ĐH Quản lý và Công nghệ Hải Phòng: Tuyển không đủ chỉ tiêu, diện tích đất giảm

10/12/2023 06:38
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong hai năm 2021 và 2022, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng đều tuyển không đủ chỉ tiêu, trong khi quy mô đào tạo có xu hướng tăng lên.

Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng tiền thân là Trường Đại học Dân lập Hải Phòng, được thành lập vào năm 1997.

Ngày 09/5/2008, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã ký Quyết định số 122/2006/QĐ-TTg cho phép 19 trường đại học dân lập chuyển sang loại hình trường đại học tư thục, trong đó có Trường Đại học Dân lập Hải Phòng. Từ đây, trường được đổi tên thành Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng với sứ mệnh: “Coi trọng sự năng động và sáng tạo, kiến thức và trí tuệ, tính nhân văn và trách nhiệm với xã hội, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng luôn nỗ lực không ngừng nhằm cung cấp cơ hội học tập có chất lượng tốt nhất, giúp sinh viên phát triển toàn diện trí lực, thể lực và nhân cách. Sinh viên tốt nghiệp của trường có năng lực của người công dân toàn cầu, hiểu rõ bản thân, làm chủ và sử dụng sáng tạo kiến thức phục vụ cộng đồng và xã hội”.

Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng tiền thân là Trường Đại học dân lập Hải Phòng (Ảnh: Website nhà trường)

Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng tiền thân là Trường Đại học dân lập Hải Phòng (Ảnh: Website nhà trường)

Hiện, Hiệu trưởng nhà trường là Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thanh; Chủ tịch Hội đồng trường là Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hữu Nghị.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam qua Đề án tuyển sinh và báo cáo 3 công khai của nhà trường qua một số năm, công tác tuyển sinh của trường những năm qua gặp nhiều khó khăn.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2023, trong hai năm 2021, 2022, trường đều tuyển không đủ chỉ tiêu. Cụ thể năm 2021, trường được phê duyệt 1.170 chỉ tiêu nhưng chỉ có 221 sinh viên nhập học; năm 2022, trường có 910 chỉ tiêu nhưng chỉ có 235 sinh viên nhập học.

Có những ngành số lượng sinh viên trúng tuyển nhập học cực kỳ thấp: Ví như năm 2021, ngành Kỹ thuật môi trường chỉ có 8 sinh viên nhập học (120 chỉ tiêu), ngành Việt Nam học chỉ có 7 sinh viên nhập học (150 chỉ tiêu).

Chỉ tiêu tuyển sinh và số sinh viên nhập học năm 2021 và 2022 của Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng (Ảnh: LT)

Chỉ tiêu tuyển sinh và số sinh viên nhập học năm 2021 và 2022 của Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng (Ảnh: LT)

Năm 2022, ngành Luật chỉ có 12 sinh viên nhập học (90 chỉ tiêu); ngành Kỹ thuật môi trường có 8 sinh viên nhập học (100 chỉ tiêu); ngành Việt Nam học chỉ có 5 sinh viên nhập học (120 chỉ tiêu).

Đáng nói, hầu hết sinh viên trúng tuyển của trường trong 2 năm học này đều được tuyển theo phương thức xét kết quả học tập bậc trung học phổ thông (xét học bạ), rất ít thí sinh trúng tuyển qua phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Đáng lưu ý, nhà trường không có thí sinh nào trúng tuyển qua phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Số liệu tuyển sinh trong 2 năm 2021, 2022 của Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng (Ảnh cắt màn hình)

Số liệu tuyển sinh trong 2 năm 2021, 2022 của Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng (Ảnh cắt màn hình)

Trả lời các câu hỏi của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về nguyên nhân trường gặp khó khăn trong tuyển sinh, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng cho biết, trong thời gian dịch bệnh Covid-19, tình trạng tuyển sinh không đạt chỉ tiêu là tình trạng chung của nhiều trường đại học, kể cả đối với nhiều trường công lập. Có một số ngành rất khó tuyển vì việc làm khó khăn và thu nhập thấp khi ra trường.

Sau Covid-19, nhà trường đã và đang huy động nguồn vốn để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng chương trình đào tạo mới theo định hướng ứng dụng, đang thực hiện các công việc chuẩn bị cho kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ sinh viên với mục tiêu để sinh viên được chăm lo và có nhiều trải nghiệm tốt nhất trong suốt thời gian học tập tại trường.

Về quy mô đào tạo, theo thông tin từ Báo cáo 3 công khai ở 3 năm học (2021-2022, 2022-2023, 2023-2024) cho thấy, quy mô đào tạo của nhà trường có xu hướng tăng, từ 567 sinh viên lên 1.900 sinh viên. Đặc biệt, năm học 2023-2024, quy mô đào tạo tăng gấp đôi năm học liền kề trước đó.

Thế nhưng, trong 3 năm học này, số giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng lại giảm tới 40 người.

