Điều gì giúp Hollande đánh bại được chồng cựu siêu mẫu Pháp - Sarkozy?

07/05/2012 07:53
Nguyễn Hường (theo Tân Hoa Xã)
(GDVN) - Theo các nhà phân tích, chiến thắng ngoạn mục của ông Hollande có được nhờ tâm lý "sợ hãi cảnh ảm đạm và không có triển vọng của nền kinh tế với chính sách thắt lưng buộc bụng của ông Sarkozy".
Vào cuối ngày 6/5, khi kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng 2 được công bố, ông Nicolas Sarkozy thừa nhận thất bại trước đối thủ đến từ đảng Xã hội Francois Hollande.

Tân Tổng thống Pháp Francois Hollande
Tân Tổng thống Pháp Francois Hollande

Đây được cho là lần đầu tiên sau 17 năm nước Pháp sẽ có một nhà lãnh đạo đảng Xã hội cầm quyền kể. Và ông Sarkozy đã trở thành Tổng thống Pháp đầu tiên chỉ tại vị duy nhất 1 nhiệm kì kể từ năm 1981.

Ông cũng là nhà lãnh đạo thứ 11 của châu Âu thất cử do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tại châu Âu.
Theo các nhà phân tích, chiến thắng ngoạn mục trên của ông Hollande có được nhờ tâm lý "sợ hãi cảnh ảm đạm và không có triển vọng của nền kinh tế với chính sách thắt lưng buộc bụng của ông Sarkozy" cộng với việc đương kim Tổng thống Pháp đã nhiều lần thất bại trong việc thực hiện lời những hứa ông đã đưa ra tại cuộc tranh cử Tổng thống năm 2007.  
Nhiệm kỳ 5 năm qua của ông Sarkozy đã phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ cuộc suy thoái kinh tế năm 2008 và cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực đồng euro năm 2009.

Tuy nhiên, những chính sách cải cách của ông Sarkozy đã không mang lại hiệu quả như mong đợi mà khiến nền kinh tế tăng trưởng trì trệ, nợ chính phủ tăng mạnh và tỷ lệ thất nghiệp đạt mức cao nhất trong 13 năm, lên tới 10%, đi ngược lại với lời hứa trước khi lên nắm quyền điều hành đất nước của ông Sarkozy là sẽ giảm tỷ lệ này xuống dưới 5%.

Cử tri Pháp đã mất lòng tin vào đương kiêm Tổng thống của mình? Ảnh Reuters
Cử tri Pháp đã mất lòng tin vào đương kiêm Tổng thống của mình? Ảnh Reuters

Bên cạnh đó, những hành động hào nhoáng của ông Sarkozy thường xuyên được các phương tiện truyền thông trên khắp thế giới đưa tin chi tiết đã khiến nhiều cử tri Pháp không hài lòng và thậm chí một số người ủng hộ đã quay lưng chống lại ông.
"Tôi bỏ phiếu cho ông Hollande không phải bởi vì tôi ủng hộ ông ấy mà vì tôi phản đối ông Sarkozy" - cử tri Marjorie Besson, 29 tuổi, một nhân viên xã hội làm việc tại Paris cho biết.
Ông Hollande đã hiểu ra rằng một phần của cuộc trưng cầu dân ý chính là một cuộc chiến giữa việc chống lại hoặc ủng hộ Tổng thống Sarkozy và đó không phải là một chiến lược xấu - ông Eddy Fougier, một chuyên gia cấp cao của IRIS, một trung tâm nghiên cứu về chiến lược quốc tế ở Pháp nhận xét.
"Theo quan điểm của công chúng, ông Sarkozy đã không thể hiện tốt các khía cạnh xã hội và kinh tế lẫn phong cách cá nhân mình để hoàn thành chức năng của Tổng thông" - ông Eddy nói với phóng viên Tân Hoa Xã.
Nhận ra điểm yếu của đối thủ, ông Hollande đã thành công với những chính sách thúc đẩy công bằng xã hội và tăng trưởng kinh tế đầy hứa hẹn và phác họa bức chân dung của mình là một phiên bản đối lập với Tổng thống Sarkozy khi tự nhận mình sẽ  trở thành "một Tổng thống bình thường".
Bên cạnh đó, trong quá trình vận động tranh cử, ông Sarkozy đã khởi động rất muộn và không có một chương trình cụ thể nào trong một thời gian dài. Trong khi đó, ông Hollande đã tích cực hoạt động từ đầu đến cuối. 

Tổng thống Sarkozy cùng phu nhân Carla đi bỏ phiếu ngày 6/5.
Tổng thống Sarkozy cùng phu nhân Carla đi bỏ phiếu ngày 6/5.

Như lời ông Hollande nói trong chiến dịch tranh cử của mình, ông không bao giờ đánh giá thấp ông Sarkozy, nhưng ông Sarkozy đã sai lầm khi đánh giá thấp thách đối thủ của mình.
Nhìn lại bức tranh toàn diện của nền chính trị Pháp, đảng Xã hội luôn luôn thể hiện là một người giám hộ quyền công dân, tự do dân chủ và bình đẳng.

Và đối với nhiều cử tri Pháp, những người đang cảm thấy không "an toàn" trong bối cảnh đối mặt với khủng hoảng kinh tế và xã hội cũng như các cam kết thắt lưng buộc bụng của EU - đó chính là một lựa chọn tốt nhất trong thời điểm này.
Một số nhà quan sát thậm chí còn nói rằng, chính phủ hiện đang bị trừng phạt bởi các cử tri Pháp trong bối cảnh diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế.

Nhưng cần lưu ý rằng "phá hủy luôn luôn là một nhiệm vụ dễ dàng hơn so với việc xây dựng một cái gì đó" - Giáo sư Phillipes Moreau Defarges, một chuyên gia về chính sách của Pháp cảnh báo. 
"Cuộc khủng hoảng hiện nay thực sự đã làm tăng cơ hội cho ông Hollande" - ông nói thêm.
Nguyễn Hường (theo Tân Hoa Xã)