Giáo viên góp ý về cấu trúc đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn từ năm 2025

10/08/2024 07:10
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Cấu trúc đề thi minh hoạ kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn năm 2025 cần được xem xét, thảo luận thêm.

Cho đến thời điểm này, giáo viên bậc trung học phổ thông trên cả nước đã và đang tham gia tập huấn chương trình lớp lớp 12, trong đó có môn Ngữ văn.

Qua 2 năm triển khai chương trình lớp 10 và 11, giáo viên môn Ngữ văn cũng đã dần quen với việc dạy học theo tinh thần của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tuy vậy, bàn về cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn dự kiến cho năm 2025, nhiều giáo viên vẫn còn băn khoăn và có những quan điểm trái chiều.

Trong phạm vi bài viết này, người viết là giáo viên bậc trung học phổ thông xin có đôi điều bàn thêm về 2 nội dung đang được nhiều giáo viên dạy môn Ngữ văn quan tâm, đó là:

1) Cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn dự kiến cho năm 2025 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố vào tháng 3 vừa qua phù hợp ra sao với định hướng đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018;

2) Học sinh học sách giáo khoa mới có khả năng đáp ứng được yêu cầu của một đề thi được thiết kế theo cấu trúc đó như thế nào?

gdvn-thisinh-13-8725-9892.jpg
Ảnh minh hoạ, D.N/ giaoduc.net.vn.

Cấu trúc đề thi minh họa môn Ngữ văn phù hợp với Chương trình mới

Thứ nhất, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cấu trúc định dạng đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và được thể hiện thông qua đề minh họa, bảng năng lực - cấp độ tư duy kèm theo.

Cụ thể, đề thi minh hoạ có 2 phần: Đọc hiểu và Viết (Nghị luận văn học và Nghị luận xã hội). Phần Đọc hiểu (có 1 câu tiếng Việt) và Viết có độ phủ rộng so với chương trình (lớp 10, 11).

Tại thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi minh hoạ, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 mới thực hiện đến lớp 11, do vậy các nội dung kiến thức được sử dụng trong các đề minh họa chủ yếu thuộc lớp 10 và 11.

de-thi-minh-hoa-mon-ngu-van-tot-nghiep-thpt-tu-nam-2025_6598de18ba625.jpg
de-thi-minh-hoa-mon-ngu-van-tot-nghiep-thpt-tu-nam-2025_6598de22003fa.jpg
Đề thi minh họa môn Ngữ văn tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025. (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Thứ hai, người viết nhận thấy, đáp án đề thi minh hoạ cơ bản khác với đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay (đến năm 2024).

Đáp án đề thi hiện nay (đến năm 2024)
Đáp án đề thi tham khảo năm 2025
I. Đọc hiểu (3 điểm)
Câu 1, câu 2 chỉ ở mức nhận biết, mỗi câu 0,75 điểm.
Câu 3 (1,0 điểm); câu 4 vận dụng thấp (0,5 điểm) liên quan đến nội dung trong phần đọc hiểu.
I. Đọc hiểu (4 điểm)
Câu 1, câu 2 mặc dù chỉ ở mức nhận biết nhưng đòi hỏi thí sinh phải tư duy nhiều hơn so với đề cũ, mỗi câu 0,5 điểm.
Câu 3 (1 điểm) hỏi kiến thức về tiếng Việt; câu 4 (1 điểm) liên quan đến nội dung trong phần đọc hiểu;
Câu 5 (1 điểm) hỏi mối liên hệ giữa văn bản đọc hiểu với cuộc sống hôm nay.
II. Làm văn (7 điểm)
1. Câu nghị luận xã hội (2,0 điểm, viết đoạn văn 200 chữ) yêu cầu: Bảo đảm về yêu cầu hình thức đoạn văn; xác định đúng vấn đề nghị luận; triển khai được vấn đề nghị luận phù hợp; bảo đảm chính tả, từ ngữ, ngữ pháp; sáng tạo.



2. Nghị luận văn học (5 điểm) yêu cầu: Bảo đảm cấu trúc bài văn nghị luận; xác định đúng vấn đề nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận (tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận); triển khai lệnh phụ; đảm bảo chính tả, từ ngữ, ngữ pháp; sáng tạo.
II. Viết (6 điểm)
1. Câu nghị luận văn học (2,0 điểm, viết đoạn văn khoảng 200 chữ) yêu cầu: Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn; xác định đúng vấn đề nghị luận; được xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận; viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu (xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận); đảm bảo về diễn đạt; sáng tạo.
2. Nghị luận xã hội (4,0 điểm, viết bài văn khoảng 600 chữ) yêu cầu: Xác định được yêu cầu của kiểu bài; xác định đúng vấn đề nghị luận; đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn để của bài viết; viết bài văn đảm bảo các yêu cầu (triển khai luận điểm, thao tác lập luận, phương thức biểu đạt; lập luận chặt chẽ, thuyết phục); diễn đạt; sáng tạo.

Có thể nhận thấy, đáp án đề thi minh hoạ năm 2025 có độ mở rộng hơn so với đề thi cũ. Tuy vậy, thí sinh phải có năng lực đọc hiểu văn bản thì mới có thể làm tốt các nội dung của thi.

Đáng nói, cấu trúc đề thi cũng có thể thay đổi ở phần Viết. Theo đó, nếu ngữ liệu đọc hiểu là văn bản nghị luận xã hội hoặc văn bản thông tin thì phần nghị luận xã hội yêu cầu viết đoạn văn, nghị luận văn học yêu cầu viết bài văn.

