Những vấn đề đặt ra trong quá trình cụ thể hóa chủ trương của Đảng theo Nghị quyết 29
Chia sẻ tại Hội thảo Giáo dục 2023 “Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã đề cập đến một số thách thức trong quá trình cụ thể hóa chủ trương của Đảng được nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW đối với giáo dục đại học, trong đó trọng tâm là tài chính đại học.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ tại Hội thảo. |
Thứ nhất, Nghị quyết 29 nêu: "Chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu cầu số lượng".
Phó Giáo sư Vũ Hải Quân đặt vấn đề, hiện nay, giáo dục đại học về mặt số lượng, chất lượng đã đạt được chưa và mối tương quan giữa số lượng và chất lượng như thế nào?
Thứ hai, về quy hoạch, dự báo, đặt hàng đào tạo của các bộ, ngành, địa phương, Nghị quyết 29 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng quy hoạch dài hạn phát triển nguồn nhân lực, dự báo nhu cầu về số lượng, chất lượng nhân lực, cơ cấu ngành nghề, trình độ. Trên cơ sở đó, đặt hàng và phối hợp với các cơ sở giáo dục, đào tạo tổ chức thực hiện.
Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là các bộ, ngành, địa phương đã làm việc này tới đâu rồi, làm như thế nào và đạt được kết quả ra sao?
Nghị quyết 29 cũng đề cập về cơ chế đặt hàng đào tạo, đến thời điểm này, chúng ta đã và đang thực hiện đặt hàng về đào tạo giáo viên nhưng trong quá trình thực hiện, các trường sư phạm đang có nhiều trăn trở, có nhiều vấn đề khó khăn chưa được tháo gỡ.
Thứ ba là vấn đề liên thông trong đào tạo, Nghị quyết số 29 nêu ra yêu cầu: Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo.
Hội thảo Giáo dục 2023 “Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học” diễn ra vào chiều ngày 5/11. |
Thực tế thì liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học đạt tỷ lệ rất thấp. Nghị quyết của Đảng đã chú trọng đến vấn đề liên thông trong đào tạo nhưng kết quả đạt được lại rất thấp.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội giai đoạn 2011 - 2020, có trên 130.000 học sinh học liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, chiếm khoảng 10% so với tổng số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học trung cấp.
Thứ tư, về đầu tư cho giáo dục đại học, Nghị quyết 29 nêu: Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách.
Song, nhìn lại ngân sách chi cho giáo dục, đặc biệt là chi cho giáo dục đại học vẫn ở mức rất thấp.
Thứ năm, về đầu tư cho một số trường đại học trọng điểm, đa ngành, Nghị quyết 29 nêu: Đối với giáo dục đại học và đào tạo nghề nghiệp, Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng một số trường đại học, ngành đào tạo trọng điểm, trường đại học sư phạm;…Ưu tiên nguồn lực, tập trung đầu tư và có cơ chế đặc biệt để phát triển một số trường đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực sớm đạt trình độ khu vực và quốc tế, đủ năng lực hợp tác và cạnh tranh với các cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu thế giới.
Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đến nay, việc đầu tư cho hai đại học quốc gia vẫn còn chưa đạt được như kỳ vọng. Riêng tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tỉ lệ ngân sách nhà nước giảm dần từ 21% xuống còn 19% và giảm xuống còn 15% qua các năm 2019, 2020, 2021 do đã có 6 trường đại học thành viên tự chủ chi thường xuyên.
Từ 2020 – 2023, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chưa khởi công được công trình nào mới.
“Năm 2023, chúng tôi dự kiến phải trả lại ngân sách hoặc coi như hủy dự toán 671,4 tỷ đồng. Năm 2022, chúng tôi phải chuyển nguồn ngân sách từ năm 2022 sang năm 2023 là 545 tỷ đồng. Ngân sách cấp có thể lớn nhưng cơ sở có “tiêu hóa” được ngân sách đó hay không cũng là vấn đề đặt ra”, Phó Giáo sư Vũ Hải Quân trăn trở.
Thứ sáu, về đầu tư cho nghiên cứu khoa học tại các trường đại học, Nghị quyết 29 nêu: Ưu tiên đầu tư phát triển khoa học cơ bản, khoa học mũi nhọn, phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm chuyên ngành, trung tâm công nghệ cao, cơ sở sản xuất thử nghiệm hiện đại trong một số cơ sở giáo dục đại học.
Phân bổ ngân sách nghiên cứu khoa học cho các đơn vị. Số liệu: World Bank |
Tuy nhiên, số liệu từ Ngân hàng thế giới cũng cho thấy, đầu tư nghiên cứu khoa học cho các trường đại học trong phân bổ chung đang chiếm một tỷ lệ rất thấp. Năm 2019, đầu tư cho các trường đại học, học viện, cao đẳng cũng chỉ có 18%.
