Để lọt top 10 tỉnh có điểm thi cao nhất, Hà Tĩnh đã thực hiện nhiều giải pháp

29/07/2022 09:22
Ngô Hiển
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hà Tĩnh tăng 9 bậc, lọt “TOP 10” về điểm thi trung học phổ thông năm 2022. Đó là kết quả mang tính đồng bộ, quyết liệt của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh.

So với năm 2021, điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 của Hà Tĩnh đã tăng 9 bậc, xếp thứ 9/63 tỉnh trong cả nước về điểm trung bình các môn.

Để lý giải kết quả đạt được của ngành giáo dục Hà Tĩnh, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với Nhà giáo Nguyễn Quốc Anh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh.

Phóng viên: Hà Tĩnh xếp hạng thứ 9/63 tỉnh, thành về điểm trung bình. Để có kết quả như vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh đã có những biện pháp như thế nào, thưa thầy?

Nhà giáo Nguyễn Quốc Anh: Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, Hà Tĩnh có điểm trung bình các môn 6,72 điểm, xếp thứ 9/63 tỉnh trong cả nước, so với năm 2021 tăng lên 9 bậc; có 8/9 môn có điểm trung bình cao hơn điểm trung bình chung toàn quốc, môn Vật lí đứng thứ 4, môn Hóa học và Ngữ văn đứng thứ 5 toàn quốc. Tất cả các môn cơ bản đều tăng từ 3 đến 14 bậc.

Trong đó, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp giáo dục trung học phổ thông là 99,84%; giáo dục thường xuyên là 97,49%. Toàn tỉnh có 32 trường có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp 100%, tăng 15 trường so với năm 2021.

Nhà giáo Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: Nguồn Báo Lao Động).Nhà giáo Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh.
(Ảnh: Nguồn Báo Lao Động).

Để có được kết quả trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đã có nhiều giải pháp mang tính đồng bộ, quyết liệt.

Thứ nhất, chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch dạy học linh hoạt, bám sát với tình hình thực tiễn để có sự điều chỉnh phù hợp. Hướng dẫn các tổ, nhóm chuyên môn xác định những nội dung cốt lõi của các môn học để hoàn thành chương trình. Xây dựng kế hoạch ôn tập, bổ sung kiến thức kịp thời đảm bảo chất lượng giáo dục cho học sinh các khối lớp sau khi hoàn thành nội dung cốt lõi, nhất là đối với học sinh lớp 12.

Ngoài việc chỉ đạo dạy học theo chương trình chính khoá trong nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài truyền hình tỉnh tổ chức dạy học trên truyền hình với các chuyên đề bổ trợ cho học sinh khối 12,…

Thứ hai, tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, chú trọng công tác đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho người học; ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học; tăng cường thực hành, thí nghiệm; tổ chức dạy học phân hoá phù hợp các đối tượng học sinh. Tăng cường hình thức tổ chức sinh hoạt chuyên môn liên trường một cách có hiệu quả, thiết thực. Phát huy tốt năng lực, trí tuệ của đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Thứ ba, chỉ đạo đổi mới công tác thi và kiểm tra đánh giá theo hướng hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất người học; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, xếp loại kết quả học tập và rèn luyện của học sinh theo Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo công bằng, khách quan, sát đúng với năng lực học tập và rèn luyện của các em.

Thứ tư, xây dựng chương trình, kế hoạch dạy học, bồi dưỡng phù hợp với đối tượng học sinh, đặc biệt thường xuyên theo dõi, hỗ trợ về kiến thức và kỹ năng cho học sinh; phát huy vai trò của cán bộ lớp, học sinh giỏi, khá hỗ trợ cho các học sinh còn thiếu và yếu về kiến thức và kỹ năng trong học tập.

Thứ năm, để tạo tâm thế cho học sinh, học viên trong toàn tỉnh tự tin bước vào kỳ thi chính thức, Sở đã tổ chức thi thử trực tiếp cho học sinh toàn tỉnh; tổ chức thi thử trực tuyến mỗi môn từ 3 đến 5 lần miễn phí cho học sinh. Sau các đợt thi thử, Sở đã yêu cầu các trường đánh giá, phân tích kỹ nguyên nhân của những kết quả đạt được và những hạn chế, tồn tại. Từ đó, giúp các cơ sở giáo dục triển khai các giải pháp đồng bộ để phát huy những ưu điểm và hạn chế các khuyết điểm.

Thưa thầy, Sở Giáo dục và Đào tạo có gặp khó khăn nào trong quá trình thực hiện những biện pháp đó không?

