Học Kỹ thuật hình ảnh y học nhiều cơ hội việc làm nhưng thí sinh vẫn 'e ngại'

20/01/2024 07:53
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngoài cơ hội việc làm tại các bệnh viện, cơ sở y tế, sinh viên ngành Kỹ thuật hình ảnh y học cũng có cơ hội kiếm thêm thu nhập với “nghề tay trái”.

Nhu cầu việc làm lớn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Văn Quảng - Phó Trưởng khoa Y dược, Trường Đại học Thành Đông cho biết: “Qua thăm dò về nhu cầu đào tạo, nhu cầu việc làm, nhà trường thấy ngành Kỹ thuật hình ảnh y học là ngành có nhiều tiềm năng. Tháng 1/2022, Trường Đại học Thành Đông chính thức mở mã ngành đào tạo, với mức học phí khoảng 500.000 đồng/tín chỉ, tương đương khoảng 9-10 triệu đồng/học kỳ.

Hiện nay, nhu cầu việc làm đối với ngành Kỹ thuật hình ảnh y học tại các bệnh viện, các cơ sở chẩn đoán hình ảnh là rất lớn. Không chỉ trên địa bàn tỉnh Hải Dương, mà các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang... cũng đang rất cần nguồn nhân lực này. Trước đây, đội ngũ kỹ thuật viên không được đào tạo chuyên sâu như chương trình cử nhân Kỹ thuật hình ảnh y học hiện nay”.

Sinh viên ngành Kỹ thuật hình ảnh y học, Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế (Trường Đại học Y - Dược Huế). Ảnh: NVCC.

Sinh viên ngành Kỹ thuật hình ảnh y học, Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế (Trường Đại học Y - Dược Huế). Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Thảo - Trưởng bộ môn Chẩn đoán hình ảnh, phụ trách ngành Kỹ thuật hình ảnh y học, Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế (Trường Đại học Y - Dược Huế) cũng chia sẻ một số thuận lợi của ngành học này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Thảo - Trưởng bộ môn Chẩn đoán hình ảnh, phụ trách ngành Kỹ thuật hình ảnh y học, Trường Đại học Y - Dược Huế. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Thảo - Trưởng bộ môn Chẩn đoán hình ảnh, phụ trách ngành Kỹ thuật hình ảnh y học, Trường Đại học Y - Dược Huế. Ảnh: NVCC.

Cụ thể, thầy Thảo cho biết: “Môi trường học tập đối với ngành Kỹ thuật hình ảnh y học tại Trường Đại học Y - Dược Huế được xây dựng với tinh thần cởi mở và thân thiện, sinh viên là trung tâm của mọi hoạt động. Nội dung đào tạo không ngừng được cập nhật và đổi mới thông qua các khóa đào tạo liên tục về kỹ thuật hình ảnh cho miền Trung - Tây Nguyên, được tổ chức bởi Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh. Điều này giúp đảm bảo rằng sinh viên luôn tiếp cận những kiến thức mới nhất và phù hợp với xu hướng ngành nghề.

Đội ngũ giảng viên với thâm niên và trình độ giảng dạy cao kết hợp cùng các giảng viên thỉnh giảng là các chuyên gia từ Nhật Bản và Hội Kỹ thuật viên Cộng hưởng từ thế giới, đang tạo ra một môi trường học tập đa chiều và phong phú.

Cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy cả về tiền lâm sàng và lâm sàng, đáp ứng hầu hết nhu cầu của nghề nghiệp. Chương trình đào tạo thông qua phần mềm giả lập X-quang thường quy cùng mô hình xử lý - tái tạo hình ảnh 3D VRT, CPR giúp sinh viên nắm bắt các kỹ năng và thực hành trước khi tham gia công việc thực tế tại các bệnh viện, nhất là kỳ thực tế nghề nghiệp cuối khóa tại các cơ sở khám chữa bệnh lớn từ Quảng Bình đến Đà Nẵng. Điều này giúp sinh viên trở nên thành thạo và tự tin áp dụng kiến thức ngay khi hoàn thành khóa học”.