Công bố quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học năm 2022. |
Trong khi kết quả về nghiên cứu khoa học đạt được lại chủ yếu là ở các trường đại học, ví dụ về công bố quốc tế. Phó Giáo sư Vũ Hải Quân cho rằng, còn có sự bất hợp lý trong việc phân bổ nguồn lực nghiên cứu khoa học cho các trường đại học.
Tinh thần của Nghị quyết 29 là tăng cường đầu tư, và thực tiễn ở các trường đại học cũng đã làm rất tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, nhưng tỷ lệ chi cho các trường đại học để làm nghiên cứu khoa học rất thấp.
Số lượng học sinh, sinh viên được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Số liệu: World Bank |
Liên quan đến chính sách tín dụng cho sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng vấn đề này chưa phát huy được hiệu quả, đối tượng được vay còn hạn chế, mức vay thấp, thời hạn vay ngắn, thủ tục và phương thức vay phức tạp, trong khi lãi suất còn cao.
Phó Giáo sư Vũ Hải Quân cũng đề xuất Quốc hội cần có giám sát chuyên đề về chính sách tín dụng cho sinh viên.
Số lượng sinh viên tăng nhưng đội ngũ giáo sư, phó giáo sư không tăng
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân cũng đặt ra một số vấn đề của giáo dục đại học cần có giải pháp, nếu không sẽ tác động ảnh hưởng tới trường đại học.
Về quy mô và chất lượng đào tạo: Những năm qua, quy mô giáo dục đại học tăng nhưng số lượng giáo sư, phó giáo sư hầu như không tăng và lại có xu hướng thay đổi theo từng năm.
Chất lượng của giáo dục đại học cũng được đo dựa vào số lượng người thầy giỏi, những nhà khoa học đầu ngành. Thế nhưng khi số lượng giáo sư, phó giáo sư không tăng trong khi số lượng sinh viên tăng thì ở một số trường sẽ khó đảm bảo được chất lượng.
Khi số lượng giáo sư, phó giáo sư không tăng thì quy mô đào tạo tiến sĩ chắc chắn cũng không tăng được, vì quy mô đào tạo tiến sĩ còn phụ thuộc vào số lượng giáo sư, phó giáo sư. Thực trạng này đặt ra lo ngại vấn đề thiếu hụt đội ngũ nhà khoa học đầu ngành.
Bên cạnh đó, quy mô tuyển sinh tăng nhưng tỷ lệ nhập học đại học vẫn thấp, đây cũng là vấn đề cần phải có giải pháp.
Một vấn đề đặt ra nữa là mất cân đối trong các ngành đào tạo, có sự chênh lệch lớn giữa các ngành đào tạo. Năm 2022, cứ 5 thí sinh thì có 1 em chọn ngành kinh doanh và quản lý, còn các ngành khoa học sự sống, khoa học cơ bản, thống kê thì tỷ lệ thí sinh đăng ký đã thấp rồi nhưng tỷ lệ nhập học còn thấp hơn.
Việc này dẫn đến mất cân đối trong vấn đề đào tạo, nếu không có giải pháp, trong tương lai gần chúng ta sẽ thiếu hụt các nhà khoa học, kỹ sư ở các lĩnh vực hết sức quan trọng.
Về vấn đề tài chính, nguồn thu của các trường đại học, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nguồn thu chủ yếu của các trường là học phí nhưng những năm gần đây học phí không tăng. Giai đoạn năm 2017 đến 2020, khi đầu tư ngân sách nhà nước giảm từ 24% về 9% thì chủ lực nguồn thu đặt nặng vào học phí từ 57% đến 77%, trong khi thu ngoài chỉ chiếm 14%.
Tỷ lệ các nguồn thu của các trường đại học trong năm 2017 và năm 2021. Nguồn: World Bank |
Một trường đại học không thể trở thành trường đại học đẳng cấp thế giới và cũng không thể được xếp hạng quốc tế nếu nguồn thu chỉ dựa vào học phí.
Việc gia tăng nguồn thu ngoài phụ thuộc vào: thời gian, quy định của các văn bản pháp luật. Trong khi đó, hợp tác công tư trong giáo dục đại học còn khó khăn, về mặt cơ chế định giá tài sản/thương hiệu, sở hữu trí tuệ, thời gian hồi vốn… Nguồn thu từ hiến tặng, tài trợ cũng còn hạn chế.
Phó Giáo sư Vũ Hải Quân đưa các khuyến nghị chính sách về tài chính cho giáo dục đại học ở Việt Nam như: điều chỉnh cách tiếp cận về tự chủ tài chính của cơ sở giáo dục đại học; tăng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học, theo khuyến nghị của World Bank, tăng từ 0,8-1% GDP đầu tư cho giáo dục đại học cho đến năm 2030; đồng thời tăng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho nghiên cứu và phát triển phân bổ cho các trường đại học.