Di sản thiên nhiên thế giới bị xâm hại nghiêm trọng, ai chịu trách nhiệm?

05/04/2018 07:06
NGUYỄN HUY VIỆN
(GDVN) - Ông Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Tràng An dựa vào thế lực nào mà lại có thể ngang nhiên coi pháp luật bằng “vung” như vậy?

LTS: Bàn về việc xâm hại di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An tại tỉnh Ninh Bình, Đại tá Nguyễn Huy Viện đặt vấn đề về việc thế lực nào đã dung túng cho hành vi vi phạm pháp luật như vậy?

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Thế là sau chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình, chỉ đạo của cơ quan chức năng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng nhiều cuộc thanh tra và đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan truyền thông, vào sáng 30/3/2018, Công ty cổ phần Du lịch Tràng An do ông Nguyễn Văn Son làm Giám đốc buộc phải tháo dỡ công trình xây dựng không phép.

Công trình này xây dựng dài trên 1km, gồm hơn 2.000 bậc thang được làm bằng hàng trăm mét khối bê tông cốt thép, xâm hại nghiêm trọng quần thể danh thắng Tràng An - Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Việc làm này cũng thể hiện sự vi phạm trắng trợn pháp luật Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết.

Trong phạm vi bài viết này, người viết bài không bàn về sai phạm của ông ông Nguyễn Văn Son (Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Tràng An), vì đã có hàng loạt bài báo phân tích, phê phán việc làm coi thường kỷ cương phép nước của ông này.

Công trình bậc thang trên núi Cái Hạ, một công trình sai phép nằm trong vùng lõi Di sản Tràng An. ảnh: vietnamplus.
Công trình bậc thang trên núi Cái Hạ, một công trình sai phép nằm trong vùng lõi Di sản Tràng An. ảnh: vietnamplus.

Người viết chỉ bàn về việc ông Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Tràng An dựa vào thế lực nào mà lại có thể ngang nhiên coi pháp luật bằng “vung” như vậy?

Đầu tháng 8/2017, báo chí lên tiếng về việc Công ty cổ phần Du lịch Tràng An tự ý khoan núi Cái Hạ, dựng cột bê tông, xây bậc thang lên xuống đỉnh núi khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

Trước sự việc trên, ngày 18/8/2017, Sở Du lịch Ninh Bình đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân huyện Hoa Lư xử lý hành động vi phạm rừng đặc dụng trong phạm vi Quần thể danh thắng Tràng An (2).

Di sản thiên nhiên thế giới bị xâm hại nghiêm trọng, ai chịu trách nhiệm? ảnh 2Làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể trong vụ xâm hại di sản Tràng An

Thực hiện chỉ đạo của Sở Du lịch, Ủy ban nhân dân huyện Hoa Lư ra văn bản chỉ đạo các phòng ban chức năng của huyện và Ủy ban nhân dân xã Trường Yên, với khẳng định:

Quần thể danh thắng Tràng An là vùng cấm, được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế.

Và yêu cầu các phòng chức năng và xã Trường Yên vào cuộc xử lý sự việc có liên quan (3).

Tuy nhiên, vào ngày 01/9/2017, Ủy ban nhân dân huyện Hoa Lư lại có văn bản (dưới đây gọi tắt là Công văn) đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Sở Du lịch Ninh Bình cùng các Sở, ban ngành liên quan nghiên cứu, xem xét xác minh hồ sơ di tích lịch sử khu vực trên và hướng dẫn cho công ty này lập hồ sơ xin chủ trương đầu tư và lập dự án đầu tư xây dựng công trình bậc cầu thang lên Đàn kính thiên để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành (4).

Không hiểu vì một lý do nào khác mà từ khi phát hiện ra sai phạm của Công ty cổ phần Du lịch Tràng An, Ủy ban nhân dân huyện Hoa Lư chỉ làm được duy nhất một việc là yêu cầu doanh nghiệp dừng việc xây dựng, không xử phạt hành chính, hay yêu cầu tháo dỡ công trình trái phép như yêu cầu trong văn bản ngày 18/8/2017 của Sở Du lịch Ninh Bình (5).

Không chỉ có vậy, sau khi Ủy ban nhân dân huyện Hoa Lư có Công văn ngày 01/9/2017, ông Nguyễn Văn Son vẫn tiếp tục tiến hành xây dựng công trình. Chính quyền địa phương chẳng lẽ không hay  biết?

Việc xây dựng xâm hại vùng lõi di sản cứ thế ngang nhiên diễn ra trước “bàn dân thiên hạ” trong mấy tháng trời (6).

Từ những động thái trên đây của Ủy ban nhân dân huyện Hoa Lư cho thấy những điều bất thường trong xử lý vụ việc này.

Khi nhận được Công văn của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình thì Ủy ban nhân dân huyện Hoa Lư khẳng định: “Quần thể danh thắng Tràng An là vùng cấm, được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế” và “yêu cầu các phòng chức năng và xã Trường Yên vào cuộc xử lý sự việc có liên quan”.

Di sản thiên nhiên thế giới bị xâm hại nghiêm trọng, ai chịu trách nhiệm? ảnh 3Sẽ khởi tố vụ cán bộ nhận 1,5 tỷ đồng làm ngơ cho xây dựng trái phép

Nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó, Ủy ban nhân dân huyện Hoa Lư lại có văn bản đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Sở Du lịch Ninh Bình cùng các Sở, ban ngành liên quan nghiên cứu, xem xét cho Công ty cổ phần Du lịch Tràng An “…lập hồ sơ xin chủ trương đầu tư và lập dự án đầu tư xây dựng công trình bậc cầu thang…”.

