Mới đây, trên báo điện tử Infonet có phản ánh về tình trạng đã gần 2 năm nay trong khuôn viên của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội xuất hiện một “bến xe cóc” tuyến Hà Nội – Thanh Hóa núp bóng dưới hình thức xe du lịch.
Theo phản ánh của người dân, mỗi ngày “bến xe cóc” này dừng đỗ và đi khoảng 4 – 6 chuyến xe/ngày, với 2 loại xe ô tô, 7 và 16 chỗ ngồi. Những xe ô tô khách này, đều không dán biển Hà Nội – Thanh Hóa phía trước xe nên người ngoài dễ lầm tưởng đó là xe ô tô của nhà trường hoặc xe do sinh viên thuê để đi du lịch.
Một người khách đi tuyến xe này từ Thanh Hóa – Hà Nội cho biết: “Tôi mua vé xe của nhà xe, Công ty Đại Thắng, tại 26 Cao Thắng, TP Thanh Hóa lúc 13h, đi xe 16 chỗ ngỗi, giá vé 130.000 đồng/vé, ra đến sân trường ĐHQG Hà Nội lúc 15h40’.
Tuy nhiên, vé xe chỉ ghi là Hợp đồng vận tải hành khách (Thanh Hóa – Hà Nội), chứ không phải như vé xe ô tô tại bến xe Mỹ Đình hay Giáp Bát và vé này cũng không ghi bảo hiểm cho hành khách”.
Chiếc xe ô tô nhãn hiệu Toyota 16 chỗ biển số 36B – 008.26, chiều 3/6 đang xếp khách ngay sát giảng đường B2, gần 2 bãi trông xe đạp, xe máy của trường ĐHQG Hà Nội. (ảnh Xuân Hải - Infonet) |
Sau khi xếp khách xong chiếc xe Toyota 16 chỗ biển số 36B – 008.26 di chuyển ra phía cổng chính ĐHQG Hà Nội. (ảnh Xuân Hải - Infonet) |
Tương tự, chiếc xe Toyota biển số 36B-008.63 cũng của công ty Đại Thắng chiều ngày 2/6 xếp khách trong sân trường xong lúc 6h5' chiều di chuyển ra cổng ĐHQG Hà Nội (ảnh Xuân Hải - Infonet) |
Theo quan sát của PV, điều lạ lùng của “bến xe cóc” này là chỗ bán vé được bố trí ngang nhiên ngay tại phòng quản trị (phòng 105) của giảng đường B2 nằm trong khuôn viên của nhà trường. Địa điểm bán vé nằm đối diện với Tòa nhà 9 tầng, nơi điều hành của Trường ĐHQG Hà Nội và cách cổng Trường phía đường Xuân Thủy khoảng 150m. Giá vé 1 lượt Thanh Hóa – Hà Nội và ngược lại là 130.000 đồng/vé, trong khi đó giá vé xe khách Hà Nội – Thanh Hóa tại bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát chỉ khoảng 80.000 đồng/vé.
Chiều 7/6, trao đổi với báo chí, ông Đinh Hường, Trưởng Ban Công tác Chính trị Học sinh - Sinh viên của trường ĐH QG Hà Nội thừa nhận: “Việc báo chí đã thông tin trước đó cơ bản là đúng sự thật”.
ông Đinh Hường (trái), Trưởng Ban Công tác Chính trị Học sinh - Sinh viên của trường ĐH QG Hà Nội thừa nhận: “Việc báo chí đã thông tin trước đó cơ bản là đúng sự thật”. |
Ông Hường cho biết, sau khi nhận được phản ánh, lãnh đạo ĐH QG Hà Nội đã cho kiểm tra và xử lí kịp thời, dừng mọi hoạt động của "bến xe cóc" này trong phạm vi nhà trường từ ngày 5/6.
Trước câu hỏi của PV về việc tại sao bến xe đã tồn tại trong trường gần 2 năm, chỉ đến khi có sự vào cuộc của báo chí nhà trường mới biết xà xử lí? Về việc này, ông Hường chưa có câu trả lời thỏa đáng...
Phóng viên có hỏi thêm, đơn vị nào hay ai đã trực tiếp để cho "bến xe cóc" trên hoạt động trong khuôn viên nhà trường? Ông Hường nói: “Trong khuôn viên có rất nhiều đơn vị, hiện tại mới chỉ kiểm tra và xử lí dừng hoạt động của bến xe, còn lại đang tiếp tục tìm hiểu…”
Theo phán ảnh của người dân và nghi vấn của PV, một "bến xe cóc" mỗi ngày có từ 4 – 6 chuyến xe/ngày, với 2 loại xe ô tô, 7 và 16 chỗ ngồi, bán vé cao hơn gần gấp đôi giá thị trường, vậy số tiền thu lợi được từ những hoạt động đó sẽ ‘chảy’ đi đâu? Hơn nữa, cách xử lí trong chuyện này không chỉ dừng lại ở việc xử lí cho "giải tán" bến xe là xong, cần phải có một ai đó chịu trách nhiệm, chủ trương của nhà trường trong chuyện này là như thế nào?
Về những câu hỏi trên, ông Hường cho hay: “Những thông tin các đồng chí nêu tôi cũng…không rõ. Về phía nhà trường không có chủ trương trong chuyện này. Ban đầu đã tiến hành dừng hoạt động của bến xe ngay sau khi nhận được phản ánh của báo chí, còn xử lí cá nhân nào cần phải có thời gian xác minh, tìm hiểu…”
Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục chuyển đến bạn đọc diễn biến của vụ việc này....