Địa phương mong Bộ thông tin rõ, có bỏ cuộc thi KHKT cấp tỉnh, cấp trường?

06/10/2024 06:38
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin làm rõ khi đang có nhiều cách hiểu về tổ chức cuộc thi nghiên cứu KHKT từ cấp trường đến tỉnh là thực sự cần thiết lúc này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 06/2024/TT-BGDĐT Ban hành quy chế cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Thông tư có hiệu lực từ ngày 27/05/2024.

Đáng chú ý, trong Thông tư 06 không còn quy định: "đơn vị dự thi chỉ đạo, tổ chức Cuộc thi khoa học, kỹ thuật của học sinh trung học ở địa phương, đơn vị phù hợp với điều kiện thực tế" như trong Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT trước đó. Điều này đã tạo ra luồng ý kiến cho rằng, năm học 2024-2025 sẽ không tổ chức cuộc thi nghiên cứu khoa học từ cấp trường đến cấp tỉnh.

Để có thông tin rõ hơn từ cơ sở, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với lãnh đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo một số địa phương để tìm hiểu việc các nơi đang tiếp cận về cách thức thực hiện đối với cuộc thi này ra sao khi Thông tư 06 ra đời.

Về việc này, một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho rằng, nếu đã tổ chức kỳ thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia hoặc quốc tế thì phải có những cuộc thi ở cấp thấp hơn thì mới có cơ sở để tuyển chọn được thì sinh cho cuộc thi đó.

Vị lãnh đạo này cũng cho rằng: "Về ý nghĩa, mục đích tốt đẹp của kỳ thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật như thế nào thì ai cũng đều đã biết qua những năm đã tổ chức. Với tinh thần của Thông tư 06, chúng tôi đang hiểu là vẫn cần một kỳ thi để khuyến khích động viên, tạo động lực cho học sinh để các em có được những sản phẩm tinh túy để thi kỳ thi ở cấp cao hơn".

Ngoài ra, theo vị này, việc duy trì các cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật ở cấp từ trường đến tỉnh cũng là cần thiết vì nó sẽ tạo ra sự hứng thú cho học sinh với khoa học. Đồng thời tạo ra các phong trào khoa học kỹ thuật và giáo dục STEM trong nhà trường mạnh mẽ, đáp ứng với các yêu cầu trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

LOGO-KHKT.png
Ảnh minh họa.

Cùng quan điểm về nội dung này, thầy Lê Thanh Kính - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, nếu có một cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp quốc gia hoặc quốc tế thì phải có cuộc thi từ cấp trường đến cấp tỉnh để chọn lựa thí sinh. Vì thế, cách hiểu về việc bỏ cuộc thi này ở cấp thấp hơn có thể chưa thật sự sát với tinh thần trong Thông tư 06.

Vị lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức bày tỏ: "Nếu mình hiểu theo nghĩa thông thường thì nên tạo điều kiện cho học sinh các cấp được thực hiện. Bởi vì điều này sẽ giúp các em tiếp cận với khoa học kỹ thuật sớm hơn".

Về việc này, thầy Lê Thanh An - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông (tỉnh Nghệ An) cũng cho rằng, nên duy trì cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật với học sinh các cấp.

Chia sẻ cách tiếp cận với việc tổ chức cuộc thi, vị lãnh đạo này bày tỏ nhận định: "Phải thông qua những cuộc thi được tổ chức ở cấp cơ sở thì mới có căn cứ để tổ chức ở cấp cao hơn".

Trong khi đó, dưới góc độ nhà trường, thầy Nguyễn Danh Bắc - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang tỏ ra bối rối khi chia sẻ với phóng viên về cách hiểu đối với việc tổ chức cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cho học sinh khi Thông tư 06 được ban hành.

"Hiện tại nhiều giáo viên tại Bắc Giang cũng đang tranh luận và có nhiều cách hiểu về vấn đề này. Chúng tôi cũng đã có một số đề nghị với Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang để mong sớm có hướng dẫn thực hiện việc này.

