Thế yếu địch mạnh
Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổng kết lại, lực lượng của địch ở Điện Biên Phủ lúc đầu có khoảng sáu tiểu đoàn, sau đó tăng lên dần để đối phó với cuộc tiến công của ta. Khi quân ta bắt đầu tiến công Điện Biên Phủ thì lực lượng của họ đã tăng lên đến 12 tiểu đoàn và bảy đại đội bộ binh; trong quá trình chiến dịch, tiếp tục tăng thêm 4 tiểu đoàn và hai đại đội nhảy dù, tổng cộng là mười bảy tiểu đoàn bộ binh.
Phần lớn các lực lượng này gồm các đơn vị Âu-Phi và các đơn vị nhảy dù tinh nhuệ. Ngoài ra, còn có ba tiểu đoàn pháo binh, một tiểu đoàn công binh, một đại đội xe tăng, một đại đội xe vận tải có khoảng 200 chiếc và một phi đội không quân thường trực có 14 chiếc. Tổng số binh lực là 16.200 người.
Căn cứ vào tình hình thực tế có thể nhận thấy địch luôn luôn có sẵn một lực lượng pháo binh và cơ giới đủ sức đánh chặn mọi cuộc tiếp cận qua cánh đồng bằng phẳng.
Pháp cũng có sẵn một hệ thống công sự, dây thép gai và hào chiến đấu đủ sức tiêu hao và đánh lui mọi lực lượng tiến công, có sẵn một lực lượng cơ động gồm các tiểu đoàn nhảy dù sẵn sàng phối hợp với các trung tâm đề kháng để phản kích và tiêu diệt mọi lực lượng tiến công từ bên ngoài đến, có sẵn một lực lượng pháo binh cơ giới và không quân đủ sức ngăn chặn các lực lượng tiến công và tiêu diệt các căn cứ pháo binh của ta mà Pháp cho là dễ phát hiện, vì buộc phải đặt ở sườn núi phía trong lòng chảo, còn nếu đặt ở vị trí ngoài thì lại quá tầm bắn cần thiết.
Lực lượng ta có 9 trung đoàn bộ binh, gồm 27 tiểu đoàn, 1 trung đoàn sơn pháo 75 ly, 2 tiểu đoàn lớn pháo 105 ly, 4 đại đội súng cối 120 ly, 1 trung đoàn cao xạ pháo 37 ly và 2 tiểu đoàn công binh. So sánh lực lượng bộ binh, ta hơn địch về số tiểu đoàn (27/12), nhưng quân số mỗi tiểu đoàn của ta chỉ bằng 2/3 quân số tiểu đoàn địch và trang bị yếu hơn nhiều.
Xe trâu vượt dốc chở lương thực ra mặt trận. |
Về lực lượng pháo yểm hộ trực tiếp cho bộ binh, ta hơn địch ít nhiều về số lượng (64/48 khẩu), nhưng đạn pháo dự trữ của ta rất hạn chế. Ta hoàn toàn không có xe tăng và chỉ có 1 trung đoàn cao xạ 37 ly để đối phó với toàn bộ không quân địch.
So sánh quân số đơn thuần tại chiến trường Điện Biên Phủ thì ta hơn hẳn địch (ta là 40.000 người/địch 16.000). Song về hỏa lực và phương tiện chiến tranh thì quân Pháp có ưu thế hơn ta, nhất là về đạn pháo, máy bay và xe tăng… Mặt khác, quân Pháp được bảo vệ trong hệ thống công sự trận địa vững chắc, với nhiều trung tâm đề kháng.
Tập đoàn cứ điểm gồm ba phân khu yểm hộ lẫn nhau
Lực lượng quân địch ở Điện Biên Phủ được bố trí thành tập đoàn cứ điểm gồm ba phân khu yểm hộ lẫn nhau, tất cả có 49 cứ điểm. Mỗi cứ điểm đều có khả năng phòng ngự; nhiều cứ điểm được tổ chức lại thành các cụm cứ điểm gọi là “trung tâm đề kháng theo kiểu phức tạp”, có lực lượng cơ động, có hỏa lực của mình, có hệ thống công sự vững chắc, xung quanh có hào giao thông và hàng rào dây thép gai, có khả năng độc lập phòng ngự khá mạnh.
Mỗi một phân khu gồm có nhiều trung tâm đề kháng kiên cố như vậy. Mỗi một trung tâm đề kháng cũng như toàn bộ tập đoàn cứ điểm đều được che chở bằng hệ thống công sự nằm chìm dưới mặt đất, bằng một hệ thống công sự phụ (hàng rào hoặc bãi dây thép gai, bãi mìn) và hệ thống hỏa lực rất mạnh.