Theo thầy Thảo, Trường Đại học Y - Dược Huế đáp ứng cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy cả về tiền lâm sàng và lâm sàng, đáp ứng hầu hết nhu cầu của nghề nghiệp. Ảnh: NVCC.

Theo thầy Thảo, Trường Đại học Y - Dược Huế đáp ứng cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy cả về tiền lâm sàng và lâm sàng, đáp ứng hầu hết nhu cầu của nghề nghiệp. Ảnh: NVCC.

“Với 15 năm đào tạo, chuyên ngành Kỹ thuật hình ảnh y học tại Trường Đại học Y - Dược Huế có 3 ưu điểm nổi bật: Thứ nhất, đa dạng ngành nghề cho đầu ra của ngành học: Kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh, kỹ thuật viên xạ trị trong các sở y tế, các bệnh viện công lập cũng như tư nhân. Chuyên gia ứng dụng, chuyên gia sản phẩm cho các công ty hay tập đoàn thiết bị y tế trong và ngoài nước. Giảng viên, nghiên cứu viên hoặc kỹ thuật viên phòng thí nghiệm tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, viện nghiên cứu.

Thứ hai, nhiều chương trình liên kết giảng dạy, hội thảo quốc gia và quốc tế: Hợp tác quốc tế được triển khai mạnh và thường xuyên cùng các chương trình trao đổi, hợp tác đào tạo trong lĩnh vực đào tạo đại học với các nước Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Đài Loan, Thuỵ Sĩ, Canada… Hằng năm, sinh viên Kỹ thuật hình ảnh có cơ hội thực tập lâm sàng cùng các sinh viên kỹ thuật đến từ các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế: tổ chức Work the World - Vương quốc Anh, chương trình Future Docs Abroad - Mỹ.

Thứ ba, chương trình trao đổi sinh viên với trường đại học ở Nhật Bản: Quỹ học bổng của Tập đoàn Shimadzu-Nhật Bản dành cho sinh viên Kỹ thuật hình ảnh y học tại Trường Đại học Y - Dược Huế có thành tích học tập xuất sắc có cơ hội thực tập ngắn hạn tại bệnh viện và Đại học Kỹ thuật ở Kyoto - đây là “điểm sáng” nhất về thực tập lâm sàng, gia tăng sự cọ xát với môi trường làm việc ở Nhật - nước đi đầu về chăm sóc sức khỏe ở Châu Á. Hướng đến đào tạo sinh viên có thể làm việc được ở nước ngoài đặc biệt là Nhật Bản - một trong những nơi có các tiêu chuẩn chăm sóc bệnh nhân chu đáo và khắc khe bậc nhất thế giới” - thầy Thảo cho biết thêm.

Sinh viên Nguyễn Thị Tường Vân - sinh viên năm thứ 4, ngành Kỹ thuật hình ảnh y học (Trường Đại học Y - Dược Huế) cho biết: “Khi còn học phổ thông, tôi cũng có tìm hiểu, thấy cơ hội việc làm cũng rất rộng mở, nên đã lựa chọn ngành học này. Đồng thời, bản thân tôi cũng rất yêu thích công việc liên quan đến khối ngành sức khỏe, chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Từ cuối năm 2, đầu năm 3, khi bắt đầu được học những môn chuyên ngành, với những kiến thức sát thực tiễn và được tiếp cận với các thiết bị, máy móc, tôi càng cảm thấy có nhiều hứng thú với ngành học này hơn.

Trường Đại học Y - Dược Huế cũng có sự hợp tác với Đại học Kỹ thuật ở Kyoto, năm nay là năm đầu tiên tổ chức chương trình trao đổi sinh viên. Tôi cho rằng, đây cũng là một cơ hội rất lớn cho sinh viên của nhà trường”.

