, Google meet hay Teams của Microsoft hiện nay đang là những phần được sử dụng rộng rãi, đáp ứng được yêu cầu công việc cho các giáo viên và giảng viên trong nước”.
Nhận định về nguyên nhân khiến cho những phần mềm học tập có xuất xứ nước ngoài đang được sử dụng trong nước thường có tình trạng nghẽn mạng hoặc khó truy cập, ông Thắng cho rằng: “Đứng trên góc độ người sử dụng thì chúng ta cần hiểu theo cách đơn giản là, dù với bất kỳ phần mềm nào dù là đang chạy ổn định, cấu hình không bị lỗi nhưng nếu phải chịu tải lớn, cụ thể là quá nhiều cuộc gọi, lượt truy cập trong cùng một thời điểm tổ chức hội họp hoặc học trực tuyến thì khả năng khó truy cập cũng có thể xảy ra.
Hoặc cũng có thể do điều kiện đường truyền internet của chính khu vực nhà học sinh đó không ổn định, khiến cho một bộ phận người sử dụng không đảm bảo được yếu tố đường truyền mạng bị ảnh hưởng. Tất nhiên, những em ở trong điều kiện đáp ứng tốt hơn về yếu tố này thì vẫn truy cập bình thường. Việc cùng sử dụng một ứng dụng mà có người thì dùng luôn trơn tru nhưng có người ì ạch mãi không vào được khó có thể đưa ra kết luận là do ứng dụng đó đến từ đâu.
Ngoài ra, trong thời điểm dịch bùng phát, tình cảnh cấp bách phải học trực tuyến, buộc nhiều địa phương vào hoàn cảnh là phải đi chọn những ứng dụng có sẵn và hoàn toàn miễn phí. Nhưng nhược điểm của các bản miễn phí là chưa bổ sung đầy đủ hết các tính năng và có thể giới hạn về thời lượng, số lượng tham gia, nếu vượt qua những ngưỡng cho phép thì ứng dụng ấy nó không thể đáp ứng được.
Điều này cũng một phần nào để lại ấn tượng chưa tốt trong suy nghĩ của nhiều người vì lý do xảy ra những tình trạng nêu trên. Còn rõ ràng, nếu mình có sự đầu tư, sử dụng những phần mềm học trực tuyến có trả phí, đầu tư cho hạ tầng phát triển cao hơn thì mọi thứ cũng sẽ được cải thiện lên rất là nhiều.
Nếu đường truyền tốt và ổn định thì với bất kỳ một ứng dụng gì chúng ta cũng đều có thể dụng một cách tối ưu, trơn tru. Và ngược lại, trong điều kiện hạ tầng và đường truyền cứ gặp trục trặc hoặc thường xuyên xảy ra nghẽn mạng cục bộ như hiện nay thì đến phần mềm nào cũng bó tay”.
Tài liệu tham khảo:
[1]. https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/phan-mem-hoc-truc-tuyen-nuoc-ngoai-khong-dap-ung-tieu-chuan-hoc-online