Đề thi "trinh tiết" của ĐH FPT thiếu tính khoa học, tính giáo dục

14/04/2012 06:15
Kim Ngân
(GDVN) - TS. Trịnh Thu Tuyết: "Các hoạt động giáo dục của nhà trường không chỉ cần sự cập nhật với những vấn đề của xã hội mà còn phải xây dựng chuẩn mực cho đạo đức, nhân cách con người".
Để có những cái nhìn khách quan về cách ra đề thi “mới mẻ” của Trường ĐH FPT, Báo GDVN đã có cuộc trao đổi với TS. Ngữ Văn Trịnh Thu Tuyết – Giáo viên Văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội).
Đề thi luận kỳ thi sơ loại đại học của trường ĐH FPT ngày 8/4/2012:
“Trong kiệt tác Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du đã từng chia sẻ quan niệm của mình thông qua phát ngôn của nhân vật Kim Trọng về“chữ trinh”:
“Xưa nay trong đạo đàn bà
Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường
Có khi biến, có khi thường
Có quyền, nào phải một đường chấp kinh”.
cho dù chính ông cũng từng khẳng định:“Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu”.
Ngày xưa, nếu cô dâu bị mất trinh thì coi như mất hết, hôn nhân đổ vỡ, người vợ bị đem trả lại. Nhưng ngày nay, đối với nhiều bạn trẻ, cái màng trinh không còn ý nghĩa quan trọng như thế, thậm chí nhiều người còn ủng hộ quan điểm tình dục trước hôn nhân.
Vậy theo bạn, người phụ nữ có nhất thiết phải phải giữ trinh tiết trước khi về nhà chồng? Và hạnh phúc thật sự của một cuộc hôn nhân có phụ thuộc vào việc người phụ nữ còn trinh hay không?
Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn về vấn đề này. Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng các ví dụ từ sách báo và các quan sát của bạn trong cuộc sống.” 

TS Trịnh Thu Tuyết (GV chuyên Văn Trường THPT Chu Văn An) cho rằng đề thi luận của Trường ĐH FPT không có tính chất mở.
TS Trịnh Thu Tuyết (GV chuyên Văn Trường THPT Chu Văn An) cho rằng đề thi luận của Trường ĐH FPT không có tính chất mở.

- Đề thi luận (60 phút) của Trường ĐH FPT trong kỳ thi sơ tuyển đại học có trích dẫn câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du về vấn đề "trinh tiết", từ đó yêu cầu thí sinh luận bàn về "sống thử", quan hệ tình dục trước hôn nhân... Với tư cách là một TS Văn học, bà đánh giá ra sao đề thi này?

TS. Trịnh Thu Tuyết: Thứ nhất, đề chưa đảm bảo tính khoa học. Bởi, người ra đề lấy những câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du làm lời dẫn, từ đó, đề thi yêu cầu thí sinh bàn luận về ít nhất hai vấn đề: trinh tiết của người phụ nữ và cách sống của thanh niên thời hiện đại. Không khó nhận ra độ chênh giữa lời dẫn và vấn đề cần bàn luận: những câu thơ của thế kỷ XVIII đề cập tới mối quan hệ giữa trinh tiết trong sự chi phối bất khả kháng của hoàn cảnh với nhân cách trong sạch của người phụ nữ; còn đề thi thế kỷ XXI lại đặt ra vấn đề về mối quan hệ giữa trinh tiết với nhân cách người phụ nữ, giữa trinh tiết và hạnh phúc của hôn nhân, trong đó trinh tiết không bị chi phối bởi hoàn cảnh mà được quyết định do quan niệm sống của con người! Độ chênh giữa lời dẫn và vấn đề nghị luận sẽ hạn chế tính khoa học của đề bài, tạo một xuất phát điểm không chính xác cho phần nghị luận của thí sinh trong bài thi.
Thứ hai, những đề thi mang tính chất mở thường sẽ mang hình thức đóng (giấu kín quan điểm của người ra đề); đó là những đề bài cho phép thí sinh có thể bộc lộ quan điểm của mình trong các vấn đề nghị luận mà không băn khoăn bởi những định hướng thấp thoáng trong ngôn từ, giọng điệu của đề. Có thể dẫn một vài ví dụ: Luận về vấn đề chọn trường, chọn nghề theo thị hiếu xã hội; Luận về quan niệm của J. Paul: “ Con người đồng thời phải tạo ra và chế ngự sự đam mê ”… Đề thi tuyển sinh của Đại học FPT không có tính chất mở, bởi sự định hướng rõ nét qua lớp ngôn từ trùng lặp tới bề bộn. Điều này cũng đã được PGS. Ngô Văn Giá làm rõ qua việc phân tích yếu tố giọng điệu của đề thi trong bài "Đề thi 'trinh tiết' của ĐH FPT mắc sai lầm nghiêm trọng" - đăng trên Báo Giáo dục Việt nam, thứ ba 10/04/2012. 
- Nhiều thí sinh đọc đề xong nhìn nhau cười, hoặc không thể viết dài, hoặc băn khoăn, thậm chí nộp đề về trước. Vậy theo nhận định của bà thì đây có phải là đề thi quá khó cho học sinh lớp 12 không?
TS. Trịnh Thu Tuyết: Đề thi không khó với nhiều thí sinh, nhưng sẽ khó cho giám khảo trong việc đánh giá theo những chuẩn kiến thức đảm bảo tính giáo dục và tính thẩm mĩ.

