Ngày 13/12 tại Đà Nẵng, Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng (UDN) và Giáo sư Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) đã đồng chủ trì buổi làm việc và lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai bên.
Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Đà Nẵng sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh Đại học. Ảnh: AN |
Mục tiêu của thỏa thuận hợp tác này là nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên để cùng tham gia giải quyết các vấn đề trong thực tiễn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Vũ đánh giá cao bề dày truyền thống, vị thế hàng đầu và vai trò, sứ mệnh của VNU, “cái nôi đào tạo bao thế hệ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các thế hệ nhà giáo, danh nhân, doanh nhân đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc”.
Thầy Vũ cho biết những kết quả, thế mạnh và kinh nghiệm của VNU là những bài học quý giá cho quá trình phát triển của Đại học Đà Nẵng.
Theo đó, Đại học Đà Nẵng là Đại học Vùng trọng điểm Quốc gia, có mô hình tổ chức tương đồng với VNU, cùng là Đại học quản lý hai cấp, đa lĩnh vực, đa ngành, vì vậy cần học hỏi lẫn nhau, đúc rút kinh nghiệm để hoàn thiện mô hình phát triển trong giai đoạn mới.
“Dấu ấn hợp tác giữa hai Đại học hôm nay sẽ tạo cơ hội để Đại học Đà Nẵng học hỏi, vận dụng những kinh nghiệm quý từ mô hình VNU để xây dựng, hoàn thiện mô hình, chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện, thực tiễn của Đại học Đà Nẵng”, thầy Vũ nhấn mạnh.
Giáo sư Lê Quân cũng bày tỏ mong muốn, hai bên sẽ tăng cường chia sẻ chính sách, nguồn lực và kinh nghiệm phát triển, tiếp tục hoàn thiện mô hình, quản trị Đại học và hợp tác cùng phát triển.
Đồng thời, thể hiện vai trò tiên phong trong đào tạo nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế ngày càng hiệu quả vì lợi ích chung.
Nội dung hợp tác triển khai trên hai lĩnh vực trọng tâm gồm: lĩnh vực đào tạo, đảm bảo chất lượng và kiểm định giáo dục và lĩnh vực nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
Trong lĩnh vực đào tạo, đảm bảo chất lượng và kiểm định giáo dục thì hai bên phối hợp tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh đại học chính quy;
Mời giảng viên của hai bên thỉnh giảng, tham gia các hội đồng, các khoá học, hội thảo, chuyên đề; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng các chính sách đảm bảo chất lượng giáo dục;
Phát triển, thúc đẩy văn hoá chất lượng; hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong xếp hạng ĐH; đối sánh chất lượng giáo dục và quản trị Đại học; trao đổi sinh viên giữa các trường thành viên của hai bên;
Chia sẻ, khai thác chung cơ sở dữ liệu, tài liệu số phục vụ nghiên cứu và giảng dạy; phối hợp xây dựng khai thác dữ liệu thông qua dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục đại học (PHER) mà hai bên đều là thành viên tham gia tích cực và thụ hưởng.
Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế thì hai bên phối hợp thành lập nhóm chuyên gia tham vấn chính sách và tư vấn giải pháp cho các vấn đề thực tiễn trong phát triển kinh tế địa phương và doanh nghiệp; nghiên cứu các chính sách, giải pháp nhằm khôi phục và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 cho các địa phương;
Tăng cường cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa hai bên; cộng tác trong việc hình thành và đề xuất ý tưởng cũng như hiện thực hoá ý tưởng thành các văn kiện dự án để kêu gọi tài trợ của các tổ chức quốc tế;
Xây dựng và chia sẻ mạng lưới học giả, chuyên gia quốc tế nhằm tăng cơ hội trải nghiệm và học tập của sinh viên.
Nâng tầm Tạp chí Khoa học của hai Đại học, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng nội dung, hình thức để đạt các chuẩn mực quốc tế; đồng tổ chức các sự kiện quốc tế nhằm tăng cường cơ hội trải nghiệm và năng lực tổ chức, tham gia.
Việc triển khai hợp tác giữa hai đại học có ý nghĩa không những bắt kịp xu thế tăng cường hợp tác, phát triển, đáp ứng nhu cầu, lợi ích chung mà còn qua đó thể hiện rõ nét vai trò, sứ mệnh của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Đà Nẵng cùng tiên phong đổi mới.
Qua đó, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, góp phần phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phục vụ tích cực, hiệu quả cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của các vùng và cả nước.