Nếu như theo cách nhiều người đang tiếp cận với thông tư này là sẽ không tổ chức cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cho học sinh từ cấp trường đến cấp tỉnh nữa thì việc tổ chức kỳ thi này ở cấp quốc gia sẽ diễn ra như thế nào? Khái niệm lựa chọn cụ thể ra sao?

Bởi vì trong khái niệm "lựa chọn" thì có thể hiểu theo các nghĩa đều hợp lý. Chẳng hạn, thông qua đánh giá học sinh cũng có thể lựa chọn được thí sinh tham gia ở cấp quốc gia mà không cần tổ chức cuộc thi nhưng ngược lại, cũng có thể thông qua các cuộc thi ở cấp thấp hơn thì mới có thể đủ các tiêu chí để lựa chọn được thí sinh tham gia cấp cao hơn", Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang nêu quan điểm.

Cùng chia sẻ về nội dung này, một lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo của một tỉnh ở miền Bắc cho rằng, cách diễn đạt từ ngữ trong văn bản của Thông tư 06 không rõ nghĩa nên gây ra nhiều cách hiểu khác nhau, từ đó các địa phương đang lúng túng trong việc triển khai.

"Theo tôi, thời điểm này sự lên tiếng của Bộ Giáo dục và Đào tạo để thể hiện rõ ràng về việc có tổ chức cuộc thi này từ cấp trường đến cấp tỉnh hay không là rất cần thiết. Có như vậy các trường hoặc các Phòng Giáo dục và Đào tạo họ cũng sẽ yên tâm hơn khi bắt tay vào triển khai".

Vị lãnh đạo Phòng Giáo dục này cũng đề cập việc, hiện tại chỉ khối trung học phổ thông mới có thông tư ban hành về thi tốt nghiệp đối với lớp 12. Tuy nhiên, với khối trung học cơ sở thì vẫn chưa có thông tư ban hành về thi tốt nghiệp đối với học sinh lớp 9. Trong đó, cũng chưa có quy định cụ thể về việc cộng điểm khuyến khích với học sinh tham dự cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật .

Như vậy, nếu trong các thông tư không nói rõ đến việc tổ chức cuộc thi này ở cấp thấp hơn thì có thể sẽ được hiểu là trong tương lai sẽ không còn tổ chức cuộc thi này ở các cấp này nữa.

Lãnh đạo này cho biết thêm: "Điều đang gây ra nhiều băn khoăn nhất ở trong Điều 22 của Thông tư 06 là ở khái niệm "đánh giá", "lựa chọn" nó có nhiều nghĩa, từ đó tạo ra nhiều cách hiểu với đối tượng tiếp cận.

Nếu hiểu theo cách "đánh giá" đơn thuần, chúng tôi chỉ cần căn cứ theo phiếu chấm điểm trong phụ lục thông tư các trường cứ đánh giá là xong, dựa theo phiếu điểm đó, học sinh nào có điểm cao thì sẽ được lựa chọn để gửi đi thi ở các cuộc thi ở cấp cao hơn mà không nhất thiết phải tổ chức cuộc thi.

Tuy nhiên cũng có thể hiểu từ "đánh giá" là phải thông qua cuộc thi. Nghĩa là phải thông qua việc tổ chức cuộc thi thì mới có cơ cấu giải, từ đó mới đánh giá chất lượng của từng học sinh thông qua giải thưởng. Học sinh nào đạt giải cao ở cấp thấp sau đó mới lựa chọn để thi ở cấp cao hơn.

Như vậy, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không giải thích rõ về việc này thì địa phương họ muốn tổ chức thi cũng được, không tổ chức cũng không sao vì cách hiểu về từ ngữ "đánh giá", "lực chọn" trong thông tư mới ban hành như thế nào cũng đúng".

Để có thông tin chính thống và giúp cơ sở hiểu rõ khi thực hiện, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại và để lại tin nhắn cho ông Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (đơn vị đề nghị ban hành thông tư) tuy nhiên không nhận được phản hồi.

Trung Dũng