Địa phương không cấp kinh phí theo NĐ116: Năm nay, Bộ GD sẽ không cấp chỉ tiêu

04/03/2023 06:40
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, nếu địa phương không cấp kinh phí theo Nghị định 116 thì năm 2023 Bộ sẽ không cấp chỉ tiêu cho trường thuộc địa phương đó.

Tại Hội nghị tuyển sinh năm 2023 tổ chức ngày 3/3, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã chia sẻ những khó khăn trong việc triển khai Nghị định 116/2020.

Thầy Tuân cho biết, với những trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên trực thuộc trung ương, kinh phí chi trả học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm được ngân sách Nhà nước cấp, còn các trường đại học, cao đẳng địa phương lại gặp nhiều khó khăn.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội chia sẻ về những khó khăn trong triển khai Nghị định 116. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội chia sẻ về những khó khăn trong triển khai Nghị định 116. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

“Nhu cầu tuyển dụng của các địa phương hằng năm là rất lớn, như Hà Nội trung bình một năm cần tuyển từ 4000 – 5000 giáo viên, thậm chí có năm nhu cầu tuyển 8000 giáo viên.

Năm 2021 và năm 2022, triển khai Nghị định 116, nhà trường đã thực hiện đúng theo quy trình, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sinh viên làm đơn cam kết hưởng học phí, sinh hoạt phí, tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng tôi chưa được nhận kinh phí để chi trả cho sinh viên.

Các địa phương đều lý giải do không đặt hàng, không giao nhiệm vụ nên không được cấp kinh phí đó, Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đề nghị nhà trường hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo, xem phần ngân sách là trung ương hay địa phương chi trả.

Trong khi Bộ đã trả lời Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là ngân sách do địa phương trả, tuy nhiên địa phương lại nói rằng không đặt hàng nên trường rất khó khăn”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuân chia sẻ.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đề xuất để ngân sách trung ương cấp trực tiếp cho các trường địa phương để các trường chi trả cho sinh viên theo Nghị định 116.

Về đào tạo nâng chuẩn giáo viên, thầy Tuân đề xuất căn cứ theo năng lực, điều kiện đảm bảo chất lượng của từng trường để giao chỉ tiêu cho các trường, để các trường sư phạm đáp ứng tốt nhất và nhanh nhất đào tạo nâng chuẩn giáo viên theo quy định.

Trao đổi nội dung này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, Nghị định 116 đã quy định rõ, ngân sách cấp cho các trường địa phương là do địa phương chi trả, ngân sách Trung ương không thể cấp trực tiếp về các trường đại học địa phương, Luật Ngân sách đã có quy định về vấn đề này.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, địa phương cần có trách nhiệm chi trả kinh phí cho cơ sở đào tạo theo Nghị định 116. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, địa phương cần có trách nhiệm chi trả kinh phí cho cơ sở đào tạo theo Nghị định 116. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

“Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đề xuất sửa đổi một số điều của Nghị định 116, nhưng dù sửa thế nào thì Ngân sách cũng sẽ cấp về địa phương để chi trả cho các trường địa phương.

Ngân sách của trung ương hay địa phương chi trả chẳng qua là câu chuyện hạch toán, Thành phố Hà Nội cần có trách nhiệm chi trả kinh phí này cho Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Bộ cũng đã nhiều lần có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội về vấn đề này.

Nhà trường cũng cần trao đổi, báo cáo lại với Ủy ban Nhân dân thành phố, các địa phương khác làm được vì sao Thủ đô lại không làm được.

Nếu địa phương không cấp kinh phí theo Nghị định 116 thì năm nay, Bộ sẽ không cấp chỉ tiêu cho các trường thuộc địa phương đó”, Thứ trưởng khẳng định.

Về vấn đề đào tạo nâng chuẩn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, giao chỉ tiêu cho các trường còn căn cứ vào đề xuất của các địa phương.

Kết quả tuyển sinh ngành sư phạm năm 2023. (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Kết quả tuyển sinh ngành sư phạm năm 2023. (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Về tuyển sinh ngành sư phạm năm 2022, Phó Giáo sư Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nhận định, kết quả tuyển sinh tốt hơn so với tổng chỉ tiêu mà Bộ thông báo.

Việc thông báo chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm phải căn cứ vào nhu cầu đào tạo của các địa phương. Có ý kiến cho rằng, chỉ tiêu tuyển sinh ít và chưa đủ nhưng nhưng nếu không có nhu cầu từ các địa phương thì không có căn cứ giao chỉ tiêu.

Năm 2022, tuyển sinh chưa đạt được cao như năm trước, vì có những khó khăn nhất định.

“Khi triển khai Nghị định 116, còn nhiều địa phương chưa đặt hàng đào tạo sư phạm, một số địa phương đã đặt hàng nhưng lại không chuyển kinh phí cho cơ sở đào tạo. Đây là khó khăn rất lớn mà cơ sở đào tạo đang phải đối mặt.

Ngoài ra, một số ngành khó tuyển sinh, không đủ chỉ tiêu, không đủ số lượng để mở lớp học.

Các cơ sở đào tạo giáo viên cần làm việc với các địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khuyến cáo các sở giáo dục và đào tạo tham mưu để ủy ban nhân dân tỉnh đặt hàng đào tạo giáo viên, thực hiện theo đúng Nghị định 116.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông về các ngành nghề đào tạo giáo viên với sự hỗ trợ kinh phí của địa phương cũng như của trung ương.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang xem xét ý kiến phản hồi trong quá trình triển khai nghị định 116 để có đề xuất với Chính phủ, năm 2023 tiến hành sửa đổi một số điều của Nghị định 116”, Vụ trưởng Thủy cho biết.

Phạm Minh