Trong khi các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình chưa có văn bản trả lời về nội dung đề nghị trong công văn ngày 1/9/2017, thì chính quyền huyện Hoa Lư không những không thực hiện yêu cầu của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình “xử lý hành động vi phạm rừng đặc dụng trong phạm vi Quần thể danh thắng Tràng An” mà còn để cho Công ty cổ phần Du lịch Tràng An tiếp tục xây dựng công trình không phép.

Phải chăng lãnh đạo của huyện Hoa Lư còn phớt lờ luôn cả phản ứng từ dư luận xã hội để “vô tư” kiến nghị cho Công ty cổ phần Du lịch Tràng An “…lập hồ sơ xin chủ trương đầu tư và lập dự án đầu tư xây dựng công trình bậc cầu thang…”? Vậy đằng sau sự “vô tư” là điều gì, rất cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng.

Từ sai phạm nghiêm trọng của Công ty cổ phần Du lịch Tràng An cũng phải nói thẳng ra rằng vai trò quản lý nhà nước của một số cơ quan tại tỉnh Ninh Bình khá mờ nhạt. 

Vụ việc được phát hiện từ tháng 8/2017 và thông tin rộng rãi trên nhiều báo, Sở Du lịch Ninh Bình đã có công văn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân huyện Hoa Lư đề nghị phối hợp xử lý vi phạm của Công ty này.

Nhưng trong quá trình đó, công trình của ông Nguyễn Văn Son vẫn tiếp tục xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng.

Vì vậy phải đặt ra câu hỏi: Nếu Sở Du lịch, Sở Văn hoá, Thể thao tỉnh Ninh Bình cùng các cơ quan khác thực sự quyết liệt, kịp thời kiến nghị hình thức xử lý lên Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình thì liệu Công ty cổ phần Du lịch Tràng An có thể hoàn thành được công trình trên không?

Vậy đằng sau sự “chùng chình” này là cái gì?

Di sản thiên nhiên thế giới bị xâm hại nghiêm trọng, ai chịu trách nhiệm? ảnh 4"Du lịch phụ thuộc vào một vài thị trường thì mức độ rủi ro càng lớn"

Thử hỏi các cơ quan báo chí không lên tiếng mạnh mẽ, quyết liệt; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không vào cuộc thanh tra thì liệu công trình xâm hại nghiêm trọng Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới có buộc phải tháo dỡ không?

Từ đó công luận có quyền đặt câu hỏi: Sự “vô tư”, “nhiệt tình” và sự “chùng chình” trong xử lý sai phạm Công ty cổ phần Du lịch Tràng An của các cấp, các ngành tỉnh Ninh Bình liệu có phải do chi phối của lợi ích nhóm không?

Từ những sai phạm của Công ty cổ phần Du lịch Tràng An và trách nhiệm liên đới của các cấp, các ngành tỉnh Ninh Bình, thiết nghĩ các cơ quan chức năng và cơ quan pháp luật cần vào cuộc kiểm tra, điều tra để làm ngọn ngành.

Chứ không phải chỉ việc Công ty cổ phần Du lịch Tràng An bỏ tiền thuê tháo dỡ là xong. Vì vụ việc này đã để lại những hậu quả rất lớn dưới đây:

1. Quá trình thi công và tháo dỡ công trình xây dựng trên 1km và có 2.000 bậc thang với hàng trăm tấn bê tông chắc chắn sẽ xâm hại nghiêm trọng Quần thể danh thắng Tràng An.

2. Làm tổn hại tới uy tín Quốc gia trước tổ chức UNESCO và du khách nước ngoài về ý thức của các cấp chính quyền trong chấp hành công ước quốc tế về bảo vệ di sản văn hoá và di sản thiên nhiên Thế giới; làm tổn hại tính tôn nghiêm của pháp luật và năng lực quản lý các di sản văn hoá của Việt Nam.

3. Làm ảnh hưởng niềm tin của nhân dân đối với các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình về sự nghiêm minh trong xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật.

Vì vậy, để tình trạng tương tự không lặp lại ở Ninh Bình và các địa phương khác trong cả nước thì không chỉ dừng lại ở việc bắt buộc phải tháo dỡ Công trình xây dựng trái phép ở Quần thể danh thắng Tràng An mà cần xử lý nghiêm theo pháp luật đối với Công ty cổ phần Du lịch Tràng An và những tổ chức, cá nhân dung túng cho Công ty này sai phạm.

Dưới đây là một số quy định của Luật Di sản văn hóa sửa đổi bổ sung 2009.

Điều 13, quy định: “Nghiêm cấm:

Hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa (Điểm 2).

Đào bới trái phép địa điểm khảo cổ; xây dựng trái phép; lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (Điểm 3)”

Điều 71 quy định: “Người nào vi phạm các quy định của pháp luật về di sản văn hóa thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Điều 72 quy định: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định của pháp luật về di sản văn hóa thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Tài liệu tham khảo:

(1),(2).http://dantri.com.vn/xa-hoi/mot-thang-ton-tai-gay-bao-cua-cong-trinh-trai-phep-xam-hai-di-san-trang-an-20180331102529778.htm

(3), (4), (5), (6). http://dantri.com.vn/su-kien/can-bo-chay-loanh-quanh-khi-noi-ve-cong-trinh-khong-phep-o-trang-an-20180306150659763.htm

NGUYỄN HUY VIỆN