Phân khu quan trọng hơn hết là phân khu trung tâm ở ngay giữa làng Mường Thanh, tức là châu lỵ Điện Biên Phủ. Ở đây, tập trung gần hai phần ba lực lượng của địch, nhiều trung tâm đề kháng yểm hộ lẫn nhau và bao bọc lấy cơ quan chỉ huy, các căn cứ hỏa lực và căn cứ hậu cần, đồng thời bảo vệ sân bay. Phía đông phân khu có cả một hệ thống điểm cao rất lợi hại, đặc biệt là các ngọn đồi A1, C1, D1, E1; những điểm cao đó là một bộ phận phòng ngự quan trọng nhất của phân khu.
Ở phía Bắc, có phân khu bắc, gồm các trung tâm đề kháng Đồi Độc Lập và Bản Kéo. Đồi Độc Lập là một vị trí có nhiệm vụ án ngữ phía bắc, ngăn chặn con đường từ Lai Châu vào Điện Biên Phủ.
Him Lam, tuy thuộc khu trung tâm, nhưng cùng với các vị trí đồi Độc Lập, Bản Kéo là những vị trí ngoại vi đột xuất nhất của địch, án ngữ phía Đông Bắc, ngăn chặn cuộc tiến công của quân ta từ hướng Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ.
Đồi A1 nằm ở phường Mường Thanh, là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp. Đồi nằm dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, bao gồm 2 đỉnh: Tây Bắc cao hơn 490 m, Đông Nam cao hơn 493 m. A1 là ký hiệu mà quân đội Việt Nam đặt cho quả đồi. Sáng 7/5/1954, quân đội Việt Nam đã chiếm được vị trí quan trọng này. Ảnh: zing.vn |
Ở phía nam, có phân khu nam còn gọi là phân khu Hồng Cúm, có nhiệm vụ ngăn chặn quân ta tiến công từ phía Nam lên, đồng thời giữ đường liên lạc với Thượng Lào.
Hỏa lực pháo binh được bố trí thành hai căn cứ: Một ở Mường Thanh, một căn cứ nữa ở Hồng Cúm, có thể yểm trợ lẫn cho nhau và cho tất cả các cứ điểm khác một khi bị tiến công. Ngoài hỏa lực chung của tập đoàn cứ điểm, mỗi trung tâm đề kháng còn có hỏa lực riêng, bao gồm nhiều súng cối các cỡ, súng phun lửa và các loại súng bắn thẳng bố trí thành hệ thống vừa tự bảo vệ, vừa yểm hộ cho những cứ điểm xung quanh.
Điện Biên Phủ có hai sân bay. Ngoài sân bay chính ở Mường Thanh còn có một số sân bay dự bị ở Hồng Cúm ngày ngày được nối liền với Hà Nội, Hải Phòng bằng một cầu hàng không. Trung bình mỗi ngày có gần 100 lần chiếc máy bay vận tải tiếp tế khoảng 200 đến 300 tấn hàng và thả dù khoảng 100 đến 150 tấn. Như vậy là vượt khá xa những dự tính ban đầu của chúng.
Máy bay trinh sát và khu trục của phi đội thường trực luôn luôn bay lượn trên vùng trời Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ bắn phá và oanh tạc quân ta để yểm hộ cho tập đoàn cứ điểm thì do máy bay địch xuất phát từ các căn cứ Gia Lâm hay Cát Bi đảm nhiệm, về sau có một bộ phận xuất phát từ tàu chở máy bay của Mỹ đậu ở vịnh Hạ Long.
Với lực lượng hùng hậu và cơ cấu phòng ngự vững chắc như trên, Nava đã từng nhận định rằng Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất chưa từng có ở Đông Dương, là một “pháo đài không thể công phá”. Do nhận định chủ quan đó, mà địch đã phán đoán rằng quân ta có ít khả năng tiến công vào Điện Biên Phủ, và nếu quân ta mạo hiểm tiến công vào thì càng tốt, vì chắc chắn là quân ta không thể nào tránh khỏi thất bại. Pháp đã coi Điện Biên Phủ là một chiến trường được chuẩn bị sẵn để gây tổn thất nặng cho chủ lực ta nên từng thả truyền đơn thách thức quân ta tiến công Điện Biên Phủ.
