Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của một phụ huynh cho biết, tại hẻm 35 đường Trần Đình Xu, phường Cầu Kho, quận 1 có một ngôi nhà là điểm dạy thêm rất tấp nập.
Phía dưới nhà này là một quán café, bán nước giải khát còn ở trên lầu là điểm dạy thêm của các giáo viên.
Vào mỗi buổi chiều, học sinh từ các nơi đổ về đây học rất đông, có cả học sinh cấp tiểu học và cả trung học cơ sở.
Thông tin quảng cáo của cơ sở dạy thêm có ghi rõ số điện thoại liên hệ của thầy Hải (ảnh: P.L) |
Căn cứ vào các thông tin quảng cáo mà phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cung cấp, điểm này có 3 lớp dạy thêm dành cho học sinh khối 4, 1 lớp 5 chuyên, một lớp Toán tư duy+giải đề thi Trần Đại Nghĩa.
Cấp trung học cơ sở có 2 lớp dành cho học sinh khối 6, các lớp từ 7 đến 9 có một lớp mỗi khối.
Mỗi lớp dạy thêm tại địa điểm này học mỗi tuần 2 buổi, thời gian học từ 2h đến 2h30 mỗi buổi.
Thông tin cho biết, địa điểm này do thầy L.P.Hải, Phó Hiệu trưởng một trường tiểu học của quận 3, và một nữ giáo viên khác của quận Bình Thạnh tổ chức.
Những thông tin quảng cáo về giờ học của các lớp học, mà phóng viên có được cũng ghi rõ số điện thoại di động cá nhân của thầy Hải để liên hệ.
Địa chỉ này là một quán cafe, bán nước giải khát chứ không có bảng hiệu của cơ sở dạy thêm (ảnh: P.L) |
Theo phản ánh của người dân, điểm dạy thêm này nguyên là cơ sở bồi dưỡng văn hóa Phước Thịnh (đường Cống Quỳnh, quận 1), mà Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải hồi đầu tháng 3/2017.
Lúc đó, tiếp xúc với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chính thầy Hải đã xác nhận, Phước Thịnh do mình tổ chức, có dạy thêm tiểu học và không có giấy phép hoạt động của quận 1 cấp.
Cơ sở dạy thêm không phép, phụ huynh đón con chiếm hết lối đi của dân |
Ngày 20/8/2018, nhằm làm rõ các thông tin được cung cấp, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đến ngôi trường ở quận 3, nơi thầy Hải đang giữ chức Phó Hiệu trưởng.
Tuy nhiên, dù đã nói muốn làm việc thầy với tư cách cá nhân, không liên quan gì đến nhà trường (nơi thầy Hải đang giữ chức Phó Hiệu trưởng), nhưng thầy Hải đã từ chối làm việc.
Thầy giáo này nói rằng điểm dạy thêm ở quận 1 thì đến đó gặp người có trách nhiệm ở đó xác minh, thầy Hải đang ở trường, chỉ làm việc đến những việc có liên quan đến trường.
Sau đó, thầy Hải cũng không xác nhận điểm dạy thêm ở địa chỉ mà Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có được là của mình tổ chức, và cũng không nói cho phóng viên biết rằng đến điểm dạy thêm kia sẽ gặp ai, thời điểm cụ thể nào?
Còn tại Ủy ban nhân dân phường Cầu Kho – quận 1 cũng trong sáng ngày 20/8, khi phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đến phòng Phó Chủ tịch phụ trách văn xã, thì nhìn thấy đang họp.
Một nữ cán bộ đã ra ngoài, đề nghị phóng viên để lại tên và số điện thoại và sẽ có liên hệ sau.
Các học sinh trước giờ bước lên phòng học thêm hay ngồi uống nước ở tầng trệt (ảnh: P.L) |
Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã chuyển toàn bộ các thông tin này, đến với bà Nguyễn Thị Lệ Thủy – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 3 để tiến hành xem xét đúng theo thẩm quyền quản lý.
Được Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 3 – bà Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị, cuối giờ chiều ngày 20/8, thầy L. P.Hải đã đồng ý làm việc với phóng viên tại trường (nơi thầy Hải đang công tác).
Trước tiên, thầy Hải thừa nhận điểm dạy thêm tại địa chỉ mà phóng viên được cung cấp, là chưa có giấy phép hoạt động của quận 1 cấp.
Sau đó, thầy Hải không đồng ý với thông tin nói rằng, mình là chủ cơ sở dạy thêm này, mà chỉ tham gia dạy tại đây lớp 4, 6. Thế nhưng, thầy Hải lại biết rất rõ học phí là 1,7 triệu đồng/khóa học (hơn 2 tháng) với khối 5,6 và khối 4 thì rẻ hơn 100.000 đồng.
Khi phóng viên hỏi rằng, nếu thầy không phải chủ cơ sở thì sao trên tờ quảng cáo lại cố số điện thoại liên hệ của thầy, thì thầy L.P.Hải nói, đó có thể do không hiểu luật, và người chủ cơ sở muốn lấy uy tín của thầy để thu hút học sinh, phụ huynh tin tưởng.
Hỏi lý do của việc dạy thêm không phép này, thầy Hải giải thích: Do bản thân cũng đang mắc một số bệnh, cần rất nhiều tiền để mua thuốc chữa, mà lương giáo viên thì cũng không đủ.
Ngoài ra, thầy Hải còn nói thêm, giáo viên giảng dạy chủ yếu là một số em sinh viên Sư Phạm chưa có được chỗ giảng dạy, những sinh viên hay người về hưu có được việc làm, điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn.