Theo Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội (gọi tắt là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) được công bố ngày 11/5/2023 tổng hợp chỉ tiêu tuyển sinh và số sinh viên trúng tuyển nhập học 2 năm gần nhất, cả 2 năm này nhà trường đều tuyển sinh vượt chỉ tiêu ở tất cả các ngành.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: website Đại học Quốc gia Hà Nội) |
2 năm liên tiếp tuyển sinh vượt chỉ tiêu
Năm học 2021-2022 chỉ tiêu của trường là 1.650 sinh viên nhưng có tới 2.034 sinh viên trúng tuyển nhập học. Trong đó, tất cả các ngành đều có số sinh viên trúng tuyển nhập học lớn hơn chỉ tiêu tuyển sinh.
Có thể kể đến một số ngành nhà trường tuyển vượt chỉ tiêu khá cao như: Ngành Quản trị văn phòng chỉ tiêu của trường là 70 nhưng có tới 92 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 22 sinh viên, tương đương 31,4%).
Ngành Hàn Quốc học chỉ tiêu của trường 50 nhưng có tới 69 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 19 sinh viên, tương đương 38%).
Ngành Quản lý thông tin chỉ tiêu của trường 50 nhưng có 70 sinh viên nhập học (vượt 20 sinh viên, tương đương 40%).
Ngành Quản lý thông tin chất lượng cao chỉ tiêu của trường là 35 nhưng có 51 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 16 sinh viên, tương đương 45,7%).
Ngành Quốc tế học chất lượng cao chỉ tiêu của trường là 35 nhưng có tới 49 sinh viên nhập học (vượt 14 sinh viên, tương đương 40%).
Ngành Thông tin - Thư viện, chỉ tiêu của trường là 45, nhưng có tới 60 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 15 sinh viên, tương đương 33%).
Ngành Tôn giáo học, chỉ tiêu của trường là 45, nhưng có tới 60 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 15 sinh viên, tương đương 33%).
Ngành Việt Nam học chỉ tiêu của trường là 60 nhưng có 81 sinh viên nhập học (vượt 21 sinh viên, tương đương 35%).
Năm học 2022-2023, tất cả các ngành của trường lại tiếp tục tuyển vượt chỉ tiêu. Một số ngành vượt chỉ tiêu nhiều phải kể đến như: Ngành Chính trị học, chỉ tiêu của trường là 55 nhưng có 72 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 17 sinh viên, tương đương 30,9%)
Ngành Hàn Quốc học chỉ tiêu của trường là 50 nhưng có 66 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 16 người, tương đương 32%).
Ngành Lịch sử chỉ tiêu của trường là 65 nhưng có 84 sinh viên nhập học (vượt 19 người, tương đương 29,2%).
Ngành Nhân học chỉ tiêu của trường là 45 nhưng có 62 sinh viên nhập học (vượt 17 người, tương đương 37,7%).
Ngành Quan hệ công chúng, chỉ tiêu của trường là 60 nhưng có tới 84 sinh viên nhập học (vượt 24 người, tương đương 40%).
Ngành Quản lý thông tin chất lượng cao chỉ tiêu của trường là 45 nhưng có tới 57 sinh viên nhập học (vượt 12 người, 26,7%).
2 năm liên tiếp nhà trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu ở tất cả các ngành. |
Căn cứ theo khoản 3, Điều 10, Chương II, Nghị định 04/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục ngày 22/1/2021 và Nghị định 127/2021/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 04/2021/NĐ-CP quy định:
Phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh để đào tạo trình độ đại học vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo các mức phạt sau:
a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 03% đến dưới 10%;
b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 10% đến dưới 15%;
c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 15% đến dưới 20%;
d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 20% trở lên.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho hay: Trong những năm gần đây, tỉ lệ sinh viên trúng tuyển và nhập học vào trường thông qua phương thức xét tuyển bằng kết quả thi trung học phổ thông chiếm khoảng 80% (20% còn lại từ các phương thức khác). Thực tế này là căn cứ để nhà trường xác định chỉ tiêu và số lượng gọi nhập học cho từng năm.
Dữ liệu thí sinh đến nhập học trong 5 năm gần đây cho thấy tỷ lệ nhập học/ trúng tuyển 27 ngành của nhà trường dao động trung bình ở ngưỡng 80% (không đồng đều giữa các ngành). Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai phần mềm xét tuyển và lọc ảo chung cho các cơ sở đào tạo nhưng tỉ lệ “ảo” sau trúng tuyển ở trường vẫn ở mức khá cao (với các ngành khoa học cơ bản, tỉ lệ nhập học/ trúng tuyển thường chỉ đạt 60-70%).
“Từ thực tế về tỉ lệ ảo đó, trường đành phải gọi vượt so với chỉ tiêu để đảm bảo khi nhập học thực tế số lượng sinh viên sẽ vào ngưỡng từ 100% đến 105%.