Chia sẻ sự biến động về số lượng giảng viên cơ hữu, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thanh cho biết, hiện nay việc tăng/giảm số lượng giảng viên của một trường đại học là điều bình thường. Danh sách giảng viên của các trường đại học đều được Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra và quản lý chặt chẽ.

Còn về quy mô đào tạo tăng cao từ năm học 2023-2024, thầy Thanh lý giải: "Trong các báo cáo 3 công khai, những năm trước có sự nhầm lẫn khi hiểu từ “Quy mô đào tạo” là số lượng sinh viên đang được đào tạo tại trường. Còn từ năm 2023, từ “Quy mô đào tạo” được hiểu là tổng số sinh viên mà nhà trường có thể đào tạo, tính theo số liệu giảng viên, cơ sở vật chất kê khai trên phần mềm HEMIS và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt".

Công khai quy mô đào tạo của Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng (Ảnh chụp màn hình)

Công khai quy mô đào tạo của Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng (Ảnh chụp màn hình)

Theo thông tin từ báo cáo 3 công khai của trường, từ năm học 2021-2022 đến năm học 2022-2023, tổng diện tích đất cơ sở giảm mạnh, từ 145.512,63 m2 xuống 27.180,63 m2.

Về vấn đề diện tích đất cơ sở giảm, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thanh cho biết, việc sụt giảm diện tích đất của trường là do thành phố Hải Phòng quyết định thu hồi lại gần 12ha đất xây dựng cơ sở 2 của trường tại Minh Tân, Kiến Thụy.

Thực tế thì nhà trường đã san lấp mặt bằng, xây tường bao và một số công trình trên đất. Tuy nhiên, thành phố Hải Phòng vẫn thu hồi vì cho rằng trường đã chậm tiến độ xây dựng trong thời gian đại dịch bệnh Covid-19. Đây là nguyên nhân bất khả kháng.

Báo cáo 3 công khai năm học 2021-2022 của Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng cũng bỏ trống một số mục về thông tin chất lượng đào tạo thực tế, cụ thể các mục bị bỏ trống là: công khai các môn học của từng khoa học, chuyên ngành; công khai thông tin về giáo trình, tài liệu tham khảo do cơ sở giáo dục tổ chức biên soạn; Công khai thông tin đào tạo theo đơn đặt hàng của nhà nước, địa phương và doanh nghiệp; Công khai hội nghị, hội thảo khoa học do cơ sở giáo dục tổ chức; Công khai thông tin về các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất thử và tư vấn; Công khai thông tin kiểm định cơ sở giáo dục và chương trình giáo dục.

Báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023 cũng không cập nhật các mục nêu trên.

Lý giải vấn đề này, Tiến sĩ Thanh cho hay, danh mục giáo trình, sách tham khảo các ngành sử dụng được ghi rõ trong chương trình đào tạo và sinh viên được phục vụ tại thư viện điện tử của trường.

Giáo trình, sách tham khảo Bộ yêu cầu công khai trên báo cáo chỉ là giáo trình, sách do nhà trường tự biên soạn. Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 các thầy cô không có điều kiện để làm việc này nên nhà trường phải để trống phần đó.

Các hội nghị, hội thảo cũng không tổ chức được do việc hạn chế đi lại của Hải Phòng do dịch bệnh. Nhiều trường đại học khác cũng nằm trong tình trạng tương tự. Trong báo cáo ba công khai khác, khi trường có giáo trình do nhà trường tự biên soạn thì đều được cập nhật, công khai đầy đủ.

Về việc đào tạo theo đơn đặt hàng của Nhà nước, địa phương và doanh nghiệp. Khi không có đơn đặt hàng đào tạo theo địa chỉ cụ thể tại thời điểm báo cáo thì trường phải để trống mục này.

Về nội dung công khai tài chính, trong Báo cáo Ba công khai năm học 2021-2022 và năm học 2022-2023, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng cũng chưa công bố tổng nguồn thu theo đúng yêu cầu Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT Ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Về vấn đề này, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ở các năm học trước, tổng thu này được hiểu là tổng thu của năm tuyển sinh nên con số này phải đến hết năm học tiếp theo mới có số liệu, vì thế mà trường phải để trống. Năm 2023, nhà trường lấy theo số liệu của năm học trước và đã cập nhật, công khai trên hệ thống.

Về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi rất thấp trong những năm gần đây, thầy Thanh chia sẻ rằng: "Nhà trường luôn tổ chức quá trình đào tạo, đánh giá kết quả học tập nghiêm túc, đảm bảo chất lượng, đảm bảo sự công bằng theo đúng tinh thần: Học thật, thi thật để ra đời làm thật.

Nguyên nhân của việc có ít sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc trong khóa học đó có thể là do khóa sinh viên đó có thời gian học tập trùng với thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19 nên việc học tập gặp nhiều khó khăn trong khi chuẩn mực thi và xếp loại học tập của trường vẫn phải giữ nguyên".

LÃ TIẾN