ĐH Mở Hà Nội đa dạng phương thức xét tuyển, chỉ tiêu tăng dần theo từng năm

08/05/2024 06:41
Lưu Diễm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Tài chính - Ngân hàng và Công nghệ thông tin là hai ngành học có số lượng chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất Trường Đại học Mở Hà Nội qua nhiều năm trở lại đây.

Trường Đại học Mở Hà Nội (tên tiếng Anh là Hanoi Open University) là trường đại học công lập hoạt động trong hệ thống các trường đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý.

Đây là cơ sở đào tạo đại học và nghiên cứu các loại hình đào tạo mở, đào tạo từ xa, đào tạo tại chỗ nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội, góp phần tăng tiềm lực cán bộ khoa học - kỹ thuật cho đất nước.

Trường Đại học Mở Hà Nội có sứ mệnh “mở cơ hội học tập cho mọi người với chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng với nhiều loại hình, chú trọng giáo dục từ xa, đa ngành, đa trình độ, phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế”.

Tầm nhìn đến năm 2025, nhà trường định hướng “trở thành đại học hàng đầu về giáo dục, đào tạo mở, từ xa trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam; đạt tiêu chuẩn chất lượng khu vực và tiệm cận thế giới; là nòng cốt trong xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời”.

28.jpg
Năm 2018, nhà trường vinh dự đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì, Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ và Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học. Ảnh: Website nhà trường.

Về lịch sử phát triển, năm 1993, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 535/TTg thành lập Viện Đại học Mở Hà Nội trên cơ sở Viện Đào tạo Mở rộng 1. Năm 2018, Viện Đại học Mở Hà Nội được đổi tên thành Trường Đại học Mở Hà Nội theo Quyết định số 960/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo thông tin công bố trên website, trụ sở chính của Trường Đại học Mở Hà Nội có địa chỉ tại Nhà B101, phố Nguyễn Hiền, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Địa chỉ cơ sở của trường ở Long Hưng, Văn Giang, Hưng Yên.

Hiện, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hương giữ chức Chủ tịch Hội đồng trường; Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhung giữ chức Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội.

Những thay đổi trong phương thức tuyển sinh đáng chú ý

Trong các năm trở lại đây, Trường Đại học Mở Hà Nội mở thêm nhiều ngành học mới nhằm đáp ứng nhu cầu việc làm của xã hội hiện nay.

Năm 2018, trường bắt đầu tuyển sinh và đào tạo 3 ngành mới là Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Công nghệ thực phẩm, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.

Trong năm 2019, nhà trường bắt đầu đào tạo ngành Thương mại điện tử. Năm 2020, Trường Đại học Mở Hà Nội không mở thêm ngành học mới.

Vào năm 2021, trường tuyển sinh thêm 1 ngành mới là Quản trị khách sạn.

Nếu như Trường Đại học Mở Hà Nội không mở thêm ngành nào mới vào hai năm 2022 và 2023; thì trong năm học 2024-2025, nhà trường đào tạo 4 ngành học mới là Bảo hiểm, Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang và Thiết kế nội thất.

Về phương thức tuyển sinh, trong hai năm 2020 và 2021, nhà trường thực hiện tuyển sinh theo 3 phương thức là: Xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở bậc trung học phổ thông (học bạ) đối với một số ngành; Xét tuyển kết hợp kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc kết quả học tập ở bậc trung học phổ thông với điểm thi năng khiếu.

Riêng các ngành năng khiếu, nhà trường tổ chức các môn thi năng khiếu vẽ hoặc nhận kết quả thi của thí sinh dự thi môn năng khiếu của các trường đại học khác trên cả nước.

Đến năm 2022, trường bổ sung thêm 1 phương thức xét tuyển là: Xét kết quả bài thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức đối với một số ngành.

Từ năm 2023 cho đến nay, nhà trường tiếp tục bổ sung thêm một số phương thức xét tuyển như sau: Xét kết quả bài thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hoặc bài thi đánh giá tư duy do Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức đối với một số ngành; Xét tuyển thẳng theo quy định của Quy chế tuyển sinh; Sử dụng phương thức xét tuyển khác (nếu có).

STT
Phương thức tuyển sinh
Năm 2024
Năm 2023
Năm 2022
Năm 2021
Năm 2020
1
Xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông
x
x
x
x
x
2
Xét kết quả học tập bậc trung học phổ thông (xét học bạ)
x
x
x
x
x
3
Xét kết quả bài thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức
x
x
x
4
Xét tuyển kết quả bài thi đánh giá tư duy cho Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức
x
x
5
Xét tuyển kết hợp kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc kết quả học tập bậc trung học phổ thông với điểm thi năng khiếu
x
x
x
x
x
6
Xét tuyển thẳng theo quy định của Quy chế tuyển sinh
x
x
7
Sử dụng phương thức xét tuyển khác
x
x

Ngoài ra, theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Mở Hà Nội, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thống kê kết quả khảo sát vào năm 2023 về tỷ lệ sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp năm 2022 với một số ngành học qua biểu đồ sau:

Kết quả khảo sát vào năm 2023 về sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp năm 2022 được xác định theo một số ngành của Trường Đại học Mở Hà Nội
Kết quả khảo sát vào năm 2023 về sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp năm 2022 được xác định theo một số ngành của Trường Đại học Mở Hà Nội

Theo đó, ngành Luật Kinh tế và ngành Kế toán là hai ngành học có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao nhất toàn Trường Đại học Mở Hà Nội, lần lượt là 100% và 99.42%. Bên cạnh đó, tỷ lệ sinh viên có việc làm của ngành Ngôn ngữ Trung Quốc là 93.71%; tỷ lệ của ngành Tài chính ngân hàng là 92.22%; và ngành Công nghệ thông tin là 95.05%.

Biến động về chỉ tiêu và điểm chuẩn qua các năm

Để có góc nhìn tổng quan hơn về bức tranh tuyển sinh của Trường Đại học Mở Hà Nội, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thống kê tổng chỉ tiêu tuyển sinh và chỉ tiêu của một số ngành học tiêu biểu:

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Mở Hà Nội và chỉ tiêu các ngành học hot qua các năm
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Mở Hà Nội và chỉ tiêu các ngành học hot qua các năm

Theo số liệu được cập nhật trong Đề án tuyển sinh, có thể thấy, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Mở Hà Nội có xu hướng tăng dần trong những năm gần đây.

Năm 2020, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường là 3400 chỉ tiêu. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh trong năm 2021 của Trường Đại học Mở Hà Nội được giữ nguyên với 3400 chỉ tiêu.

Từ năm 2022 đến năm 2023, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường lần lượt là 3600 và 3800 chỉ tiêu. Đáng chú ý, trong Đề án tuyển sinh năm 2024 được công bố mới đây, nhà trường dự kiến tuyển 4100 chỉ tiêu.

Ngành Tài chính - Ngân hàng và Công nghệ thông tin là hai ngành học có số lượng chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất Trường Đại học Mở Hà Nội.

Cụ thể, ngành Tài chính - Ngân hàng tuyển 270 chỉ tiêu vào năm 2020 và 350 chỉ tiêu trong năm 2021. Sau đó, ngành học này tăng chỉ tiêu lên thành 340, 350 và 350 lần lượt vào các năm 2022, 2023 và 2024.

Đối với ngành Công nghệ thông tin, chỉ tiêu tuyển sinh của ngành trong các năm 2020 và 2021 là 330 và 370 chỉ tiêu. Từ năm 2022 đến năm 2024, chỉ tiêu của ngành học này có sự biến động nhẹ, dao động từ 340, 330 và 380 chỉ tiêu.

Về điểm chuẩn, các ngành Thương mại điện tử, Công nghệ thông tin và Luật kinh tế là ba ngành có điểm chuẩn cao nhất của Trường Đại học Mở Hà Nội trong 4 năm trở lại đây.

Dưới đây là biểu đồ thể hiện sự biến động của điểm trúng tuyển giữa các ngành học qua các năm, dựa vào kết quả xét tuyển của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên thang điểm 30.

Điểm chuẩn của một số ngành Trường Đại học Mở Hà Nội qua các năm
Điểm chuẩn của một số ngành Trường Đại học Mở Hà Nội qua các năm

Trong nhiều năm, Thương mại điện tử là ngành học có điểm chuẩn cao nhất trường. Từ năm 2020 đến năm 2021, điểm chuẩn của ngành này tăng từ 24.2 lên 25.85 điểm.

Cùng với đó, điểm chuẩn của ngành Công nghệ thông tin tăng từ 23.0 điểm trong năm 2020 lên 24.85 điểm trong năm học tiếp sau đó. Ngành Luật kinh tế cũng tăng từ 21.8 điểm trong năm 2020 lên 23.9 điểm trong năm 2021.

Năm 2022 và năm 2023, điểm chuẩn của các ngành có xu hướng giảm nhẹ. Điểm chuẩn ngành Thương mại điện tử giảm còn 25.25 trong năm 2022 và tiếp tục giảm nhẹ 0.18 điểm, đạt 25.07 điểm vào năm 2023.

Kế tiếp đó, điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin trong năm 2022 và 2023 lần lượt giảm còn 24.55 và 23.38. Ngành Luật kinh tế có điểm chuẩn trong năm 2022 là 23.55 và 22.08 vào năm 2023.

Cũng trong năm học vừa qua, riêng với tổ hợp C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý), ngành Luật kinh tế có điểm chuẩn là 24.82 điểm.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Mở Hà Nội thu học phí hệ chính quy năm học 2024-2025 và 2025-2026 dựa theo quy định của Nhà nước đối với trường công lập tự chủ toàn diện; dao động từ 19.580.000 đồng cho đến 22.990.000 đồng tùy từng ngành học.

Lưu Diễm