ĐBQH: Nhân sự rời khu vực công vừa là thách thức, vừa là cơ hội

27/10/2022 10:30
Lam An (tổng hợp)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sáng 27/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách sách Nhà nước năm 2022, dự kiến kế hoạch năm 2023.

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận ngày 27/10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Quốc hội dành 2 ngày (27, 28/10) thảo luận về 3 nội dung:

Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023;

Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý);

Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Giải pháp nào ngăn chặn "làn sóng" công chức, viên chức nghỉ việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục?

Trong phát biểu thảo luận, Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đề cập, thời gian gần đây, tình trạng bỏ việc, nghỉ việc trong khu vực công gia tăng. Từ năm 2020 đến tháng 6/2022, đã có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Có xu hướng chuyển dịch nhân sự ra khỏi khu vực công sang khu vực tư bởi áp lực công việc, tiền lương, thu nhập trong khu vực công thấp.

Một trong những nguyên nhân là tiền lương, thu nhập ở khu vực công thường thấp hơn, chậm phản ứng với tăng thu nhập do ràng buộc pháp lý và việc thực hiện theo quy định luôn có độ trễ. Tuy nhiên, nhiều người xin nghỉ khu vực công không phải chỉ vì thu nhập mà còn vì áp lực công việc quá lớn.

Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

“Chuyển dịch nhân sự ra ngoài khu vực công vừa thách thức, vừa là cơ hội để Chính phủ đánh giá hiệu quả quản trị của mình” – ông Tô Văn Tám nêu quan điểm.

Do đó, đại biểu Tô Văn Tám tán thành với các giải pháp xử lý tình trạng này của Chính phủ và đề nghị thêm một số ý như sau:

Một là, thực hiện mạnh mẽ cải cách lề lối làm việc theo hướng phân cấp mạch lạc cho các cấp trong thứ bậc hành chính, đồng thời xử lý hợp lý các vấn đề về tổ chức bộ máy và biên chế để khắc phục được công việc, bổ sung, hoàn thiện cơ chế giải quyết cái việc, cơ chế, chính sách trong môi trường cống hiến, cơ hội thăng tiến công bằng và minh bạch.

Hai là, hoàn thiện hệ thống thi tuyển công chức, viên chức và cơ chế tuyển chọn cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo quản lý.

Ba là, quan tâm đúng mức đến thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức bằng một cơ chế lương thích hợp và linh hoạt trên cơ sở giá trị lao động, giá trị tri thức, trách nhiệm và hiệu quả công việc.

Bốn là, cụ thể hóa đầy đủ và kịp thời Kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Cần giải quyết hiệu quả thực trạng bất an, sợ sai, trách nhiệm

Tham gia thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận bày tỏ đồng tình với nội dung Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông cũng nhấn mạnh, cơ cấu của một số tổ chức tín dụng còn yếu kém, chưa phát huy hiệu quả. Xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, nhất là trong lĩnh vực y tế và giáo dục; kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi còn chưa nghiêm; còn một số cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự… cùng với những tồn tại, hạn chế khác mà Chính phủ nêu trong báo cáo. Theo đại biểu, đây là những thách thức hết sức lớn trong mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội nước ta trong năm 2023.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2023 như đã đề ra, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm giải quyết có hiệu quả thực trạng bất an, sợ sai, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý và có những giải pháp quyết liệt để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2023.

"Có cán bộ tâm sự rằng, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử" - đại biểu Nguyễn Hữu Thông chia sẻ.

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đồng ý với ý kiến của đại biểu Nguyễn Hữu Thông về tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ, triển khai nhiệm vụ và phục vụ Nhân dân.

Để giải quyết vấn đề này, Đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị: "Chính phủ phải có giải pháp quyết liệt để chấn chỉnh. Thủ tướng đang rất quyết liệt triển khai, họp ngày, họp đêm, trong khi đó bên dưới với tư tưởng này thì cần phải chấn chỉnh lại, càng sớm càng tốt để không ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ và phục vụ Nhân dân."

Lam An (tổng hợp)