Trong thực tế triển khai công tác tuyển sinh, vì vẫn còn tỉ lệ “trúng tuyển ảo” khá cao, trong khi phần lớn các ngành của trường lại xác định chỉ tiêu tuyển sinh khá ít (trung bình chỉ khoảng 50-60 chỉ tiêu/ ngành/ năm để đảm bảo chất lượng đào tạo) nên việc xác định số lượng thí sinh trúng tuyển thường khá khó khăn (vì phải tính toán khấu hao tỷ lệ “ảo” không đến nhập học), nhất là với các ngành có nhiều nguyện vọng đăng ký như Hàn Quốc học, Nhật Bản học, Tâm lý học…”, hiệu trưởng nhà trường thông tin.
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường) |
Cũng theo thầy Tuấn, với 27 chương trình đào tạo, sự chênh lệch giữa chỉ tiêu tuyển sinh và tỉ lệ gọi nhập học là không tránh khỏi. Tuy nhiên, tính tổng thể cho cả 27 ngành của trường thì số lượng sinh viên đến nhập học chính thức so với chỉ tiêu tuyển sinh chỉ dao động trong ngưỡng vài phần trăm (như năm 2023, tỉ lệ nhập học/chỉ tiêu của toàn trường chỉ vượt khoảng 3%).
Với đội ngũ giảng viên chất lượng cao và viên chức đông đảo hiện nay, trường vẫn là cơ sở giáo dục đại học có tỉ lệ sinh viên/ giảng viên cơ hữu ở mức rất hợp lý, đảm bảo các điều kiện về chất lượng đào tạo theo các quy chế hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Đại học Quốc gia Hà Nội.
Bài học kinh nghiệm trong tuyển sinh các ngành khoa học xã hội
Thực tế, hiện nay, có nhiều cơ sở giáo dục đại học gặp khó trong việc tuyển sinh các ngành khoa học xã hội như: Triết học, Lịch sử, Văn học, Tôn giáo học… Tuy nhiên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội lại luôn tuyển đủ, thậm chí vượt chỉ tiêu.
Chia sẻ về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn cho biết: "Trong những năm qua, các ngành khoa học xã hội, thậm chí là những ngành đặc thù như Hán Nôm, Lịch sử/ Khảo cổ học, Nhân học/ Dân tộc học, Triết học… của trường luôn tuyển đủ và tuyển được sinh viên chất lượng nhờ số lượng nguyện vọng đăng ký nhiều, tỉ lệ “chọi” ổn định và cao.
Điểm đầu vào các ngành này luôn ở ngưỡng cao so với các đơn vị đào tạo khác (năm 2023: điểm khối C của ngành Tôn giáo học là 25 điểm, Triết học là 25,3 điểm, Văn học là 26,8 điểm, Lịch sử là 27 điểm…). Đây có thể coi là minh chứng về chất lượng đào tạo, danh tiếng của nhà trường trong cộng đồng đại học Việt Nam".
Theo thầy Tuấn, có thể kể đến một số yếu tố tác động đến uy tín trong tuyển sinh của nhà trường như sau:
Xã hội vẫn có nhu cầu về các lĩnh vực chuyên môn này.
Phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh hợp lý giữa các ngành, cân đối hài hòa giữa các ngành khoa học cơ bản và các ngành khoa học ứng dụng.
Nhà trường thực hiện chặt chẽ chính sách về chất lượng trong đào tạo thông qua việc đổi mới chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy, hệ thống học liệu đầy đủ và phong phú, đội ngũ chuyên gia chất lượng (đội ngũ chuyên gia của các ngành khoa học cơ bản tại trường rất chất lượng với khoảng 25% có học hàm giáo sư/ phó giáo sư và gần 80% có học vị tiến sĩ).
Đồng thời, các câu lạc bộ chuyên môn do Đoàn Thanh niên/ Hội Sinh viên tổ chức, hợp tác quốc tế rộng mở tạo điều kiện cho sinh viên được đi thực tập ở nước ngoài hoặc tìm kiếm học bổng du học…
Các chương trình đào tạo luôn được đổi mới định kỳ theo triết lý “Hàn lâm làm nền tảng - Hiện đại là xu hướng” để đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động đã và đang thay đổi rất nhanh thời gian gần đây.
Nhà trường cải tiến công tác tư vấn tuyển sinh để học sinh và phụ huynh tiếp cận được trực tiếp các ngành nghề đào tạo tại trường.
Tìm kiếm mọi nguồn lực để gia tăng quỹ học bổng, các giải thưởng… cho sinh viên.
Phát triển nhiều chương trình liên ngành để sinh viên gia tăng cơ hội việc làm trong bối cảnh thị trường lao động 4.0 yêu cầu phông kiến thức rộng và hệ kỹ năng đa dạng.
Bên cạnh đó, trong Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có gần 30 chương trình đào tạo bằng kép để gia tăng cơ hội học tập cho sinh viên.