GV tư thục, dân lập đi học nâng chuẩn theo quy định sẽ không còn phải "tự bơi"?

18/09/2024 09:32
Châu Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo số liệu từ Sở GD&ĐT Quảng Nam cung cấp, tổng số giáo viên đã và đang được đào tạo nâng trình độ chuẩn từ năm 2021 đến hết năm 2023 là 1.189 người.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP về lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được nhiều thầy cô quan tâm.

Giáo viên dân lập, tư thục đang phải “tự bơi” khi học nâng chuẩn

Trong Tờ trình về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra một số khó khăn trong việc thực hiện nâng trình độ chuẩn, trong đó có nội dung như sau:

“Một số địa phương gặp khó khăn trong việc bố trí ngân sách thực hiện lộ trình đào tạo nâng trình độ chuẩn, hoặc chưa đảm bảo bố trí đủ kinh phí triển khai đào tạo theo cả khóa học nên không mở được lớp đào tạo. Bên cạnh đó, có địa phương không bố trí kinh phí để đào tạo đối với giáo viên đang giảng dạy trong các trường dân lập, tư thục hoặc không chi trả 100% học phí”.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2021 đến hết năm 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An có 2.090 giáo viên tham gia đào tạo nâng chuẩn. Trong đó, 1.289 giáo viên được hỗ trợ kinh phí, tất cả đều là giáo viên công lập. 801 giáo viên tự túc kinh phí, chủ yếu là giáo viên ngoài công lập và sinh viên mới ra trường.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Thế Lực - chuyên viên Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết, việc thiếu hỗ trợ khiến giáo viên ngoài công lập phải "tự bơi". Nhiều người chưa đạt chuẩn, đặc biệt ở các cơ sở giáo dục mầm non, phải tự đi học mà chưa nhận được hỗ trợ. Thậm chí một số giáo viên không được nhận lương và phụ cấp đầy đủ.

ky-nang-song-quan-trong-cho-tre-mam-non-22123123.jpg
Ảnh minh họa.

Tại Quảng Nam, tình hình có phần khả quan hơn khi tỉnh bắt đầu triển khai hỗ trợ kinh phí học nâng chuẩn cho giáo viên dân lập, tư thục từ năm học 2024-2025. Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam thông tin, giáo viên các trường dân lập, tư thục sẽ được hỗ trợ 100% học phí, bằng với mức thu của các cơ sở đào tạo.

"Chúng tôi đã tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh phê duyệt danh sách giáo viên đủ điều kiện nâng chuẩn, bao gồm giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục. Hiện đang chờ quyết định ủy quyền để triển khai", vị này chia sẻ.

Theo số liệu từ Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam cung cấp, tổng số giáo viên đã và đang được đào tạo nâng trình độ chuẩn từ năm 2021 đến hết năm 2023 là 1.189 người. Trong đó có 97 giáo viên dân lập, tư thục. Số giáo viên được hỗ trợ kinh phí là 438 người, tất cả đều là giáo viên công lập.

Với Thành phố Hội An, tổng số giáo viên đã và đang được đào tạo trình độ nâng chuẩn là 39 người, gồm 15 giáo viên công lập và 24 giáo viên dân lập, tư thục, trong đó 12 người được hỗ trợ học phí.

Ông Huỳnh Ngọc Quốc - Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hội An cho biết, giáo viên hợp đồng tại các trường dân lập, tư thục nếu chưa đáp ứng trình độ đào tạo thì phải học nâng chuẩn. Nếu không tham gia học, chủ cơ sở buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động để tuyển dụng giáo viên mới. Tuy nhiên, chế độ tiền lương của các giáo viên dân lập, tư thục trên địa bàn không cao, nên việc không hỗ trợ kinh phí ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế của giáo viên.

Dự thảo mới thể hiện sự công bằng đối với nhà giáo

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP thêm quy định về việc truy lĩnh, chi trả học phí cho những giáo viên học tự túc. Có ý kiến băn khoăn, giáo viên dân lập, tư thục trước đó không được hỗ trợ học phí thì liệu bây giờ họ có được hưởng chính sách truy lĩnh này không?

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cho hay, tại Khoản 2, Điều 2, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 71 nêu rõ:

"Những giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thuộc đối tượng phải thực hiện nâng trình độ chuẩn đã được cấp bằng tốt nghiệp đạt yêu cầu về trình độ chuẩn được đào tạo của cấp học đang giảng dạy kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 nhưng chưa được cơ quan, đơn vị nào thanh toán học phí đào tạo thì được truy lĩnh, chi trả học phí đào tạo. Mức tiền được truy lĩnh, chi trả bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo tại thời điểm giáo viên theo học".

Như vậy, quy định này không phân biệt giáo viên công lập, dân lập, tư thục.