Bóp nghẹt "con nhím" Điện Biên Phủ
Cách tổ chúc phòng ngự bằng tập đoàn cứ điểm không phải là một sáng kiến của quân đội xâm lược của đế quốc Pháp. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, bọn phát xít Đức đã từng vận dụng cách phòng ngủ bằng tập đoàn cứ điểm, cũng gọi là “chiến lược con nhím”, hòng ngăn chặn những cuộc tiến công như vũ bão của Hồng quân Liên Xô tiến về hướng Berlin.
Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (hầm De Castries) đã bị tổ xung kích do Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật, Đại đội 360, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 tiến vào bắt sống tướng De Castries cùng toàn thể Bộ tham mưu vào lúc 17h30 ngày 7/5/1954. Ảnh: Zing.vn |
Đứng trước phương sách phòng ngự mới của địch, chúng ta cần giải quyết tình hình chiến sự ra sao? Trong khi giải quyết vấn đề cách đánh về chiến dịch cũng như về chiến thuật, bao giờ chúng ta cũng xuất phát từ những nguyên tắc cơ bản về chỉ đạo tác chiến, tức là nguyên tắc tiêu diệt sinh lực địch và nguyên tắc đánh chắc thắng.
Chúng ta đã từng vận dụng cách đánh đó trong chiến dịch Hòa Bình. Địch tập trung lực lượng thành tập đoàn cứ điểm ở Hoà Bình thì hướng tiến công chủ yếu của quân ta không phải là Hòa Bình mà là ở những nơi khác; chúng ta đã từng tiêu diệt viện binh của địch và cứ điểm của địch ở ven bờ sông Đà và đã mở cuộc tiến công vào vùng sau lưng địch ở Bắc Bộ, thu được nhiều thắng lợi lớn. Về sau, khi địch tập trung lực lượng ở tập đoàn cứ điểm Nà Sản thì sau khi tiến hành một hai cuộc chiến đấu ở đây, một bộ phận sinh lực địch bị tiêu diệt, nhưng lực lượng ta cũng bị tiêu hao, ta cũng lại chủ trương trước mắt không mở cuộc tiến công trực tiếp vào Nà Sản. Bộ đội tình nguyện Việt Nam lại phối hợp với Quân giải phóng Pathét Lào mở cuộc tiến công vào hướng Thượng Lào, phía tây nam Nà Sản và đã thu được thắng lợi lớn.
Tuy nhiên, đánh trên đây không phải là cách đánh duy nhất. Đảng đã nhận định rằng vấn đề trực tiếp tiến công vào tập đoàn cứ điểm, tiêu diệt tập đoàn cứ điểm là một vấn đề nhất định phải được giải quyết, là một bước tất nhiên quân đội ta phải trải qua trong quá trình phát triển của cuộc đấu tranh vũ trang và trên con đường trưởng thành của quân đội.
Chúng ta có tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm thì mới đánh bắt được hình thức đối phó mới nhất, cao nhất của địch, đánh bại được sự cố gắng lớn nhất của chúng trong bố trí phòng ngự, gây cho chúng một sự khủng hoảng mới, tạo nên cục diện mới, mở đường cho quân đội ta tiến lên và thúc đẩy cuộc đấu tranh vũ trang của ta phát triển.
Trong quá trình diễn biến của tình hình chiến sự mùa Đông 1953, Điện Biên Phủ đã dần dần trở thành điểm trung tâm của kế hoạch Nava. Chúng ta có tiêu diệt được Điện Biên Phủ thì mới đập tan được âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh của đế quốc Pháp - Mỹ. Tuy nhiên, sự cần thiết phải tiêu diệt tập đoàn cứ điềm Điện Biên Phủ và tầm quan trọng của Điện Biên Phủ không thể coi là cơ sở chủ yếu để hạ quyết tâm đánh Điện Biên Phủ.
Công binh và dân công làm đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên. |
Vấn đề quyết định là, căn cứ vào sự so sánh lực lượng cụ thể giữa ta và địch lúc bấy giờ, căn cứ vào những khả năng mới của quân ta và những khả năng mới của địch, ta có thể bắt đầu vận dụng cách đánh trực tiếp vào tập đoàn cứ điểm bằng cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ hay không; nói một cách khác, Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm rất mạnh, tiến công vào Điện Biên Phủ, ta có nắm chắc phần thắng lợi hay không.
Nava nhận định tình hình không phải là sai khi đánh giá được những điểm mạnh. Nhưng Nava chỉ nhìn thấy chỗ mạnh của tập đoàn cứ điểm mà không thấy hết chỗ yếu của nó.
