ĐH Nguyễn Trãi: Nhiều ngành tuyển vượt nhưng không có tiến sĩ cơ hữu chủ trì

05/01/2023 06:36
Phúc Khang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Các năm gần đây, có ngành tại Trường Đại học Nguyễn Trãi lượng sinh viên nhập học cao gấp đôi so với chỉ tiêu. 

Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đã xử phạt hành chính 78 trường đại học tuyển sinh vượt chỉ tiêu năm 2021.

Đáng chú ý, trong số 78 trường nói trên, một số cơ sở giáo dục vi phạm điển hình được vị này đề cập đến như: Trường ĐH FPT tuyển sinh vừa vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực, vừa tuyển sinh không đúng đề án đã công khai, vượt chỉ tiêu cả trình độ đại học cả trình độ thạc sĩ; hay Trường Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Nguyễn Trãi đều tuyển vượt và đã bị xử lý…

Trước việc này, dư luận vẫn chưa hết băn khoăn về việc, khi các trường đại học tuyển sinh vượt chỉ tiêu nhiều như vậy, liệu chất lượng đào tạo, quyền lợi của người học tại các cơ sở này có được đảm bảo?

Trường đại học Nguyễn Trãi. Ảnh: website nhà trường

Trường đại học Nguyễn Trãi. Ảnh: website nhà trường

Cụ thể, theo công bố trong Đề án tuyển sinh năm 2022 của Trường Đại học Nguyễn Trãi, trong bảng đối sánh về số lượng sinh viên trúng tuyển nhập học và chỉ tiêu của năm 2021 cho thấy, một số ngành đã có tình trạng số sinh viên nhập học gần gấp đôi chỉ tiêu.

Trong đó, ở ngành Thiết kế đồ họa có số sinh viên nhập học là 81, trong khi chỉ tiêu chỉ là 45 sinh viên. Chênh lệch 36 sinh viên.

Ở ngành Quản trị kinh doanh có số sinh viên nhập học là 109, trong khi chỉ tiêu là 100, chênh lệch 9 sinh viên. Ở ngành Công nghệ thông tin có 93 sinh viên nhập học, trong khi chỉ tiêu là 50, chênh lệch 43 sinh viên.

Ngoài ra, một số ngành khác như Ngôn ngữ Nhật có số sinh viên nhập học là 69, trong khi chỉ tiêu là 50, chênh lệch 19 sinh viên. Ngành Quốc tế học có số sinh viên nhập học là 95, trong khi chỉ tiêu chỉ là 50 sinh viên, chênh lệch 45 sinh viên.

Cũng theo Đề án tuyển sinh năm 2022 của Trường Đại học Nguyễn Trãi, trong năm 2020, với ngành Thiết kế đồ họa, số sinh viên trúng tuyển là 58, trong khi chỉ tiêu là 24, chênh lệch 34 sinh viên.

Bên cạnh đó, khi tìm hiểu trong Đề án tuyển sinh năm 2021 của Trường Đại học Nguyễn Trãi, phóng viên cũng ghi nhận việc, trong năm 2019, một số ngành đào tạo của trường này số lượng sinh viên nhập học cao hơn so với chỉ tiêu được công bố.

Bảng đối sánh cho thấy trong 2 năm 2020, 2021, số lượng sinh viên nhập học cao hơn số chỉ tiêu được Trường Đại học Nguyễn Trãi công bố. Ảnh chụp màn hình đề án tuyển sinh năm 2022.

Bảng đối sánh cho thấy trong 2 năm 2020, 2021, số lượng sinh viên nhập học cao hơn số chỉ tiêu được Trường Đại học Nguyễn Trãi công bố. Ảnh chụp màn hình đề án tuyển sinh năm 2022.

Đơn cử, ngành Quản trị kinh doanh có 86 sinh viên nhập học, trong khi chỉ tiêu là 75; ngành Ngôn ngữ Nhật có số sinh viên nhập học là 125, trong khi chỉ tiêu là 50.

Đáng chú ý, khi tìm hiểu về đội ngũ giảng viên trong Đề án tuyển sinh năm 2022 của Trường Đại học Nguyễn Trãi, đối với một số ngành có số lượng sinh viên nhập học vượt so với chỉ tiêu cho thấy, một số ngành đào tạo của trường này có số giảng viên giảng dạy toàn thời gian chưa đến 10 người/ 1 ngành đào tạo.

Đơn cử như ngành Ngôn ngữ Nhật được đề án thống kê có 8 người, trong đó có 6 giảng viên trình độ Thạc sĩ, 2 giảng viên trình độ đại học không ghi nhận có giảng viên có trình độ Tiến sĩ trở lên; ngành Tài chính - Ngân hàng có 6 giảng viên trình độ Thạc sĩ, không có giảng viên trình độ Tiến sĩ trở lên.

Bên cạnh đó, ngành Công nghệ thông tin được ghi nhận là có 10 giảng viên trình độ Thạc sĩ. Tuy nhiên, cũng không có giảng viên trình độ từ Tiến sĩ trở lên giảng dạy ngành này..

Cũng liên quan đến đội ngũ giảng viên, trong Đề án tuyển sinh năm 2021 của trường này phóng viên cũng nhận thấy, một số ngành đào tạo có số lượng giảng viên cơ hữu/ 1 ngành đào tạo chưa đến 10 người hoặc một số ngành đào tạo, có từ 10 giảng viên cơ hữu nhưng không thấy có giảng viên cơ hữu là Tiến sĩ cùng ngành chịu trách nhiệm chủ trì.

Một số ngành có số sinh viên nhập học cao hơn chỉ tiêu đề ra trong năm 2019 của Trường Đại học Nguyễn Trãi. Ảnh chụp màn hình đề án tuyển sinh năm 2021

Một số ngành có số sinh viên nhập học cao hơn chỉ tiêu đề ra trong năm 2019 của Trường Đại học Nguyễn Trãi. Ảnh chụp màn hình đề án tuyển sinh năm 2021

Cụ thể, với ngành Quốc tế học chỉ có 6 giảng viên, trong đó có 4 giảng viên trình độ Tiến sĩ và 2 giảng viên trình độ Thạc sĩ. Không ghi nhận có giảng viên cơ hữu là Tiến sĩ cùng ngành Quốc tế học chịu trách nhiệm chủ trì.

Ngành Thiết kế nội thất có 10 giảng viên, trong đó có 10 giảng viên này đều có trình độ Thạc sĩ, không ghi nhận có giảng viên trình độ từ Tiến sĩ trở lên, cũng không thấy có giảng viên có trình độ Tiến sĩ cùng ngành Thiết kế nội thất chịu trách nhiệm chủ trì.

Ngành Thiết kế đồ họa có 11 giảng viên, trong đó có 1 giảng viên trình độ Tiến sĩ, 7 giảng viên trình độ Thạc sĩ và 3 giảng viên trình độ đại học nhưng không ghi nhận có Tiến sĩ cùng ngành Thiết kế đồ họa chịu trách nhiệm chủ trì.

Bên cạnh đó, tại Đề án tuyển sinh năm 2021, 2022 của Trường Đại học Nguyễn Trãi, một số ngành đã có quyết định mở ngành hoặc chuyển đổi tên ngành từ năm 2018 nhưng hiện tại không có thống kê về số lượng giảng viên cơ hữu trong đề án này.

Cụ thể, ngành Kỹ thuật môi trường (mã 7520320) có số quyết định mở ngành hoặc chuyển đổi tên ngành (gần nhất) là 2160/QĐ-BGDĐT được phê duyệt ngày 08/06/2018. Tuy nhiên, tại danh sách giảng viên cơ hữu trong Đề án tuyển sinh các năm 2020, 2021 không có danh sách thống kê.

Đồng thời, ngành Kỹ thuật xây dựng (mã 7580201) có số quyết định mở ngành hoặc chuyển đổi tên ngành (gần nhất) là 2160/QĐ-BGDĐT được phê duyệt ngày 08/06/2018 cũng tương tự.

Về việc đảm bảo đội ngũ giảng viên giảng dạy khi mở ngành đào tạo trình độ đại học, trong khoản 2 Điều 2 Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT nêu: "Đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu cơ hữu (gọi là giảng viên cơ hữu) bảo đảm về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu để tổ chức đào tạo trình độ đại học ngành đăng ký đào tạo, không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện đào tạo trình độ đại học của các ngành khác đang đào tạo, trong đó có ít nhất 01 (một) tiến sĩ cùng ngành chịu trách nhiệm chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo trước cơ sở đào tạo và xã hội; cụ thể:

Các cơ sở đào tạo được mở ngành đào tạo trình độ đại học khi bảo đảm các điều kiện sau đây: Có ít nhất 10 (mười) giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên cùng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo, trong đó có ít nhất 01 (một) tiến sĩ và 04 (bốn) thạc sĩ, hoặc 02 (hai) tiến sĩ và 02 (hai) thạc sĩ cùng ngành đăng ký đào tạo"(1)

Thời điểm tìm hiểu Trường Đại học Nguyễn Trãi thực hiện việc tuyển sinh, đào tạo và bố trí đội ngũ giảng viên của các năm 2019, 2020, 2021 trong bài viết được phóng viên trích dẫn tại Đề án tuyển sinh năm 2021 và Đề án tuyển sinh năm 2022 của trường đại học này khi Thông 02/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có hiệu lực.

Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ (thay thế Thông tư 22/2017) chính thức có hiệu lực từ ngày 4/3/2022.

Tư liệu tham khảo:

(1). https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-22-2017-TT-BGDDT-dieu-kien-trinh-tu-thu-tuc-mo-nganh-dao-tao-trinh-do-dai-hoc-360776.aspx

Phúc Khang