LTS: Trong bài 1 cho thấy rõ vai trò hội đồng trường đối với giáo dục Đại học nước ta, đặc biệt việc đưa thể chế hội đồng trường vào hệ thống giáo dục Đại học từ năm 2003.
Mặc dù, thể chế hội đồng trường gắn với cặp khái niệm quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của trường Đại học, đã dần dần được đưa vào hệ thống giáo dục Đại học nước ta từ khi bắt đầu thời kỳ “đổi mới” sau năm 1986.
Tuy nhiên, trong thời kỳ chuyển tiếp kéo dài từ đó đến nay các thói quen và thể chế cũ của thời kế hoạch hóa tập trung vẫn tồn tại và giằng co với các phong cách và thể chế mới.
Trong giáo dục Đại học, một trong những thể chế và thói quen cũ tạo lực cản rất lớn đối với việc thực hiện các thể chế và phong cách quản lý mới chính là cơ chế “bộ chủ quản” và trường “trực thuộc”.
Để giải quyết “lực cản” ấy, trong bài 2 của GS. TSKH Lâm Quang Thiệp sẽ giải đáp điều đó bằng việc đề xuất lộ trình triển khai thể chế hội đồng trường trong hệ thống giáo dục Đại học nước ta.
Xử lý quan hệ giữa cơ chế hội đồng trường và bộ chủ quản
Cho đến nay, hai lĩnh vực quyết định quan trọng nhất trong hoạt động của trường Đại học trực thuộc phần lớn vẫn nằm trong tay bộ chủ quản, đó là tài chính và nhân sự.
Cụ thể là, kinh phí hàng năm cho các trường Đại học do Bộ chủ quản phân phối sau khi Bộ nhận từ ngân sách nhà nước, các nhân sự quan trọng nhất của trường Đại học, do đó có hiệu trưởng, hiệu phó do bộ chủ quản bổ nhiệm và miễn nhiệm.
Bộ chủ quản có cơ chế kiểm soát trường trực thuộc về nhiều mặt, và trường trực thuộc có trách nhiệm báo cáo việc thực hiện công việc với Bộ chủ quản.
Trường Đại học không có quyền tự quyết định đối với nhiều vấn đề, điều đó làm cho sự đáp ứng đối với các biến động của thị trường thường không được nhanh nhạy, các trường khó thích nghi với thị trường.
Hội đồng trường chỉ phát huy vai trò của mình đầy đủ và hoạt động có hiệu quả cao khi cơ chế “bộ chủ quản” và “trường trực thuộc” được hoàn toàn xóa bỏ. (Ảnh: Hà Nội mới) |
Nhận thấy sự cản trở đó của cơ chế bộ chủ quản, trong Nghị quyết 14 năm 2005 của Chính phủ về đổi mới giáo dục Đại học (Nghị quyết 14, 2005) đã ghi chủ trương “Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở giáo dục Đại học công lập”.
Như vậy đã tìm thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa chủ trương xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản của Nghị quyết 14 với việc đưa cơ chế hội đồng trường vào trường Đại học theo Điều lệ trường Đại học năm 2003 và Luật Giáo dục năm 2005.
Các chủ trương nói trên của Nhà nước có thể hiểu là xuất phát từ quan niệm trường Đại học công lập thuộc sở hữu công, quyền sở hữu đó được giao cho đại diện của nó là hội đồng trường chứ không phải cho một cá nhân hiệu trưởng.
Hội đồng trường xác định rõ các chính sách của nhà trường, lựa chọn một hiệu trưởng xứng đáng để giao quyền điều hành, và theo dõi, kiểm tra đánh giá việc sử dụng quyền được giao đó.
Như vậy, nếu thực hiện đầy đủ cơ chế hội đồng trường, xác định đúng vai trò của hội đồng trường thì không cần đến cơ chế “bộ chủ quản” và “trường trực thuộc”.
Mặt khác, hội đồng trường chỉ có thể phát huy vai trò của mình đầy đủ và hoạt động có hiệu quả cao khi cơ chế “bộ chủ quản” và “trường trực thuộc” được hoàn toàn xóa bỏ.