Sai lầm cơ bản hơn nữa, với cách nhìn của một nhà quân sự tư sản, chúng không thể thấy hết được những khả năng lớn lao của một quân đội nhân dân và của cả nhân dân một nước đang chiến đấu vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, lại càng không hiểu và không thấy được quá trình phát triển tiến lên, những tiến bộ và cố gắng vượt bậc của quân đội ta và của nhân dân ta, không hiểu được và không đánh giá được những khả năng lớn lao của tinh thần đấu tranh bất khuất của một dân tộc, của tinh thần quyết chiến quyết thắng của một quân đội nhân dân.
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có đủ những yếu tố mạnh của mọi tập đoàn cứ điểm, lại có những chỗ mạnh đặc biệt của nó nữa. Nhưng do vị trí của nó nằm cô lập ở giữa núi rừng trùng điệp và mênh mông của miền Tây Bắc và Thượng Lào, rất xa những căn cứ hậu phương, nhất là những căn cứ không quân lớn của địch, mọi việc tăng viện hoặc tiếp tế đều hoàn toàn dựa vào đường không. Do đó, nếu đường hàng không bị hạn chế hay bị cắt đứt thì tập đoàn cú điểm rất mạnh này sẽ ngày càng lộ rõ nhược điểm của mình, có thể mất dần sức chiến đấu và lâm vào thế bị động phòng ngự trong những điều kiện ngày càng khó khăn; trường hợp lâm nguy cũng khó lòng rút quân được toàn vẹn. Đó là chưa nói đến tinh thần chiến đấu của binh lính địch nói chung là bạc nhược, nếu gặp khó khăn thiếu thốn hoặc thất bại thì lại càng kém sút thêm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp (phải) chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Về phía ta, thì lực lượng ta là những đơn vị chủ lực tinh nhuệ có tinh thần chiến đấu cao, trình độ trang bị kỹ thuật có tiến bộ, hăng hái phấn khởi, quyết tâm tiêu diệt địch. Chúng ta có thể tập trung ưu thế binh lực, hỏa lực để đánh địch, quân ta lại đã có những kình nghiệm nhất định về đánh địch trong công sự vững chắc, đã được bước đầu huấn luyện để đánh tập đoàn cứ điểm, có khả năng khắc phục khó khăn, giải quyết những vấn đề cần thiết để tiêu diệt tập đoàn cứ điểm.
Vấn đề cung cấp tiếp tế lương thực và đạn dược cho một lực lượng lớn ở xa hậu phương trong một thời gian dài đương nhiên có những khó khăn rất lớn, nhưng ta lại có sức mạnh của một hậu phương rộng lớn, có toàn dân, toàn Đảng, tập trung toàn lực để chi viện tiền tuyến, bảo đảm lương thực, đạn dược cho quân đội làm tròn nhiệm vụ.
Bước sang thời kỳ thứ hai của chiến cục Đông Xuân, công tác chuẩn bị trên mặt trận Điện Biên Phủ đã được hoàn thành, nhiều điều kiện thuận lợi mới đã được tạo ra do những chiến thắng liên tiếp của quân ta trên khắp các chiến trường, chúng ta đã mở cuộc tiến cóng vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Đứng về ý nghĩa quyết chiến chiến lược mà nói cũng như đứng về quy mô và hình thức của chiến dịch, cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã đánh dấu một biến chuyển mới, một sự phát triển mới trong sự lãnh đạo đấu tranh vũ trang của Đảng ta cũng như trong quá trình lớn mạnh của quân đội ta. Thắng lợi của chiến dịch to lớn này chắc chắn sẽ mở ra một cục diện mới cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
Nhiệm vụ của bộ đội ta trên các chiến trường cả nước là phối hợp hoạt động với Điện Biên Phủ, tiêu hao và tiêu diệt sinh lực địch, phân tán giam giữ lực lượng của chúng, giảm đến mức tối đa khả năng của chúng tăng quân thêm cho mặt trận Điện Biên Phủ.
Đánh nhanh giải quyết nhanh có nhiều điều lợi: quân ta đang sung sức, cuộc chiến đấu không kéo dài nên ít ngại tiêu hao, mỏi mệt. Thời gian của chiến dịch không dài, nên vấn đề tiếp tế lương thực, đạn dược có thể bảo đảm chắc chắn, không gặp trở ngại lớn.
Từng mảng bè vượt ghềnh thác, chở lương thực ra mặt trận Điện Biên Phủ. |
Tuy nhiên, đánh nhanh giải quyết nhanh lại có một điều bất lợi rất lớn là quân ta, mặc dầu đã được chuẩn bị về tư tưởng và chiến thuật để đánh tập đoàn cứ điểm, nhưng chưa có kinh nghiệm thực tế, lần này là lần đầu đánh tập đoàn cứ điểm, lại gặp một tập đoàn cứ điểm mạnh.