Nhà giáo Nguyễn Quốc Anh: Trong quá trình triển khai nhiệm vụ năm học, ngành còn gặp phải một số khó khăn như:

Tình hình dịch bệnh Covid-19 đã buộc các cơ sở giáo dục phải nhiều lần thay đổi, điều chỉnh các kế hoạch dạy học, ôn tập;

Cơ sở vật chất, trang thiết bị để hỗ trợ học sinh vừa học trực tiếp và trực tuyến đã có nhiều cố gắng để đáp ứng tuy nhiên một số đơn vị còn thiếu các phương tiện cần thiết. Nhiều giáo viên ban đầu còn thiếu kinh nghiệm trong dạy học trực tuyến.

Sở Giáo dục và Đào tạo có những giải pháp căn bản nào mang tính định hướng cho sự phát triển chung của ngành giáo dục Hà Tĩnh, nhất là bậc Trung học phổ thông?

Nhà giáo Nguyễn Quốc Anh: Trong thời gian tới, ngành tiếp tục tập trung các giải pháp trọng tâm với những định hướng như:

Tăng cường công tác quản lí nhà nước về giáo dục, thực hiện tốt phân cấp quản lý, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị trường học và các cơ sở giáo dục; tạo động lực để cán bộ giáo viên tự giác, tự chủ đối với các hoạt động chuyên môn; tự chủ trong thực hiện chương trình và xây dựng kế hoạch.

Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; triển khai thực hiện tốt chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là lớp 10 trung học phổ thông, đây là năm học đầu tiên cấp Trung học phổ thông thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Chú trọng giáo dục toàn diện, phát triển kĩ năng sống cho học sinh, quan tâm công tác phân luồng, hướng nghiệp, khởi nghiệm cho học sinh.

Tiếp tục tham mưu với các cấp làm tốt công tác sắp xếp hệ thống trường học; bố trí đội ngũ đảm bảo; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xã hội hóa giáo dục.

Xây dựng các cá nhân, đơn vị điển hình trong đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lí và dạy học, thực hiện có hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin; giáo dục chuyển đổi số,... Từ đó nhân rộng trong toàn tỉnh.

Phóng viên: Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2022 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, ngành Giáo dục tỉnh có sự thay đổi rất nhiều, có tới 75/99 học sinh, đứng thứ 5 toàn quốc về thí sinh đạt giải học sinh giỏi Quốc gia. Thầy có thể chia sẻ những định hướng lâu dài cho việc nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh trong thời gian tới?

Nhà giáo Nguyễn Quốc Anh: Năm học 2021-2022, ngành Giáo dục đào tạo Hà Tĩnh tiếp tục giữ vững chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt là chất lượng mũi nhọn: có 75/99 đạt giải Học sinh giỏi quốc gia, trong đó có 01 Giải Nhất, 25 Giải Nhì, 28 giải Ba và 21 giải Khuyến khích; xếp thứ 5 toàn quốc về số lượng học sinh đạt giải. Có 07 học sinh được tham gia thi chọn đội tuyển dự thi Olympic quốc tế và khu vực. Có 2/2 dự án Khoa học - Kỹ thuật dự thi cấp Quốc gia đều đạt giải Nhì. Đặc biệt, năm học này, Hà Tĩnh lần đầu tiên có học sinh đạt Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế.

Những định hướng lâu dài cho việc nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh trong thời gian tới:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và học sinh, sinh viên; triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt, việc làm sáng tạo trong các hoạt động giáo dục và đào tạo.

Thứ hai, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng mở, phát huy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; đổi mới phương pháp, đa dạng các hình thức tổ chức dạy học; xây dựng chương trình, kế hoạch dạy học gắn với triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vận dụng linh hoạt, hiệu quả các mô hình, phương pháp giáo dục tiên tiến, hiện đại; nâng cao giáo dục kỹ năng sống; dạy học ngoại ngữ, tin học cho học sinh; nâng cao chất lượng, hiệu quả việc tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh; tạo những sân chơi bổ ích để giúp học sinh bộc lộ được năng lực, phẩm chất; kịp thời phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu tố chất thông minh, góp phần thực hiện thành công bồi dưỡng nhân tài cho quê hương đất nước; chú trọng giáo dục và đào tạo công dân toàn cầu.

Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên, đặc biệt là chính sách đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành Giáo dục và Đào tạo. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trong tình hình mới.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục; đầu tư nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa, đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý giáo dục, coi trọng quản lý chất lượng; thực hiện tốt phân cấp quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, gắn trách nhiệm quản lý chuyên môn với quản lý cán bộ, giáo viên và quản lý tài chính; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các trường học và các cơ sở giáo dục, đào tạo; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin; chuyển đổi số trong giáo dục; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Thứ năm, tăng cường xã hội hóa và có cơ chế thuận lợi, minh bạch để khuyến khích toàn xã hội và thu hút nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo, nhất là hệ thống giáo dục ngoài công lập. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, tài trợ các quỹ học bổng, khuyến học, khuyến tài, giúp đỡ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

Trân trọng cảm ơn Nhà giáo Nguyễn Quốc Anh.

Ngô Hiển