Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị đổi tên phí lưu hành phương tiện cá nhân thành phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và giữ nguyên tên đối với phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm.
Bộ GTVT cũng đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ tăng 5% mỗi năm, và không thu phí xe công (như xe của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, xe quân đội, xe công an, xe của cơ quan, tổ chức ngoại giao nước ngoài).
Đối với ôtô đăng ký trong nước, Bộ GTVT đề xuất giao các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới thu trực tiếp theo đầu phương tiện khi tiến hành kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Đối với ôtô đăng ký nước ngoài tạm nhập lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam, giao các trạm quản lý vận tải cửa khẩu thuộc các sở GTVT thu khi phương tiện làm thủ tục nhập cảnh. Đối với môtô, Bộ GTVT tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, lùi thời gian thực hiện thu phí đối với môtô (ít nhất là 6 tháng kể từ khi thu phí ôtô).
Việc thu phí môtô giao cho chính quyền địa phương tổ chức thực hiện.
Bộ GTVT cho biết đến ngày 31-10-2011, số lượng ôtô chịu sự tác động của chính sách thu phí phương tiện cá nhân là 612.691 xe (tương ứng với 612.691 chủ phương tiện, chiếm 0,77% dân số cả nước). Các xe này phần lớn được sử dụng cho mục đích cá nhân (tuy có một số ôtô tham gia hoạt động vận tải là taxi, nhưng tỉ trọng khối lượng vận chuyển không lớn). Do vậy, về cơ bản không ảnh hưởng đến giá cả thị trường, giá thành hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo Tuổi Trẻ Online