Bên cạnh đó, đối tượng nâng trình độ chuẩn được đào tạo được quy định tại điểm a, Khoản 2, Điều 1, Nghị định 71/2020/NĐ-CP như sau:

“2. Nghị định này áp dụng đối với:

a) Giáo viên cán bộ quản lý giáo dục (sau đây gọi chung là giáo viên) trong các cơ sở giáo dục công lập dân lập tư thục bao gồm: Cơ sở giáo dục mầm non; trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp tiểu học hoặc cấp trung học cơ sở, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học hoặc cấp trung học cơ sở (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục phổ thông)".

Điểm này cho thấy giáo viên dân lập, tư thục cũng thuộc diện phải thực hiện theo quy định, đồng thời hưởng những chính sách mà nghị định đưa ra. Khi hiểu đúng và thực hiện đúng theo nghị định, giáo viên tư thục sẽ không còn bị thiệt thòi, bởi họ cũng là đối tượng được truy lĩnh nếu thuộc diện đủ điều kiện nâng chuẩn.

Đại diện Sở Quảng Nam cho biết thêm, trong dự thảo, Điều 9 trong Nghị định 71 được bổ sung, sửa đổi như sau:

“1. Kinh phí thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên (công lập, dân lập, tư thục) do ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật; ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương khi chưa cân đối được ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước”.

Có thể thấy, quy định mới đã bổ sung việc đề cập chi tiết tới đối tượng giáo viên, bao gồm công lập, dân lập, tư thục.

Vị đại diện cho hay, sự thay đổi nhỏ này nhằm làm rõ hơn về kinh phí thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên, mang lại cho giáo viên dân lập, tư thục cơ sở pháp lý rõ ràng để có thể hưởng trọn vẹn quyền lợi của mình.

Ông Huỳnh Ngọc Quốc cũng đồng tình với nhiều điểm mới trong dự thảo: "Điểm mới trong dự thảo thể hiện sự công bằng đối với nhà giáo và mang tính nhân văn cao. Các trường dân lập, tư thục đã góp phần giải quyết vấn đề thiếu trường, lớp, nên việc bổ sung quy định hỗ trợ giáo viên dân lập, tư thục là cần thiết".

Cũng bàn về những quyền lợi của giáo viên dân lập, tư thục, ông Nguyễn Thế Lực chia sẻ, tại Khoản 3, Điều 2 của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 71 đã quy định về việc giáo viên mầm non chưa đạt trình độ chuẩn, đang làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở khu công nghiệp, sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ tương tự như quy định tại Điều 10 của Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non.

Tuy nhiên, ông Lực đề xuất rằng chính sách này nên áp dụng cho cả giáo viên tiểu học và trung học cơ sở, bởi khu công nghiệp là nơi tập trung đông lực lượng lao động trong độ tuổi xây dựng gia đình, nên có rất nhiều trường tư thục, dân lập các cấp.

Vị đại diện cho biết địa phương đang lấy ý kiến từ các sở, ngành liên quan và ủy ban nhân dân các huyện về việc mở rộng đối tượng hỗ trợ.

Vẫn còn những băn khoăn về tính khả thi

Mặc dù dự thảo mới được đánh giá cao về tính công bằng, nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn về tính khả thi trong triển khai. Vấn đề lớn nhất nằm ở nguồn kinh phí và cách thức xác định đối tượng hỗ trợ.

Tại Quảng Nam, đại diện Sở cho biết sau khi tiến hành xin ý kiến góp ý cho dự thảo, có một số ý kiến bày tỏ lo ngại về nguồn ngân sách truy lĩnh cho giáo viên.

"Kinh phí truy lĩnh cho giáo viên công lập, dân lập, tư thục sẽ rất lớn, có thể lên đến gần 18 tỷ đồng. Với nguồn lực hiện tại, địa phương cũng khá lo lắng về việc đảm bảo chi trả", vị này trăn trở.

Ông Nguyễn Thế Lực lại đặt ra băn khoăn về việc xác định đối tượng. Theo ông, cần có tiêu chí xác định đối tượng dân lập, tư thục được hưởng hỗ trợ để tránh lạm dụng chính sách. Chẳng hạn, địa phương có thể hỗ trợ cho giáo viên có hợp đồng dài hạn, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, tức là giáo viên cơ hữu của cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.

Ngoài ra, đại diện Sở Nghệ An cho rằng việc kiểm soát và quản lý giáo viên ngoài công lập cũng gặp khó khăn do sự biến động nhân sự thường xuyên. Khi lập kế hoạch đào tạo nâng chuẩn, cần sự ổn định về nhân sự để không ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy. Tuy nhiên, giáo viên tư thục thường có sự biến động liên tục, gây khó khăn trong việc lập kế hoạch.

"Những người tự do muốn được hỗ trợ học phí có thể xin một hợp đồng thỉnh giảng ngắn hạn, khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn. Nếu chỉ làm hợp đồng ngắn hạn, sau khi học xong, họ không tiếp tục công tác trong ngành thì rất khó quản lý. Theo tôi, nên để giáo viên tự chọn cơ sở đào tạo và đi học. Sau khi nhận bằng, cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ dự toán, đề xuất cơ quan quản lý nhà nước cấp kinh phí một lần cho giáo viên đó", vị đại diện đề xuất.

Châu Anh