Nếu ngữ liệu đọc hiểu là văn bản văn học hoặc văn bản nghị luận văn học thì phần nghị luận xã hội yêu cầu viết bài văn, nghị luận văn học yêu cầu viết đoạn văn.

Cấu trúc đề thi có khả năng gây áp lực đối với thí sinh

Bàn về cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn dự kiến cho năm 2025, người viết đồng tình với ý kiến của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng - Tổng chủ biên sách giáo khoa bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, khi ông chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rằng:

"Cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn dự kiến từ năm 2025 có khả năng gây áp lực đối với học sinh vì các em phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khó hơn trước trong một thời gian hạn chế.

Mức độ áp lực này sẽ rất đáng kể trong bối cảnh năm 2025 là năm đầu tiên học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình mới, thời gian học theo chương trình và sách giáo khoa mới chỉ ba năm; kĩ năng đọc, viết của các em chưa thực sự đáp ứng ngay được yêu cầu, nhất là phần tự đọc hiểu và viết bài trên ngữ liệu mới."

Vì vậy, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng cho rằng, cần có những thảo luận chuyên môn sâu rộng để làm rõ một số câu hỏi của giáo viên. [1]

Người viết thấy rằng, đề thi minh hoạ kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn cho 2 ngữ liệu là 2 văn bản văn học sẽ gây quá tải cho thí sinh.

Thí sinh đọc ngữ liệu, lập dàn ý mất khoảng 30-40 phút, trong khi đó thời gian làm bài chỉ 120 phút, sẽ có nhiều em không hết các câu hỏi hoặc làm bài sơ sài.

Với mong muốn góp thêm một tiếng nói về cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn năm 2025, người viết xin phép được đề xuất cấu trúc (do người viết biên soạn) như sau:

I. ĐỌC HIỂU (5 điểm)

Đọc văn bản sau:

Khi chiếc lá xa cành

Lá không còn màu xanh

Mà sao em xa anh

Đời vẫn xanh rời rợi?

Có gì đâu em ơi

Tình yêu là sự sống

Anh đi xa bao núi

Tình em như khe suối

Lưu luyến và nhớ thương

Chảy theo anh khắp đường

Anh đi xa càng xa

Tình em như cỏ hoa

Âu yếm và thiết tha

Theo anh dài nương rẫy

Anh đi biệt tháng ngày

Tình em như sông dài…

(Gửi em dưới quê làng, Hồ Ngọc Sơn, nguồn thivien.net)

Chú thích: Hồ Ngọc Sơn sinh năm 1932 tại Quảng Ngãi. Năm 1954 ông tập kết ra Bắc. Năm 1961, đang là Đại đội trưởng pháo binh thuộc Tiểu đoàn 300, Trung đoàn 14, Sư đoàn 324, ông được lệnh lên đường vào Nam chiến đấu.

Bài thơ Gửi em dưới quê làng viết năm 1962 tại Gia Lai, khi ông nhận được thư người vợ từ xứ Nghệ gửi vào. Bài thơ thể hiện nỗi nhớ nhung da diết người vợ vừa mới cưới, sống với nhau được 5 ngày thì ông đã phải chia tay trở về Nam.

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:

Câu 1 (0,75 điểm). Giải thích nghĩa của từ “xanh” trong câu thơ Đời vẫn xanh rời rợi? Qua đó, cảm xúc của nhân vật “em” khi xa “anh” được thể hiện như thế nào?

Câu 2 (0,75 điểm). Chỉ ra một biện pháp tu từ được thể hiện qua những dòng thơ sau và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ đó:

Anh đi xa bao núi

Tình em như khe suối

Lưu luyến và nhớ thương

Chảy theo anh khắp đường

Câu 3 (1,0 điểm). Phân tích vẻ đẹp nội dung và hình thức của những câu thơ sau:

Anh đi xa càng xa

Tình em như cỏ hoa

Âu yếm và thiết tha

Theo anh dài nương rẫy

Câu 4 (1,0 điểm). Bài thơ Gửi em dưới quê làng được sáng tác theo phong cách nào? Theo anh/chị, bài thơ đã thể hiện rõ nhất đặc điểm gì của phong cách đó?

Câu 5 (1,5). Từ nội dung văn bản Gửi em dưới quê làng, anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 10 dòng) rút ra một bài học về lẽ sống cho bản thân.

II. VIẾT (5 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) nêu suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa của hoà bình đối với nhân loại.

Cơ sở của việc đề xuất: Phần Đọc hiểu như trên có độ phủ rộng (gồm tiếng Việt); phần viết (câu nghị luận xã hội) phù hợp với mọi đối tượng học sinh và có sự phân hoá cao.

Một số giáo viên dạy môn Ngữ văn nêu quan điểm, khi học sinh đọc một tác phẩm văn học, ví dụ truyện ngắn, là các em muốn học cách sử dụng từ ngữ, rút ra bài học cho bản thân,...

Như thế, học sinh không cần phân tích chủ đề, nghệ thuật,... của truyện ngắn. Thao tác này dành cho các nhà nghiên cứu văn học hoặc sinh viên chuyên ngành,...

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/ban-ve-cau-truc-de-thi-tot-nghiep-thpt-mon-ngu-van-du-kien-cho-nam-2025-post244456.gd

[2] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/de-thi-minh-hoa-mon-ngu-van-tot-nghiep-thpt-tu-nam-2025-119231229151047077.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương