Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài viết phản ánh về tình hình tuyển sinh tại Trường Đại học dân lập Phương Đông (gọi tắt là Trường Đại học Phương Đông). Qua đó, tìm hiểu của phóng viên trong đề án tuyển sinh các năm cho thấy, một số lĩnh vực đào tạo tại trường đại học này có tỷ lệ tuyển vượt chỉ tiêu khá lớn. Tuy nhiên cũng trong cùng một năm, một số lĩnh vực/ ngành đào tạo lại có tình trạng trái ngược khi tuyển sinh khá "èo uột".
Nhà trường phải dừng tuyển sinh nhiều ngành vì không có sinh viên theo học
Theo tìm hiểu của phóng viên, dù nhà trường chỉ lấy mức điểm trúng tuyển giao động từ 14 đến 17 điểm, tuy nhiên số lượng sinh viên trúng tuyển nhập học ở một số ngành đào tạo tại Trường Đại học Phương Đông cũng chỉ ở con số từ 1 đến 2 sinh viên. Thậm chí có một số ngành, số lượng sinh viên trúng tuyển nhập học cũng đang được để ở mức bằng "0" trong báo cáo thống kê.
Cụ thể, theo thống kê của nhà trường tại Đề án tuyển sinh năm 2024 cho thấy, trong năm 2023 đối với phương thức tuyển sinh sử dụng điểm thi tốt nghiệp thì ngành Kỹ thuật xây dựng chỉ có 6 sinh viên trúng tuyển, ngành Công nghệ sinh học không có số liệu thống kê.
Số liệu của năm 2022 trong đề án này cũng cũng cho thấy, ngoài ngành Kỹ thuật xây dựng thì ngành Kiến trúc cũng chỉ có 6 sinh viên trúng tuyển. Bên cạnh đó ngành Công nghệ kỹ thuật cơ - điện tử chỉ có 2 sinh viên trúng tuyển. Riêng ngành Công nghệ sinh học số sinh viên trúng tuyển có mức bằng "0".
Ở phương thức tuyển sinh bằng học bạ, kết quả tuyển sinh của các ngành nói trên cũng không khả quan hơn là mấy khi năm 2023 ngành Công nghệ kỹ thuật cơ - điện tử chỉ có 8 sinh viên trúng tuyển, ngành Kỹ thuật xây dựng có 9 sinh viên trúng tuyển và ngành Kiến trúc có 10 sinh viên trúng tuyển.
Còn tại bảng thống kê trong Đề án tuyển sinh năm 2023 phóng viên ghi nhận được, trong năm 2021 đối với phương thức tuyển sinh sử dụng điểm thi tốt nghiệp ngoài ngành Công nghệ sinh học có thống kê lượng sinh viên tốt nghiệp ở mức bằng "0" thì có một số ngành khác tỷ lệ sinh viên trúng tuyển cũng tương đối thấp.
Trong đó có ngành Kinh tế xây dựng và ngành Kỹ thuật xây dựng chỉ có 1 sinh sinh viên trúng tuyển; ngành Kiến trúc chỉ có 2 sinh viên trúng tuyển; ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử chỉ có 6 sinh viên trúng tuyển. Bên cạnh đó, ngành Thương mại điện tử cũng được ghi nhận có số lượng sinh viên trúng tuyển theo phương thức này khá thấp khi chỉ có 4 sinh viên trúng tuyển.
Ghi nhận thêm về tuyển sinh trong Đề án tuyển sinh năm 2022 của trường đại học này có thể thấy, số liệu thống kê về tình hình tuyển sinh trong năm 2020 tại trường đại học này là khá "ảm đạm".
Theo đó, có rất nhiều ngành có số lượng sinh viên trúng tuyển ở mức bằng "0" hoặc chỉ có 1 đến 2 sinh viên trúng tuyển đối với phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp.
Cụ thể, các ngành như: Công nghệ sinh học; Công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông, Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Kỹ thuật xây dựng dù mức điểm trúng tuyển chỉ 14 điểm nhưng số lượng sinh viên trúng tuyển đều bằng "0".
Bên cạnh đó, các ngành như: Kiến trúc; Kinh tế xây dựng, Việt Nam học; Quản trị văn phòng cũng chỉ có 1 sinh viên trúng tuyển.
Số lượng sinh viên trúng tuyển với các ngành này ở phương thức xét học bạ cũng không khả quan là mấy khi ngành Công nghệ sinh học, ngành Công nghệ kỹ thuật điện và ngành Kinh tế xây dựng đều có "0" sinh viên trúng tuyển.
Các ngành khác như: ngành Kiến trúc chỉ có 2 sinh viên trúng tuyển; ngành Kỹ thuật xây dựng chỉ có 6 sinh viên trúng tuyển.
Tiếp tục tìm hiểu trong Đề án tuyển sinh năm 2021 của Trường Đại học Phương Đông phóng viên ghi nhận thêm về thực trạng tuyển sinh tại trường đại học này.
Tại bảng thống kê về số lượng sinh viên trúng tuyển của năm 2019 trong của đề án này có thể thấy, rất nhiều ngành không có sinh viên trúng tuyển. Cụ thể như ngành: Công nghệ kỹ thuật điện tử viễn thông; ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường; ngành Kiến trúc; ngành Kỹ thuật xây dựng; ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông và ngành Công nghệ sinh học.
Các ngành khác như: Công nghệ kỹ thuật cơ - điện tử; ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; ngành Kinh tế xây dựng đều chỉ có 1 sinh viên trúng tuyển.
Ngoài ra, ngành Quản trị văn phòng có 2 sinh viên trúng tuyển; ngành Việt Nam học và ngành Tài chính ngân hàng chỉ có 5 sinh viên trúng tuyển.
Thông tin về việc này, thầy Đinh Quang Trường - Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông Trường Đại học Phương Đông cho hay, có khoảng 5 ngành của nhà trường nằm trong diện tuyển sinh tương đối khó và chủ yếu thuộc khối kỹ thuật - công nghệ.
Trước thực trạng này, đại diện Trường Đại học Phương Đông nêu phương án: "Theo quy định của nhà trường thì số thí sinh trúng tuyển của mỗi ngành phải từ 15 em trở lên thì mới hình thành lớp. Những ngành nào có số thí sinh trúng tuyển dưới ngưỡng nói trên thì nhà trường sẽ thông báo để các em được biết.
Khi đó các em có thể chuyển sang ngành khác hoặc chuyển sang trường khác. Nghĩa là nếu vẫn yêu thích học tại Trường Đại học Phương Đông thì các em có thể lựa chọn ngành khác đủ điều kiện hình thành lớp, còn nếu vẫn muốn học đúng ngành mình yêu thích thì mời các em chuyển sang trường đại học khác, nhà trường có thể giới thiệu và tạo điều kiện".
Theo đó, thầy Trường cho biết, có ngành Công nghệ sinh học trong năm 2020, 2021, 2022 không tuyển được thí sinh nào. Lý do được vị này đưa ra có thể là do nhu cầu người học quá ít đối với ngành này. Hoặc do cùng thời điểm, có một số trường đại học công lập cũng tuyển ngành này với cùng mức điểm trúng tuyển thì sinh viên sẽ ưu tiên lựa chọn theo học tại các trường công lập.
Cũng theo chia sẻ của thầy Trường, với ngành đào tạo trình độ đại học nào trong 3 năm liên tục không thực hiện việc tuyển sinh hoặc tuyển không được thí sinh nào thì buộc phải dừng theo quy chế. Vì thế từ năm 2023, trường đại học này đã quyết định dừng tuyển sinh đối với ngành Công nghệ sinh học.
Ngoài ra vị này cũng cho hay, hiện tại ở Trường Đại học Phương Đông cũng có một số ngành khác buộc phải dừng tuyển sinh như: ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông; ngành Điện tử viễn thông; ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường.
Theo nhận định của vị này, việc nhà trường tuyển sinh không được có thể do nhu cầu xã hội quá thấp, số lượng thí sinh trúng tuyển không đủ số lượng quy định để mở lớp hoặc do không đủ sức cạnh tranh với các trường đại học công lập khác có cùng ngành đào tạo.
Chia sẻ thêm về phương án của nhà trường đối với các giảng viên trước đây từng phụ trách hoặc giảng dạy các ngành đã bị dừng tuyển sinh, vị này cho biết, sẽ cho giảng viên quyền lựa chọn tự nguyện đối với công việc.
Cụ thể, nếu giảng viên nào tìm được trường đại học khác phù hợp hơn thì có thể chuyển công tác nhà trường sẽ tạo điều kiện. Còn giảng viên nào vẫn muốn gắn bó với nhà trường thì buộc phải chấp nhận chuyển sang làm ở một vị trí khác trong trường.
Ngoài ra, một giải pháp nữa được vị này nhắc tới đó là nhà trường khuyến khích các khoa mở thêm các ngành mới để tận dụng và không để lãng phí nguồn nhân lực giảng viên đang có.
"Ví dụ trước đây gọi chung là ngành Công nghệ sinh học nhưng giờ các khoa có thể mở thêm các ngành theo các hướng riêng như Công nghệ sinh học trong y dược hoặc Công nghệ sinh học trong chế biến sau thu hoạch trong nông nghiệp.
Đồng thời, nhà trường cũng đang có kế hoạch để xây dựng các chuyên ngành trong ngành để duy trì ngành nhằm tránh lãng phí nguồn giảng viên hiện có", lãnh đạo Phòng Tuyển sinh và Truyền thông chia sẻ.
Một số ngành tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt khá thấp
Tìm hiểu về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng sau khi tốt nghiệp, ghi nhận tại Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Phương Đông có thể thấy, đa phần các ngành được công bố với tỷ lệ là 100%.
Tuy nhiên, cũng có một số ngành tỷ lệ này chưa đạt ngưỡng 95% như: Ngành Tài chính ngân hàng đạt 90,91%; ngành Quản trị kinh doanh đạt 92,73%; ngành Công nghệ thông tin đạt 92%.
Đối chiếu tỷ lệ của các ngành này tại đề án tuyển sinh của một số năm trước đó, phóng viên ghi nhận có sự thay đổi khác nhau giữa các ngành. Đơn cử như: ngành Tài chính ngân hàng trong 2 năm 2023 và 2024 tỷ lệ này có mức là 100% nhưng thống kê trong năm 2024 đã có sự sụt giảm.
Tuy nhiên, với ngành Quản trị kinh doanh lại có sự tăng nhẹ, khi năm 2022 tỷ lệ này là 89,6%; năm 2023 tăng lên 90,41% và đạt tỷ lệ 92,7% vào năm 2024.
Còn với ngành Công nghệ thông tin, năm 2022 tỷ lệ này là 85,71%, năm 2023 tăng lên mức 96%, tuy nhiên tỷ lệ này vào năm 2024 đã giảm xuống còn 92%.
Phóng viên cũng ghi nhận, thống kê về tỷ lệ sinh viên có việc sau 12 tháng tốt nghiệp trong Đề án tuyển sinh năm 2024, một số ngành không có dữ liệu dù trong đề án tuyển sinh các năm trước đó vẫn có số liệu thống kê.
Đơn cử như: ngành Công nghệ sinh học trong năm 2022 có thống kê với tỷ lệ là 66,67%. Tuy nhiên, bước sang năm 2023 và 2024 số liệu về tỷ lệ sinh viên có việc làm của ngành này đã không còn được công bố.
Đồng thời, ngành Công nghệ kỹ thuật cơ - điện tử trong năm 2022 có số liệu thống kê là 100%. Tuy nhiên, năm 2023 và 2024 không có dữ liệu thống kê đối với ngành này.
Bên cạnh đó, ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường trong năm 2022 tỷ lệ này đạt mức là 80%. Tuy nhiên, năm 2023 và 2024 con số thống kê về tỷ lệ sinh viên có việc làm của ngành này không còn được nêu.
Một số ngành khác như: ngành Kỹ thuật xây dựng dù trong năm 2024 không có số liệu báo cáo về tình hình việc làm của sinh viên. Tuy nhiên các năm trước đó như năm 2023 ngành này có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đạt 90,91%; năm 2022 ngành này có tỷ lệ 66,7%.
Ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông trong Đề án tuyển sinh năm 2024 không có dữ liệu thống kê. Tuy nhiên trong Đề án tuyển sinh năm 2024, dữ liệu cho thấy tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đạt 100%.
Trả lời các nội dung liên quan đến vấn đề trên, lãnh đạo Phòng Tuyển sinh và Truyền thông Trường Đại học Phương Đông cho rằng, có thể cách trình bày số liệu thống kê với tình hình tuyển sinh thực tế của nhà trường đang khiến cho đối tượng tiếp nhận hiểu nhầm.
Trong đó, vị này nêu dẫn chứng đến tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của ngành Công nghệ sinh học và ngành Kỹ thuật xây dựng có tỷ lệ 66,7% trong năm 2022 là do trong năm này toàn trường chỉ có 5 sinh viên bị "rớt" lại trước đó tốt nghiệp.
"Khi nhà trường gửi phiếu khảo sát tình hình việc làm của 5 em này sau một năm tốt nghiệp thì chỉ có 3 em phản hồi lại. Trong 3 em đó thì lại chỉ có 2 em phản hồi là đã có việc làm còn em còn lại thì đi học tiếp lên Thạc sĩ. Khi đó chúng tôi tính tỷ lệ là 2/3 em có việc làm nên mới ra con số tỷ lệ là 66,7%.
Khi thể hiện con số trong báo cáo nó không thể tường minh được những dữ liệu như vậy khiến cho đối tượng tiếp cận có thể hiểu nhầm là các ngành tuyển sinh và tốt nghiệp rất nhiều nhưng tỷ lệ các em ra trường có việc làm rất thấp, điều đó không phải như thế.
Trên thực tế, với các ngành đào tạo tại Trường Đại học Phương Đông trong những năm gần đây tỷ lệ này cũng đã được nâng lên rất nhiều", thầy Trường cho hay.
Có ngành chỉ từ 1 đến 2 sinh viên tốt nghiệp là do "rơi rớt" từ năm học trước
Tìm hiểu tiếp về thống kê số lượng sinh viên tốt nghiệp trong đề án tuyển sinh các năm gần đây của Trường Đại học Phương Đông có thể thấy, một số năm lượng tốt nghiệp của một số ngành chỉ ở mức từ 1 đến 2 sinh viên.
Theo đó, trong Đề án tuyển sinh năm 2022 thể hiện một số ngành đào tạo có lượng tốt nghiệp được thống kê chưa đến 10 sinh viên.
Cụ thể, ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử viễn thông là 1 sinh viên; ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông là 3 sinh viên; ngành Công nghệ sinh học và ngành Công nghệ kỹ thuật cơ - điện tử cùng có 5 sinh viên tốt nghiệp; ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường có 7 sinh viên và ngành Kinh tế xây dựng có 8 sinh viên tốt nghiệp.
Còn tại Đề án tuyển sinh năm 2023 có thể thấy sự suy giảm về lượng sinh viên tốt nghiệp ở một số ngành. Trong đó, có 2 ngành là Công nghệ sinh học và ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử trong năm học trước đó thống kê chỉ có 5 sinh viên tốt nghiệp thì trong năm này con số sinh viên tốt nghiệp đều bằng "0".
Ngoài ra, ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử trong năm trước có thống kê là 15 sinh viên tốt nghiệp thì trong năm này chỉ còn 8 sinh viên. Ngành Kinh tế xây dựng trong năm trước đó có 8 sinh viên tốt nghiệp thì trong năm này chỉ còn 4 sinh viên tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, phóng viên cũng ghi nhận thêm sự suy giảm số lượng sinh viên tốt nghiệp ở một số ngành so với năm trước đó như: ngành Quản trị văn phòng có 11 sinh viên, năm trước đó là 18 sinh viên tốt nghiệp; ngành Kỹ thuật xây dựng có 12 sinh viên, năm trước đó là 34 sinh viên tốt nghiệp.
Còn trong Đề án tuyển sinh năm 2024 có thể thấy rõ sự suy giảm thêm của một số ngành khác về số lượng sinh viên tốt nghiệp
Ngành Kinh tế xây dựng chỉ có 1 sinh viên tốt nghiệp; ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường và ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông cùng có 2 sinh viên tốt nghiệp; ngành Công nghệ kỹ thuật cơ - điện tử không có sinh viên tốt nghiệp.
Có thể thấy, ngành Kiến trúc cũng đã sự suy giảm khi chỉ có 6 sinh viên tốt nghiệp, năm trước đó ngành này có 20 sinh viên tốt nghiệp. Bên cạnh đó, ngành Việt Nam học có 14 sinh viên tốt nghiệp, năm trước đó ngành này có 23 sinh viên tốt nghiệp.
Về việc này, lãnh đạo Phòng Tuyển sinh và Truyền thông cho rằng, nhà trường đang thực hiện nghiêm túc yêu cầu đào tạo, sinh viên có học thật, thi thật mới được tốt nghiệp. Vì thế có ngành thống kê chỉ có 1 đến 2 sinh viên tốt nghiệp có thể là do năm đó có sinh viên "tốt nghiệp không đúng hạn" do kết quả học tập chưa tốt.
"Ngoài ra, mọi người cũng có thể thấy tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, khá của nhà trường cũng không cao. Điều này để khẳng định rằng, đối với Trường Đại học Phương Đông trong suốt 30 năm qua vẫn luôn giữ được nề nếp về học hành, thi cử rất là nghiêm túc. Vì thế, tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn có đợt cũng chỉ được khoảng 60 đến 65%", thầy Trường cho biết thêm.
Bên cạnh đó, đối với một số ngành thống kê không có sinh viên nào tốt nghiệp hoặc chỉ có từ 1 đến 2 sinh viên tốt nghiệp cũng được vị này giải thích có thể là rơi vào các ngành đã bị dừng tuyển sinh trước đó. Số lượng sinh viên tốt nghiệp là còn "rớt" lại của các ngành này vào những năm sau.