Ngày 25/2/2020, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã trình bày các ý kiến đề xuất về thời gian đi học trở lại của học sinh thành phố.
Khối 9, 12 đi học lại ngay từ ngày 2/3
Theo đó, học sinh khối 9, 12 của thành phố được đề xuất là đi học lại ngay từ ngày 2/3/2020, nhưng chỉ học có một buổi, không tổ chức bán trú.
Học sinh bậc tiểu học: Sẽ nghỉ tiếp đến hết ngày 15/3. Kể từ ngày 16/3, học sinh khối lớp 5 sẽ đi học trở lại bình thường, nhưng cũng không tổ chức bán trú.
Thời gian đi học trở lại của các khối lớp khác trong bậc học này sẽ tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh thực tế, có thông báo sau.
Kể từ ngày 16/3: Các khối lớp khác thuộc bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông sẽ đi học trở lại bình thường.
Với bậc học mầm non: Đề xuất nghỉ học đến hết ngày 15/3.
Giáo viên Trường Đông Dương chuẩn bị các phương án làm vệ sinh, đón học sinh đi học lại (ảnh: CTV) |
Kể từ ngày 16/3, các học sinh thuộc lớp Lá đi học bình thường, không tổ chức ăn sáng. Các lớp khác thuộc bậc học này sẽ có thông báo thời gian đi học trở lại sau, tùy theo diễn biến tình hình dịch trên thực tế.
Các trường tư thục gặp khó khi thực hiện
Theo báo cáo từ Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, hiện toàn địa bàn thành phố có khoảng hơn 100.000 học sinh khối lớp 9, hơn 73.000 học sinh khối lớp 12 đang theo học tại các trường công lập, tư thục trên địa bàn.
Trong đó, tỷ lệ học sinh đang theo học tại các trường tư thục, ngoài công lập chiếm số lượng khá lớn trên địa bàn.
Dự kiến ngày đến trường mới nhất của học sinh Thành phố Hồ Chí Minh |
Do đặc thù riêng, học sinh đang theo học ở loại hình trường này có thể học bán trú (chiều về nhà), hay học nội trú (một tuần về nhà một lần, ăn ngủ tại trường).
Chính vì vậy, đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố là chỉ học sinh khối 9, 12 học từ ngày 2/3, nhưng chỉ học một buổi, không tổ chức bán trú đang đặt các trường tư thục ở tình thế không biết phải giải quyết như thế nào.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Đông Dương (quận Gò Vấp) chia sẻ: Đề xuất như vậy, thì các em học sinh nội trú ở trường sẽ ra sao?
“Còn những em học bán trú thì như thế nào? Chẳng lẽ phụ huynh đi làm, xong trưa lại về nhà để nấu nướng cho học sinh ăn? Nếu cơ quan của phụ huynh làm xa nhà thì sao đây?” – ông Nguyễn Văn Phúc đặt vấn đề.
Còn nếu phụ huynh cho tiền học sinh ra ngoài ăn thì có khi lại không yên tâm, nguy hiểm hơn, còn dù sao, học sinh được tổ chức ăn uống trong trường sẽ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, kỹ càng hơn.
Ông Nguyễn Văn Phúc nêu tiếp: “Nếu trong gia đình có hai người con, một em khối 9 và một em lớp 3. Nếu ở nhà thì hai em này có thể coi nhau. Còn học sinh khối 9 đi học, ba mẹ đi làm thì cái em học sinh lớp sẽ đi đâu?.
Hiệu trưởng một trường trung học phổ thông tư thục trên địa bàn quận Tân Phú cũng đồng quan điểm với ông Nguyễn Văn Phúc, và cho rằng, rõ ràng, đề xuất này chưa để ý đến số lượng học sinh học nội trú.
“Nếu chỉ được học một buổi trong giai đoạn đầu, thì các em học sinh nội trú sẽ đi đâu. Phần lớn học sinh nội trú đều có nhà ở tỉnh, phụ huynh sẽ rất khó khăn để đi lên đón các em trong trường hợp này” – thầy Hiệu trưởng này nói.
Về chỉ học một buổi, thầy Hiệu trưởng nói hoàn toàn không lo gì về mặt kiến thức, vì chỉ có hai tuần, chỉ lo nhất là cách tổ chức ăn ở, sinh hoạt cho học sinh.
Còn ông Nguyễn Văn Phúc – Trường trung học phổ thông Đông Dương thì nhấn mạnh: Cho dù cuối tuần này, thành phố công bố quyết định thực hiện theo phương án đi học như thế nào, nhà trường luôn chuẩn bị sẵn sàng các phương án cần thiết, để đón học sinh quay trở lại học bình thường.