Trong khi tiến hành công tác chuẩn bị, ta đã tiếp tục theo dõi tình hình địch và kiểm tra lại khả năng của ta. Chúng ta đã phát hiện địch có tăng cường lực lượng, xây dựng trận địa phòng ngư, tổ chức hệ thống phòng ngư khá vững chắc.
Tiến hành chiến dịch theo phương châm đánh chắc tiến chắc đưa đến nhiều khó khăn, trở ngại mới. Chiến dịch càng kéo dài, địch càng tăng cường công sự, lại có thể đưa thêm viện binh. Về phía ta thì hoạt động kéo dài, bộ đội có thể bị tiêu hao, mỏi mệt, khó khăn lớn nhất là khó khăn về cung cấp và tiếp tế.
Vì những lý do nói trên, chúng ta đã kiên quyết xác định phương châm của chiến dịch là đánh chắc tiến chắc. Quyết định đó đòi hỏi một quyết tâm rất lớn, quyết tâm nắm vững nguyên tắc đánh chắc thắng trong việc chỉ đạo tác chiến, quyết tâm động viên toàn lực khắc phục muôn nghìn khó khăn trở ngại đế bảo đảm chắc thắng cho chiến dịch.
Cờ chiến thắng bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát Tơ Ri chiều 7/5/1954 (Ảnh tư liệu). |
Địch có thể tăng cường, chúng tăng cường thì quân ta phải tiến hành nhiều cuộc chiến đấu hơn và những cuộc chiến đấu gay go hơn mới tiêu diệt được toàn bộ quân địch. Giữa việc cần thiết phải tiến hành nhiều cuộc chiến đấu gay go mà chắc chắn thắng lợi với việc tiến hành ít cuộc chiến đấu mà không nắm chắc phần thắng, chúng ta đã chọn giải pháp thứ nhất. Tuy nhiên, địch có thể tăng viện, nhưng không phải là tăng viện bao nhiêu cũng được, nhất là trong khi quân ta đã hạn chế việc tiếp tế vận chuyển của chúng, trong khi trên khắp các chiến trường cả nước quân ta lại tích cực hoạt động. Chúng tăng cường thì một mặt có thêm lực lượng để đối phó với ta, nhưng mặt khác cũng tăng thêm khó khăn cho chúng.
Nhưng chúng ta quyết không thể vì muốn tránh những khó khăn về chỉ viện cung cấp mà lại áp dụng một phương châm tác chiến không bảo đảm thắng lợi. Ngược lại, để giành toàn thắng cho chiến dịch, chúng ta phải nâng cao tinh thần vượt qua gian khổ của tất cả các cán bộ và chiến sĩ, nâng cao tinh thần phục vụ tiền tuyến của các đơn vị cung cấp, vận tải tiếp tế, của các tổ chức dân công.
Với quyết tâm của Trung ương Đảng và Chính phủ, với sự hy sinh cố gắng to lớn của nhân dân hậu phương, chúng ta tin tưởng có thể tiến hành được việc chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ. Về mặt này, đối với địch thì cũng không phải mọi sự đều dễ dàng cả; nếu ta hạn chế hoặc cắt đứt được đường hàng không của chúng thì với nhu cầu lương thực, đạn dược rất lớn của chúng, với số thương vong ngày càng nhiều, với tinh thần bạc nhược của một quân đội đánh thuê, chúng sẽ gặp phải những khó khăn không thể lường được, không thể khắc phục nổi.
Thực tiễn của chiến dịch Điện Biên Phủ đã chứng tỏ sự đúng đắn của phương châm đánh chắc tiến chắc. Phương châm chỉ đạo đó đã đưa chiến dịch đến toàn thắng. Thể hiện phương châm đánh chắc tiến chắc, nội dung kế hoạch tác chiến của ta ở Điện Biên Phủ gồm gồm một loạt trận đánh địch trong công sự vững chắc, tiêu diệt mỗi lần một hay một số trung tâm đề kháng của địch, hình thành và thắt chặt vòng vây, hạn chế đi đến triệt hẳn nguồn tiếp tế và tiếp viện của địch, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch.
Chiến thắng Điện Biên Phủ thể hiện tầm nhìn, sự phân tích, quan sát, chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chủ động, sáng tạo của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp; tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm, ngoan cường của cán bộ, chiến sĩ quân đội và nhân dân Việt Nam.
Bài viết có sử dụng tư liệu từ:
Điện Biên Phủ, Võ Nguyên Giáp, Nxb Chí trị Quốc gia-sự thật, Hà Nội, 2013, tr. 334;