ĐBQH kiến nghị giải pháp để tránh sau đào tạo cử tuyển lại về con số 0

08/08/2023 06:45
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Một số địa phương vẫn còn tình trạng người học cử tuyển thất nghiệp sau đào tạo, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khác quan. Giải pháp tháo gỡ là gì?

Cử tuyển là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước thể hiện sự ưu tiên trong đào tạo nguồn nhân lực tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới và hải đảo.

Tuy nhiên, qua khảo sát tại một số địa phương cho thấy, hiện nay, vẫn còn tình trạng người học hệ cử tuyển chưa được bố trí việc làm sau khi đào tạo.

Nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) cho biết, hiện tại, vẫn còn tình trạng người học cử tuyển chưa được bố trí việc làm.

Theo nữ đại biểu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng ở một huyện vùng cao, một số huyện cần cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số nhưng vẫn không thể bố trí được việc làm.

Trong đó, một số nguyên nhân được đề cập đến như: “Theo quy định, người học diện cử tuyển không được ưu tiên bố trí ngay vị trí việc làm sau khi đào tạo, mà vẫn phải thực hiện thi tuyển, xét tuyển như các ứng viên khác. Đó cũng là một trong những khó khăn, nếu người học không cố gắng, nỗ lực khi tuyển dụng hoặc có kết quả học tập không cao sẽ rất khó cạnh tranh vào hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn). Ảnh: NVCC.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn). Ảnh: NVCC.

Thứ hai, các cơ quan, đơn vị có nhu cầu cử tuyển có thể khuyết một vài vị trí tại thời điểm cử người đi học, nhưng lại không thể “để dành” những vị trí này trong suốt 4-5 năm học để đợi đào tạo xong. Mặt khác, có những trường hợp sau 4-5 năm đào tạo, người học lại không có nguyện vọng làm việc cho cơ quan nhà nước, hoặc vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu của vị trí việc làm... Chưa kể, có đối tượng cử tuyển còn kéo dài thời gian học đến 6-7 năm, cũng khiến các cơ quan không thể chủ động trong việc bố trí việc làm.

Bên cạnh đó, biên chế ngày càng được thắt chặt, chủ trương tinh giản biên chế và chỉ tiêu biên chế ngày càng thu gọn lại, cũng chính là một nguyên nhân khiến người học diện cử tuyển khó được bố trí việc làm.

Một vấn đề nữa, bảng lương của hệ thống công chức, viên chức hiện nay còn đang khá thấp so với các vị trí việc làm thuộc khối tư nhân, nhất là trong các doanh nghiệp, công ty, tập đoàn lớn... Đó cũng là một trong lý do cơ bản khiến người học cử tuyển không có nguyện vọng gắn bó với khối nhà nước, thậm chí có thể cố tình trượt khi thi tuyển, để có cơ hội nhận mức lương hấp dẫn hơn”.

Đồng tình với quan điểm trên, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người học cử tuyển không tìm được việc làm sau đào tạo, là do thực hiện tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy.

Bên cạnh đó, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng chia sẻ thêm: “Sau đào tạo, phần lớn người học diện cử tuyển ít có cơ hội tìm kiếm việc làm hơn, hoặc phần nào ít đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn khi tham gia thi tuyển vào các cơ quan, đơn vị chuyên môn, chuyên ngành trong cả nước, bởi hiện tại, hầu hết tuyển dụng vẫn còn phải qua thi tuyển, còn xét tuyển rất ít.

Số lượng sinh viên cử tuyển không tìm kiếm được việc làm hay rơi vào tình trạng thất nghiệp, chủ yếu do:

Thứ nhất, khả năng thích ứng với thực tiễn sau đào tạo còn thấp; thiếu tính linh hoạt, môi trường đào tạo và thực tiễn ít nhiều có sự khác biệt, thực tiễn sẽ muôn hình vạn trạng, và sự thích ứng đó của các em còn yếu. Chính vì vậy, cơ hội có việc làm một cách chủ động của các em thường sẽ khó hơn.

Thứ hai, thực tế, trong quá trình đào tạo, chất lượng và khả năng hấp thu kiến thức chuyên môn ở các lĩnh vực còn thấp. Tức là trong cùng một khoảng thời gian đào tạo, cùng một khung chương trình, nhưng có thể cách tiếp nhận, khả năng tiếp thu cũng như chất lượng đào tạo vẫn không bằng hệ chính quy.

Thứ ba, phần nào các em còn bị động trong tìm kiếm việc làm và thiếu tính cạnh tranh, tức là trong các cuộc thi tuyển, bản thân phải biết cách tự khẳng định mình, biết cọ xát, cạnh tranh để giành được cơ hội tuyển dụng.