Sinh viên Nguyễn Thị Tường Vân - sinh viên năm thứ 4, ngành Kỹ thuật hình ảnh y học (Trường Đại học Y - Dược Huế). Ảnh: NVCC.

Sinh viên Nguyễn Thị Tường Vân - sinh viên năm thứ 4, ngành Kỹ thuật hình ảnh y học (Trường Đại học Y - Dược Huế). Ảnh: NVCC.

Một số khó khăn trong tuyển sinh, đào tạo

Mặc dù cơ hội việc làm khá rộng mở, trong hai năm 2022 và 2023, Trường Đại học Thành Đông chỉ tuyển 30-50 chỉ tiêu, song kết quả vẫn tuyển không đủ.

Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Văn Quảng lý giải: “Một phần nguyên nhân có lẽ do tâm lý người học luôn nghĩ đến học ngành y là phải trở thành bác sĩ, với hình ảnh mặc áo blouse, đeo ống nghe, trực tiếp khám chữa bệnh... nên chưa ưu tiên chọn ngành này.

Tôi hy vọng, thời gian tới, có thể thông qua truyền thông, thay đổi góc nhìn của người học đối với ngành Kỹ thuật hình ảnh y học, bởi ngoài cơ hội việc làm tại các bệnh viện, cơ sở y tế, cũng có cơ hội kiếm thêm thu nhập với “nghề tay trái”.

Ngoài ra, thực chất ngành kỹ thuật hình ảnh y học ít nhiều cũng phải liên quan đến máy CT, chụp cắt lớp, máy cộng hưởng từ... làm việc với tia bức xạ, sóng cao tần, cũng sẽ chịu ảnh hưởng. Nhưng lại không có chế độ ưu đãi, vì không nằm trong danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Đó cũng là một bất cập, tôi cho rằng, cần có sự xem xét”.

Thạc sĩ Lê Văn Quảng - Phó Trưởng khoa Y dược, Trường Đại học Thành Đông. Ảnh: NVCC.

Thạc sĩ Lê Văn Quảng - Phó Trưởng khoa Y dược, Trường Đại học Thành Đông. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh những thuận lợi, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Thảo cũng chia sẻ về một số khó khăn chưa được cải thiện rõ rệt tại Trường Đại học Y - Dược Huế: “Mảng đào tạo Y học hạt nhân và xạ trị vẫn đang còn thiếu cán bộ giảng dạy. Đồng thời, nghiên cứu khoa học trong sinh viên cần được thúc đẩy hơn nữa trong thời gian tới, sẵn sàng hội nhập sâu rộng cùng với xu hướng công nghệ phát triển không ngừng”.

Trước đó, tại Thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH về danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, ngành Kỹ thuật hình ảnh y học không có tên trong danh sách, đã có nhiều ý kiến trái chiều.

Về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Thảo bày tỏ: “Đúng là trong Thông tư 05 liệt kê không có Kỹ thuật hình ảnh y học. Trước đây Kỹ thuật y học bao gồm Kỹ thuật hình ảnh y học và Kỹ thuật xét nghiệm y học. Do đó, ngành Kỹ thuật hình ảnh y học cần được bổ sung vào danh mục này.

Điều này là một bất cập, cần phải điều chỉnh sớm. Kỹ thuật hình ảnh y học là một ngành học quan trọng. Hiện nay số lượng kỹ thuật viên hình ảnh làm việc tại các cơ sở y tế rất lớn, cộng với số lượng sinh viên đang được đào tạo tại các trường trên cả nước, là một bộ phận quan trọng của lực lượng lao động trong khối ngành khoa học sức khoẻ. Kỹ thuật hình ảnh y học là một ngành học có tiếp xúc với các bức xạ, do đó, cần có các chính sách hỗ trợ cho ngành này”.

Từ đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Thảo đề xuất: “Cần có các chính sách hỗ trợ về điều kiện làm việc, thu nhập, phụ cấp độc hại tương xứng cho ngành Kỹ thuật hình ảnh y học”.

Mộc Trà