Cần sự đồng thuận trong cộng đồng giáo dục Đại học
Điều lệ trường Đại học năm 2010 đã đưa ra khá đầy đủ những quy định để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của hội đồng trường, và Luật giáo dục Đại học năm 2012 tiếp tục khẳng định thể chế hội đồng trường.
Tuy nhiên cho đến nay việc triển khai xây dựng thể chế hội đồng trường trong các trường Đại học vẫn hết sức chậm chạp, sự đồng thuận trong việc đưa thể chế này vào hệ thống giáo dục Đại học vẫn chưa cao.
Giáo sư người Việt ở Úc kiến nghị 7 vấn đề đổi mới cho giáo dục Đại học Việt Nam(GDVN) - Đã đến lúc các trường Đại học Việt Nam nên đổi mới toàn bộ; tập trung tối đa chức năng của Bộ Giáo dục theo hướng ưu tiên xây dựng, kiểm tra, giám sát. |
Có thể thấy nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này ở chỗ đây là một chủ trương tạo nên sự di chuyển về quyền lực, không phải bộ phận nào trong hệ thống giáo dục Đại học cũng dễ dàng chấp nhận và thích nghi được với sự dịch chuyển ấy, nên có phản ứng không thuận lợi ở nhiều cấp độ khác nhau.
Các phản ứng này có thể liên quan đến lý do về nhận thức, cũng có thể gắn với lợi ích nhóm.
Ở cấp trường Đại học nhiều ý kiến cho rằng các hiệu trưởng Đại học không ai thích đưa vào một cơ chế hạn chế quyền lực của họ. Tuy nhiên, nếu nhìn từ một góc độ khác thì không hẳn như vậy.
Một hiệu trưởng Đại học trao đổi rằng: Hội đồng trường tạo cho hiệu trưởng cảm giác “an toàn” hơn nhiều khi điều hành, vì nếu nhà trường phải đối mặt với các quyết định lớn quan trọng trong công việc, có thể gây phản ứng của nhiều đối tượng khác nhau, thì hội đồng trường là chỗ dựa vững chắc cho hiệu trưởng.
Ở các cơ quan quản lý nhà nước, một số người, đặc biệt những cán bộ có năng lực, cho rằng nếu tăng cường việc giao quyền tự chủ cho trường Đại học qua hội đồng trường thì cán bộ ở các cơ quan này sẽ có nhiều thời gian vào những công việc có chất lượng liên quan đến quản lý nhà nước, có điều kiện nâng cao trình độ, chứ không phải đi sâu vào những việc sự vụ của các trường Đại học.
Cơ chế “xin - cho” sẽ giảm, điều đó sẽ giảm áp lực đối với một số đông cán bộ ở cơ quan quản lý nhà nước.
Đề xuất lộ trình để cơ chế hội đồng trường đạt hiệu quả
Trong hệ thống giáo dục Đại học Việt Nam thể chế hội đồng trường là rất mới, do đó để xác lập được thể chế hội đồng trường trong các trường Đại học Việt Nam, Nhà nước cần đưa ra một lộ trình hợp lý.
- Trước hết cần rà soát hệ thống các văn bản luật và dưới luật có liên quan với hội đồng trường và có phương án chỉnh sửa những quy định không tương thích.
- Hội đồng trường không nên được triển khai nhất loạt mà nên được xây dựng trước ở các cơ sở giáo dục Đại học được quyền tự chủ cao, đặc biệt là các trường Đại học trọng điểm.
Nhà nước nên chỉ đạo các cơ sở giáo dục Đại học này lập kế hoạch xây dựng hội đồng trường. Sau một thời gian triển khai nên tổ chức rút kinh nghiệm để phổ biến cho các trường khác.
- Những quan niệm chung về hội đồng trường và thể thức hoạt động của hội đồng trường còn rất mới mẻ đối với cả cộng đồng giáo chức và nhân viên trong cơ sở giáo dục Đại học, kể cả các thành viên của hội đồng trường.
Do đó để có thể đảm bảo hội đồng trường hoạt động có hiệu quả phải phổ biến sâu rộng về thể chế này trong cộng đồng nhà trường, đồng thời phải tổ chức các khóa tập huấn cho các thành viên hội đồng trường, kể cả chủ tịch hội đồng.