“Điểm yếu giáo dục Đại học là đào tạo những cử nhân chỉ biết đi xin việc”

28/12/2016 08:19
An Nguyên
(GDVN) - Chính điểm yếu này đã bóp nghẹt động lực sáng tạo, không làm thay đổi hiện trạng xã hội và công nghệ.

LTS: Trước tình trạng hàng trăm ngàn thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp. Nhiều người trong số họ phải giấu bằng đại học để xin đi làm công nhân hay học lại trường nghề.

Nguyên nhân của tình trạng trên một phần do nền giáo dục tồn tại nhiều điểm yếu, trong đó vấn đề khởi nghiệp chưa được đào tạo bài bản.

TS. Võ Thanh Hải Phó hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân tiếp tục chia sẽ với Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam về vấn đề này.

Điểm yếu của giáo dục đại học Việt Nam hiện nay là vẫn đang đào tạo ra những cử nhân với thói quen đi xin việc, làm công ăn lương, không có tinh thần khởi nghiệp.

Thổi bùng ngọn lửa khởi nghiệp cho sinh viên

“Chúng ta hãy nhìn người Do Thái. Họ đã dạy về khởi nghiệp cho học sinh của họ từ lúc còn ở cấp 1.

Dạy cho học sinh biết cách làm ra tiền và cách giữ tiền như thế nào. Từng bước, người ta đào tạo tiếp các kỹ năng sống và sáng tạo khác khi lên cấp 2, cấp 3 và sau đó là ở đại học” thầy Hải nói.

TS. Võ Thanh Hải trong một chương trình khởi nghiệp. Ảnh: An Nguyên
TS. Võ Thanh Hải trong một chương trình khởi nghiệp. Ảnh: An Nguyên

Hầu như người nào tốt nghiệp đại học ở Israel đều có đủ các kỹ năng để có thể chủ động khởi nghiệp được.

Chính vì như vậy mà một nước Do Thái nằm giữa sa mạc chỉ với 6 triệu dân, xung quanh là các nước Hồi giáo thù địch nhưng họ đã làm cho sa mạc xanh tươi lên.

Sinh viên chưa ra trường đã có việc làm, chuyện ở một trường Đại học

Sinh viên chưa ra trường đã có việc làm, chuyện ở một trường Đại học

Nông nghiệp dẫn đầu thế giới về hiệu quả. Nhiều lĩnh vực khác như: công nghiệp, công nghệ cao, quốc phòng cũng nằm trong nhóm hàng đầu thế giới.

Như vậy thì Việt Nam ta có làm được việc đó không? – thầy Hải đặt vấn đề.

“Chúng ta có thể thực hiện được điều đó nếu chúng ta dạy cho học sinh, sinh viên tinh thần khởi nghiệp ngay từ những cấp dưới.

Đặc biệt, là phải làm sao đào tạo tốt tiếng Anh để sinh viên có thể nhanh chóng tiếp cận được những chương trình, nội dung chuyên môn và phương pháp đào tạo của nước ngoài.

Chúng ta phải học các nước tiên tiến trên thế giới, do chúng ta đang là người đi sau” thầy Hải nói.

Khi lên đến bậc đại học thì tập trung vào khởi nghiệp trong từng ngành nghề cụ thể.

Chứ không phải là khuấy động tinh thần khởi nghiệp chung chung, nói rồi để đó.

"Chúng ta sẽ thành công trong đào tạo khởi nghiệp nếu đào tạo ra được những sinh viên mang tính toàn cầu, có thể thích nghi với bất cứ môi trường lao động nào trên thế giới" thầy Hải nhấn mạnh.

 “Thương mại hóa” những ý tưởng

 “Khởi nghiệp không nên chỉ làm theo phong trào mà phải là một chu trình liên tục cải tiến, không ngừng nghỉ, phải tạo ra cảm hứng cho người học, cảm hứng cho người dạy.

Khởi nghiệp không phải là một trò chơi

Khởi nghiệp không phải là một trò chơi

Phải để người ta thấy rằng khởi nghiệp là một việc làm tạo ra cái mới và không phải bao giờ cũng là cái mới hoàn toàn mà có thể là cái mới đó có thể là từ cái cũ”.

Thầy Hải giải thích thêm, chẳng hạn như một sản phẩm cũ. Bây giờ ta đưa thêm hàm lượng chất xám vào làm cho nó tốt hơn với giá thành thấp hơn, tức là đã làm mới lại cái cũ.

Đặc biệt, khởi nghiệp là tạo ra những ý tưởng mới, từ những ý tưởng mới đó sẽ hình thành các mô hình hay sản phẩm mẫu có thể thương mại hóa được.

“Thời gian qua, ở trường chúng tôi đã có nhiều nhóm khởi nghiệp từ cảm hứng của người thầy và học trò đã tạo ra nhiều ý tưởng hay.

Trong đó, có một số ý tưởng hiện nay đã được biến thành sản phẩm với sự tài trợ của chính nhà trường và một số doanh nghiệp bên ngoài”.

Dĩ nhiên để biến khởi nghiệp thành một thói quen, một truyền thống thì có rất nhiều việc phải làm.

Mà trước tiên cần có những mô hình học tập và sáng tạo làm cơ sở.

Vấn đề còn lại hiện nay là cơ chế chính sách của Nhà nước như thế nào đối với khởi nghiệp?

Để những ý tưởng đó được bảo vệ về sở hữu trí tuệ và được đầu tư phát triển thành sản phẩm cụ thể, có thể thương mại hoá được. 

"Cả nước chúng ta hiện nay có khoảng 400 trường đại học. Mỗi ngành đào tạo của mỗi trường chỉ cần có một số nhóm hình thành những ý tưởng thì chúng ta đã có hàng vạn ý tưởng.

Và trong hàng vạn ý tưởng đó chắc chắn sẽ có một số ý tưởng có thể trở thành những sản phẩm góp phần làm thay đổi về kinh tế - xã hội của đất nước.

Nếu Nhà nước có cơ chế chính sách tốt và đầu tư tốt thì việc này sẽ thành công,

Nếu không, cũng nên có những động thái tháo bỏ rào cản về thủ tục hành chính, pháp lý cho các doanh nghiệp khởi nghiệp" thầy Hải phân tích.

An Nguyên