Đề thi Ngữ văn tốt nghiệp: Không khó nhưng gây bất ngờ

07/07/2021 11:29
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Câu hỏi nghị luận văn học trong đề thi môn Ngữ văn đặt ra vấn đề học sinh phải học toàn diện chương trình trong Sách giáo khoa, không nên dự đoán để học “tủ”.

Sáng nay, gần 1 triệu thí sinh đợt 1 đã bắt đầu kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 với môn thi đầu tiên là Ngữ văn. Môn Ngữ văn được thi theo hình thức tự luận.

Nhận định chung của các giáo viên, đề thi chính thức môn Ngữ văn là đã đảm bảo đúng yêu cầu nội dung và hình thức của một đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhận xét về đề thi Ngữ văn, Tiến sĩ Chu Đình Kiên (khoa Sư phạm, Trường Cao đẳng Sư Phạm Thừa Thiên Huế) cho biết:

“Đề thi bám sát chương trình giảng dạy môn Ngữ văn, đặc biệt là đề thi minh họa mà Bộ đã công bố trước đó.

Có nghĩa là đề thi có cấu trúc 2 phần (đọc hiểu và làm văn) và các câu hỏi nhỏ được phân loại theo các cấp độ tư duy. Điều này giúp học sinh hoàn toàn chủ động, tự tin thể hiện năng lực làm văn của mình”.

Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2021. (Ảnh: Thùy Linh)

Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2021. (Ảnh: Thùy Linh)

Đối với câu nghị luận xã hội bàn về vấn đề “sống cống hiến”. Theo Tiến sĩ Chu Đình Kiên, đây là vấn đề không mới nhưng với các em học sinh lớp 12, trước các ngã rẽ cuộc đời thì đây là một gợi ý, định hướng cho các em và chưa bao giờ là cũ.

“Sống đẹp của các em hiện nay chính là cống hiến sức trẻ, trí tuệ của mình cho bản thân, cho gia đình, đất nước…

Trong chương trình ôn tập của các em, vấn đề này luôn được các thầy cô giáo quan tâm, cho nên để viết đúng và có điểm trung bình là điều khá dễ. Hơn nữa, biên độ bàn luận vấn đề ‘sống cống hiến’ khá rộng nên rất thoải mái cho học sinh thể hiện suy nghĩ, cá tính của mình, nhất là học sinh khá giỏi.

Tuy nhiên, để đạt 2,0 điểm trọn câu này thì các em cần phải viết sáng tạo, viết hay, viết chạm đến trái tim bạn đọc”, Tiến sĩ Kiên chia sẻ.

Đối với câu nghị luận văn học là câu hỏi chiếm tỉ trọng điểm khá cao (5,0 điểm) vì vậy không chỉ các thí sinh mà thầy cô giáo giảng dạy cũng rất quan tâm.

Tiến sĩ Chu Đình Kiên (khoa Sư phạm, Trường Cao đẳng Sư Phạm Thừa Thiên Huế). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tiến sĩ Chu Đình Kiên (khoa Sư phạm, Trường Cao đẳng Sư Phạm Thừa Thiên Huế). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Năm nay đề thi ra 3 khổ thơ ở phần đầu bài thơ ‘Sóng’ của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Đề thi ra câu hỏi này đã đặt ra một vấn đề là học sinh phải học toàn diện chương trình trong Sách giáo khoa, không nên dự đoán để học “tủ”.

Các em có suy nghĩ, năm ngoái đã ra thơ (Đất Nước, Việt Bắc) thì năm nay sẽ không thi thơ. Vì vậy, câu này sẽ làm cho một số học sinh ngỡ ngàng, bối rối một chút.

Mặc dù không nằm trong ‘tầm ngắm’, nhưng đây là bài thơ tình, các em có thể suy diễn thêm từ suy nghĩ của mình, vì vậy sẽ có khá nhiều bài làm không bám sát bài thơ mà viết theo suy diễn và khó đạt điểm tối đa”, Tiến sĩ Kiên cho hay.

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Chu Đình Kiên, để có điểm cao, ngoài việc nắm vững nội dung đoạn thơ, thí sinh còn phải có kĩ năng làm bài tốt.

Gọi tên luận điểm chính xác, cảm thụ giá trị nghệ thuật phải sâu và nhất là không được bỏ sót ý nhận xét vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh.

Tiến sĩ Kiên cho rằng: “Nhìn chung, đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2021 khá “dễ chịu” đối với các thí sinh. Đây cũng là một cơ hội nhỏ cho các em rộng mở hơn con đường đến với cổng trường đại học, cao đẳng”.

Cao Kim Anh