Một vấn đề nữa là có thể được đào tạo tốt về chuyên môn nhưng kỹ năng lại thiếu, không hội tụ tất cả các điều kiện tiêu chuẩn cùng lúc để vào một môi trường thực tiễn. Như vậy, các em cũng có một độ chênh đáng kể.

Mặt khác, với góc độ của người tuyển dụng, cũng cần những ứng viên giỏi, với những yếu tố toàn diện hơn những ứng viên chỉ đáp ứng được điều kiện tối thiểu. Đó là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp của các em”.

Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế, những năm qua, tại địa phương vẫn tồn tại tình trạng người học cử tuyển thất nghiệp sau đào tạo.

Tuy nhiên, nữ đại biểu cũng chỉ ra: “Thực tế, chính sách cử tuyển của Đảng và Nhà nước rất rõ ràng đối với việc “đầu vào và đầu ra trọn gói” - đầu vào có thì đầu ra cũng phải có, tức là, ưu tiên giải quyết, sắp xếp, bố trí cho con em người dân tộc thiểu số theo diện cử tuyển, thậm chí cần miễn thi tuyển để tạo cơ hội”.

Cần lộ trình triển khai chính sách bám sát thực tiễn

Từ những khó khăn trong thực tiễn, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng cho rằng, để chính sách này thực sự có hiệu quả, cũng cần xây dựng một lộ trình triển khai thật tốt.

Nữ đại biểu cho rằng: "Để thực hiện tốt chính sách này, tôi đề nghị có sự rà soát, đánh giá tổng hợp từ khi chính sách cử tuyển được ban hành đến nay, thống kê số lượng người học được đào tạo, so sánh đầu vào - đầu ra, đặc biệt, cần phải phân tích các chuyên ngành được đào tạo trong nhóm cử tuyển để có sự cân đối hài hòa.

Đồng thời, những đánh giá này cũng phải phân rõ tỉ lệ theo chất lượng đầu ra (xuất sắc, giỏi, khá...), về thành phần dân tộc, từng vùng đều phải có tính đại diện. Đặc biệt, cần xem xét còn những dân tộc thiểu số nào chưa có học sinh được đào tạo cơ bản, trình độ đại học, cao đẳng, nhất là ở những vùng trọng yếu, vùng có dân tộc thiểu số rất ít người cần được đào tạo. Đó không chỉ là đào tạo cán bộ trong ứng dụng thực tiễn, mà còn là đào tạo về con người cho từng dân tộc.

Song song với đó, cần phải có sự đối chiếu với xu thế mới, cuộc sống hiện tại cần những cán bộ như thế nào, đang thiếu hụt ở những lĩnh vực nào, để xác định nhu cầu đào tạo. Ở đây, chúng ta đang đào tạo “phần gốc”, chứ không phải “phần ngọn”, nên cần phải tính đến độ chất, độ tinh trong đào tạo.

Để làm được như vậy, cần có sự triển khai nhanh chóng, kịp thời, xâu chuỗi qua thông tin tại các cơ sở đào tạo, qua các chính quyền địa phương,... Các số liệu này cần Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng như Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Dân tộc các địa phương cùng rà soát, thống kê”.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: NVCC.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh đó, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng cho rằng: “Để giải quyết những khó khăn trong công tác sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo theo hệ cử tuyển, nên nghiên cứu, xem xét lại các quy định pháp luật và chính sách về cử tuyển, đào tạo phải “có địa chỉ”, đảm bảo đầu ra.

Phải tính đến câu chuyện, xuất phát từ cơ sở, từ chính đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tìm hiểu xem họ cần gì, cần những ngành nghề như thế nào, để hoạch định chính sách phù hợp với thực tiễn, tránh tình trạng sau khi đào tạo ra, lại về con số 0”.

Từ những khó khăn liên quan đến chính sách, Đại biểu Nguyễn Thị Huế cũng chia sẻ hai giải pháp cốt lõi để tăng tỉ lệ có việc làm cho người học cử tuyển: “Cần có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn liên quan đến các đối tượng cử tuyển. Phải có sự chọn lọc hơn trong phạm vi đối tượng, đặc biệt quan tâm đến đối tượng dân tộc thiểu số rất ít người và tập trung vào một số chuyên ngành đang “khát” nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số. Chẳng hạn, có thể ưu tiên bố trí việc làm cho người học hệ cử tuyển.

Bên cạnh đó, giải pháp căn cốt là nâng mức lương cơ bản cho cán bộ, công chức, viên chức, để tạo sức hút đối với các cơ quan hành chính nhà nước, tránh tình trạng đào tạo xong, không thu hút được người học, gây ra sự lãng phí. Đây cũng là cách để “giữ chân” nhân tài nói chung”.

Ngân Chi