- Theo bà với cách ra đề như thế có đánh giá được các kỹ năng, kiến thức của học sinh không?
TS. Trịnh Thu Tuyết: Sẽ đánh giá được tình trạng đạo đức của một bộ phận thế hệ trẻ thời hiện đại nhiều hơn là kỹ năng và kiến thức của họ.

- Nhiều ý kiến học sinh đánh giá đề thi này mới mẻ, táo bạo, hay và thực tế đối với học sinh cấp 3, thậm chí có người cho rằng đây là hướng ra đề thi mới ở VIệt Nam. Tiến sĩ có đồng ý với ý kiến này không?
TS. Trịnh Thu Tuyết: Nhà trường là một môi trường giáo dục, các hoạt động giáo dục của nhà trường không chỉ cần sự cập nhật với những vấn đề của xã hội và thời đại mà còn phải xây dựng những chuẩn mực cho đạo đức, nhân cách con người. Khi trả lời phỏng vấn báo GDVN ngày 14/03/2012, tôi đã nói một quan điểm của mình: “Có những giới hạn mà người giáo viên không được phép vượt qua..."; và bây giờ tôi cũng muốn nhắc lại quan điểm này: Có những giới hạn mà các đề thi không được phép vượt qua, ít nhất là đối với đề thi môn Văn, môn học có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục nhân cách con người bởi những đặc trưng giáo dục và thẩm mĩ.

- Gần đây, GS.Nguyễn Minh Thuyết có trả lời PV báo GDVN xung quanh vấn đề này rằng: "Đề thi có hại cho việc giáo dục nhân cách, nhận thức cuộc sống của học sinh". Tiến sĩ có đồng tình với ý kiến này không?
TS. Trịnh Thu Tuyết: Tôi hoàn toàn đồng ý với quan niệm của GS.Nguyễn Minh Thuyết. 
- Vậy theo Tiến sĩ, yêu cầu cơ bản của một đề thi văn nghị luận xã hội là gì?
TS. Trịnh Thu Tuyết: Nghị luận xã hội là thể loại yêu cầu học sinh luận bàn về các vấn đề đặt ra trong xã hội, những vấn đề đó phong phú, đa dạng như chính cuộc sống này. Vấn đề là đề thi phải đảm bảo tính khoa học, tính giáo dục và thẩm mĩ. 


- Là một người nghiên cứu sâu về văn học, TS nghĩ sao về việc trích dẫn câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du để đưa ra vấn đề bàn luận "cái màng trinh" của người con gái trong đề thi đại học?
TS. Trịnh Thu Tuyết: Thứ nhất, tôi đã nói rõ quan niệm của mình về sự vi phạm tính khoa học của đề thi khi khẳng định có độ chênh giữa lời dẫn và vấn đề cần bàn luận trong đề bài; thứ hai, văn kị thô - đề thi đã tạo ra một liên kết phản cảm giữa lời luận giải đầy tính nhân văn của Kim Trọng về chữ trinh. Đề thi đã sử dụng ngôn từ khá xa lạ với văn chương, những ngôn từ ấy thậm chí cũng không nên xuất hiện trong các tiết học giáo dục công dân, giáo dục giới tính... ở nhà trường. 
- Với đề thi này, theo TS thì thí sinh nên làm như thế nào? 
TS. Trịnh Thu Tuyết: Nếu là những thí sinh có bản lĩnh, có chính kiến và nhất là có quan niệm sống lành mạnh, thí sinh nên thể hiện quan niệm riêng của mình không chỉ về vấn đề trinh tiết trong đề thi mà còn về chính đề thi! 
- Cũng nhân đây, TS quan niệm như thế nào về "trinh tiết" của người phụ nữ? Và hạnh phúc thật sự của một cuộc hôn nhân có phụ thuộc vào việc người vợ còn trinh hay không?
TS. Trịnh Thu Tuyết: Hạnh phúc trong hôn nhân phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó, quan trọng nhất là tình yêu và sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau. Trinh tiết của người phụ nữ có chi phối hạnh phúc sau nay của họ hay không còn phụ thuộc vào chính quan niệm của họ về trinh tiết. Nàng Kiều của Nguyễn Du được chàng Kim trân trọng sau tất cả những phong trần gió bụi bởi sự cảm thông, thấu hiểu cho cảnh ngộ của người con gái phải lấy hiếu làm trinh; còn nếu các cô gái bây giờ lấy quan niệm sống thoáng, sống thử… thay cho sự giữ gìn phẩm giá mà trinh tiết chính là một biểu hiện cụ thể thì các em thật khó có được sự chia sẻ từ một nửa của mình. Bởi, có sự khác nhau cơ bản giữa nỗi đau khổ vì không giữ được trinh tiết với sự hào hứng cởi bỏ trinh tiết!
Kim Ngân